Thầy giáo dạy sử và những phát minh rất đời

Thứ Bảy, 12/03/2016, 16:00
Câu chuyện về thầy giáo dạy sử Trần Đình Thuy có nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn cao đã không còn xa lạ với người dân 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Trong những sáng kiến đó phải kể đến 3 công trình nghiên cứu: Khóa nước phao bi, xe đạp cộng lực, bình năng lượng mặt trời cao hơn bồn và một công trình khác là thiết bị nhổ mỳ bằng tay. Chiếc xe đạp cộng lực chạy bằng năng lượng gió là sản phẩm mới nhất của thầy giáo Thuy.

Dụng cụ nhổ sắn và chiếc xe đạp mượn sức gió

Khi còn công tác tại Ban Dân vận tỉnh Kon Tum, nhiều lần xuống cơ sở, chứng kiến cảnh bà con nông dân gò lưng nhổ mỳ (sắn), vừa tốn nhiều sức, năng suất lao động lại thấp, anh Trần Đình Thuy thấy áy náy. Một lần trao đổi với ông Trương Văn Thanh, nguyên Chủ tịch và anh Hòa tài xế của Hội Nông dân tỉnh Kon Tum, cả hai đề xuất nên nghiên cứu chế tạo ra một thiết bị nhổ mỳ cầm tay cho bà con nông dân đỡ vất vả.

Trần Đình Thuy và chiếc xe đạp có gắn tuabin gió.

“Sau khi tìm hiểu về nguyên lý, thổ nhưỡng, tôi về mày mò nghiên cứu. Qua nhiều mẫu chế tạo và nhổ thí nghiệm, tôi đã hoàn thành dụng cụ nhổ mỳ cầm tay có trọng lượng 2,5 kg, lực nhổ gấp 5 lần so với lực của con người. Ở những vùng đất cứng, nhờ có dụng cụ nhổ cầm tay, thao tác đơn giản, gốc mỳ được nhổ lên nhẹ nhàng, hiệu quả”, anh Thuy cho biết. Sản phẩm của anh được Hội Nông dân và nhiều bà con đánh giá cao. Tuy nhiên nó vẫn chưa được sản xuất và đưa vào sử dụng đại trà vì nhiều nguyên nhân, mà lý do chính là không có kinh phí sản xuất.

Ngoài máy nhổ mỳ cầm tay, anh Thuy còn chế tạo ra chiếc xe đạp sử dụng năng lượng gió. Chiếc xe đạp này có gắn tuabin gió phía trước, sử dụng năng lượng gió hỗ trợ khi tham gia giao thông. Xe có cấu tạo bánh trước nhỏ, sau to, để hạ độ cao tuabin gió xuống. Tay lái xe mang tính thẩm mỹ cao, gồm 2 dây cung của hình elip hợp lại, liên kết 2 dây cung là một đường tròn, trong đường tròn gắn quả cầu, phía bên dưới hai dây cung là một mặt nạ.

Là giáo viên dạy sử, anh Thuy muốn gửi gắm lịch sử đất nước vào sáng chế của mình bằng ý tưởng khắc trên quả cầu: hình ảnh lãnh thổ Việt Nam và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; còn mặt nạ khắc hình ảnh tượng đài Người mẹ giữ lửa, đang xây dựng ở đảo Lý Sơn. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử được khắc trên quả cầu và mặt nạ của tay lái, phần khung xe anh thiết kế hình con mang lớn, loài thú quý hiếm, vừa để trang trí, vừa nhắn nhủ mọi người cần có ý thức bảo vệ loài thú có nguy cơ tuyệt chủng này.

Một mô hình thí nghiệm xe gió.

Trần Đình Thuy tâm sự: “Để làm ra chiếc xe đạp này, ngoài cái khó của đồng tiền, vật liệu để chế tạo ra các thiết bị trên xe còn khó khăn gấp bội. Riêng mấy cánh quạt và cái bầu đón gió, tôi đã phải lục tung các khu chợ mà không có. Sau cùng tôi phải mua mấy lá tôn về tự tay gò, cắt, tuy tốn nhiều công sức nhưng lại hiệu quả”.

Ưu điểm xe đạp của Thuy là có tuabin phía trước sẽ đón gió làm cho nó quay, qua bộ xích răng chuyển hướng sẽ làm cho lực được truyền xuống bánh, khi đó xe đi nhẹ hơn. Nếu chạy với vận tốc 30km/giờ thì xe sẽ được tăng thêm khoảng 25% lực.

“Lúc đầu trình bày ý tưởng, nhiều người bảo tôi điên. Lắp tuabin gió trước xe thì bị cản ngược lại, xe đạp thêm nặng. Lắp xong chạy thử, người bình thường có thể đạp được vận tốc 40km/giờ thì họ mới tin. Với xe này, giờ tôi có thể đạp xe hàng chục cây số mà không thấy mệt”, Trần Đình Thuy nói. Và anh hy vọng, với địa hình nhiều đồi núi gập ghềnh của Tây Nguyên, sản phẩm trên sẽ được bà con chấp nhận, ủng hộ, qua đó tạo động lực cho anh phát huy những ý tưởng lớn hơn...

