Hé lộ về chuyện cai nghiện cho giới siêu giàu

Thứ Sáu, 27/12/2019, 10:55
Paracelsus Recovery là nơi phục hồi độc quyền nhất trên thế giới, vì các tiện ích tối tân của nó mà nơi đây đang thu hút những nhân vật hạng A, các bậc hoàng gia và những người “máu mặt” đến từ khắp nơi trên thế giới. Thực sự thì nơi đây uy tín và trị liệu giỏi đến cỡ nào?


Bước vào thế giới cai nghiện xa xỉ

Tôi (phóng viên Max Daly) đang đứng trong một quảng trường quá đỗi bình thường ở Zurich (thành phố giàu có nhất của Châu Âu) sau khi bước ra khỏi chiếc Bentley Limousine bóng lộn đón tôi từ phi trường.

Một nhân viên quan hệ khách hàng có khuôn mặt khả ái đón và đưa tôi lên thang máy và đi xuyên qua một khung cửa nặng nề để đi thẳng vào một căn phòng sang trọng mà từ đây có thể ngắm nhìn hồ nước thiên nhiên tuyệt đẹp của Zurich. 

Bên cạnh căn phòng này là văn phòng và các căn hộ xa hoa cho khách lưu trú, tầng dưới là một chuỗi các phòng trị liệu hiện đại. Nơi tôi đang hiện diện là Paracelsus Recovery, một nơi dành cho thế giới người siêu giàu đến để trải nghiệm các dịch vụ cai nghiện không đâu có.

Chuyên gia cai nghiện cao cấp đang tư vấn cho hai vị khách siêu giàu tại Paracelsus Recover. Ảnh nguồn: Europeanceo.

Các thành viên Hoàng gia Arab Saudi, giới chính trị gia, các trùm tài phiệt Nga, các thương gia, những đứa trẻ sống bám vào cha mẹ giàu có và các ngôi sao showbiz hạng A… luôn thích ngâm mình trong bồn tắm đá cẩm thạch hay ngủ trên những chiếc giường êm ái, trong khi vẫn được điều trị tỉ mỉ chứng nghiện từ cocaine đến Xanax. Paracelsus Recovery là một trong số ít các bệnh viện tư nhân chuyên phục vụ cho tầng lớp quý tộc của thị trường cai nghiện xa xỉ.

Phần lớn khách tới đây chỉ để cai nghiện, và dĩ nhiên nó rất đắt tiền. Paracelsus Recovery là nơi mà mọi dịch vụ xắt ra vàng! Một tuần “thanh lọc độc tố” ở đây có giá lên tới 78.000 bảng Anh (102.478 USD), hay 5 tuần đặc trị trong khu phục hồi V.I.P cũng ngốn tới 315.000 bảng Anh (tương đương 413.856 USD) tức gấp 10 lần mức lương trung bình năm của người Anh.

Với mức giá cao nhức óc, mỗi khách hàng ở Paracelsus Recovery sẽ được giúp đỡ bởi 15 chuyên gia y tế bao gồm cả bác sĩ và y tá, bệnh nhân được phục vụ chu đáo tận răng. Bất kỳ ai ở bệnh viện tư nhân này đều nhận được đặc quyền VIP: dịch vụ chuyên chở 24 giờ/ tuần bằng xe Limousine, đầu bếp riêng, người phục vụ và nhân viên quản gia. 

Họ cũng được tự do lui tới một khu spa chuẩn 5 sao và được phục vụ bởi một trị liệu viên (người này sẽ ngủ trong một căn phòng cạnh spa) cùng việc sử dụng nhiều xét nghiệm chỉ dành cho phi hành gia vũ trụ và cả dịch vụ khám tổng quát để chẩn đoán bệnh từ não bộ đến hóa sinh học cơ thể. Paracelsus Recovery chỉ đón 20 khách hàng mỗi năm, nhưng nhân viên của nó lại tất bật đi ra nước ngoài để điều trị cho các khách hàng giàu có vì họ không có thời gian để đến Paracelsus Recovery hoặc muốn nhu cầu cao hơn.

