Thêm một hy vọng chiến thắng HIV

Chủ Nhật, 16/10/2016, 10:44
Ngày 28-9-2016, một người đàn ông giấu tên trong 50 người tình nguyện tham gia thử nghiệm liệu pháp kháng HIV đặc biệt do các nhà nghiên cứu Đại học Oxford, Cambridge, Cao đẳng và Đại học Hoàng gia London..., Anh tiến hành và trở thành người trưởng thành thứ hai trên thế giới không còn loại virus này trong cơ thể. Liệu đây có phải là tin mừng rất lớn cho nhân loại?


Sơ điểm các hướng của cuộc chiến chống virus gây suy giảm miễn dịch

HIV (Human immunodeficiency virus) thuộc họ Retrovirus, có dòng di truyền ngược chiều từ ARN sang ADN, được cho là xuất hiện từ năm 1920 ở Cônggô và bùng phát lây nhiễm toàn cầu, cũng như chính thức phát hiện năm 1981, lúc loài người bắt đầu một cuộc chiến không mệt mỏi nhằm loại bỏ loại virus quái ác này.

Những quốc gia có nền y học tiên tiến và giàu có, theo các hướng khác nhau đều tham gia cuộc chiến... Những năm 2003-2009, vacxin RV144 do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Mỹ, nghiên cứu, bào chế đã được thử nghiệm ở Thái Lan cho thấy 60% số người thử nghiệm có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV sau một năm tiêm chủng và 31,2% có hiệu quả đến 3,5 năm...

HIV trong máu.

Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2011, các nhà khoa học Pháp thử nghiệm lâm sàng trên người một vacxin HIV, sau khi chứng tỏ hiệu quả trên động vật. Cuộc thử nghiệm này là một phần dự án nghiên cứu vacxin HIV của Liên minh châu Âu, có sự tham gia của 17 đối tác, là Công ty dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu y học lâm sàng thuộc Liên minh mà Công ty nghiên cứu y học và dược phẩm PX'Therapeutics ở Grenoble, Pháp là một. Công ty này đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vacxin nói trên ở 50 tình nguyện viên là những phụ nữ khỏe mạnh.

Sức khỏe của từng tình nguyện viên và mọi thông tin, kể cả những phản ứng của cơ thể đối với vacxin dù là nhỏ nhất được theo dõi sát sao. Ông Nicolas Mouz, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học của PX'Therapeutics cho biết, mục đích thử nghiệm là xem vacxin có tạo ra được miễn dịch với HIV ở người hay không?

Theo ông, để vacxin HIV được chính thức sử dụng cho con người vẫn còn xa, song những người thực hiện nghiên cứu này tin rằng, vacxin đang được thử nghiệm có tiềm năng thật sự. Bà Lucile Marron Brignone - Giám đốc dược phẩm PX'Therapeutics cho biết sau mỗi lần thử nghiệm đều kiểm tra xem có phản ứng phụ nào không?...

Năm 2013, Viện Nghiên cứu Scripps (TSRI), Mỹ chụp được bằng kính hiển vi điện tử một protein ở bề mặt của HIV, gọi là gene EnV, có cấu trúc rất phức tạp và tinh vi, rất khó "tóm" được ở dạng phù hợp để chụp ảnh với độ phân giải ở mức phân tử.

EnV là "vũ khí" để HIV xâm nhập và vô hiệu hóa một loại tế bào bạch cầu có chức năng miễn dịch của người (tế bào Lympho T) và cũng là trở ngại lớn khiến cho đến hiện thời chưa có loại vacxin nào tiến gần đến đích, thành "công cụ" bảo vệ con người trước HIV.

Các nhà khoa học hy vọng bước đột phá về cấu trúc này của virus sẽ giúp mở ra triển vọng cho điều chế vacxin ngừa HIV. Hình ảnh này có thể giúp tìm ra những bộ phận của virus để mô phỏng theo đó điều chế được loại vacxin khởi động đáp ứng miễn dịch bảo vệ của cơ thể người...

Trong việc nghiên cứu điều chế vacxin và thuốc diệt HIV, con người đã nghĩ ra đủ cách. Chẳng hạn, sau gần 30 năm nghiên cứu, GS Phil Berman, Đại học California tại Santa Cruz, Mỹ tin rằng ông đã phát triển thành công một mô hình vacxin chống HIV bằng cách mô phỏng một loại protein trên bề mặt virus...

