Trầm cảm sau sinh: Những câu chuyện đau lòng

Thứ Hai, 26/06/2017, 12:31
Sự việc người mẹ trẻ dìm chết con đẻ hơn 30 ngày tuổi đã gây xôn xao dư luận nhiều tuần qua. Người ta bảo đến cầm thú còn không ăn thịt con mình, nữa là… Nhưng có mặt tại khoa Tâm thần Nữ - Nhi (Khoa 3), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (BV TTTW 1), chúng tôi mới biết rằng trường hợp trên không phải là cá biệt. Để tránh những hậu quả đau đớn có thể xảy ra, người nhà cần hết sức lưu ý đến sức khỏe tâm thần của sản phụ...

1. Khoa Tâm thần Nữ - Nhi nằm ở khu vực trung tâm của BV TTTW 1. Bao chung quanh là những hàng me hàng sấu rợp mát. Khoảng sân trước dãy phòng làm việc của bác sỹ, phòng của bệnh nhân là những chiếc xích đu, cầu trượt... cho trẻ con. Nhìn từ xa, chúng tôi có cảm giác thật yên bình.

Thế nhưng, khi bước đến dãy hành lang dẫn vào khu điều trị, chúng tôi đã phải... giật mình vì gặp một bệnh nhân khoảng hơn 20 tuổi. Chị ta vừa đi vừa rên hừ hừ, người giật giật. Khuôn mặt toát lên một sự cô đơn, héo hắt còn ánh mắt thì chiếu ra những tia man dại.

Bác sỹ Tạ Thị Ngân, Trưởng Khoa 3 cho chúng tôi biết. Đó là một trong những sản phụ vừa được đưa vào điều trị tại bệnh viện khoảng 1 tuần lễ. “Đây là một điển hình của ca trầm cảm sau sinh, nhưng may mắn là chưa để lại hậu quả đau thương. Trong một phút không làm chủ được hành vi, chị ta đã ra vườn nhãn treo cổ tự tử. Rất may mà người nhà kịp phát hiện ra”.

Bác sỹ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV TTTW 1: “Trầm cảm sau sinh có thể gặp với bất cứ ai”.

Cũng theo bác sỹ trong khoa, sản phụ Hoàng Thị A. (trú tại Thường Tín, Hà Nội) là công nhân của một khu công nghiệp. Lấy chồng khá sớm, A. chưa kịp quen với vai trò một người vợ, người con dâu thì đã phải làm mẹ. Vốn trước khi lấy chồng, chị A. chỉ biết ăn chơi, chỉ riêng việc nấu một bữa cơm cho nhà chồng cũng là cả một bài toán nan giải với chị.

Chính vì thế khi sinh con, chị rất lúng túng trong việc chăm sóc đứa bé. Đã thế người chồng lại không quan tâm, cứ rượu chè cờ bạc suốt. Bà mẹ chồng thì hay mắng mỏ mỗi khi đứa cháu quấy khóc, con dâu lại không dỗ được khiến bà mất ngủ. Rồi cháu bé còn suốt ngày bị ốm vặt. Khi thì viêm đường hô hấp, lúc lại viêm đường tiết niệu... khiến cho người mẹ trẻ vô cùng căng thẳng, mệt mỏi.

Thế rồi đến một đêm đứa trẻ khóc to quá, ông bố chồng mới dậy gõ cửa phòng con dâu thì không thấy ai thưa. Hai ông bà đẩy cửa vào cũng không thấy con dâu đâu. Vội chạy ra vườn thì thấy một thân người... lủng lẳng trên cây nhãn. Hai ông bà tá hỏa kêu hàng xóm sang giúp đỡ đưa chị A. vào thẳng bệnh viện đa khoa tỉnh. Rồi sau đó được chuyển vào BV TTTW 1.

Qua thăm khám, các bác sỹ mới phát hiện chị A. vốn có tiền sử bị trầm cảm (dạng nhẹ). Sau khi sinh con, nội tiết tố thay đổi, cộng với những bức bối trong việc chăm con đã khiến chị A. phát bệnh nặng. Trong một giây phút không làm chủ được mình, A. cho rằng chỉ có cái chết mới có thể giải thoát được nên đã ra vườn treo cổ.

Cũng tại Khoa 3, năm 2016 đã tiếp nhận đến 4 ca sản phụ bị trầm cảm nặng sau khi sinh. Trong đó 3 ca để lại hậu quả rất đau lòng. Sản phụ Phạm Hương T. (trú tại huyện Ân Thi, Hưng Yên) đã ôm con trầm mình xuống ao cạnh nhà. Dù ao nước nông, chỉ ngập đến cổ chị T., song đứa con ôm trên tay thì đã bị chết ngạt tự lúc nào. Sau đó chị T. được đưa vào BV TTTW 1 để điều trị.