Ngành công nghiệp cai nghiện xa xỉ

Không giống như các trung tâm phục hồi khác nơi mà bệnh nhân tự trải drap giường hoặc trồng hoa trong vườn, đến với Paracelsus Recovery, các ông trùm tài chính, hoàng tử công chúa và ngôi sao điện ảnh (1/3 khách hàng đến từ Trung Đông, 1/3 đến từ Mỹ, và phần còn lại là Châu Âu, Nga và Châu Á) được tự do hưởng thụ lối sống rất thoải mái. 

Chủ tịch Paracelsus Recovery, ông Jan Gerber. Ảnh nguồn: Grunden.ch.

Những vị khách có tiền sẵn tay thuê toàn bộ tầng trệt của khách sạn 5 sao Dolder Grand để thiết lập phòng trị liệu cho riêng họ. Những ngôi sao hạng A chọn nơi đây để điều trị thường không công khai tên thật, địa chỉ căn hộ họ thuê để điều trị cũng được giữ kín, ngay cả biển số xe hơi Limousine cũng được làm mờ, email của các khách hàng được mã hóa và ngay cả nhân viên làm việc ở đây cũng phải ký hợp đồng bảo mật tối đa.

Lucaz, một trong các khách hàng cũ của Paracelsus Recovery  tiếp chuyện với tôi qua điện thoại: “Những khách hàng nghiêm túc đòi hỏi phải ẩn danh họ”. Nhà tài chính quốc tế siêu giàu gốc người Ba Lan này, người kiếm số tiền trung bình 2,2 triệu USD/tháng, đã quyết định ghé Paracelsus hồi năm 2015 khi lối sống phóng đãng của ông bỗng vuột khỏi tầm kiểm soát. Cứ 3 ngày trong mỗi tuần, Lucaz và nhóm bạn lại du hý trên chiếc du thuyền hạng sang ở Cote DAzur. 

Nhà tài chính giải thích: “Nếu tôi quá lậm sâu vào cocaine hay rượu và chìm trong gái gú thì khách hàng sẽ bỏ rơi tôi. Tôi không muốn mất nhiều tiền”. “Không có quy chuẩn nào cho việc trị liệu cai nghiện cả”, dẫn lời phát biểu của ông Jan Gerber, chủ tịch của Paracelsus Recovery, ông đã thành lập bệnh viện cùng với cha mẹ mình hồi năm 2012.

Chủ tịch Jan Gerber tin rằng khách hàng của ông đang tận hưởng cơ hội tốt nhất, vì rằng chính sách của công ty là tập trung vào từng cá nhân (một chiến thuật không khả thi nếu áp dụng ở các trại cai nghiện đại trà). 

Ông Jan Gerber giải thích: “Lý do gây nghiện ở mỗi người cần phải được nhận diện và điều trị. Chúng tôi cần phải tìm ra các nhân tố y khoa như cảm xúc ở mỗi bệnh nhân chẳng hạn. Các căn nguyên gây ra nghiện có thể liên quan đến tâm lý như chấn thương, bị bỏ bê thời thơ ấu, rối loạn nhân cách, ngoài ra còn phải kể đến chứng thiếu hụt sinh hóa, suy giảm sức khỏe đường ruột, chức năng tuyến giáp, sự mất cân bằng hormone và đau mãn tính”. Một số nghiên cứu nói rằng tiền bạc có thể khiến người ta dễ tổn thương hơn.

Ở Zurich, tôi gặp ông Michael*, CEO của một “văn phòng đa gia đình”, một doanh nghiệp chuyên giúp các gia đình giàu nhất thế giới biết cách tiêu tiền. Công ty của ông Michael đang giữ hồ sơ của 42 gia đình với tổng tài sản ròng lên tới 4,5 tỷ USD. 

