Tìm ra phương pháp hóa trị nhờ một trận ném bom

Chủ Nhật, 06/09/2020, 09:46
Ngày nay, phương pháp hóa trị (điều trị bằng hóa chất) là một trong những cách chữa bệnh ung thư nhưng ít ai biết nó ra đời từ năm 1945, sau một trận ném bom của Đức Quốc xã xuống cảng Bari, Italy, nơi tập trung hải quân Đồng Minh ở mặt trận Bắc Phi trong Thế chiến II…


1. Sáng sớm ngày 2/12/1943, không quân Đức Quốc xã tiến hành một trận ném bom khốc liệt xuống cảng Bari, căn cứ hải quân quan trọng của phe Đồng minh ở Italy, đánh chìm 17 tàu và giết chết hơn 1.000 lính Anh, Mỹ cùng hàng trăm dân thường.

Trong số những chiếc tàu bị đánh chìm, có chiến hạm John Harvey, Mỹ. Nó chở theo 2.000 đầu đạn đại bác chứa khí mù tạt, dùng để trả đũa nếu Hitler sử dụng vũ khí hóa học. 

Khi chiếc John Harvey trúng bom, 2.000 đầu đạn phát nổ, giải phóng một đám mây khí mù tạt, hòa lẫn vào nước biển. 

Nhằm che giấu thảm họa, Eisenhower, Tổng thống Mỹ cùng Churchill, Thủ tướng Anh đã lập tức chỉ đạo hệ thống quân y phải bắt tay vào điều trị cho các nạn nhân ngay lập tức bởi lẽ khi tiếp xúc với khí mù tạt, nạn nhân sẽ bị bỏng da vì nó thấm qua quần áo, bỏng mắt, bỏng phổi… rồi tử vong.

Những đầu đạn chứa khí mù tạt bắn tung lên trời khi chiến hạm John Harvey trúng bom. Ảnh nhỏ: trung tá Alexander.

Trong số hàng nghìn người sống sót sau trận ném bom, có 617 người nhảy xuống biển nhưng chẳng ai biết nước biển đã hòa lẫn với khí mù tạt. Khi được vớt lên rồi được đưa vào Bệnh viện Quân y 98, các bác sĩ tiêm cho họ morphin (chiết suất từ thuốc phiện nhằm giúp ổn định thần kinh, tránh sự hoảng loạn) và đắp chăn để giữ ấm. Riêng những người sốc nặng, quân y cho họ mặc những bộ quần áo bằng vải dầu và bắt họ nằm bất động suốt 24 giờ đồng hồ.

Đến rạng sáng, hầu hết những người sống sót đều nổi mẩn đỏ trên da, đồng thời xuất hiện những mụn nước, to bằng quả chanh. Họ báo với bác sĩ rằng họ có cảm giác bỏng rát, khó thở, tầm nhìn suy giảm, khát nước và rất đau đớn. 

Khi ấy, các bác sĩ chỉ kết luận rằng họ bị viêm da mà nguyên nhân có thể do sức nóng của bom, hoặc do dầu máy tràn ra từ những con tàu bị chìm.

Hai đến ba ngày sau, 83 trong số những người nhảy xuống biển lần lượt chết. Những cái chết đột ngột, bí ẩn khiến các bác sĩ bối rối và không biết phải ngăn chặn bằng cách nào. 

Các tướng lĩnh Anh ở cảng Bari gửi điện hỏa tốc cho Bộ chỉ huy Lực lượng Đồng minh (AFHQ) ở Algiers, nội dung cho rằng có tin đồn về việc người Đức trong khi ném bom, đã sử dụng một loại khí độc không rõ nguồn gốc.

Lập tức, AFHQ điều động Trung tá Stewart Francis Alexander, người Mỹ, chuyên gia chiến tranh hóa học đến hiện trường. Chỉ 1 ngày sau, bất chấp sự phủ nhận của giới quân sự Anh, Alexander xác định tất cả nạn nhân đều bị phơi nhiễm khí mù tạt. 