Điều hòa không khí bằng... địa nhiệt

Về thiết bị điều hòa không khí bằng địa nhiệt, năm 2010, Thuy lấy nhà mình làm thí nghiệm. Qua quá trình thực nghiệm, anh kết luận rằng: Tây Nguyên không phù hợp với sử dụng địa nhiệt, mà đồng bằng mới là nơi phát triển của nó, bởi đồng bằng đáp ứng được yếu tố quan trọng đầu tiên là đất - chỉ cần đào xuống vài mét là đã có nước, dùng máy bơm tuần hoàn công suất nhỏ - giải nhiệt cho máy điều hòa, máy đông lạnh. Từ đây sẽ tiết kiệm rất lớn điện năng cho việc chạy máy điều hòa, kho đông lạnh...

Bình nước lọc sử dụng năng lượng mặt trời.

Việc sử dụng giếng thủy địa nhiệt giải nhiệt cho máy điều hòa, tủ cấp đông... sẽ giảm chi phí điện năng từ 30-35%. Với nghiên cứu này, năm 2011, Thuy được trao giải ba trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Kon Tum.

Trở lại năm 2000, một lần đang đi đường, Thuy thấy  hai người phụ nữ đi trên chiếc xe gắn máy bất ngờ bị ngã khiến cả hai bị thương nặng ở gần vòng xoay ngay trước UBND tỉnh Kon Tum. Nguyên nhân do người điều khiển xe quên gạt chân chống. Về nhà Thuy nghĩ mãi, cuối cùng anh nghĩ ra cách thiết kế một công tắc điện phụ gắn với chân chống. Công tắc điện phụ này được nối tiếp với công tắc chính – chìa khóa.

Khi ngồi lên xe máy, mở chìa khóa, khởi động động cơ sẽ không nổ, nếu như chưa gạt chân chống lên. Xe gắn thiết bị này bắt buộc người điều khiển xe phải gạt chân chống lên động cơ mới nổ, tham gia giao thông sẽ an toàn, không bị tai nạn do chân chống quên không gạt. Sau khi thiết kế xong, Thuy nhờ một người bạn là anh Hà Xuân Nguyên, hiện công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đánh máy, gửi tới Công ty Honda và Công ty SYM.

Anh Trần Đình Thuy chạy xe có gắn tuabin gió trên đường.

Không biết có phải nhờ ý kiến của anh không mà thời gian sau các công ty trên đã cải tiến, lắp đặt công tắc phụ cho chân chống xe tay ga, nhằm chống trộm và an toàn cho người sử dụng khi tham gia giao thông, chưa gạt chân chống thì xe không nổ máy. Ghi nhận ý kiến đóng góp của anh, Công ty Honda đã tặng một hộp bút và một bức thư cám ơn; Công ty SYM tặng anh một chiếc… áo mưa.

Địa hình và khí hậu Việt Nam có tài nguyên gió rất lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển turbine gió. Song với công nghệ động cơ gió hiện nay rất khó có thể khai thác được nguồn năng lượng dồi dào này, hơn nữa chi phí quá lớn. Qua 8 năm tìm hiểu các loại động cơ gió trên thế giới, nhiều lúc, cảm thấy bất lực, nhưng đến năm 2014, qua quá trình thí nghiệm chế tạo xe đạp gắn động cơ turbine gió, Thuy đã tìm ra cách chế tạo tuabin gió kiểu mới.

Theo trình bày của nhà sáng chế, turbine gió kiểu mới công xuất lớn hơn 50 MW, sẽ khai thác năng lượng gió hiệu quả hơn, dễ vận chuyển, bảo dưỡng hơn, dễ lắp đặt hơn, giá thành đầu tư thấp hơn. Rất có thể một ngày nào đó trong tương lai gần, động cơ turbine của thầây giáo dạy sử Trần Đình Thuy sẽ được đưa ra thị trường?

Cựu chiến binh – Thầy giáo “lập dị”

“Nhà sáng chế” Trần Đình Thuy sinh năm 1972 tại quê lúa Thái Bình, làng Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương. Năm 1986, cậu bé Thuy  theo cha vào Tây Nguyên sinh sống. Học ở Trường THPT Pleiku 2, Thuy cũng không có gì nổi bật. Nhưng từ bé, cậu đã rất thích chế tạo máy móc, nhất là những gì có liên quan tới năng lượng. Bao nhiêu vật dụng trong nhà cậu đều đem ra “thử nghiệm”.

Bị cha la mắng rồi đánh phạt, ngăn cấm, nhưng cậu vẫn chứng nào tật đấy. Mãi rồi ông cũng chán, mặc kệ cho con trai muốn làm gì thì làm. Suốt ngày tìm tòi, nghiên cứu, toàn nói những vấn đề cao siêu khiến không ít người cho rằng Thuy có vấn đề về thần kinh. Từ hồi ấy, cậu bé Thuy đã cho rằng, quan trọng nhất là phải  rèn luyện cho mình khả năng tự học, tư duy sáng tạo, chứ không phải là “nhai cho kỹ” kiến thức của người đi trước, và mong muốn làm được những điều mà người khác chưa làm được, nghĩ được những điều mà người khác chưa nghĩ ra.

