Sức mạnh của tiêm kích Pháp Rafale lần đầu tiên đến Việt Nam

Thứ Sáu, 31/08/2018, 10:36
Với đội hình gồm 100 thành viên và 3 máy bay chiến đấu Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135, một máy bay A310, Pháp đã lần đầu tiên thực hiện Chiến dịch triển khai đội hình không quân tầm cỡ tại Việt Nam kể từ năm 1954 đến nay.

Đoàn bay của Pháp được các tiêm kích Sukhoi của Việt Nam hộ tống khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài chiều 26-8.

Dòng tiêm kích chung cho Không quân và Hải quân

Sự có mặt của đội bay Pháp tại Việt Nam trong 4 ngày (từ 26 đến 29-8) cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Hành trình tới châu Á - Thái Bình Dương của đội bay Pháp diễn ra sau đợt diễn tập quân sự mang tên Pitch-Black ở Australia từ 27-7 đến 17-8.

Trước khi đến Việt Nam, đội hình bay của Pháp đã ghé thăm Indonesia, Malaysia và dự kiến sẽ tiếp tục thăm Singapore, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Olivier  Sigaud cho biết, đây là chiến dịch không quân đầu tiên của Pháp tại Việt Nam kể từ năm 1954 đến nay.

Hồ sơ của Bộ Quốc phòng Pháp cho thấy, việc phát triển Rafale khá là tình cờ và cũng trải qua nhiều khó khăn. Vào giữa thập niên 1970, Không quân Pháp và Hải quân Pháp đã nhiều lần yêu cầu sản xuất một loại tiêm kích thế hệ mới để thay thế những máy bay đã lỗi thời. Đồng thời, cả Không quân Pháp và Hải quân Pháp đều thống nhất chỉ phát triển một dòng tiêm kích chung cho cả hai lực lượng.

Các tiêm kích Rafale lần đầu tiên có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Năm 1975, Bộ Hàng không Pháp bắt đầu nghiên cứu một phi cơ mới để bổ sung là Dassault Mirage 2000, với mỗi máy bay được tối ưu hóa cho các vai trò khác nhau. Năm 1979, Hãng Dassault Aviation gia nhập chương trình ECF (European Collaborative Fighter/ Máy bay tiêm kích do châu Âu phát triển) do MBB/BAe khởi xướng, sau đó chương trình được đổi tên thành ECA (European Combat Aircraft/Máy bay tiêm kích của châu Âu).

Dự án này nhằm tiết kiệm chi phí cho các nước châu Âu và tăng hiệu quả cạnh tranh thương mại với Mỹ. Khi đó, Dassault Aviation đã giới thiệu mô hình máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi, 2 động cơ tên là ACX. Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm, Pháp rút khỏi dự án để độc lập phát triển Rafale.

Rafale có thiết kế cánh tam giác, một đặc trưng trong các loại máy bay chiến đấu do Dassault Aviation chế tạo. Trong khi đó, các nước khác gồm Italia, Tây Ban Nha và Anh đã lựa chọn và thành lập chương trình ECA mới để cùng nhau thiết kế một loại tiêm kích mặc dù sau này cả ba lại cũng có những phát triển của riêng họ.

Đòi hỏi của Bộ Quốc phòng Pháp trong việc phát triển Rafale là tiêm kích này phải thực hiện được các vai trò của những máy bay trước đây, bao gồm Jaguar, F-8P Crusader, Mirage F1C/CR/CT, Mirage 2000-5/ N, Étendard IVP/ M và Super Étendard. Ngày 4-7-1986 tức gần 10 năm sau, nguyên mẫu thử nghiệm công nghệ mang tên Rafale A – một tiêm kích cỡ nhỏ đã lần đầu tiên cất cánh từ căn cứ Istres-Le Tube ở miền Nam nước Pháp, khởi đầu quá trình bay thử kéo dài 8 năm, mở đường cho dự án Rafale mới.

Rafale A là máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi cánh delta với cánh mũi tự động, sử dụng hệ thống kiểm soát Fly-By-Wire (FBW). Hãng tin AFP cho hay, công việc chế tạo mẫu thử nghiệm bắt đầu từ tháng 3-1984, thậm chí trước khi hợp đồng được ký giữa Dassault Aviation với cơ quan mua sắm quốc phòng của Pháp. Tháng 12-1985, mẫu thử nghiệm kỹ thuật cũng đã được giới thiệu tại Saint-Cloud nhưng chưa thực hiện bay.

Trong suốt 8 năm thử nghiệm, mẫu Rafale A đã thực hiện 865 chuyến bay với 4 phi công. Rafale đã có thể đạt được tốc độ Mach 2 ở độ cao 13.000m và có thể cất cánh cả ngày lẫn đêm trên tàu sân bay. Điều lạ là hết thời gian thử nghiệm, Rafale A không được cấp cho lực lượng nào mà lại nghỉ hưu.

Sau này, trong một lần trả lời báo chí, đại diện Bộ Quốc phòng Pháp có lý giải rằng, việc dừng sản xuất Rafale A là bởi Pháp muốn cho ra đời loại chiến đấu cơ hiện đại hơn, đủ sức thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau.

