Tiềm ẩn nguy cơ từ rối loạn mặc cảm ngoại hình

Thứ Năm, 12/05/2016, 14:40
Một người đàn ông không thích chiếc mũi quá dài của mình. Một người khác bực mình vì gương mặt không được cân đối. Và, có một số người không hài lòng với một ngón tay hay ngón châN "thứ 6" của mình. Đó là những người mắc phải hội chứng mà giới chuyên môn y khoa mô tả là "rối loạn mặc cảm ngoại hình" hay "body dysmorphic disorder (BDD).

BDD gây tổn thương tâm lý trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội và cá nhân, phá hoại ngầm mọi mối quan hệ của người mắc phải hội chứng. Bệnh viện tâm thần Maudsley ở thành phố London nước Anh là nơi đầu tiên trên thế giới công bố một liệu pháp đặc trị cho hội chứng này.

BDD thường tác động từ tuổi thiếu niên.

Bệnh viện tâm thần Maudsley là nơi duy nhất ở nước Anh chữa trị BDD và mới đây trở thành cơ sở y khoa đầu tiên trên thế giới công bố về liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) để chữa trị hội chứng mặc cảm ngoại hình. BDD là chứng bệnh tâm thần khá phổ biến trong xã hội hiện đại - ước tính 1 trong 50 người mắc phải với nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau.

Quỹ BDD của Anh lập ra danh sách dài những người nổi tiếng mắc phải BDD, bao gồm: Họa sĩ Mỹ Andy Warhol, nhà văn Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc hiện nay) Franz Kafka, nữ nhà thơ kiêm nhà văn Mỹ Sylvia Plath và ca sĩ Mỹ Michael Jackson. Có khoảng 20% trong số những bệnh nhân BDD tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, như trường hợp ca sĩ Michael Jackson...

Ca sĩ Michael Jackson thường bị ám ảnh về gương mặt và màu da của mình.

Một cuộc điều tra đối với các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tiến hành năm 2001 ở Mỹ tiết lộ 84% trong số họ thừa nhận từng chữa trị cho bệnh nhân BDD. Ít có tài liệu về BDD được công bố và thường chỉ có vài người dám tuyên bố về bệnh mặc cảm của bản thân cũng như không phải bác sĩ nào cũng được huấn luyện để phát hiện căn bệnh.

Trong khi đó, bệnh nhân hiếm khi tin rằng họ bị mắc bệnh tâm thần. Khi lên 13 tuổi, Zoe lần đầu tiên bị bạn học chung lớp chê là "xấu xí". Lúc đó, Zoe bắt đầu chú ý săm soi ngoại hình bản thân. Lên 14 tuổi, Zoe được chẩn đoán mắc bệnh chán ăn (anoxeria). Mặc dù hoàn toàn khác biệt nhau, song chứng biếng ăn và BDD vẫn liên quan với nhau, nhất là ở phụ nữ.

Phần lớn bệnh nhân BDD không quan tâm đến thể trọng của mình mà chỉ chú ý đến da, tóc hay mũi. Sau khi được bác sĩ Laura Bowyer ở Bệnh viện Maudsley chẩn đoán mắc phải BDD, Zoe không rời khỏi nhà trong suốt 3 tháng. Lúc đó, Zoe 17 tuổi. Zoe nói thẳng: "Tôi  không còn muốn sống. Bởi vì tôi biết không có ai yêu mến tôi". Katharine A. Phillips, Giáo sư khoa tâm thần Đại học Brown (Mỹ), là chuyên gia nổi tiếng về BDD và tác giả cuốn sách "The Broken Mirror" với đánh giá về 900 bệnh nhân BDD.

Giáo sư mô tả những người BDD có thể bất ngờ chạy băng qua con đường đông đúc xe cộ lưu thông vì nghĩ rằng có người đang chăm chú nhìn mình. Họ có thể dùng móng tay cạo những dấu vết hết sức nhỏ nhặt trên da cho đến khi chúng thành sẹo. Họ có thể đập vỡ những tấm gương trong nhà.

Thậm chí, họ có thể tự sát vì quá ám ảnh về ngoại hình. Katherine Phillips nhận định: "Tỷ lệ BDD gia tăng có thể do phụ nữ ngày nay tiếp xúc quá nhiều hình ảnh hoàn thiện trên các phương tiện truyền thông và Internet. Nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh rằng một người càng nhìn thấy nhiều hình ảnh hoàn thiện xung quanh mình thì người đó càng cố so sánh bản thân mình với những hình ảnh đó".

Bruce Clark (trái) và Laura Bowyer ở Bệnh viện tâm thần Maudsley, Anh.

Hai bác sĩ Bruce Clark và Laura Bowyer ở Bệnh viện Maudsley thừa nhận không biết được nguyên nhân gây nên BDD, song họ đồng ý với Phillips rằng căn bệnh là sự kết hợp của các vấn đề về gene, cảm xúc và sinh học thần kinh. Clark cho biết: "Một nửa số người mắc phải rối loạn này sẽ phải nhập viện điều trị. Và, khoảng một phần tư trong số những người này tự sát. Đó là bức tranh hết sức ảm đạm".