Ông Michael băn khoăn nói: “Nhiều người giàu có cảm thấy choáng thật sự khi biết mình rơi vào nghiện ngập. Chúng tôi đã giúp đỡ 40% các vấn đề nghiện ngập cho họ”. Ngành công nghiệp cai nghiện xa xỉ đang cạnh tranh khốc liệt đến nỗi một số trại cai nghiện sẵn sàng dùng những mánh khóe bẩn thỉu nhất để chiêu dụ khách hàng. Năm ngoái 2018, cuộc điều tra của tạp chí Times đã tiết lộ ra chiêu mà các trung tâm cai nghiện đã trả tiền từ 6 đến 7 con số cho các bác sĩ tâm thần để họ lôi kéo khách.

Vì sao 1% dân số thế giới bị nghiện?

Vì tại sao 1% dân số thế giới lại bị nghiện? Ông Jan Gerber giải thích rằng những người sống đơn giản, khi mà ham muốn luôn được thỏa mãn thì cuối cùng sẽ đi đến nhàm chán. Họ cũng không được trang bị tốt để đối phó với cuộc sống. Với một số người từ vô danh tiểu tốt bỗng trở nên nổi tiếng, giàu có và quyền lực cũng có thể sụp đổ khi lâm vào hoàn cảnh trớ trêu.

Paracelsus Recovery, trung tâm cai nghiện chuẩn 5 sao tại Zurich (Thụy Sỹ), điểm trị liệu dành cho giới siêu giàu thế giới. Ảnh nguồn: Europeanceo.

Ông Gerber cảnh báo: “Những người càng giàu, càng nổi tiếng thì nghiện càng lâu và khó trị dứt”. Bản thân ông Gerber cũng chứng kiến nhiều người trở nên sa ngã và bập vào ma túy sau khi bán công ty mà họ đã một đời xây dựng. Không chỉ những người tự làm giàu mới lâm vào rắc rối, mà ngay cả người siêu giàu do hưởng tài sản thừa kế cũng long đong.

Ông Jan Gerber giải thích: “Nhiều người bỗng chốc cầm trong tay một núi tiền do thừa kế mà có, trong khi họ chưa từng làm việc hay có mục đích, và để giết thời giờ họ liền bập vào rượu và ma túy”. Chủ tịch Gerber cũng nhấn mạnh rằng những đứa trẻ con nhà giàu được học trường nội trú từ khi còn nhỏ cũng dễ lao vào ăn chơi, nghiện ngập. 

Ông Gerber kể: “Một nữ khách hàng của tôi đã được cha mẹ tặng cho 1 chiếc du thuyền nhân dịp sinh nhật cô ấy tròn 40 tuổi, dù thực tế là cô ấy không mấy khi hỏi thăm họ”. Ngoài ra “khủng bố” tình dục cũng là một căn nguyên gây nghiện. Ông Gerber kể: “Năm ngoái 2018, chúng tôi đón một vị công chúa (là người đồng tính nữ), vì sợ bị hoàng gia trừng phạt nếu bị lộ danh tính, nên cô đã tự nhốt mình, và để giải tỏa cảm giác ngột ngạt, công chúa đã dùng ma túy”.

Liệu người giàu có suy đồi? Ông Jan Gerber lắc đầu: “Chúng tôi không cho họ là suy đồi, và chấp nhận thực tế của họ. Không quan trọng họ là ai, họ cần được đồng cảm. Chúng ta không nên đánh giá ai đó mắc bệnh vì hành vi của họ, ngay cả khi họ tỏ vẻ kiêu ngạo”. Tuy nhiên Tiến sĩ Christine Merzeder (mẹ đẻ của ông Jan Gerber, một điều phối lâm sàng của Paracelsus Recovery) lại cho rằng tự ái là vấn đề mà người nghiện nào cũng có. 

