Tham vọng “thuộc địa trên mặt trăng” của Nhật Bản

Thứ Bảy, 06/10/2018, 08:44
Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, phòng thí nghiệm của ông Kazuya Yoshida tại Đại học Tohoku (Nhật Bản) bắt đầu rung lắc. Mọi thứ như từ trần nhà sụp xuống. Ngoài khơi thành phố Sendai, đáy biển tách ra kích hoạt một trận động đất đo được 9 độ Richter và sóng thần gây ngập lụt các khu vực trong nội đô Sendai.

Dù các sự kiện diễn ra dồn dập chỉ trong vòng vài phút, nhưng thời gian có vẻ như nở ra. Kết thúc thảm họa: gần 16.000 người đã chết.

Dự án “Thung lũng mặt trăng”

Với những người may mắn sống sót thì họ phải đối mặt với tình trạng không nước, không điện, không kết nối điện thoại. Nơi sinh sống của các cư dân phút chốc trở nên đáng sợ, như thể ở trên một hành tinh lạ.

Bên trong phòng thí nghiệm của Yoshida, một nhóm nhà nghiên cứu chỉ mới kết thúc việc thử nghiệm phiên bản đầu tiên của chiếc xe tự hành trên mặt trăng, gần như đã sẵn sàng cho chạy thực địa. Chiếc xe tự hành trị giá 20 triệu USD, mang tên là Google Lunar X Prize, hình con bọ cánh cứng, nặng 22 cân Anh. May thay là cỗ máy không bị hỏng hóc gì.

Giáo sư Kazuya Yoshida tại Đại học Tohoku (Nhật Bản), "cha đẻ" của xe tự hành trị giá 20 triệu USD trong dự án Google Lunar X Prize.

John Walker, một thực tập sinh người Canada từng là một cựu kỹ sư đường sắt, làm việc tại phòng thí nghiệm của GS Yoshida khi đó. Walker tỏ vẻ lo lắng cho chiếc xe tự hành và biết rằng đại học đã đóng cửa, vì thế anh ta quyết định mang cỗ máy ra ngoài. Họ đã tạo ra một sáng tạo mới trong phòng thí nghiệm gọi là iSpace. iSpace muốn đưa cỗ máy lên mặt Trăng và cuối cùng là thành lập hẳn một khu định cư thường trú trên mặt trăng, trong đó trái đất và mặt trăng hoạt động như những hệ văn minh độc lập.

Đối với người Nhật, iSpace là bước đệm từ trái đất để có thể chinh phục vũ trụ trong tương lai. Nước Nhật và cư dân của họ đang háo hức thành lập các dự án khởi nghiệp không gian, và hiện đã cho ra đời một loại xe tự hành nhỏ gọi là Sorato.

Ngày hôm nay xe tự hành iSpace nặng chỉ đúng 8,3 cân Anh, trông như một con rệp được gắn vào chiếc xe tăng nhỏ xíu, thân máy bằng sợi carbon, bánh xe trông như những chiếc guồng quay nước, và 4 camera có thể xoay một góc 360 độ; ngoài ra còn có một camera theo dõi những mối nguy hiểm và điều hướng cho cỗ máy.

Trong tương lai, iSpace hy vọng các khách hàng có thể đặt dụng cụ của họ vào trong những cỗ xe bọc thép này và phục vụ cho những cư dân định cư vũ trụ. iSpace đang mường tượng đến những con rô-bốt sẽ chuyển chở vật liệu lên mặt trăng để tạo dựng cái gọi là "Thung lũng mặt trăng", đó là một nơi mà con người có thể sinh sống trong bộ đồ vũ trụ, cùng làm việc và chơi đùa.

Nó là một viễn cảnh của thế kỷ 21 với sự phát triển hỗn hợp, các giá trị kinh tế và xã hội liên kết với trái đất. Xe tự hành của iSpace được xem như một khung giàn giáo để làm nền cho một đô thị vũ trụ nhắm tới các vấn đề quốc tế. Người Nhật đang thỏa sức sáng tạo trong lĩnh vực này.

