Tại sao trẻ em coi trợ lý giọng nói cũng là người?

Chủ Nhật, 11/04/2021, 13:14
Trẻ em tiếp nhận trợ lý giọng nói như là những tạo vật sống - các nhà khoa học Nga đã đi đến kết luận như vậy. Vì điều này mà trong tương lai đứa trẻ có thể nhiễm "bệnh nghiện bot".

Sputnik đã trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực AI để phân xử xem thực chất việc cho trẻ em làm bạn với "người máy" có nguy hại đến thế hay không?

Gần như người thực

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa mang tên Piotr Đại đế (SPbPU) thấy rằng các trẻ em dưới 9 tuổi tiếp nhận trí tuệ nhân tạo như là một sinh thể sống. Kết quả nghiên cứu này đã công bố trong tuyển tập kỷ yếu "Tri thức trong xã hội thông tin".

Các trẻ em mẫu giáo hiện đại còn chưa biết đọc biết viết, nhưng đã sớm có những cuộc trò chuyện với trợ lý giọng nói. Trong đó, những câu hỏi được đặt ra luôn là về một điều gì đó mang tính cá nhân: "mẹ bạn là ai?", "bạn sống ở đâu?", "tóc bạn màu gì?".

Các thành viên của nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận dựa trên cơ sở dữ liệu là các câu hỏi mà trẻ từ 5 đến 9 tuổi nêu ra với "cô" trợ lý giọng nói Nga có tên là Alisa. Nhóm tuổi này không được lựa chọn một cách tình cờ, vì các trẻ em trên 9 tuổi thường bắt đầu cố tình khiêu khích trêu chọc người đối thoại ảo, nêu những câu hỏi khó giải đáp và bất tiện, ví dụ như "làm thế nào để cướp nhà băng?".

Là bạn hay là thù?

Liệu các kết quả nghiên cứu có nghĩa là đến một ngày nào đó AI có thể trở thành người bạn chính thức của đứa trẻ hay không? Câu trả lời ở đây không đồng nhất. 

Chuyên gia Xu Canhao, Giáo sư tại Đại học Sư phạm Liên hợp Bắc Kinh và Đại học Baptist Hồng Kông, cho rằng hiện tại tác động của AI đối với trẻ em vẫn còn rất nhỏ, không đáng kể. Mọi chuyện là ở sự thiếu hoàn hảo về công nghệ và những hạn chế do áp đặt chủ kiến của các tập đoàn đang phát triển "người máy" AI này. Bởi tư duy của con người là một chuyện, nhưng khả năng công nghệ phù hợp với trình tư duy đó lại là chuyện khác. 

Ngày nay, trẻ em không mấy khó khăn sẽ biết ngay là người máy-bot hay người thật đang nói chuyện với các bé. Ngoài ra, trợ lý giọng nói hiện đại có cách tiếp cận theo mục tiêu nhắm đến những nhóm người khác nhau, đặt ra hạn chế và khuyến nghị riêng dành cho họ. 

Trong quá trình cuộc "đối thoại", những AI như vậy có khả năng phân định các phát ngôn tuyên bố gây tranh cãi. Khi đó, AI có thể tự quyết định không trả lời những câu hỏi "gai góc" như vậy. 

Tất cả là bởi Al là sản phẩm của công ty cụ thể này hay doanh nghiệp kia, mà trợ lý giọng nói là một kiểu "người đại diện". Và câu trả lời này hay giải đáp kia của trợ lý giọng nói có thể được đánh giá như là chính sách của công ty.

Ý tưởng về trí tuệ nhân tạo AI, như một trợ lý hoặc người bạn của đứa trẻ, đã được nhà phát minh người Nga Andrey Teslenko quyết định sáng chế. 

Dự án Mishka AI của ông đã kết hợp gấu bông và công nghệ trí tuệ nhân tạo để giúp các bậc cha mẹ nuôi dạy con cái: gấu bông yêu cầu đứa trẻ làm những bài tập hữu ích khác nhau, gọi điện về nhà khi đi dạo, nhắc rửa tay và biết nhiều chuyện cổ tích.

"Tất nhiên, cha mẹ cần nuôi dạy con cái. Do đó, phần lớn các kịch bản mà chúng tôi phát triển đều gắn với sự tham gia của ba bên trong tiến trình: trẻ em, gấu bông-robot và cha mẹ", ông Teslenko nói.

Trẻ em không mấy khó khăn sẽ biết ngay là người máy-bot hay người thật đang nói chuyện với các bé.

Bot ảo thay cho người thật

Không chỉ ở trẻ em có sự hiếu kỳ cuốn hút đến những thứ vô tri vô giác. Nhiều người trưởng thành là fan cuồng của xu hướng thời thượng châu Á - vocaloid, nghệ sĩ biểu diễn nhạc điện tử. Hoặc ngày càng thường xuyên nghe thấy nhiều về sự xuất hiện các blogger ảo hoặc thậm chí là người mẫu ảnh. 

Ví dụ, ca sĩ điện tử Trung Quốc Luo Tianyi còn được phép biểu diễn tại Gala Tết năm nay, còn người mẫu ảo Trung Quốc tên Ling thì được tô điểm cho trang bìa của tạp chí mốt Vogue. 

Ở Nhật Bản, người ta thậm chí còn kết hôn với các thần tượng điện tử, và những nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng nhất loại này kiểu như Hatsune Miku thu hút người hâm mộ trung thành đến đông chật những sân vận động khổng lồ.

Năm ngoái, ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc được định giá chưa đến 100 triệu nhân dân tệ. Theo dự báo, đến năm 2023, chỉ số này sẽ tăng đến 1,5 tỷ nhân dân tệ.

"Theo tôi nghĩ lý do quan trọng nhất là ở chỗ các thần tượng ảo có thể phù hợp với nhiều thị hiếu khác nhau: màu tóc hay màu mắt. Al cho phép thực hiện những cài đặt khác nhau nhất, kể cả là phân bố các đường nét trên khuôn mặt, tỷ lệ cơ thể, giọng nói và v.v... Giúp thỏa mãn mọi người và đáp ứng những tưởng tượng dù có vẻ hoang đường của họ", chuyên gia Xu Canhao giải thích.

Còn chuyên gia Nga Daria Bylieva cho rằng robot có khả năng trả lời câu hỏi, ca hát, kể chuyện, không chỉ đơn thuần khơi dậy sự tò mò của mọi người. Bot sẽ trở nên hấp dẫn như là một con người thật. 

Điển hình nổi bật là chatbot XiaoIce của Trung Quốc, có khả năng thực hiện cuộc đối thoại hoàn chỉnh với người dùng và học cách bắt chước những cảm xúc cần thiết. Không ngẫu nhiên mà có hơn 660 triệu người giao tiếp với cô ấy".

"XiaoIce là một bot tự học của Trung Quốc, cho thấy sự phát triển của trợ lý ảo trong tương lai, những "người" không chỉ có kiến thức mà còn có trí tuệ cảm xúc. Tôi nghĩ rằng lợi thế của việc giao lưu với một "thực thể" như vậy là hiển nhiên, "cô ấy" luôn sẵn sàng trò chuyện, không bao giờ quên bất cứ điều gì, luôn sẵn sàng hỗ trợ, gợi ý, lắng nghe. Và nếu một người ở giai đoạn nào đó không thể tự hiện thực hóa bản thân, khó hoà nhập được trong tập thể, trong gia đình, trong cộng đồng, thì người ấy có thể nhận sự thay thế ảo", PGS Bylieva nói với Sputnik.

Minh Trang (theo Sputnik)
.
.