Tác dụng chữa bệnh thần kỳ của máu

Thứ Hai, 13/02/2017, 22:20
Sử dụng máu để chữa trị một số bệnh hay triệu chứng khó chịu là phương pháp đang được phát triển trong y khoa hiện nay. Thậm chí, máu của chính bệnh nhân cũng giúp chặn đứng hiện tượng lão hóa. Theo một nghiên cứu được công bố không lâu, truyền máu chuột "trẻ" hơn cho chuột "già" hơn giúp phục hồi hệ cơ và gan của chuột trong vòng 24 giờ.

Máu rất có ích bởi vì nó chứa các tế bào với nhiều chức năng khác nhau. Ví dụ, những tế bào máu nhỏ nhất (tiểu cầu, đường kính chỉ bằng 20% hồng cầu) phóng thích các chất kích thích sinh trưởng, protein gửi tín hiệu để tăng cường sửa chữa mô và sự phục hồi trong xương, da và sụn.

Lennard Funk, Giáo sư và chuyên gia phẫu thuật Bệnh viện Wilmslow ở Cheshire miền tây nước Anh, giải thích: "Khi vết thương xuất hiện, tiểu cầu là các tế bào đầu tiên có mặt tại 'hiện trường” và phóng thích ngay các chất kích thích sinh trưởng để bắt đầu công việc chữa lành vết thương". Do tiến trình trị liệu diễn ra từ chính cơ thể bệnh nhân cho nên an toàn hơn đồng thời nguy cơ xảy ra những phản ứng ngược giảm bớt rất nhiều.

Năm 2015, người mẫu Kim Kardashian sử dụng máu từ cánh tay để trẻ hóa làn da mặt.

Phương pháp điều trị bằng máu dẫn đến liệu pháp gọi là huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) - tức là máu bệnh nhân được nạp tăng cường những tiểu cầu giúp chữa lành vết thương. Dưới đây là một số ứng dụng trị liệu bằng máu trong y khoa.

Viêm khớp gối

Những biện pháp được xem là lựa chọn thích hợp cho bệnh viêm khớp gối từ trước đến nay là: thuốc giảm đau, tập thể dục, phẫu thuật nội soi (còn gọi là phẫu thuật lỗ khóa hay ít xâm lấn) và thay thế khớp. Tuy nhiên, hiện nay một số chuyên gia đề xuất phương pháp tiêm máu của bệnh nhân trực tiếp vào đầu gối để ngăn chặn bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù còn chưa được công nhận là phương pháp điều trị chuẩn, song hiện nay một số chuyên gia đề xuất tiêm máu trực tiếp vào đầu gối để ngăn chặn bệnh viêm khớp trở nên tồi tệ thêm.

Nghiên cứu năm 2013 được tiến hành bởi Bệnh viện Phẫu thuật đặc biệt ở New York chứng minh việc tiêm các tế bào máu của chính bệnh nhân vào đầu gối của họ giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp và cũng làm chậm sự phát triển thành viêm khớp mạn tính.

Bác sĩ Brian Halpern, chuyên gia về y khoa thể thao và lãnh đạo cuộc nghiên cứu, giải thích rằng "các tiểu cầu kích hoạt chất kích thích sinh trưởng cùng với tế bào gốc giúp sửa chữa mô, làm dịu các triệu chứng viêm khớp mạn tính và giảm viêm".

Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ thực hiện với một nhóm người tình nguyện rất nhỏ - chỉ gồm 15 người. Vikas Vedi, nhà phẫu thuật chỉnh hình thuộc Bệnh viện BMI Bishops Wood ở Northwood thuộc hạt Middlesex miền nam nước Anh, tiến hành cuộc nghiên cứu cao cấp hơn - tiêm huyết tương giàu tiểu cầu cô đặc vào đầu gối bệnh nhân. Kỹ thuật hiện đang được sử dụng tại London với kết quả tốt song chưa rõ hiệu quả kéo dài bao lâu.

Chữa lành vết thương

Theo một nghiên cứu mới đây, sử dụng gel chứa máu bệnh nhân có thể giúp chữa lành vết thương và vết bỏng. Không chỉ làm lành vết thương một cách nhanh chóng mà lớp gel còn là lá chắn chống nhiễm trùng. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2015 trên tờ World Journal of Plastic Surgery, kỹ thuật PRP có thể giúp cố định phần da ghép thay thế cho chất keo dính, đinh kẹp hay mũi khâu.

Máu trở nên có ích nhờ nó chứa các tế bào với nhiều chức năng khác nhau. Ví dụ, máu chứa các protein gửi tín hiệu giúp tăng nhanh tiến trình sửa chữa mô.

