Trợ thủ đắc lực trong cuộc chiến chống COVID-19

Thứ Sáu, 24/04/2020, 08:22
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều công ty công nghệ đang ứng dụng robot, các thiết bị bay không người lái (drone) và trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ y tế cũng như cung cấp dịch vụ đến những khu vực cách ly hoặc thực hiện giãn cách xã hội.

Đây được coi là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người với người, trở thành vũ khí chủ lực trong cuộc chiến với SARS-CoV-2, góp phần ngăn chặn sự lây lan của một đại dịch nguy hiểm chết người.

Y tế từ xa

COVID-19 trở thành thách thức rất lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như đội ngũ y bác sĩ tại tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong bối cảnh này, y tế từ xa dưới sự hỗ trợ của hệ thống robot đã và đang mở ra nhiều cơ hội giúp bác sĩ giao tiếp với bệnh nhân mà không cần phải đến bệnh viện. Các robot làm nhiệm vụ khám chữa bệnh không chỉ giao tiếp tốt với bệnh nhân mà còn thu thập những thông tin cần thiết hỗ trợ cho quá trình sàng lọc nguồn gây bệnh.

Các drone được sử dụng để phát tán các chất diệt khuẩn trên diện rộng nơi công cộng.

Tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, robot hoạt động trên nền tảng 5G đã giúp kiểm soát bệnh dịch, đồng thời làm giảm gánh nặng về nguồn lực con người.

Trong khi đó, ở Bệnh viện Circolo (Italy), các robot y tá kết nối bác sĩ với người bệnh, đảm bảo thông suốt quy trình kiểm tra, giám sát bệnh nhân, cũng như theo dõi các thông số 24/24 mà không cần nghỉ ngơi hay lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh. Một số robot còn kiêm nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt, vận chuyển bữa ăn, và thay ga trải giường với công suất hoạt động gấp 3 đến 5 lần nhân viên bình thường.

Chưa hết, nhiều bệnh viện trên thế giới sử dụng robot để khử trùng nhờ khả năng tạo ra tia cực tím tiêu diệt vi khuẩn/virus gây bệnh. Những thiết bị tự động này được điều khiển từ xa bởi đội ngũ bác sĩ tại khu vực cực kỳ an toàn để tránh phát tán nguồn lây bệnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng tự động hóa để ngăn chặn dịch bệnh mở ra tương lai ứng dụng robot trong bối cảnh hàng nghìn người tử vong mỗi năm vì liên quan đến nhiễm trùng. Khi đó, robot không chỉ có nhiệm vụ khử trùng mà còn được tích hợp cảm biến nhiệt hay thuật toán nhận diện gương mặt, kết nối với hệ thống an ninh để định vị nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Vận chuyển... không chạm

Nhằm hạn chế tiếp xúc giữa con người với nhau, một số công ty công nghệ đã triển khai ứng dụng robot vận chuyển để cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết hay thuốc men đến các bệnh viện và khu cách ly. Robot là những cỗ máy không thể bị nhiễm bệnh, được tích hợp các chương trình di chuyển và phân tích thông tin, từ đó đưa hàng hóa đến từng hộ gia đình.

Đại gia bán lẻ Alibaba đã phát triển hệ thống robot ở tất cả các kho hàng nhằm vận chuyển trang thiết bị y tế đến các khu vực của Trung Quốc nằm trong vùng dịch, bao gồm cả tâm dịch Vũ Hán, phục vụ việc xét nghiệm sàng lọc người bệnh và hỗ trợ công tác điều trị. 

Hiện nay, một số ứng dụng mua hàng online đã cho phép thiết lập "vận chuyển không chạm" (với người giao hàng) khi sử dụng xe tự lái. Bên cạnh đó, thiết bị bay không người lái cũng được thử nghiệm để chuyển thuốc cùng các trang thiết bị y tế đến vùng dịch. Theo báo cáo mới đây của tổ chức GPS quốc tế, sử dụng các thiết bị này đã tăng hiệu quả và tốc độ vận chuyển lên đến hơn 50% so với vận chuyển đường bộ thông thường. Ngoài ra, người điều khiển nằm ở một khu vực cách xa nên hoàn toàn không có nguy cơ nhiễm bệnh.

Không chỉ vận chuyển, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ còn tận dụng drone nhằm quan sát đám đông, theo dõi giao thông và giám sát những khu vực cách ly. Bằng cách sử dụng những chiếc máy bay tý hon, cảnh sát có thể xác định người không tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang, hay vi phạm quy định về giãn cách xã hội.

Thông qua các cảm biến nhiệt, các drone giúp nhận diện cá nhân có nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường để có biện pháp can thiệp y tế kịp thời. Ngoài ra, các thiết bị bay không người lái còn được sử dụng để truyền tải tin tức đến những khu vực xa xôi, thậm chí phát tán các chất diệt khuẩn trên diện rộng ở nơi công cộng.

Trợ thủ ảo

Trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến chống lại COVID-19 nhờ những ứng dụng thông minh như sàng lọc người dân, cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh hay cần được hỗ trợ y tế, và theo dõi sự lây lan của nguồn bệnh. Các hệ thống quan sát AI ra đời, quét hình ảnh ở khoảng cách xa, cho phép kiểm tra thân nhiệt hàng trăm người chỉ trong vài phút.

AI hỗ trợ công nghệ in 3D tạo ra các trang thiết bị y tế, hay chạy các chương trình chụp CT chính xác để xác định dấu hiệu tổn thương phổi ở bệnh nhân. Quan trọng hơn, AI đang tối ưu hóa thử nghiệm lâm sàng thuốc cùng vaccine COVID-19 thông qua hàng ngàn mô phỏng giải trình tự gen và phân tích dữ liệu trên đám mây.

Giới khoa học sử dụng AI nhằm xây dựng các bản đồ COVID-19 theo từng khu vực, từ đó dự đoán về tốc độ lây lan của virus, và hỗ trợ các quốc gia đưa ra kế hoạch ứng phó kịp thời. Dữ liệu thu thập thông qua các ứng dụng di động theo thời gian thực, và được cập nhật hàng giờ.

Các bên tham gia chia sẻ thông tin phối hợp chặt chẽ, bao gồm công ty công nghệ và các trường đại học cung cấp công cụ truy cập, công ty viễn thông cho phép tiếp cận dữ liệu cá nhân, và chính quyền đảm bảo quá trình chia sẻ dữ liệu hợp pháp, không đe dọa bảo mật cá nhân.

Tại một số quốc gia châu Âu như Áo hay Italy, cơ chế chia sẻ thông tin ẩn danh đã bắt đầu có hiệu lực để phân tích quá trình di chuyển của người dân, giúp xây dựng các bản đồ nguy cơ lây lan virus. Trong khi đó, nhóm chuyên gia MIT giới thiệu ứng dụng di động mã nguồn mở, kiểm tra sự trùng lặp trong tín hiệu GPS của người dùng với các tín hiệu của bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.

Theo họ, điều này giúp người sử dụng biết được nguy cơ của mình cũng như các khu vực nguy hiểm dựa trên lịch trình cá nhân và tiếp xúc với người bệnh trước đây. Quan trọng hơn, ứng dụng này đáp ứng tốt yêu cầu bảo mật nhờ phương thức mã hoá dữ liệu để không chia sẻ dữ liệu gốc từ thiết bị di động...

Nam Hồng (Tổng hợp)
.
.