Qua tìm hiểu được biết, sau khi sinh em bé 3 ngày sản phụ T. có nhiều biểu hiện lạ như không cho con bú, xa lánh bé. Bên cạnh đó, cô còn cảm thấy ghét chồng, ăn ngủ kém. Trong khi đó gia đình lại cho rằng cô “khó tính, làm mình làm mẩy”. Đến một ngày, bố mẹ chồng không thấy con dâu đâu. Ông bà đoán chắc cô mang con về nhà ngoại nên không đi tìm. Chỉ đến lúc anh con giai đi làm về thấy vợ đang ở dưới ao thì mới chạy xuống kéo lên. Anh bàng hoàng khi thấy đứa con tím tái, ngừng thở từ lúc nào.

Bác sỹ Ngân vẫn còn nhớ mãi một nữ bệnh nhân trầm cảm nặng là chị Nguyễn Hồng M. Chị sống cùng chồng tại một chung cư trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội). Hành vi sát hại con của chị này khiến bác sỹ Ngân và nhiều y bác sỹ khác bị ám ảnh một thời gian dài. Hằng tối chị M. cùng chồng, con nằm ngủ trên một chiếc giường. Đứa con nằm giữa, hai vợ chồng hai bên. Bỗng nhiên một đêm, chị này đột nhiên tỉnh dậy vào bếp xách một con dao... Khi người chồng phát hiện ra sự việc thì đứa con mới một tháng tuổi đã lìa đời.

2. Trưởng khoa Cai nghiện BV TTTW 1 từng có một thời gian dài công tác tại Khoa Tâm thần Nữ - Nhi. Chị đã trực tiếp điều trị cho không ít sản phụ mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Theo bác sỹ Oanh, thống kê cho thấy có đến 80% phụ nữ sau sinh mắc hội chứng “Baby blues” (trầm cảm nhẹ). Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố. Sau khi đẻ, một số nội tiết đang nồng độ cao đột nhiên giảm xuống khiến cho sản phụ có những thay đổi trong tâm sinh lý. Đồng thời hoóc môn tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Sự thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, khó khăn trong chăm sóc bé... cũng góp phần gây nên hội chứng này. Một số bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú với cuộc sống và mất kiểm soát bản thân. Ngoài ra còn do yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì sản phụ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Một góc Khoa Điều trị cấp tính Nữ - Nhi tại BV TTTW 1.

“Hội chứng baby blues thường sẽ tự hết sau một thời gian. Tuy vậy có khoảng 10-20% sản phụ mà hội chứng này sẽ phát triển mạnh. Khi đó sản phụ sẽ mắc một trong ba bệnh lý gồm trầm cảm, hưng cảm hoặc loạn thần. Trong đó trầm cảm là hiện tượng phổ biến hơn cả” - bác sỹ Oanh chia sẻ.

Sản phụ Trần Thị Y. (trú tại xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng người gầy rộc, lúc nào cũng ủ rũ âu sầu, ăn không ăn, ngủ không ngủ. Chị được xác định bị trầm cảm nặng.

Vốn chị Y. làm nghề nông, lấy chồng khi tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình nhà chồng có một đầm nuôi cá cách nhà khoảng 5km. Người chồng thường xuyên ở ngoài đầm để trông. Sau khi sinh, chị Y. vẫn phải căng mình trên hai “mặt trận” vừa là dâu đảm, vừa làm mẹ hiền. Chính vì do quá căng thẳng nên càng ngày Y. càng cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, không ăn uống được, không chăm sóc được con. Dù vậy chị Y. vẫn cố gắng hết sức.

Đến một ngày chị Y. nghe tin chồng còn “tòm tem” với một phụ nữ trong làng. Thế là cơn bệnh bùng phát, Y. gần như bỏ hẳn việc chăm con, không ăn không ngủ mà suốt ngày đi ra đi vào, miệng lảm nhảm: “Tao phải giết mày...”. Gia đình vội đưa chị Y. nhập viện.

Một trường hợp khác, chị Bùi Thị N. (19 tuổi, trú tại thị trấn Thường Tín) thì nhập viện trong tình trạng bị loạn thần. Qua tìm hiểu các bác sỹ được biết N. “cặp” với một ông già gần 60 tuổi. Ông ta vốn đã có vợ con, nhưng vì vợ đẻ một bầy “bươm bướm” nên ông phải “cơi nới” nhằm kiếm thằng con giai.

