Triển vọng vaccine COVID-19: Chạy đua với thời gian

Chủ Nhật, 12/04/2020, 07:35
Chưa bao giờ cả nhân loại hy vọng và mong mỏi về một “phép màu” như hiện nay, khi mà các nỗ lực khống chế sự lây lan “quá nhanh, quá nguy hiểm” của virus đang trở nên mong manh.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, lan rộng ra khắp các châu lục và diễn biến ngày càng phức tạp. Mỗi ngày, số ca nhiễm mới cùng lượng người tử vong đều tăng nhanh, buộc giới khoa học phải chạy đua với thời gian để điều chế vaccine chống virus gây bệnh SARS-CoV-2 ở các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.

Chưa bao giờ cả nhân loại hy vọng và mong mỏi về một “phép màu” như hiện nay, khi mà các nỗ lực khống chế sự lây lan “quá nhanh, quá nguy hiểm” của virus đang trở nên mong manh.

Đi tìm phép màu

Truyền thông Mỹ đưa tin, Washington đang vô cùng khẩn trương tiến hành các cuộc thử nghiệm vaccine trên cả nước. Nhiều phòng thí nghiệm ở Boston, Houston hay San Diego đang gấp rút triển khai tiêm vaccine mới vào cơ thể động vật, đồng thời tiếp tục nghiên cứu gene của SARS-CoV-2 để tìm giải pháp khống chế loại virus mới này.

Virus SARS-CoV-2 đã đột biến, xuất hiện thêm hai chủng L và S mới, rất dễ lây truyền giữa người với người.

Cho đến ngày 16/3, Mỹ chính thức tuyên bố bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine phòng SARS-CoV-2 trên người, với sự tham gia của các tình nguyện viên tại Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington (Seattle).

Trong khi đó, Bắc Kinh phát đi thông báo Học viện khoa học quân y Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm tính an toàn của vaccine trên 108 người, kéo dài từ ngày 16/3 cho đến 31/12 năm nay. Ấn Độ cũng vào cuộc khi Viện huyết thanh quốc gia (SII) đã hoàn tất một thỏa thuận liên doanh với công ty dược phẩm Codagenix để phát triển vaccine cùng thuốc điều trị COVID-19.

Giờ đây, các nỗ lực chế tạo vaccine SARS-CoV-2 không còn tính bằng năm, mà đang phải chạy đua từng tháng, thậm chí từng ngày với tham vọng tìm thấy “phép màu” hiệu quả nhanh và mạnh hơn vaccine truyền thống. Hàng trăm thử nghiệm xuất hiện, phối hợp thuốc kháng virus HIV và cúm, hay sử dụng huyết tương mang kháng thể từ bệnh nhân đã hồi phục.

Kể từ tháng 1/2020, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố trình tự gene của SARS-CoV-2, giúp thế giới có cái nhìn rõ ràng hơn về chủng virus corona mới nguy hiểm, đặt nền móng cho quá trình điều chế vaccine và thuốc chữa trị COVID-19.

Ngoài ra, giới nghiên cứu tận dụng chính các kết quả trong phát triển vaccine ngăn ngừa những chủng corona trước đây như virus gây hội chứng hô hấp cấp (SARS) ở Trung Quốc (2002-2003) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) vào năm 2012 để rút ngắn thời gian điều chế vaccine SARS-CoV-2.

Dù cuộc trường chinh đi tìm vaccine SARS-CoV-2 chỉ mới bắt đầu nhưng giới khoa học cũng đã đem lại những cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt. Một số nghiên cứu tập trung đánh giá tính hiệu quả của vaccine “tạm thời”, tạo miễn dịch ngắn hạn trong vòng 2 tháng cho con người trước khi vaccine miễn dịch “cả đời” với chủng corona mới xuất hiện.

Trong khi số khác muốn tạo ra một loại vaccine tái tổ hợp, hoặc điều chế vaccine từ mARN (một vật liệu di truyền từ ADN có khả năng tạo protein) mà không đòi hỏi phải nuôi cấy một lượng lớn virus.