Tiêm kích Rafale là một trong những máy bay chiến đấu đáng sợ nhất hành tinh. ảnh: Getty.

“Đắt xắt ra miếng”

Năm 1996, một kế hoạch mới về phát triển Rafale lại được thực hiện và đến tháng 5-2001, loại tiêm kích này được đưa vào biên chế chính thức của Không quân và Hải quân Pháp. Dòng Rafale này được phát triển thành 3 phiên bản gồm biến thể B hai chỗ ngồi, biến thể C một chỗ ngồi cho không quân và mẫu Rafale M cho hải quân.

Hiện tại, các phiên bản của Rafale đang tiếp tục được chế tạo để sử dụng cho cả các căn cứ trên mặt đất của Không quân Pháp và trên tàu sân bay của Hải quân Pháp. Một phiên bản rút gọn cũng sẵn sàng xuất xưởng nếu các đối tác quốc tế có nhu cầu.

Giới quân sự nhận định, Rafale là một trong số những tiêm kích đáng sợ nhất hành tinh. Rafale vừa có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ của một chiến đấu cơ, vừa có thể thay thế được hoạt động của 7 loại máy bay. Chiến đấu cơ này có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, hàng hải và ném bom hạt nhân chiến thuật.

Về động cơ, Rafale được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy thô 50 kN/chiếc, 70 kN có đốt sau. Hai động cơ này đủ sức đưa Rafale di chuyển ở tốc độ tối đa 1.912 km/h ở cao độ lớn và 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển. Một điểm đáng chú ý nữa là Rafale có tới 14 điểm treo vũ khí dưới cánh với phiên bản B/C, 13 điểm treo vũ khí với phiên bản hải quân.

Tổng tải trọng vũ khí mà Rafale mang theo thông thường là 6-8 tấn nhưng nếu cần thiết, có thể lên đến 9,5 tấn. Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ như tên lửa đối không và đối đất, bom dẫn đường, tên lửa chống hạm, tên lửa hạt nhân và các cụm thiết bị trinh sát. Tiêm kích này cũng có một pháo GIAT 30 DEFA cỡ nòng 30 mm để sử dụng trong các nhiệm vụ không chiến tầm gần.

Mô phỏng cấu tạo và các tính năng của tiêm kích Rafale.

Điểm khác biệt tạo nên sức mạnh cho Rafale chính là hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp có tên SPECTRA. Hệ thống này được trang bị các cảm biến bố trí xung quanh máy bay, cung cấp khả năng phát hiện, nhận dạng và xác định mối đe dọa. Nó giúp phi công nhận thức được tình huống và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp nhất, tăng khả năng sống sót cho máy bay trong chiến đấu.

Các hệ thống trung tâm của Rafale sử dụng một thiết bị điện tử Modul tích hợp (Integrated Modular Avionics-IMA), được gọi là thiết bị xử lý dữ liệu Modul (Modular Data Processing unit-MDPU). Bên cạnh đó, Rafale còn có thể sử dụng nhiều hệ thống cảm biến thụ động: hệ thống cảm biến điện quang học (Electro Optical System) phía trước hay Optroniques Secteur Frontal do Hãng Thales phát triển.

Và dù không được ứng dụng công nghệ tàng hình do chi phí quá cao, Rafale vẫn có diện tích phản xạ radar (RCS) thấp, khiến nó rất khó bị đối phương phát hiện. Trong khi đó, radar của Rafale là loại ASEA RBE2 AA, giúp phát hiện các mục tiêu đường không từ khoảng cách trên 200km.

Theo nhiều nguồn tin, đến nay, Hãng Dassault Aviation đã bán cho Bộ Quốc phòng Pháp 180 chiếc Rafael, trong đó Không quân có 63 chiếc Rafale mẫu B hai ghế ngồi và 69 chiếc Rafale mẫu C một ghế ngồi. Hải quân Pháp được 48 chiếc Rafale M phiên bản dùng trên tàu sân bay có một ghế ngồi. Với hơn 30.000 giờ bay, mẫu chiến đấu cơ này đã chứng minh được bản thân trên nhiều chiến trường như Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria.

Nhiều báo cáo cho biết hiện Pháp đã triển khai 9 chiếc Rafale tại các căn cứ ở UAE và 6 chiếc Mirage ở Jordan. Bên cạnh đó, hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của nước này cũng luôn mang theo 20 chiếc Rafale. Chi phí cho mỗi chiếc Rafale vào khoảng từ 91-98 triệu USD, chưa kể hệ thống vũ khí và chi phí phụ tùng bảo dưỡng.

Và vì là một trong những loại tiêm kích đắt đỏ nhất thế giới nên dù được tiếp thị nhiều, nhận được sự quan tâm của các quốc gia song mãi tới năm 2014, Rafale mới tìm được 3 khách hàng đầu tiên mua loại máy bay này là Ai Cập với 24 chiếc, Quatar với 26 chiếc và Ấn Độ mua 36 chiếc.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.