Từ ca "nghi nhiễm Ebola": Tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu

Thứ Sáu, 14/11/2014, 17:35

Sau 3 lần xét nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã khẳng định bệnh nhân Chu Văn Chung (26 tuổi), quê ở xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) - một công nhân trở về từ Connakry - Guinea (thuộc châu Phi) không bị nhiễm virút Ebola như nghi ngờ, mà chỉ bị... sốt rét.

Điều đáng nói là khi mà cả thế giới đang quay cuồng với dịch, thì một công nhân  từ vùng dịch đã rất dễ dàng đi qua rất nhiều sân bay quốc tế về đến sân bay Tân Sơn Nhất và từ đây đáp máy bay về Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, anh Chung đã có một ngày rong chơi cùng bạn bè ở nhiều nơi, cho đến lúc thấy trong người bị sốt cao mới đến Bệnh viện Hoàn Mỹ khám.

Tại đây, khi bác sĩ điều trị tỏ ý nghi ngờ thì bệnh nhân mới thú thật là mình vừa trở về từ Guinea, một quốc gia đang có dịch Ebola. Ngay sau đó, Chung được chuyển đến cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, đồng thời ngành Y tế Việt Nam khẩn cấp báo động đỏ...

Ngày 3/11 vừa qua, PV Chuyên đề ANTG đã có mặt tại Khoa Y học Nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để tìm gặp  y bác sĩ tham gia điều trị và bệnh nhân Chu Văn Chung. Sau 24 giờ được cách ly đặc biệt để tập trung lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, được sự chăm sóc đặc biệt của các cán bộ y tế ở Khoa Y học Nhiệt đới nên sức khỏe của bệnh nhân Chung đã chuyển biến rất tích cực. Chung đã có thể ngồi dậy, nói cười  và vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.

Chung kể rằng, anh đến Connakry, thủ đô của Guinea được 2 năm với một hợp đồng lao động, công việc chính là làm nghề thợ ảnh. Anh và các bạn người Việt Nam của mình được phía công ty bố trí  ở tại khu chung cư. Các anh làm việc với mức lương chừng 700 - 800USD/tháng. Đa số những người Việt Nam đang làm việc ở Guinea đều rất hài lòng mức thu nhập này.

Vào khoảng tháng 3/2014, khi mà đại dịch Ebola bắt đầu xuất hiện và hoành hành dữ dội ở lục địa đen, đất nước Guinea không là một ngoại lệ. Chung bảo rằng, qua hệ thống thông tin trên mạng Internet, anh biết rằng ở cách thủ đô Connakry chừng 300km, người dân ở đó đang phải đối mặt với đại dịch Ebola. Đó là những địa phương ở vùng biên giới, vùng giáp ranh giữa các quốc gia. Người dân ở những vùng này cho đến bây giờ vẫn còn sống rất lạc hậu với những hủ tục mê tín. Họ cho rằng căn bệnh khủng khiếp này là do những con người hiện đại mang đến, vì vậy đã có những trường hợp thổ dân tấn công bác sĩ khi họ đến những vùng dịch để khám bệnh.

Tuy nhiên, Chính phủ Guinea đã bằng rất nhiều cách để tích cực chống dịch và khoanh vùng dịch bệnh. Quân đội của họ đã được huy động vào cuộc để kiểm soát rất nghiêm ngặt những trường hợp ra vào vùng dịch bệnh... Vì vậy, khu vực thủ đô Connakry vẫn đang rất an toàn. Lo ngại trước căn bệnh chết người này, cộng với việc hợp đồng lao động sắp kết thúc, vì vậy có nhiều người Việt như Chung đã tính đến chuyện hồi hương.

Chung cho biết, chuyến hồi hương này, Chung đi cùng một người bạn. Theo kế hoạch họ sẽ bay về ngày 25/10, tuy nhiên do sân bay ở thủ đô Connakry gặp sự cố nên chuyến bay của họ bị hoãn 2 ngày. Những hành khách đã đăng ký vé phải lưu trú tại một khách sạn ở sân bay cho đến 4 giờ ngày 27/10 mới cất cánh để bay đi Morocco. Do giờ cất cánh muộn, nên Chung cùng người bạn đồng hành đã bị lỡ chuyến bay chuyển tiếp đến Doha - Qatar để bay về Việt Nam.

Tại sân bay ở Morocco, do hai hãng hàng không đổ lỗi cho nhau nên Chung và người bạn của mình đã phải nằm lại trong phòng chờ của sân bay trong điều kiện thời tiết rất lạnh và thiếu thốn cả thức ăn lẫn nước uống.