Tốt nghiệp THPT năm 1990, Thuy đi bộ đội. Sau 6 năm phục vụ quân ngũ, anh trở về công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum. Năm 2001, vì lý do sức khỏe, Thuy nghỉ việc và thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Gia Lai – ngành lịch sử và trở thành giáo viên dạy môn sử tại Trường THCS Trần Khánh Dư, TP Kon Tum. Việc học cũng như việc dạy của Thuy lận đận như nhau.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, anh được nhận về Trường THCS Lý Thường Kiệt, thành phố Pleiku. Nhưng chỉ dạy được 1 năm, vì mải mê sáng chế, anh xin nghỉ việc. Niềm đam mê này khiến vợ con anh chẳng nhờ cậy được gì.

Để đỡ đần cho người vợ tảo tần, và để có tiền thực hiện ước mơ, năm 2005 anh lại xin đi dạy ở Trường THCS Trần Khánh Dư. Khi công việc tạm ổn được 5 năm, Thuy lại xin nghỉ dạy không lương 2 năm để dồn tâm huyết vào những ý tưởng và sáng chế của mình. Từ năm 2013 đến nay anh vẫn thường xuyên nhờ người đứng lớp thay vì lâu lâu lại phải đi trình bày ý tưởng và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chị Trần Thị Phượng vợ anh cũng là giáo viên dạy môn lịch sử, Trường THPT chuyên Kon Tum. Lúc mới yêu, thấy anh ngồi đâu cũng kẻ với vẽ, ghi ghi chép chép, bù lại anh thật thà chân chất nên cũng xiêu lòng. Khi nên nghĩa vợ chồng anh vẫn “chứng nào tật ấy”, chẳng quan tâm gì tới gia đình. Cho rằng, anh làm toàn những việc viển vông, không giúp ích gì cho vợ con, bao nhiêu tiền kiếm được anh chỉ đổ vào những ý tưởng điên rồ, lắm khi chị cắt hết mọi nguồn tiền phục vụ cho “phát minh”.

Nhưng niềm đam mê của anh dần thuyết phục chị, bây giờ ngoài giờ lên lớp, công việc nhà một mình chị đảm đương hết. Không những thế, chị còn viện trợ không hoàn lại để anh thích làm gì thì làm. Cậu con trai lớn của anh chị, cháu Trần Quốc Khuê, 16 tuổi, hiện là học sinh lớp 10, cũng có “gene nghiên cứu” của cha, chuyên nghiên cứu về thiên văn học.

Nói về Trần Đình Thuy, bác sĩ Nguyễn Hoài, hiện là Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Long Thành, Đồng Nai cho biết, từ khi còn học phổ thông Thuy đã có những suy nghĩ và việc làm khác người. Thuy hay chế ra những dụng cụ học tập rất trực quan, sinh động. Còn ông Trương Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đều đánh giá cao những sản phẩm của Thuy vừa hiệu quả, vừa mang tính ứng dụng cao. Về phía Trường THCS Trần Khánh Dư, nơi anh công tác, nhất là thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Lộc, cùng đồng nghiệp cũng đã thông cảm và tạo mọi điều kiện để Thuy có thời gian nghiên cứu, làm thí nghiệm với các sản phẩm của mình.

Thuy dành một góc nhỏ trong nhà cho niềm đam mê. Căn phòng không có nhiều vật dụng, chủ yếu là mấy máy hàn xì, những vật liệu dùng cho sáng chế. Ngoài thời gian lên lớp, Thuy lại vùi đầu vào góc nhỏ để nghiên cứu, chế tạo. “Nhiều lúc đi mua thiết bị phải giấu vợ nói là đi xin, thực ra tôi đi vay mượn để lấy tiền mua sắm thiết bị. Kinh tế trong gia đình vợ lo cả, lương giáo viên của vợ chồng chẳng được bao nhiêu, có người bảo tôi dở hơi. Nhiều lúc điều ra tiếng vào cũng làm vợ tôi buồn, nhưng khi thấy sản phẩm của tôi được nhiều người tin dùng, vợ tôi thấy vui, lại động viên chồng tiếp tục…”.

Kinh phí không có, nợ nần chồng chất, liệu thầy giáo – cựu chiến binh liệu còn theo đuổi con đường nghiên cứu, chế tạo đến bao giờ? Thuy cười vui vẻ khẳng định: “Còn chứ. Nghiên cứu, chế tạo nó đã ăn vào máu rồi, bỏ cũng không được. Tôi còn phải hoàn thành một vài ý tưởng mà mình ấp ủ. Còn sức khỏe, thời gian, tôi còn chế tạo”.

Bùi Đức Hà
.
.