Thực tế ảo ứng dụng trong thế giới thực

Thứ Sáu, 02/12/2016, 09:40
Khi nói đến thực tế ảo (VR), người ta có lẽ thường nghĩ đến những hình ảnh lung linh huyền ảo trong một game hay bộ phim. Thế nhưng, VR cũng có thể được ứng dụng trong thế giới thực để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh mình.

Thực tế cho thấy, hiện nay VR ngày càng được sử dụng làm công cụ bởi các nhà báo, giáo viên, nhân viên y tế và cả những nhà bán lẻ trên thế giới.

Những cuộc điều tra cho thấy, trong khi 99% số người từng nghe chuyện về chứng bệnh tự kỷ thì chỉ có 16% thực sự hiểu được bệnh này có nghĩa là gì. Ở Anh, hơn một phần tư số bệnh nhân tự kỷ bị yêu cầu rời khỏi nơi công cộng như là nhà hàng. Phản ứng trước vấn đề này, vừa qua Hội Tự kỷ Quốc gia Anh (NSA) thực hiện bộ phim VR trình bày cho mọi người thấy bệnh nhân tự kỷ phải sống với bệnh của mình như thế nào.

Bộ phim dẫn dắt người xem đến với hành trình đi bộ của một cậu bé tự kỷ quanh một trung tâm mua sắm sầm uất. Qua đó, người xem có dịp cùng trải nghiệm cuộc sống khó khăn của cậu bé tự kỷ. Mark Lever, Giám đốc điều hành NSA, bày tỏ hy vọng bộ phim VR sẽ "giúp công chúng hiểu rõ hơn về bệnh tự kỷ".

Người dùng đang trải nghiệm bộ phim VR về bệnh nhân tự kỷ.

Bộ phim, được xem với thiết bị VR Samsung Gear và một ứng dụng, được phổ biến đến mọi trung tâm mua sắm ở Anh và NSA cũng đưa nó đến với những trường học để truyền dạy cho học sinh về bệnh tự kỷ. Viện Nghiên cứu Alzheimer Anh (ARUK) cũng quảng bá một bộ phim VR khác tương tự với mong muốn mọi người qua đó hiểu thêm được sự đau khổ của bệnh nhân Alzhemer. Bộ phim "Bước cùng với bệnh Alzheimer" của ARUK cho thấy những hình ảnh đơn giản thường ngày như là cầm một tách trà cũng là thách thức ghê gớm cho bệnh nhân Alzhemer.

Hiện nay, VR cũng đang trở thành công cụ quảng cáo thường dùng cho những người muốn bán một sản phẩm gì đó. Ví dụ như, nhà kinh doanh bất động sản ứng dụng VR để giới thiệu với khách hàng một cuộc tham quan ảo những căn nhà đang rao bán, hay là trung tâm mua sắm Westfield thông qua thiết bị VR để quảng cáo những bộ sưu tập thời trang mới nhất đến mọi người.

Tháng 4-2016, nhà bán lẻ đồ nội thất Thụy Điển Ikea đưa ra thị trường một ứng dụng - tương tự như một game video - cho phép người dùng trải nghiệm trong một nhà bếp hiện đại. Với ứng dụng, người dùng có thể thoải mái tự thay đổi màu sắc công cụ nhà bếp và quanh quẩn mọi ngóc nghách của nó để tìm hiểu.

Nữ quan chức Ikea Ingrid Franov báo cáo tại sự kiện Diễn đàn Thế giới VR&AR mới diễn ra tại thủ đô London nước Anh, công ty rất thích thú trước phản ứng tích cực của người dùng: "Thời gian thử nghiệm là 6 tháng. Nhưng chỉ trong 1 tháng chúng tôi chứng kiến ứng dụng được tải xuống với tần suất nhiều hơn cả dự đoán. Nhờ ứng dụng mà số khách hàng đặt mua sản phẩm nhà bếp bất ngờ tăng vọt". Với thành công này, ban lãnh đạo Ikea đang cân nhắc kế hoạch triển khai công cụ VR tại chuỗi cửa hàng công ty cho phép khách hàng hình dung rõ nét hơn về sản phẩm nhà bếp của Ikea.

Lĩnh vực chăm sóc y tế cũng đang háo hức sử dụng công nghệ VR trong huấn luyện nhân viên trợ giúp và chữa trị những chứng bệnh ám ảnh sợ hãi (phobia). Nhà phẫu thuật Shafi Ahmed là một trong những người đầu tiên đề xuất sử dụng công nghệ VR trong phẫu thuật hồi tháng 4-2016 tại Bệnh viện Hoàng gia London.

Khoảng 5.000 người đến từ 14 quốc gia trên thế giới xem Shafi Ahmed phẫu thuật cắt bỏ khối u với công nghệ VR. Mới đây, Medical Realities, một start-up do Shafi Ahmed đồng sáng lập, quảng bá Phẫu thuật Ảo (Virtual Surgeon) như là một sản phẩm độc đáo với hy vọng giảm bớt chi phí cho huấn luyện bác sĩ phẫu thuật.

Trong khi đó, công nghệ VR được ứng dụng ở Mỹ để giúp những binh sĩ trở về từ chiến trường chiến đấu hiệu quả hơn với hội chứng rối loạn hậu chấn thương (PTSD) và những người mắc chứng sợ nhện vượt qua được nỗi ám ảnh khủng khiếp của mình.

Trong một nghiên cứu tiếp xúc với nhện ảo đối với 23 người tình nguyện, kết quả cuối cùng cho thấy 83% trong số đó bộc lộ sự cải thiện nỗi ám ảnh một cách rõ rệt. Tháng 9-2015, Công ty Google tung ra thị trường chương trình Expeditions được thiết kế cho học sinh trung học trên khắp thế giới trải nghiệm chuyến du hành ảo - từ rạn san hô Great Barrier ở Australia đến sao Hỏa. Giới chuyên gia nhận định sản phẩm của Google thực sự là công cụ giáo dục rất hữu hiệu và không gây nhàm chán.

Marcus Storm, người sáng lập công ty khởi nghiệp VR Evanescent Studios, đang phát triển một ứng dụng VR mà ông hy vọng sẽ được sử dụng trong lớp học để giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của học sinh. Ứng dụng hiện đang được thử nghiệm tại Trường Imperial College, nước Anh với ngôn ngữ thí điểm là tiếng Quan thoại của Trung Quốc.

Với ứng dụng VR, học sinh được xem người Trung Quốc trò chuyện với nhau đồng thời thưởng ngoạn những phong cảnh đẹp nước này như là Vạn Lý Trường Thành. Marcus Storm hứa hẹn sắp tới sẽ có ứng ụng VR dẫn dắt học sinh môn lịch sử trải nghiệm cuộc cách mạng Pháp và tương tác với con người thời đó. Nicholas Minter-Green, chủ tịch Economist Films, đánh giá VR là công cụ rất mạnh đem lại sự hứng thú trong giáo dục.

VAn An (tổng hợp)
.
.