Theo đó, mARN được biến đổi thích hợp, tiêm vào cơ thể để tạo ra các protein kích hoạt phản ứng miễn dịch tiêu diệt virus. Loại vaccine kiểu mới này ghi điểm về thời gian sản xuất, và nếu vượt qua các giai đoạn thử nghiệm để đưa ra thị trường thành công thì sẽ giúp thay đổi cục diện cuộc chiến với SARS-CoV-2.

Lo ngại độc quyền

Chung tay với thế giới trong cuộc đua vaccine, CureVac sử dụng chính công nghệ mARN độc đáo, mô phỏng lại tự nhiên, từ đó cung cấp cho cơ thể thông tin di truyền về cách đánh thức miễn dịch trước virus SARS-CoV-2.

WHO ước tính phải mất từ 12 đến 18 tháng mới có thể đưa vaccine vào sử dụng rộng rãi trên người.

Truyền thông thế giới vô cùng ấn tượng trước các kết quả khả quan trong nhiều thí nghiệm của hãng công nghệ sinh học Đức với ý tưởng vaccine liều thấp.

Đây được coi như một trong nhiều điểm sáng của cuộc chiến COVID-19 trên toàn cầu nhờ hiểu biết y khoa, chuyên môn sản xuất cùng công thức sáng chế tiềm năng. CureVac hy vọng sẽ chính thức hoàn thiện vaccine sau 3 đến 4 tháng nữa trước khi xin cấp phép để thử nghiệm lâm sàng trên người vào cuối năm 2020.

Điều đáng bàn ở đây là, việc nhìn thấy triển vọng vaccine của CureVac dường như đã khiến Washington nổi lòng tham khi muốn thâu tóm toàn bộ hãng công nghệ này, khiến mâu thuẫn nảy sinh giữa hai cường quốc Mỹ và Đức.

Các nguồn tin tiết lộ, quan chức Nhà Trắng đã tiến hành một số cuộc họp kín với ban lãnh đạo CureVac trong tháng 3 nhằm thảo luận kế hoạch phát triển tại thị trường Mỹ và lộ trình sản xuất vaccine SARS-CoV-2.

Trong lúc này, Tổng thống Donald Trump đề nghị mua lại độc quyền vaccine với mức giá tối thiểu 1 tỷ USD. Truyền thông Berlin cho rằng Washington đang cố gắng lôi kéo các nhà khoa học Đức thông qua những khoản tài trợ khổng lồ để phục vụ “xứ cờ hoa” đang rệu rã trước sự càn quét của SARS-CoV-2, tạo ra thuốc mới dành riêng cho Washington.

Nhiều chính khách Đức tức giận, khẳng định quyền đối với nghiên cứu vaccine SARS-CoV-2 không thể giống như hàng hoá, yêu cầu chính phủ can thiệp để ngăn Mỹ kiểm soát độc quyền vaccine. Họ coi ý định của Donald Trump là một hành động không thân thiện, nhằm phục vụ chính sách “nước Mỹ trên hết”, đồng thời tìm cách vận động tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Nhiều tờ báo nhận định độc quyền là phi lý, rằng người Đức cũng như người dân toàn thế giới có quyền tiếp cận vaccine trong đại dịch. Vì vậy, Berlin đã thảo luận các chiến lược nhằm cam kết cung cấp nhiều ưu đãi tài chính cho CureVac để ở lại nước Đức. Berlin muốn bảo đảm rằng vaccine và mọi liệu pháp trị COVID-19 phải được phát triển ở Đức và châu Âu.