Giờ đây iSpace còn có hẳn một cơ quan riêng, buổi ban đầu nó là một chi nhánh Châu Âu của cái gọi là White Label Space. Năm 2008, White Label Space đã ký hợp đồng tham gia với Google Lunar X Prize (ngân sách khi đó là 20 triệu USD) nhằm đưa tàu vũ trụ lên bề mặt mặt trăng, rồi gửi những hình ảnh và video trở ngược lại trái đất. White Label Space đã hợp tác với phòng thí nghiệm người máy học của GS Kazuya Yoshida, và đến năm 2010, nhóm (gồm 4 thành viên có cả CEO của iSpace-Takashi Hakamada (đóng vai trò tư vấn) đã thành lập nên White Label Space Japan, LLC. White Label Space ở Châu Âu sẽ đóng vai trò xây dựng trạm hạ cánh mặt trăng, phía đối tác Nhật Bản sẽ xây dựng xe tự hành Sorato (Thỏ trắng), truyền thuyết dân gian ở Nhật Bản cho rằng trên mặt trăng không có người mà chỉ có thỏ sinh sống.

Bản thân vũ trụ là nơi khắc nghiệt, các loại tên lửa có thể nổ tung trong môi trường này, nhưng chuyện điều hành một công ty không gian còn nhọc nhằn hơn. Những năm đầu tiên, lực lượng nhân sự của iSpace chỉ là các tình nguyện viên, nhà sáng lập Takeshi Hakamada phải dốc tiền túi lo mọi thứ.

Các dự án khởi nghiệp vũ trụ tại Nhật

Và với giải thưởng Google Lunar X được bắt đầu với 32 đội thi thố, sau cùng chỉ còn lại 5 đội, White Label Space Châu Âu nằm trong số đó. Họ đổi tên nhóm là Hakuto (thay vì là White Label Space Nhật Bản). CEO Takeshi Hakamada chép miệng than: "Hồi năm 2013, tài khoản ngân hàng của tôi "bốc hơi" hết". Hakamada đã mượn tiền của cha mẹ để giữ cho cả đội làm việc ổn định, và khi đó đội Hakuto đã đoạt được giải thưởng Mobility Milestone với phần thưởng trị giá gần nửa triệu USD.

Thực tập sinh John Walker nhớ lại: "Đó là lần đầu tiên công chúng công nhận hợp pháp của chúng tôi". "Người Nhật mê tít vũ trụ", dẫn lời ông Hidetaka Aoki, một nhà tư bản liên danh tại Hợp tác xã chất xám toàn cầu (GBC), công ty này đang có một bộ phận về không gian và người máy học. Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ về số lượng các nhà đầu tư khởi nghiệp không gian.

Nhưng phần lớn số tiền cho các dự án khởi nghiệp lại đến từ bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Minh chứng là Hãng hàng không Nhật (Japan Airlines) đã đầu tư vào Bloom Technology (Colorado, Mỹ) nhằm chế tạo máy bay siêu âm. Hay tập đoàn Itochu (Tokyo) đang đầu tư tiền cho công ty phân tích vệ tinh Orbital Insight.

Cũng theo lời nhà tư bản Hidetaka Aoki thì những đại công ty công nghệ Nhật Bản đang có quá nhiều tiền và "họ không biết phải làm gì với số tiền đó". Nên chăng rót một ít tiền vào các công ty không gian? Ở iSpace, đội Hakuto còn có cả một câu lạc bộ người hâm mộ chính thức. Hakuto đã đi đúng hướng, iSpace đã hợp tác với TeamIndus (Ấn Độ) để xây dựng một cỗ xe đổ bộ và một hợp đồng phóng lên mặt trăng. Hakuto đã thử nghiệm xe tự hành quanh những đụn cát ở Tottori (đảo Honshu).

Ý tưởng về "Thung lũng mặt trăng" luôn thôi thúc tâm trí người Nhật. Ngoài ra, công quốc Luxembourg cũng bắt đầu phát động Sáng kiến Nhân lực không gian (SRI) hứa hẹn trao ngân sách và hệ thống luật thông thoáng cho các công ty không gian có quyền thành lập văn phòng chi nhánh ở Luxembourg. Đại công tước Luxembourg tin rằng "tài nguyên không gian" sẽ là một phần quan trọng của tương lai, và thu hút các công ty đóng một vai trò quan trọng trong tương lai.

Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.