Chị N. đẻ xong thì một mình chăm con, không được sự hỗ trợ của hai bên gia đình nội ngoại. Thiếu thốn đủ bề đã đành, chị N. còn hoang mang lo lắng vì sợ vợ của ông kia đến đánh ghen. Và trong những giây phút hoảng loạn, chị N. chỉ biết ôm chặt con đến nỗi đứa bé ngạt thở, tử vong ngay trên bàn tay mẹ!

3. Theo TS.BS Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc BV TTTW 1,  cá nhân ông đã chứng kiến không ít trường hợp chị em bị trầm cảm sau sinh. Theo ông Phương vấn đề này đã xảy ra với chị em từ rất lâu và có thể gặp với bất cứ ai.

Vài năm trước, bác sĩ Phương đã từng chứng kiến một trường hợp người mẹ bị trầm cảm sau sinh ra tay sát hại chính con gái của mình. “Khi đó bệnh trầm cảm sau sinh vẫn chưa được tuyên truyền rộng rãi như bây giờ, nên nhiều người cho rằng người phụ nữ giết con là có mục đích trả thù. Chỉ khi người phụ nữ phát điên, được công an đưa đến bệnh viện, được các bác sĩ thăm khám, kết luận bị trầm cảm thì mọi người mới tin” - TS Phương cho biết. Sau nhiều tháng kiên trì điều trị, người mẹ ấy đã hồi phục và biết rằng mình đã sát hại con nên đau đớn, ám ảnh vô cùng.

Sản phụ mắc chứng trầm cảm đang được điều trị tại BV TTTW 1.

Cũng theo bác sỹ Đỗ Thị Oanh, vụ việc sản phụ Phan Thị  Trinh (Thạch Thất, Hà Nội) dìm chết con đẻ 35 ngày tuổi sẽ phải chờ giám định của Viện Pháp y tâm thần. Nhưng theo kinh nghiệm mấy chục năm của bác sỹ Oanh thì sản phụ Trinh nhiều khả năng bị loạn thần sau sinh.

“Tâm lý chung của những sản phụ bị các chứng trầm cảm, hưng cảm sẽ diễn tiến theo một quá trình. Ban đầu họ luôn cảm thấy bức bối, lo lắng trong việc chăm sóc bản thân và đứa con. Họ nghĩ rằng bản thân không lo được cho mình, cảm thấy tuyệt vọng không còn lối thoát (mặc dù trên thực tế nhiều khi không phải là như vậy). Từ đó dẫn đến hành vi muốn chết để giải thoát. Họ cũng cho rằng nếu để lại đứa con thì làm khổ con nên thường “đem” con đi theo luôn.

Cũng không loại trừ một số trường hợp sản phụ bị loạn thần, bị ảo giác, hoang tưởng. Trong đầu họ xuất hiện những “ảo thanh” “ảo hình” luôn luôn thấy có người ra lệnh “mày phải giết đứa trẻ đi”. Hoặc bị ảo giác rằng đứa con xinh xắn bé bỏng kia thực chất là một con quỷ dữ. Lúc đó họ chỉ biết thực hiện hành vi theo ảo giác.

Bên cạnh đó, không loại trừ những bệnh nhân có tiền sử bị trầm cảm (dạng nhẹ nên người thân không phát hiện ra). Sau khi sinh đẻ thì bệnh lý trở nên nặng hơn và gây ra những hành vi không kiểm soát. Có những bệnh nhân cứ đẻ con là bị trầm cảm. Do đó cứ mỗi lần sinh đẻ xong họ lại phải nhập viện tâm thần để điều trị” - bác sỹ Oanh cho biết.

Để hạn chế việc sản phụ từ hội chứng “baby blues” chuyển sang trầm cảm nặng (hoặc hưng cảm, loạn thần) bản thân người phụ nữ khi có bầu cần tham gia các khóa học tiền sản. Họ sẽ được chuẩn bị tinh thần, trang bị những kiến thức để có thể sẵn sàng đón nhận, chăm sóc một đứa bé.

Bên cạnh đó, gia đình và đặc biệt là người chồng cũng có vai trò rất quan trọng. Gia đình cần phải tích cực tham gia với sản phụ để chăm sóc đứa bé. Luôn kịp thời an ủi, động viên, khuyến khích sản phụ rằng họ rất tuyệt vời, và hoàn toàn có khả năng chăm sóc đứa bé. Những việc nhà như chợ búa, cơm nước, người chồng cũng cần chia sẻ với vợ...

(Khuyến cáo của bác sỹ Đỗ Thị Oanh, Trưởng khoa Cai nghiện BV TTTW 1)

Minh Tiến
.
.