Vào vào đầu tháng 12-2016, nhóm nhà nghiên cứu Đại học Genova ở Italia sử dụng gel giàu PRP tương tự để điều trị bệnh loét da mạn tính thường gặp nơi bệnh nhân đái tháo đường. Nghiên cứu - được công bố trên tạp chí Journal of Tissue Engineering & Regenerative Medicine - chứng minh được kỹ thuật PRP giúp làm tăng độ dày lớp da tái sinh và tăng cường nhiều mạch máu khỏe mạnh để cải thiện sự cung cấp máu đến khu vực.

Cơ và gân

PRP hiện nay được các vận động viên sử dụng rộng rãi để chữa trị bong gân cũng như thương tổn ở vùng gót chân, vai và khuỷu tay. Phương pháp này cũng được hệ thống bệnh viện công ở Anh khuyến khích để xử lý những vấn đề khó chịu này. Các chất kích thích sinh trưởng của tiểu cầu gửi tín hiệu đến các tế bào còn chưa trưởng thành để chúng phát triển thành gân hay mô dây chằng mới.

Mặc dù còn nghi ngờ phương pháp này, song Stephen Cannon - nhà phẫu thuật chỉnh hình thuộc Bệnh viện Chỉnh hình quốc gia Hoàng gia ở Stanmore thuộc hạt Middlesex của Anh - vẫn hy vọng vào tương lai của PRP.

Mất tóc

Khoảng một nửa số nam giới ở tuổi 50 thường bị hói đầu, và khoảng 50% số phụ nữ trên 65 tuổi cũng bị tình trạng mất tóc tương tự. Vấn đề là, sự kết hợp của yếu tố di truyền và hormone khiến cho các nang tóc dần trở nên nhỏ đi cho đến khi co hẹp lại hoàn toàn và ngưng sinh ra tóc.

Tuy nhiên, phương pháp tiêm PRP vào lớp da đầu giúp làm chậm hay đảo ngược tiến trình này bằng cách tiết ra một số chất kích thích sinh trưởng tác động tích cực đến tiến trình mọc tóc. Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Journal of Dermatologic Surgery, giải pháp tiêm PRP giúp giảm hiện tượng mất tóc đồng thời tóc sẽ trở nên dày hơn. Bác sĩ Nick Loew ở Hiệp hội các bác sĩ da liễu Anh đánh giá: "Tuy nhiên, phương pháp này không giúp cho tóc mọc thêm nhiều lên, nghĩa là sự điều trị sớm sẽ thành công hơn khi tình trạng hói đã xuất hiện".

Mất răng

Máu của chính bệnh nhân cũng có thể cho phép bạn trì hoãn thời gian đến gặp nha sĩ. Nhổ răng gây mất xương trong hàm và sự thiếu nhiều xương là nguyên nhân chính khiến cho kỹ thuật sử dụng vật cấy răng đắt tiền không thành công. Tuy nhiên, tiêm hỗn hợp gel và huyết tương giàu tiểu cầu trực tiếp vào chân răng giúp ngăn chặn tình trạng mất xương. Gel cho phép cải thiện tiến trình sản sinh protein tạo xương vốn đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành xương mới.

Trong một nghiên cứu, những bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật PRP sau khi nhổ răng giúp cho xương phát triển nhanh trở lại chỉ trong vòng 1 tuần. Và, mô mềm cũng lành nhanh nữa. Tuy nhiên, Gciáo sư Damien Walmsley ở Hiệp hội Nha khoa Anh cảnh báo nghiên cứu này cần được mở rộng thêm nữa mới có thể kết luận một cách chắc chắn.

Xương gãy

Làm liền xương gãy nhanh hơn là vấn đề khó khăn cho các nhà khoa học và hiện nay họ đang nghiên cứu khả năng xử lý của máu. Nghiên cứu năm 2012 của Ấn Độ cho thấy sau vài lần tiêm PRP thì 50 đến 55 bệnh nhân gãy xương chân được chữa lành và phục hồi nhanh chóng.

Vấn đề là, PRP phóng thích các protein kiểm soát sự hình thành xương. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học Ấn Độ sử dụng PRP chứa lượng tiểu cầu rất cao - hơn mức bình thường 5 lần. Và, đây cũng là lần đầu tiên PRP "cô đặc" tiểu cầu được sử dụng trong thí nghiệm. Hiệu quả của kỹ thuật PRP chữa lành xương gãy được công bố hồi tháng 11-2016 trên Tạp chí International Orthopaedics.

Sẹo

Máu cũng chứng tỏ hiệu quả đáng ngạc nhiên đối với những vết sẹo lõm xấu xí. Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm 2016 trên Tạp chí The Journal of Cosmetic Dermatology cho biết những vết sẹo lõm sâu (ví dụ như hậu quả của mụn phát triển quá nặng) được cải thiện đến 62% sau khi được chữa trị bằng PRP. Dù không làm biến mất toàn toàn những vết sẹo mất thẩm mỹ, song đây cũng là tin vui cho những người muốn đánh bay sẹo trên mặt mình.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.