Trung Quốc nghiên cứu thành công biến đổi gene phôi thai người

Thứ Năm, 07/05/2015, 14:25
Lần đầu tiên, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng công nghệ gọi là CRISPR/Cas9 để can thiệp thành công vào hệ gene phôi thai người và biến đổi một gene đặc biệt gây chứng rối loạn máu hay thiếu máu di truyền (beta thalassaemia) chết người. Nhưng, họ cũng tuyên bố vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cho nên công nghệ khó có thể được ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần.

Một số người tin rằng vào một ngày nào đó kỹ thuật sẽ được sử dụng để loại bỏ những bệnh di truyền nguy hiểm chết người, trong khi số khác lo ngại về vấn đề đạo đức cũng như sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Trung Quốc được công bố lần đầu tiên trên tạp chí Protein and Cell hôm 18/4, sau khi bị tạp chí Nature and Science từ chối vì lý do đạo đức.

Nghiên cứu can thiệp gene phôi thai người của Trung Quốc gây lo ngại về đạo đức.

Sử dụng các phôi thai không phát triển có được từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhóm nhà khoa học Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Junjiu Huang - nhà nghiên cứu di truyền học Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu - tiến hành tiêm vào phôi thai enzyme Cas9 được lập trình để xử lý một gene đặc biệt.

Cùng với một phân tử khác cũng được đưa thêm vào phôi thai, mũi tiêm này có thể sửa chữa hay thay thế các gene được coi là gây ra vấn đề cho sức khỏe con người. Trước đây, kỹ thuật này từng được sử dụng để thử nghiệm trên các tế bào con người và phôi thai động vật. Nhưng, đây là lần đầu tiên thử nghiệm thành công trên phôi thai người và có thể mở đường cho các nhà khoa học trên thế giới sử dụng kỹ thuật để xử lý các gene của phôi thai có được từ IVF trước khi chúng được cấy vào tử cung người mẹ.

George Daley, nhà sinh học tế bào gốc Trường Y - Đại học Harvard (Mỹ), phát biểu trên tạp chí Nature: "Tôi tin đây là báo cáo đầu tiên về công nghệ CRISPR/Cas9 được ứng dụng cho phôi thai người trước cấy ghép. Nghiên cứu được coi là bước ngoặt quan trọng song cũng là cảnh báo thận trọng cho bất cứ ai nghĩ rằng công nghệ đã sẵn sàng để thử nghiệm loại bỏ các gene gây bệnh tật". Nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc thử nghiệm với 86 phôi thai và cho phép chúng có 48 giờ để phản ứng. Cuối cùng, họ chỉ cấy ghép thành công ở 28 phôi thai, có nghĩa là tỉ lệ thành công còn thấp buộc công trình nghiên cứu phải ngưng lại.

Edward Lanphier, Chủ tịch Sagamo BioSciences (trái) và nhà nhân chủng học Francis Galton, cha đẻ thuyết ưu sinh.

Giáo sư Junjiu Huang trình bày: "Nếu muốn xử lý đối với phôi thai bình thường, anh cần phải chắc chắn tỷ lệ thành công gần 100%. Đó là lý do tại sao chúng tôi ngưng cuộc nghiên cứu. Chúng tôi nghĩ rằng điều kiện chưa chín muồi".

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có các nhà khoa học mơ tưởng đến công trình "không thể tưởng tượng nổi" là sửa đổi gene của trứng, tinh trùng và phôi thai. Ví dụ, có ít nhất một trung tâm di truyền học của Mỹ đang có thí nghiệm tương tự nhưng được giữ bí mật. Tháng 3 vừa qua, một nhà báo của MIT Technology Review tiết lộ đội ngũ nhà khoa học của Trường Y - Đại học Havard thí nghiệm sử dụng công nghệ CRISPR đối với mô buồng trứng, có thể bao gồm cả các tế bào trứng song công trình vẫn chưa đủ thành công để công bố trong cộng đồng khoa học thế giới.

Các nhà khoa học cũng lo ngại công nghệ có thể làm xuất hiện một dạng "thuyết ưu sinh" mới - học thuyết nổi tiếng được nhà nhân chủng học người Anh Francis Golton đề xuất vào năm 1883 và sau đó bị Đức Quốc xã lợi dụng để tàn sát những dân tộc mà bọn chúng coi là "hạ đẳng". Ngoài ra, một số nhà khoa học cảnh báo hoạt động thay đổi gene bừa bãi có thể dẫn đến nguy cơ con người tuyệt chủng!

Edward Lanphier, Chủ tịch Sagamo BioSciences kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Y học tái tạo ở Washington DC., bình luận trên tạp chí Nature: "Chúng ta là con người chứ không phải những con chuột biến đổi gene. Chúng ta tin rằng có một vấn đề đạo đức cơ bản đối với việc vượt qua ranh giới để biến đổi gene phôi thai người".

Vào buổi bình minh của công nghệ gene cách đây 42 năm, các nhà khoa học đã cố gắng tránh vượt qua ranh giới đạo đức như thế. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có nỗ lực thay đổi cấu trúc gene phôi thai người với một công nghệ để từ đó cho phép thay đổi di truyền cho các thế hệ con cháu.

Mối lo ngại về đạo đức xung quanh vấn đề thao tác gene các tế bào sinh sản trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều nhà khoa học và nhà đạo đức sinh học thúc bách các đồng nghiệp phải tiến hành đối thoại với giới lãnh đạo công nghiệp công nghệ sinh học, giới lãnh đạo chính trị, cộng đồng khoa học thế giới và công chúng về việc liệu có thể chấp nhận hành động can thiệp gene phôi thai người hay không. Nghiên cứu thay đổi gene phôi thai người bị luật pháp nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, nghiêm cấm nhưng lại được cho phép ở Mỹ và Trung Quốc.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.