Thưởng thức những món ăn được chế biến từ... máy in 3D

Thứ Năm, 10/03/2016, 22:00
Paco Perez đang trải nghiệm với chiếc máy in 3D khác thường. Đầu bếp Tây Ban Nha đã nhận vài Ngôi sao Michelin – giải thưởng uy tín trong lĩnh vực ẩm thực – cho những nhà hàng của mình.

Tại một nhà hàng trong số đó – La Enoteca của khách sạn Hotel Arts ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha – ông đang bận rộn với nỗ lực sáng tạo món ăn mới với máy in 3D.

Paco Perez đặt một chiếc đĩa vào trong chiếc máy lạ lùng trông giống như lò nướng vi sóng to lớn. Ông điều chỉnh những chiếc nút và vài phút sau đó lấy chiếc đĩa ra – lúc này nó được tô điểm với một “nền” thiết kế giống như hình bông hoa tinh tế. Kế đến, đầu bếp cho thêm vài thành phần để tạo ra món ăn độc đáo bao gồm: trứng cá caviar, thịt nhím biển, sốt Hà Lan, trứng và lớp bột cà rốt. Ông gọi sáng tạo của mình là “San hô biển”.

Đầu bếp giải thích: “Nó giống như những gì chúng ta nhìn thấy một cây san hô với nhím biển nằm bên trên. Khi thưởng thức món ăn, thực khách sẽ cảm nhận được sự tinh túy của biển và vị mặn đặc trưng của nó”.

Máy in 3D có thể tạo ra những món ăn phức tạp khó thực hiện bằng tay.

Trung tâm của món ăn là “san hô” được chế biến từ hải sản nghiền tạo ra thiết kế độc đáo sẽ là cực kỳ khó khăn nếu làm bằng tay. Nhưng mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn với chiếc máy in 3D loại mới. Paco Perez cho biết: “Công nghệ ngày nay thực sự đang góp phần cách tân nghệ thuật chế biến món ăn. Sáng tạo được nâng cao nhờ công nghệ”.

Chiếc máy mà Paco Perez sử dụng được gọi là Foodini được sản xuất bởi Natural Machines, công ty mới thành lập chỉ nằm cách nhà hàng La Enoteca chừng chục mét. Công ty này cũng có chi nhánh tại Catalonia, vùng tự trị miền bắc Tây Ban Nha, và là nơi nổi tiếng với nghệ thuật ẩm thực. Trong số những đầu bếp nổi tiếng ở Catalonia có Ferran Adria, người thầy và đồng nghiệp của Paco Perez.

Lynette Kucsma và thực phẩm in 3D từ máy in Foodini.

Không giống như những chiếc máy in 3D khác có thêm khả năng in thực phẩm, ngay từ đầu Foodini được thiết kế chuyên dụng để in thực phẩm. Foodini có khả năng in hàng loạt thực phẩm đủ loại, từ khoai tây nghiền cho đến sôcôla. Với các thành phần món ăn thích hợp, Fodini có thể in ra các cấu trúc cao vài cm với thiết kế 3D.

Chiếc máy cũng được gọi là “internet of things” (internet kết nối mọi vật) – có nghĩa là nó kết nối với internet và công thức chế biến món ăn cũng như thiết kế được đưa lên mạng cho phép mọi người tải xuống để… sau đó tiếp tục in ra! Lynette Kucsma, đồng sáng lập Natural Machines, giải thích rằng họ rất quan tâm đến các đầu bếp hàng đầu thế giới vì 2 lý do chính.

Một là sự tùy biến, cho phép sáng tạo những món ăn khó thể thực hiện bằng tay. Và lý do khác là sự tự động hóa. Kucsma nói cụ thể: “Hãy hình dung bạn cần in ra những que bánh mì mang hình dạng nhành cây phục vụ cho hàng trăm thực khách. Thay vì làm bằng tay một cách vô cùng công phu, bạn có thể tự động hóa chuyện này với chiếc máy in 3D”.

Ngoài Paco Perez, một số đầu bếp khác cũng đang trải nghiệm kỹ thuật mới này.   Ví dụ như Mateo Blanch ở nhà hàng La Boscana tại thành phố Lleida của Tây Ban Nha sử dụng máy in 3D do công ty Hà Lan By Flow sản xuất.

Còn ở Mỹ, nhà chế tạo máy in 3D Systems hợp tác với Viện Ẩm thực Mỹ trong một số dự án đầy tham vọng. Những nhà cung cấp máy in 3D thực phẩm tỏ ra lạc quan trước viễn cảnh thiết bị của họ chẳng bao lâu nữa sẽ trở nên phổ biến trong các nhà bếp chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Nhưng đối với Lynette Kucsma thì nghệ thuật nấu ăn cao cấp thực sự chỉ mới bắt đầu.

Kucsma tiên đoán một thị trường tiêu thụ máy in 3D đang tăng “khi mà mọi người nhìn thấy chiếc máy trong nhà hàng và bắt đầu quen thuộc với những món ăn in 3D, đồng thời biết rằng những món này được chế biến với các thành phần tươi sạch”. Tuy nhiên, người ta lo ngại những chiếc máy kết hợp với phần mềm máy tính có thể làm mất dần đi tài năng chế biến kỳ ảo của đầu bếp.

Paco Perez trấn an: “Ngày nay, thực phẩm truyền thống vẫn là tiên phong. Người ta vẫn sử dụng lò vi sóng hay lò nướng để nấu ăn. Nhưng truyền thống là sáng tạo đổi mới và luôn như thế”.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.