Dựa trên cơ chế xâm nhập của HIV vào bên trong tế bào Lympho T rồi tráo đổi ARN "gián điệp" dẫn đến sai lạc cấu trúc ADN của bạch cầu dẫn đến mất chức năng sản xuất kháng thể (HIV không trực tiếp gây bệnh), đã có nhóm nghiên cứu chọn 2 chủng virus cúm thông thường, gắn chúng nên bề mặt của HIV. Việc gắn một virus vector yếu lên bề mặt HIV giúp định hướng cho hệ miễn dịch tập trung tiêu diệt các virus vector, tạo ra lỗ thủng lớp bề mặt để tấn công vào bên trong HIV...

Năm 2015, các nhà khoa học ở Rockefeler lại điều chế một kháng thể trung tính có tên 3BNC117 có tác dụng ngăn ngừa HIV xâm nhập vào các tế bào bạch cầu chưa bị nhiễm, nhất là CD4 (tế bào bạch cầu được tạo do đáp ứng của hệ miễn dịch đối với tác nhân vi sinh gây bệnh). Chỉ đơn giản vậy, nhưng phương pháp lại được xem là đầy triển vọng...

Các nhà nghiên cứu ở Philadelphia, Mỹ đi theo hướng loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi các tế bào bạch cầu người thông qua việc sử dụng "khắc tinh" của virus. Dựa trên hiện tượng hệ miễn dịch không thể tiêu diệt được HIV-1 (HIV có hai type HIV-1 và HIV-2, gây lây nhiễm chủ yếu là HIV-1), nên mục tiêu phải là loại trừ virus. Họ tạo ra "công cụ" phân tử là một men cắt ADN có tên Cas9 kết hợp với một chuỗi ARN dẫn đường (gRNA), truy lùng và loại bỏ ADN của HIV-1. Sau đó tế bào bạch cầu sẽ tự hàn gắn ADN đã bị tổn thương (do virus) của mình và sau đó không bị nhiễm HIV trở lại...

Các nhà khoa học Đại học Bắc Carolina, Mỹ lại dùng Vorinostat - thuốc chữa bệnh Bạch cầu cấp để diệt HIV và thấy hiệu quả tốt... Công ty Gilead Sciences, ở California, Mỹ, đã bào chế thuốc Truvada. Sau thử nghiệm trên khoảng 600 bệnh nhân, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận thuốc có khả năng ngăn ngừa HIV nhân lên với hiệu quả 100%. Khi  cơ thể người nhiễm càng ít HIV thì nguy cơ phát triển thành AIDS càng thấp. Truvada là một trong các thuốc ART (Anti Retroviral Therapy) là liệu pháp điều trị HIV bằng các thuốc kháng virus (còn gọi là ARV - Anti Retrovirus). Các thuốc này làm chậm sự nhân lên của HIV (nhưng không diệt được) trong cơ thể, nên nâng đỡ khả năng miễn dịch, giảm thiểu những nhiễm trùng cơ hội.

ART chỉ diệt được các tế bào T nhiễm bệnh hoạt động mà không diệt được các ổ HIV "ngủ đông". Truvada được kết hợp với các thuốc ART khác nhằm giúp bệnh nhân chung sống hòa bình với HIV tương tự với các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch… và người nhiễm có thể thọ tới 80 - 90 tuổi.

Trong khoảng 30 thuốc ARV, chỉ có Truvada có tác dụng phòng nhiễm HIV... Tuy nhiên, thành công này vẫn không đủ để kết luận con người đã chiến thắng HIV/AIDS!... Cứ mỗi hội nghị HIV/AIDS quốc tế lại có hàng chục báo cáo khoa học theo các hướng khác nhau...

Và những thành công tuy còn khiêm tốn, nhỏ lẻ

Timothy Ray Brown - "bệnh nhân Berlin", nay đã 48 tuổi,  sinh trưởng tại Settle, Washington, Mỹ, phát hiện nhiễm HIV năm 1995; năm 2006 lại được chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu cấp, đã được chữa trị bằng hai lần cấy tế bào tủy gốc do người tình nguyện hiến tặng; năm 2008, là người đầu tiên trên thế giới phát hiện không còn virus trong tế bào bạch cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ còn virus tiềm ẩn trong một số tế bào của Brown...