Những nghi ngờ về mối quan hệ CureVac và chính quyền Mỹ đã phần nào hé lộ nguy cơ độc quyền, được phản ánh qua đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế đối với các loại thuốc hay vaccine mới. Trên thực tế, việc tạo ra một loại vaccine mới rất phức tạp, đòi hỏi nguồn lực tài chính, thời gian và nhân lực cực lớn. Một khi vaccine được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu sẽ thâu tóm quyền hạn sử dụng, độc quyền sản xuất, mua bán hay cấp quyền cho các đơn vị khác, từ đó thu lợi nhuận siêu khủng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, lợi ích cộng đồng cần được ưu tiên hàng đầu thông qua chia sẻ dữ liệu để nhanh chóng tìm ra vaccine hữu hiệu, giảm thiểu tối đa lây nhiễm cũng như thiệt hại về người và tài sản.

Đây cũng chính là tuyên bố của CureVac khi khẳng định không hề có hợp đồng độc quyền với Mỹ, mà nghiên cứu vaccine vì mục đích nhân đạo, cứu chữa bệnh nhân trên toàn cầu.

Một chặng đường dài

Tất nhiên, với những tiến bộ y học, chắc chắn sẽ xuất hiện vaccine đặc hiệu với SARS-CoV-2. Với tốc độ hiện tại sẽ mất khoảng một năm để biết liệu quy trình điều chế có hiệu quả hay không.

Các biện pháp phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cần được thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ước tính phải mất từ 12 đến 18 tháng mới có thể đưa vaccine vào sử dụng rộng rãi trên người. Thời gian vô cùng gấp rút, vậy mà nhiều hãng dược lại không quá mặn mà chuyện sản xuất vaccine bởi họ muốn tập trung vào “mỏ vàng” thuốc điều trị ung thư, đồng thời quan ngại trách nhiệm khi xảy ra sự cố vaccine.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư hay tài trợ điều chế vaccine thường “xẹp” đi rất nhanh khi dịch lắng xuống, khiến các hãng dần trở nên do dự hơn khi tham gia vào cuộc đua vaccine.

Thử nghiệm đầu tiên trên người đã được bắt đầu, nhưng ngay cả khi mọi việc diễn ra tốt đẹp thì vẫn còn rất nhiều thách thức trước khi việc tiêm chủng toàn cầu trở nên khả thi. Trở ngại lớn nhất là tốc độ và quy mô lây nhiễm toàn cầu. Virus SARS-CoV-2 đã đột biến, xuất hiện thêm hai chủng L và S mới khiến bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào ra đời sẽ sớm bị lỗi thời.

Điều này xuất phát từ vật liệu di truyền ARN của virus có cấu trúc mạch đơn, giúp chúng dễ dàng tách rời và tái tạo liên kết khi một kết nối bị phá vỡ. Thậm chí, virus có thể thu nhận vật liệu di truyền mới từ các virus khác, từ đó tiến hóa và thích nghi, rất dễ lây truyền giữa người với người, gây ra các triệu chứng từ rất nhẹ đến nghiêm trọng. SARS-CoV-2 trở nên khó kiểm soát hơn, khiến COVID-19 không biến mất nhanh như SARS.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia từng cảnh báo “đi đường tắt” có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro chết người, đặc biệt đối với động thái đẩy nhanh thử nghiệm vaccine trên người khi chưa áp dụng với động vật. Điều này đặt ra yêu cầu vẫn phải kiểm tra kỹ lưỡng với động vật trong điều chế vaccine theo phương pháp truyền thống để đảm bảo vaccine không độc và có thể giúp hệ miễn dịch phản ứng với virus.

Cùng với đó, WHO khẩn thiết kêu gọi các quốc gia và tổ chức tiếp tục chia sẻ dữ liệu về mẫu phẩm cùng chuỗi gene của SARS-CoV-2 nhằm giúp giới nghiên cứu tiếp cận nguồn thông tin nhiều nhất có thể. Bất chấp nỗi sợ bao trùm toàn cầu, WHO tin rằng đây là thời điểm cả thế giới cần bình tĩnh, đoàn kết, cố gắng duy trì sự lạc quan và hành động hợp lý. Bởi lẽ, việc sợ hãi sẽ chẳng thể nào cứu được loài người...

Việt Dũng
.
.