Và mặc dù các tướng lĩnh Anh ở cảng Bari tìm mọi cách để ngăn cản nhưng Alexander vẫn kiên quyết theo đuổi cuộc điều tra của riêng mình nhằm xác định khí mù tạt xuất xứ từ đâu và bằng cách nào mà nó bị phát tán.

Về mặt hóa học, khí mù tạt (hay còn được gọi là lưu huỳnh mù tạt) nguyên chất dưới dạng lỏng, không màu, được sử dụng làm vũ khí bởi 2 nhà khoa học người Đức là Lommen và Steinkopf từ hồi Thế chiến 1. 

Khi bị nung nóng, lưu huỳnh mù tạt chuyển sang dạng khí. Nếu tiếp xúc với khí này, người ta sẽ bị phỏng da, phỏng niêm mạc mắt, mũi. 

Nếu hít phải nó, các phế nang trong phổi cũng bị bỏng, kể cả khi nó đã hòa tan với nước. Hậu quả là nạn nhân sẽ chết vì ngạt thở, nhưng nguy hiểm nhất là nó còn gây ra bệnh ung thư tủy xương.

2. Trở lại với Trung tá Stewart Francis Alexander, chuyên gia chiến tranh hóa học. Sau khi nghiên cứu cẩn thận các biểu đồ y tế và vị trí của các con tàu ở cảng Bari ngay trước lúc bị ném bom, cũng như lời tường thuật của các nhân chứng, Trung tá Stewart nhận ra rằng chiến hạm John Harvey có thể là tâm điểm của việc phát tán khí mù tạt. 

Hạ sĩ George Osborn, thủy thủ trên chiến hạm John Harvey may mắn sống sót vì lúc ấy đang ở trên bờ cho biết chỉ sau khi John Harvey phát nổ, các thủy thủ mới xuất hiện hiện tượng ngạt thở, ho khan liên tục, mù mắt hoặc giảm thị lực nghiêm trọng.

Bằng cách thuyết phục 2 thợ lặn Anh đi với mình, Trung tá Stewart không khó để tìm ra vị trí nơi chiếc John Harvey chìm ở độ sâu 18m. Tiếp theo, Stewart lần lượt đem lên 6 mảnh vỏ đạn đại bác cùng một số mảnh rơi trên bờ. 

Tiến hành phân tích, Stewart nhận thấy tất cả những mảnh này đều có dấu vết của khí mù tạt. Hỏi thăm các chuyên gia quân sự, họ cho biết nó là đạn đại bác M47A2, nặng 45kg, do Mỹ sản xuất.

Ngày 11/12/1943, Trung tá Alexander gửi một báo cáo về Bộ chỉ huy Lực lượng Đồng minh (AFHQ) ở Algiers, trong đó khẳng định vụ nổ các đầu đạn chứa khí mù tạt trên chiến hạm John Harvey là nguyên nhân của thảm họa.

Tuy nhiên những gì mà Alexander nhận được lại nằm ngoài suy nghĩ của ông. Trong khi Tổng thống Mỹ Eisenhower im lặng thì Thủ tướng Anh Churchill không thừa nhận chiến hạm John Harvey có mang theo những đầu đạn chứa khí mù tạt bởi lẽ trong Thế chiến 1, phía Đức lần đầu tiên đã sử dụng khí mù tạt ở phòng tuyến Ypres năm 1917 khiến gần 2.000 quân Đồng Minh thiệt mạng.

Lần này, khi cuộc chiến ở châu Âu bước vào giai đoạn quan trọng, phía Đồng minh đã áp đặt chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt đối tất cả mọi thông tin về vũ khí hóa học vì rằng về phương diện ấy, họ vẫn đi sau người Đức.

Nếu việc chiến hạm John Harvey mang theo đạn mù tạt bị tiết lộ, Thủ tướng Churchill e rằng phía Đức sẽ ra tay đánh phủ đầu với lý do nước Anh đã vi phạm hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hóa học..