Bà Christine Merzeder chỉ rõ: “Nhiều khách hàng rơi vào chứng rối loạn nhân cách. Có một khoảng trống lớn bên trong họ. Họ không biết mình là ai. Thường thì họ không đáng tin cậy và thiếu trách nhiệm cho hành động của mình. Sau đó, khi bị truy tố hoặc con cái bỏ mặc cha mẹ hay kiện họ, thì họ sẽ bị sụp đổ và kết thúc trong trại cai nghiện. Chúng tôi giúp họ tự yêu bản thân, tiết chế cảm xúc, các mối quan hệ, chịu trách nhiệm về cuộc sống, có trách nhiệm hơn và luôn nuôi hy vọng”.

Khi tôi hỏi Jan Gerber về tỷ lệ thành công của Paracelsus Recovery, ông đã thận trọng trả lời: “Mỗi đợt phục hồi dù tuyên bố tỷ lệ thành công cao, song thực tế lại rất khó để đo đếm. Bởi vì khi các bệnh nhân rời khỏi bệnh viện, nhiều người cũng mất liên lạc, và nhiều người lại tái nghiện”. 

Ông Gerber nhận thấy rằng chương trình cai nghiện 12 bước hay áp dụng ở nhiều cơ sở cai nghiện đã lỗi thời và có nhiều hạn chế. Trị liệu viên Louis Fitzmaurice là người có thể nói là gần gũi nhất với các vị khách siêu giàu, ông thường hướng dẫn họ cách ăn uống sao cho lành mạnh nhất. Fitzmaurice đã làm việc ở Paracelsus Recovery được 4 năm và tự thừa nhận: “Chăm sóc các vị khách giàu có thật căng thẳng!”.

Trước khi đầu quân cho Paracelsus, Fitzmaurice đã có kinh nghiệm 6 năm làm việc với những người nghiện ma túy vô gia cư hoặc bị cầm tù tại các thành phố Liverpool, Glasgow và Dublin. Fitzmaurice quả quyết: “Xét căn cơ vấn đề thì những triệu chứng bệnh tật của các khách hàng siêu giàu ở Paracelsus và những người vô gia cư đều không mấy khác biệt”. 

Tuy nhiên, cơ hội để họ đoạn tuyệt với ma túy / thuốc là không giống nhau. Paracelsus Recovery là một thế giới khác biệt so với những cơ sở cai nghiện bắt buộc khác, và trải nghiệm ở đây khiến người ta phấn chấn muốn điều trị tới cùng. Một cuộc nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc hỗ trợ cho những người có vấn đề về rượu đã bị cắt giảm 50% kể từ năm 2011. Nhìn chung số lượng trung tâm cai nghiện trong dân cư ở Anh đã giảm 1/3 trong vòng 6 năm qua.

Ông Matthew Gaskell, trưởng nhóm lâm sàng chuyên các trường hợp nghiện tại Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) ở Yorkshire, phàn nàn: “Người giàu có dù bệnh tật hiểm nghèo nhưng có tiền cũng trở thành bệnh nhẹ. Người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội thường có khuynh hướng chết trẻ hơn do dùng thuốc / ma túy quá liều”. 

Tại Mỹ, nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 1/10 người Mỹ được tiếp cận cai nghiện cần thiết. Ông Ryan Hampton, một tác giả chuyên viết sách về cai nghiện, chua xót nói: “Rào cản rất khổng lồ. Trị liệu cai nghiện ở Mỹ hoàn toàn nằm ngoài tầm với của những người thật sự cần nó nhất. Kể cả người giàu cũng phải đắn đo có kham nổi không mức chi tiêu 50.000 USD cho 1 tháng điều trị. Và ngay cả dù chi trả cao, cũng không ai dám chắc liệu có tái nghiện không?”.

Tác giả Ryan Hampton nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp cai nghiện ở Mỹ trị giá 35 tỷ USD/năm. Nhưng các cơ quan quản lý cấp nhà nước và liên bang đã không cung cấp sự bảo vệ nào cho người tiêu dùng, và không thật sự có trách nhiệm. Ông Hampton đề xuất một hệ thống chăm sóc phục hồi mới chuyên chú trọng vào các kết quả điều trị dài hạn, các phương thức điều trị được chuẩn hóa và xác nhận cũng như các phương pháp chăm sóc dựa trên bằng chứng.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.