Tìm thấy răng người vượn ở Bắc Kinh

Thứ Ba, 19/05/2015, 20:25
Hóa thạch của người vượn Bắc Kinh rất hiếm và gần như đã biến mất từ hơn nửa thế kỷ qua. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà khoa học vô cùng phấn khích khi công bố kết quả phân tích một chiếc răng của một người vượn Bắc Kinh 600.000 năm tuổi.

Công bố này được đăng trên số mới nhất của Tạp chí Acta Anthropologica Sinica, bản tiếng Anh, trong đó nêu phát hiện của các nhà khoa học Thụy Điển và Trung Quốc.

Theo ông Liu Wu thuộc Viện Cổ sinh vật học Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đây là chiếc răng nanh ở hàm trên của một người vượn Bắc Kinh. Chiếc răng đã phát triển đầy đủ và điều đó cho thấy đây là răng của một người vượn ở độ tuổi 20-40.

Ông Martin Kundrat, thuộc Trung tâm Sinh học Tiến hóa, Trường đại học Uppsala (Thụy Điển), cho biết, răng có 2 chỗ mẻ lớn, một chỗ mẻ đã nhẵn cho thấy nó đã bị mẻ rất lâu trước khi người này chết. Qua đây cho thấy, nhiều khả năng người vượn Bắc Kinh đã dùng răng làm dụng cụ để cắn một số vật rắn, như quả hạch hoặc xương động vật.

Răng của người vượn Bắc Kinh.

Giữa thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ phương Tây đã lùng sục khắp thế giới để tìm bằng chứng về tổ tiên loài người. Đầu thế kỷ XX, họ tới Trung Quốc. Trong những năm 1910, khi tới một quả đồi gần làng Chu Khẩu Điếm, tây nam Bắc Kinh, nhà địa chất Thụy Điển Johan Gunnar Andresson phát hiện ra những mảnh thạch anh đặc biệt giống với các dụng cụ bằng đá thời nguyên thủy.

Năm 1921, Otto Zdansky, thuộc Đại học Uppsala, tìm thấy chiếc răng đầu tiên của người vượn Bắc Kinh. Ngày 16/10/1927, Birger Bohlin phát hiện ra một chiếc răng khác của người vượn Bắc Kinh tại chính nơi Zdansky tìm thấy răng đầu tiên. Từ năm 1928 đến năm 1937, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di cốt của hơn 40 người vượn Bắc Kinh, trong đó có 5 hộp sọ.

Nhiều thùng chứa di cốt hóa thạch từ Chu Khẩu Điếm được gửi tới Đại học Uppsala trong những năm 1920 không hề được nghiên cứu vì nhà cổ sinh vật học Thụy Điển Carl Wiman là người có trách nhiệm xác định và mô tả số hóa thạch đó, nhưng sau khi ông qua đời năm 1944, hướng nghiên cứu đã thay đổi, khiến 40 thùng hóa thạch đã rơi vào quên lãng.

Đến năm 1951, Zdansky tìm thấy chiếc răng thứ 3. Năm 2011, Kundrat phát hiện ra chiếc răng thứ 4. "Về mặt giả thuyết, có thể sẽ tìm thấy thêm được nhiều di cốt trong số hóa thạch người vượn Bắc Kinh trong các thùng di cốt được gửi tới Đại học Uppsala. Tôi sẽ tiếp tục kiểm tra các thùng đó" - Kundrat cho biết và giải thích chiếc răng thứ 4 vô cùng độc đáo bởi đây là những bằng chứng đầu tiên chứng minh về sự tồn tại của người vượn Bắc Kinh.

Người vượn Bắc Kinh là một phân loài người đứng thẳng (homo erectus). Dấu tích khảo cổ học của người vượn Bắc Kinh được tìm thấy từ năm 1923 đến 1927 trong một cuộc khai quật tại Chu Khẩu Điếm. Các dấu tích này có niên đại khoảng 250.000 - 400.000 năm trước. Như vậy, có thể phỏng đoán cách đây khoảng 50 vạn năm, ở vùng Chu Khẩu Điếm đã có con người sinh sống.

Phúc Quyên (tổng hợp)
.
.