Vì thế, tất cả mọi đề cập đến khí mù tạt trong báo cáo của Trung tá Alexander đều bị loại bỏ nhưng nó đã gây ra sự chú ý của Đại tá Cornelius P. "Dusty" Rhoads, làm việc trong Cơ quan Chiến tranh hóa học (CWS), Mỹ.

Trước đó, khi chưa gia nhập quân đội, Cornelius là người đứng đầu Bệnh viện Memorial ở New York về điều trị ung thư và các bệnh liên quan. 

Các đầu đạn chứa khí mù tạt đang được chuẩn bị xuất xưởng.

Theo Cornelius, ông đặc biệt chú ý đến các xét nghiệm vi thể trong quá trình giải phẫu bệnh trên những tử thi chết vì khí mù tạt. Ở những người này, khí mù tạt đã ức chế sự phân chia của tế bào bạch cầu.

Đại tá Cornelius nói: "Lúc ấy, tôi liên tưởng đến bệnh máu trắng (ung thư bạch cầu). Các mô khỏe mạnh trong cơ thể của tất cả những người bệnh đều bị phá hủy bởi tế bào bạch cầu ác tính nhân lên nhanh chóng. Điều đó khiến tôi suy nghĩ có thể sử dụng khí mù tạt làm vũ khí chống lại một số bệnh ung thư".

Cuối năm 1944, Cornelius mang bản sao báo cáo của Alexander về Mỹ, đến Đại học Yale. Tại đây, ông thuyết phục những người đứng đầu khoa Y, Đại học Yale thực hiện các nghiên cứu về tác dụng của mù tạt và bệnh ung thư máu với điều kiện phải tiến hành trong bí mật bởi ông không muốn phải ra tòa vì vi phạm lệnh kiểm duyệt đối tất cả mọi thông tin về vũ khí hóa học.

Sau nhiều lần thí nghiệm, tháng 3/1945, hai nhà khoa học thuộc Đại học Yale là Louis S. Goodman và Alfred Gilman đã thành công trong việc sử dụng mù tạt nitơ (là mù tạt nhưng được thêm vào 1 phân tử  nitơ, có tính ổn định hơn) trong việc ức chế sự nhân lên của tế bào bạch cầu ung thư trên chuột lang và khỉ. 

Tiến thêm một bước nữa, Đại học Yale tiến hành thử nghiệm mù tạt nitơ với 12 bệnh nhân ung thư máu trắng tình nguyện. Kết quả thật không ngờ, tế bào bạch cầu ác tính của 12 bệnh nhân đều ngừng phát triển, hoặc phân chia rất chậm so với 12 bệnh nhân đối chứng, chỉ điều trị bằng các biện pháp thông thường. 

Đây cũng là lần đầu tiên thuật ngữ "hóa trị" ra đời trong việc điều trị bệnh "máu trắng".

Dựa trên nền tảng này, Louis S. Goodman và Alfred Gilman phối hợp với một bác sĩ phẫu thuật lồng ngực là Gustaf Lindskog, tiêm mù tạt nitơ cho một bệnh nhân ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) và nhận thấy kích thước khối u giảm đáng kể trong cơ thể bệnh nhân mặc dù nó chỉ kéo dài vài tuần.

Thành công ấy khiến họ tập trung vào nghiên cứu làm cách nào để liệu pháp hóa trị có thể hoàn toàn tiêu diệt khối u. 

Bằng cách chia thời gian hóa trị thành nhiều đợt, đợt thứ 2 cách đợt thứ nhất 1 tuần, đợt thứ 3 cách đợt thứ 2 nửa tháng, đợt thứ 4 cách đợt thứ 3 một tháng…, Louis S. Goodman, Alfred Gilman và Gustaf Lindskog đã hình thành cái mà bây giờ, các bác sĩ chuyên ngành ung thư gọi là "liều hóa trị".

