Trào lưu ăn kiêng theo người tiền sử gây tranh cãi

Thứ Sáu, 22/09/2017, 10:24
Là quy tắc ăn uống được mô phỏng theo thực đơn của tổ tiên xa xưa của loài người, chế độ ăn thời tiền sử "paleo diet" đang dần trở thành trào lưu ăn uống ngày nay. Đặt ra những quy tắc "không giống ai", những người khởi xướng ra cách ăn uống kì lạ này tin rằng đây là chế độ ăn lành mạnh có tác dụng như "thuốc tiên" mà con người đã bỏ quên.

Từ khi xuất hiện đến nay, phong trào này đã thu hút được lượng tín đồ hùng hậu, trong đó có cả các ngôi sao nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tỏ ra nghi ngờ về những gì mà cách nấu nướng theo kiểu người "ăn lông ở lỗ" này có thể mang lại.

Lượng tín đồ tham gia vào phong trào thực đơn lành mạnh và chế độ ăn kiêng khắc khổ đang trong xu thế ngày một tăng. Đôi khi những người này còn lôi kéo bạn bè tham gia vào phong trào này, thuyết phục họ cắt giảm khẩu phần ăn hay bỏ hẳn những món ăn ngon lành để tham gia vào chương trình ăn uống khắc nghiệt.

Danh ca xứ Wales Tom Jones là một trong những tín đồ trung thành của trào lưu “paleo diet”.

Tom Jones, ca sĩ nổi tiếng với ca khúc It's Not Unusual, người từng một thời được tôn vinh là "sex symbol" (biểu tượng tình dục), đã tìm đến những chế độ ăn có lợi cho sức khỏe. Cao khoảng 1,8m nhưng trong những năm qua ông đã không ngừng tăng cân và chạm mức hơn 100kg. Chính vì thế, Jones quyết định sẽ giảm cân và dứt khoát chọn "paleo diet".

Cái gọi là "paleo diet" không chỉ đơn giản là ý tưởng điên rồ của ca sĩ luống tuổi Tom Jones. Ở Hollywood, nỗi ám ảnh về việc giữ dáng vóc hoàn hảo của các diễn viên đã thúc đẩy họ chuyển hẳn từ những thực đơn thường ngày sang cách ăn uống như người săn bắt hái lượm thời tiền sử, điển hình là nữ diễn viên Jessica Biel.

Nữ diễn viên Jessica Biel cũng không thể cưỡng lại trào lưu này.

Trào lưu ăn kiêng cuồng tín này cũng đã lan sang tận nước Đức. Ví dụ như diễn viên Moritz Sachs đã thừa nhận mình là tín đồ của các chế độ ăn kiêng này. Trong nhiều năm, khán giả đã chứng kiến quá trình tăng cân của Moritz Sachs qua chương trình truyền hình Lindenstrasse. Nhưng nay, anh tuyên bố mình đã giảm được 18kg và tất cả là nhờ vào "paleo diet".

Tuy nhiên, mong muốn thật sự của những chuyên gia về cách ăn kiêng thời thượng này không chỉ dừng lại ở việc giảm cân. Họ thuyết phục mọi người tin rằng sự thay đổi cách ăn uống con người từ khi học được cách tự trồng trọt hơn 10.000 năm trước chính là nguyên nhân của những loại bệnh tật hoành hành ngày hôm nay. Họ còn cho rằng những chứng bệnh như xơ cứng động mạch, đái tháo đường, cao huyết áp chính là cái giá phải trả cho sự văn minh của con người.

Nhưng dường như những tín đồ này đã quên rằng, thuở xa xưa, bằng khả năng canh tác những người nông dân đã cứu đồng loại của mình khỏi nạn đói. Gần đây, nhà hàng Sauvage ở vùng ngoại ô Berlin đã thử nghiệm phục vụ những món ăn mô phỏng theo thực đơn của những người tiền sử. Chủ nhân của nhà hàng tuyên bố tuyệt đối nói "không" với những chế phẩm làm từ sữa, bánh mì, mì sợi, gạo và khoai tây. Và một trong những món ăn được phục vụ nơi đây là óc cừu non bọc bột mì rán.

Theo quản lý nhà hàng Boris Leite-Poco, chế độ ăn táo bạo này giúp khử độc cơ thể, chữa bệnh và thậm chí giúp tăng cường khả năng tình dục. Nhà hàng giải thích về chế độ ăn của mình rằng: "Khi bạn áp dụng quy tắc "paleo diet" vào thói quen ăn uống hằng ngày cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đi theo quy luật của tự nhiên”. Nhưng theo khẳng định các chuyên gia dinh dưỡng cũng như các nhà sinh vật học, quan điểm trên là hoàn toàn vô lý.

Ý tưởng ăn uống theo người tiền sử đang là "mốt" lan rộng từ Hollywood đến Berlin.

Một nhà nghiên cứu về tiến hóa của Đại học Minnesota cho đây chỉ là một xu hướng ăn kiêng và chỉ trích: "Những tín đồ cho rằng tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, tổ tiên của chúng ta đã từng thích nghi với tự nhiên một cách hoàn hảo. Nhưng dường như thời điểm được giả thuyết như trên chưa bao giờ tồn tại”.

Chuyên gia dinh dưỡng Alexander Strohle Đại học Hannover miền bắc nước Đức nhấn mạnh: "Không có cái gọi là chế độ ăn uống theo quy luật tự nhiên”.