Năm 2013, tạp chí  La Provence thông báo, một loại vacxin chống HIV do các TS Erwann Loret và Isabelle Ravaux, Pháp dựa trên phương pháp tấn công gene có tên TAT - gene sao chép thông tin di truyền của HIV, được thử nghiệm thành công trên chuột, thỏ, sau đó có 9/46 người thử nghiệm không còn xuất hiện tế bào nhiễm virus trong máu tại Marseille, Pháp, đặc biệt vacxin này không chứa các tá dược độc hại cho cơ thể...

Sau 7 năm nghiên cứu phòng thí nghiệm, ngày 19-7-2016, tại Hội nghị quốc tế phòng chống AIDS lần thứ 21, ở thành phố Durban, Nam Phi (từ ngày 18-7 đến 22-7, có hơn 18.000 quan chức chính phủ; các nhà khoa học, tài trợ, hoạt động xã hội.... tham gia, thảo luận  mục tiêu loại bỏ HIV vào năm 2030), các BS Mỹ và Nam Phi công bố vacxin HVTN 100 chống lây nhiễm HIV mới - phiên bản sửa đổi của vacxin HIV đầu tiên - RV144 - được thử nghiệm ở Thái Lan trước đây.

Vacxin mới được cho có nhiều tiến bộ, đặc biệt có tác dụng vô hiệu hóa chất truyền thông tin (chất AMP vòng - Cyclic adenosine monophosphate) trong quá trình nhân bản ARN của virus - tức là vô hiệu hóa quá trình sinh sản của chúng. Đây được cho là đột phá để nghiên cứu loại vacxin chống HIV mới hiệu quả hơn. Hiện HVTN 100 đang thử nghiệm trên 252 người tình nguyện tại 6 địa điểm ở Nam Phi và bước đầu thu được kết quả khích lệ, bởi mức độ đề kháng HIV cao hơn nhiều so với RV144.

Phản ứng kháng thể của HVTN 100 kéo dài và thời gian miễn dịch với HIV dài hơn. Bà Linda-Gail Bekker, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV Nam Phi, thành viên nhóm nghiên cứu khẳng định: Vacxin mới vượt mọi tiêu chí của RV144 và hy vọng rằng với thành công này, vacxin HVTN 100 có thể sớm được thẩm định và triển khai trên phạm vi rộng hơn trong thời gian tới.

Ngày 28-9-2016, các nhà khoa học Anh thông báo, kết quả xét nghiệm cách đây vài tuần, HIV đã hoàn toàn không còn trong máu của một người đàn ông nước này. Phương pháp trị liệu mới của các nhà khoa học Anh cho bệnh nhân dựa trên nguyên lý HIV "ẩn náu" rất kín kiểu như "ngủ đông" trong tế bào T, khi tế bào này được kích hoạt cũng là lúc HIV phát tán, xâm nhập các tế bào T lành. Họ dùng thuốc Vorinostat (được Mỹ dùng từ 2012) để kích hoạt tế bào T rồi dùng thuốc ART và vacxin để diệt HIV.

Các bác sĩ sẽ mất nhiều tháng nữa mới kết luận được rằng HIV chắc chắn được quét sạch khỏi cơ thể bệnh nhân và phải rất lâu nữa mới kết luận được đã tìm ra phương pháp chữa trị HIV/AIDS. Họ sẽ theo dõi bệnh nhân 5 năm nữa và khuyên người này vẫn phải điều trị bằng thuốc ART. Việc tuyên bố khẳng định một bệnh nhân không còn HIV trong cơ thể cần có thời gian kiểm chứng đủ dài.

Trước đây, một bé gái ở Missisipi, Mỹ, có mẹ bị nhiễm HIV, trong 30 giờ sau sinh đã được dùng liều cao ART và liên tục 18 tháng tiếp theo rồi BV mất liên lạc với hai mẹ con. 5 tháng sau, bé trở lại kiểm tra thấy không còn HIV trong máu làm các BS tin rằng với liều cao ART từ khi chào đời có thể diệt hoàn toàn HIV. Tuy nhiên sau 2 năm, HIV lại sinh sôi trong cơ thể bé...

Tuy nhiên, đây vẫn là một tin vui với loài người vẫn luôn hướng đến ngày ca khúc khải hoàn. Cùng với việc Cuba, Armenia, Moldova và gần đây nhất là Thái Lan được WHO công nhận đã ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thì sự kiện này cùng thắp sáng thêm niềm hy vọng.

Bs. Trần Kiên
.
.