Tháng 9/1945, ngay khi Thế chiến 2 kết thúc, Đại tá Cornelius thuyết phục hai người đứng đầu Công ty General Motors là Alfred P. Sloane và Charles F. Kettering thành lập và tài trợ cho Viện Nghiên cứu Ung thư - được đặt tên của 2 người này là Viện Sloan Kettering (SKI) nhằm xây dựng một phòng thí nghiệm hiện đại, điều hành bởi những nhà khoa học - trong đó trung tá Stewart Francis Alexander được mời nhưng ông từ chối.

Năm 1949, Viện nghiên cứu SKI cho ra đời hóa chất Mustargen (mechlorethamine). Nó trở thành loại thuốc hóa trị liệu ung thư bạch cầu đầu tiên được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho phép sử dụng rộng rãi. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, trước khi liệu pháp ghép tế bào gốc ra đời, Mustargen vẫn là loại thuốc đầu tay của các bác sĩ chuyên ngành ung thư máu.

3. Cũng kể từ đó, "thời đại hóa trị" bắt đầu với Babe Ruth, bệnh nhân ung thư vòm họng. Bằng cách sử dụng hóa chất Friglutamate pteroyl, Tiến sĩ Richard Lewisohn thuộc bệnh viện Mount Sinai, New York đã đạt được kết quả khả quan sau vài tháng hóa trị. 

Đến năm 1951, bác sĩ Jane C. Wright chứng minh việc sử dụng Methotrexate trong ung thư vú đã khiến khối u co nhỏ lại.

Năm 1956, Tiến sĩ Roy Hertz tại Viện Ung thư quốc gia Mỹ nhận thấy chỉ cần sử dụng một mình hóa chất Methotrexate cũng có thể  làm thuyên giảm hoàn toàn ở phụ nữ mắc bệnh ung thư nhau thai (hay còn gọi là ung thư nguyên bào nuôi - choriocarcinoma).

Việc tìm ra hóa chất Methotrexate cũng do một sự tình cờ. Cuối thế chiến II, các bác sĩ quân y nhận thấy axit folic có trong những loại rau xanh là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành chức năng của tủy xương.

Điều này khiến họ gợi nhớ đến bệnh máu trắng mà nguyên nhân là khí mù tạt, tác động đến tế bào bạch cầu ngay khi nó mới vừa hình thành trong tủy.

Dựa trên những nghiên cứu ấy, bác sĩ Farber phối hợp với bác sĩ Harriet Kilte thuộc phòng thí nghiệm Lederle để cho ra đời một loạt các chất tương tự axit folic, bao gồm aminopterin và amethopterin, được biết với cái tên Methotrexate. 

Farber sau đó đã thử nghiệm Methotrexate ở trẻ em mắc bệnh bạch cầu và thu được kết quả thuyên giảm không ngờ. Điều này đã giúp Farber nhận được giải Nobel Y học năm 1988.

Hiện tại, theo một thống kê chưa đầy đủ, y học thế giới đang sử dụng 27 loại hóa chất trong điều trị ung thư, từ ung thư tiền liệt tuyến đến ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại tràng…, trong đó đáng kể nhất là những hóa chất có tác dụng ngăn cản và tiêu diệt tế bào ung thư di căn đến những cơ quan xa, chẳng hạn như ung thư nguyên phát ở đại tràng, di căn lên gan, phổi…

Với Trung tá Alexander, sau khi giải ngũ, ông trở về quê nhà ở Park Ridge, bang New Jersey. Suốt 18 năm sau đó, ông là giám đốc Bệnh viện Bergen Pines đồng thời giảng dạy ở Đại học Y khoa Columbia và Đại học New York. Cho đến khi qua đời vào ngày 6/12/1991, Alexander vẫn khiêm tốn với phát hiện về khí mù tạt của mình: "Tôi chỉ làm nhiệm vụ của một nhà khoa học"..

Vũ Cao (theo History of Cancer Chemotherapy)
.
.