Theo ông, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy người tiền sử chỉ ăn duy nhất những loại thức ăn nào đó. Vào thập niên 1970, bác sĩ chuyên khoa dạ dày và ruột ở Seattle (Mỹ), Walter Voegtlin, đã viết một cuốn sách nói về chế độ ăn này. Walter Voegtlin đã làm cho những người theo chế độ "paleo diet" tin rằng ăn thực phẩm được chế biến từ gạo hay lúa mì sẽ gây hại cho sự phát triển của con người. Nhưng vị bác sĩ này và những học trò của ông có lẽ đã hiểu sai về cơ chế của sự tiến hóa. Bởi chuyên gia dinh dưỡng Alexander Strohle đã khẳng định: "Sức khỏe không phải là tiêu chuẩn của quá trình chọn lọc tự nhiên. Mà khả năng sinh sản mới là điều quan trọng nhất”.

Người dân Berlin nay đã có thể thưởng thức những món ăn kiểu "paleo diet" tại nhà hàng Sauvage.

Dĩ nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên chúng ta nên ăn nhiều rau quả và trái cây hơn là hamburger hay là khoai tây chiên. Tuy nhiên, Strohle cũng cho biết "có những thắc mắc về vấn đề này, rằng phải chăng cần phải có một câu trả lời chính xác dựa trên những tiến bộ của y khoa về quá trình tiến hóa”.

Song, mặc cho sự phản đối từ cộng đồng khoa học thế giới, "paleo diet" vẫn ngày một phổ biến hơn. Các nhà khoa học càng không khỏi sửng sốt khi những người khởi xướng ra trào lưu này còn khẳng định rằng, họ hiểu biết rất rõ về thời kỳ đồ đá, mặc cho thời kỳ kéo dài hơn 2,5 triệu năm này đã kết thúc vào khoảng 8.000 năm trước Công nguyên.

Trên thực tế, những hóa thạch có thể cho ta biết về tập quán ăn uống của loài người vào thời kỳ này cực kỳ hiếm. Tuy nhiên, có thể dễ dàng suy đoán rằng, những chủ nhân của loại rìu đá thời tiền sử không thể nào kén chọn trong ăn uống mà sẽ phải tận dụng tất cả những gì có thể ăn được. Hơn nữa, chuyên gia dinh dưỡng Strohle đã kết luận: "Nhìn chung, tập quán ăn uống của người tiền sử rất linh động”.

Ngày nay, những người say mê "paleo diet" đã dứt khoát loại bỏ những món chứa nhiều cacbohydrate ra khỏi thực đơn của mình. Tuy nhiên, biết làm sao được khi để cung cấp năng lượng cho cơ thể, họ không thể không tiếp nhận cacbohydrate. Sự thèm thuồng những món ăn chứa nhiều calorie là lẽ thường tình của  người hiện đại. Strohle còn có giả thuyết rằng: "Thói quen thèm đồ ngọt của chúng ta ngày nay có vẻ liên quan đến thực đơn nhiều trái cây của tổ tiên của ta xưa kia”.

Trong những tháng hè, một số người tiền sử này có thể ăn đến 1,5kg các loại thức ăn tạo vị ngọt mỗi ngày. Phát hiện này đã làm cho các chuyên gia dinh dưỡng hết sức bất ngờ. Các nhà nhân chủng học cũng tìm ra những dấu hiệu cho thấy người tiền sử còn đào cả những củ chứa nhiều tinh bột dưới đất để thỏa mãn cơn thèm đường.

Mặc dù vậy, những người hâm mộ phương pháp "paleo diet" cũng không hề nản lòng, mải mê đeo bám ảo tưởng rằng tổ tiên xa xưa của loài người đã sử dụng những loại thức ăn lành mạnh và chỉ hấp thu rất ít cacbohydrate từ trái cây. Thậm chí, bằng nhiều cách, họ đang ngày càng cố gắng để bắt chước giống nhất có thể.

Quản lý nhà hàng Leite-Poco là một điển hình, ông mua thịt từ một nông trại ở Trebbin, phía đông bang Brandenburg nước Đức, nơi gia súc chỉ được nuôi dưỡng bằng những loại cỏ tươi tốt. Hiển nhiên rằng ông cũng chỉ mua những loại rau quả và trái cây được trồng hữu cơ.

Leite-Poco giới thiệu: "Ở đây, chúng tôi có bánh mì và phô mai theo kiểu "paleo diet", nhưng ngoài mùi vị ra thì chúng chẳng có gì giống với bánh mì hay phô mai thường cả”. Thật khó có thể tin được những món ăn này có thể giúp cho những người dân thành thị hiện đại có được tập quán ăn uống như người tiền sử. Các nhà khoa học từ Trung tâm thử nghiệm nông nghiệp bang New York đã thử trồng loại táo dại mà người tiền sử từng ăn.

Tác giả của một bài báo trên tờ New York Times đã từng mô tả lại khi nếm thử loại táo này: "Tôi có cảm giác như cắn phải quả hạch Brazil được bao bọc bởi lớp vỏ da dai nhách”. Điều này dường như không có gì lạ đối với các chuyên gia dinh dưỡng. Nhà sinh vật học Zuk giải thích: "Những thực phẩm ngày nay của chúng ta đã bị biến đổi hoàn toàn so với trước đây. Kết quả để chúng chứa nhiều calorie hơn, dễ dàng vận chuyển hơn hay chỉ đơn giản là để có mùi vị ngon hơn ban đầu”.

Zuk cũng đã cố khuyên những tín đồ của phong trào paleo rằng: "Dù có muốn, chúng ta cũng không thể nào sống như những người tiền sử được. Liệu trong những giây phút hoài cổ, có bao giờ người tiền sử tự hỏi cuộc sống tốt đẹp biết bao nhiêu lúc họ chưa biết đi bằng hai chân và chỉ việc nằm lỳ trên cây?".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.