Những bệnh nhân BDD trẻ tuổi thường đe dọa cả cha mẹ, trốn học và thậm chí ăn cắp tiền cha mẹ để trang trải cho những ca phẫu thuật để chỉnh sửa gương mặt mình một cách không cần thiết. Một trong những điều mà bác sĩ Bruce Clark cảm thấy sốc nhất là vai trò của Internet đối với bệnh nhân BDD. Cũng giống như Zoe, bệnh nhân BDD đưa hình ảnh của họ lên Internet để tìm kiếm nguồn an ủi, hay sự tư vấn của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.

Những người mắc phải BDD không thể kiểm soát được suy nghĩ của mình và không tin lời những người khác nói rằng họ trông vẫn đẹp. Họ có thể lơ là trong công việc hay học tập, cố tránh những sự kiện xã hội và tự cô lập bản thân thậm chí với cả gia đình và bạn bè do lo sợ mọi người nhìn thấy những khuyết điểm hình thể. Thậm chí, những người mắc phải BDD tìm đến những phẫu thuật không cần thiết mà cuối cùng vẫn không thấy hài lòng về kết quả sau đó.

David Veale, bác sĩ tâm thần Anh và một trong những chuyên gia đầu tiên về BDD, bắt đầu tập trung nghiên cứu chứng rối loạn nguy hiểm này cách đây 20 năm sau vụ tự sát của một bệnh nhân BDD đang được ông điều trị.

David Veale cho biết: "Chúng tôi cố gắng phát hiện các triệu chứng BDD ở bệnh nhân thật sớm để dễ dàng điều trị trước khi bệnh tiến triển đến mức cực đoan nơi người bệnh. Thông điệp quan trọng nhất là BDD có thể chữa khỏi. Khó để vạch ra lằn ranh nơi mà cảm giác không thỏa mãn hình thể chấm dứt và BDD khởi đầu".

Veale nhấn mạnh rằng những sự kiện xảy ra đầu đời như là quan hệ mẹ - con lỏng lẻo và sự chế nhạo là những yếu tố quan trọng tác động đến trạng thái tâm thần con người.

Các triệu chứng BDD thường bắt đầu xuất hiện từ tuổi thiếu niên. Minnie Wright, 47 tuổi, bị BDD trong gần suốt cuộc đời mình.

Wright cho biết: "Các triệu chứng bắt đầu lộ ra khi tôi chỉ mới 11 tuổi, sau khi bị bạn bè trong trường học chế nhạo. Mọi người luôn trêu chọc mũi của tôi". Minnie cố trang điểm thật khéo để che mờ khuyết điểm nơi khuôn mặt song cũng chẳng ăn thua. Minnie giải thích: "Tôi muốn làm điều gì đó song tuổi hãy còn nhỏ. Tôi nghĩ bụng sẽ làm lại mũi khi được 18 tuổi. Ban đầu, tôi cảm thấy mình khá hơn nhưng cuối cùng tôi vẫn là người bất hạnh. Bởi vì vấn đề cơ bản vẫn còn đó mà chỉ có sự thay đổi chút ít không đáng kể".

Về sau, Minnie chuyển sang không hài lòng với mái tóc của mình và các triệu chứng BDD ngày càng tăng đến mức có ý định tự sát!

Hai bác sĩ Clark và Bowyer thừa nhận BDD là căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm và nếu vấn đề được giải quyết sớm từ tuổi thiếu niên thì chúng ta sẽ ngăn ngừa được sự đau khổ kéo dài nhiều năm và hàng ngàn cái chết.

Theo bác sĩ Clark, 4 câu hỏi có thể giúp phát hiện BDD nơi người bệnh. Thứ nhất, "Anh (Chị) có cảm thấy lo lắng về bề ngoài một số bộ phận cơ thể mà anh cảm thấy là thiếu hấp dẫn không?". Thứ 2, "Có phải mối lo ngại chính của anh (chị) là anh (chị) cảm thấy cơ thể mình quá gầy hay quá béo không?". Thứ 3, "Mối lo ngại của anh (chị) về ngoại hình đã tác động như thế nào đến cuộc sống của anh (chị)?". Thứ 4, "Anh (Chị) bỏ ra bao nhiêu thời gian trong một ngày để chỉ suy nghĩ về những khiếm khuyết cơ thể của mình?"

Cũng nhờ những câu hỏi này mà Clark đã phát hiện và chữa bệnh thành công cho một nữ bệnh nhân BDD có ý định tự sát chỉ vì một khiếm khuyết trên phần kín của cơ thể mà cô không dám bàn luận với bất cứ ai. Mẹ của Zoe giới thiệu cho con gái những cuốn sách của nhà thơ nữ Canada Margaret Atwood vì nghĩ rằng chúng sẽ giúp con gái nhận thức công bằng về bản thân.

Ngày nay, nhờ những cuốn sách của Margaret Atwood cũng như liệu pháp CBT kết hợp với thuốc chống trầm uất tác động đến hóa chất serotonin trong não bộ của Bệnh viện Maudsley mà Zoe đã nhìn thấy tương lai. Zoe muốn sau này trở thành nhà thiết kế thời trang.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.