Và có thể do bị nhiễm lạnh trong thời gian khá lâu nên khi đang ở sân bay Morocco, Chung bắt đầu gây gây sốt, sau đó thì sốt cao. Người bạn đã cho Chung uống 2 viên hạ sốt, nhưng đến ngày 29/10, khi lên máy bay để bay sang Qatar thì Chung bắt đầu sốt cao trở lại. Máy bay đến Qatar, hành khách đi Việt Nam phải dừng lại ở phi trường hơn 2 tiếng đồng hồ, sau đó mới bay về Tân Sơn Nhất. Trong suốt hành trình này, Chung luôn bị sốt rất cao. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, Chung vẫn được nhập cảnh bình thường mà không gặp phải bất cứ một sự kiểm soát nào của cán bộ y tế.

Người bạn đi cùng với bệnh nhân Chung nói rằng: Khi về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khi làm tờ khai nhập cảnh, họ đã khai rất rõ rằng hành trình trở về từ Guinea. Họ cũng đã nhìn thấy máy đo kiểm tra thân nhiệt ở trên bàn kiểm dịch y tế, nhưng cán bộ làm việc ở đây đã không sử dụng mà chỉ kiểm tra một cách rất bình thường.

Do sốt cao nên Chung và bạn phải thuê khách sạn ở lại TP HCM một đêm để ngày hôm sau cả hai cùng bay về Đà Nẵng. Sau khi đến Đà Nẵng, hai người đã đi chơi, cả hai thăm hỏi bạn bè cho đến trưa ngày 1/11, do bị sốt cao nên Chung được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ .

Trao đổi với báo giới về trường hợp này, bác sĩ Lê Thành Quyền - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Hoàn Mỹ là người trực tiếp khám bệnh cho Chung nói: Khi nhập viện, bệnh nhân Chung có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi tay chân và sốt rất cao, bạch cầu và tiểu cầu của bệnh nhân đều giảm từ 5-6 lần, nên đã xử lý cho uống thuốc hạ sốt và truyền dịch.

Với trách nhiệm của mình, sau khi xử lý tình huống đối với bệnh nhân, tôi bắt đầu điều tra về dịch tễ. Bản thân bệnh nhân Chung chỉ trả lời rằng, anh từ Qatar về TP HCM, rồi ra Đà Nẵng đã 2 ngày. Vì vậy, tôi nghĩ rằng anh ta bị sốt rét hoặc là sốt xuất huyết. Ngay sau đó, tôi đã trao đổi với bạn của bệnh nhân về tình trạng bệnh của Chung là rất nặng và phức tạp. Lúc đó, người này mới nói thật là Chung vừa trở về từ Guinea.

Lập tức tôi báo cáo lãnh đạo Bệnh viện và thông báo tình hình ca bệnh đến Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Đồng thời chúng tôi đã khẩn cấp di tản tất cả các bệnh nhân đang có mặt tại Khoa Hồi sức cấp cứu đến phòng cấp cứu lưu, tổ chức niêm phong và cách ly bệnh nhân Chung sau đó chuyển đến Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Ngành Y tế Đà Nẵng đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, bác sĩ Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng tuyên bố rằng: Mặc dù đang chờ kết quả xét nghiệm nhưng chúng ta hãy xem đây là một ca nhiễm Ebola thật sự, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nhiệm vụ của chúng ta là phải bằng mọi cách để ngăn chặn, không thể để virút Ebola (nếu có) lây lan trong cộng đồng...

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã được phân công nắm vai trò tổng chỉ huy mặt trận ngăn chặn virút Ebola này. Chia sẻ với báo giới, bác sĩ Yến  cho hay: Khoảng thời gian chờ kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Chung là khoảng thời gian "nghẹt thở" của lãnh đạo và nhân viên ngành Y tế Đà Nẵng.

Mặc dù, kết quả xét nghiệm tại Đà Nẵng cho thấy bệnh nhân Chung âm tính với virút Ebola và dương tính với vi trùng sốt rét. Thế nhưng, phải đến chiều ngày 2/11, khi có kết quả chính thức sau 3 lần xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chúng tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm.

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cho biết, khi được chuyển từ bệnh viện Hoàn Mỹ đến đây, bệnh nhân Chung trong tình trạng bị sốt rất cao và co giật. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét cấp độ 5 (cấp độ rất nguy hiểm). Ở cấp độ này, nếu bệnh nhân không được kịp thời chữa trị thì nguy cơ tử vong là rất cao.

Bác sĩ Hàm cho rằng, trường hợp của bệnh nhân Chung là rất may mắn, do bị nghi ngờ nhiễm virút Ebola nên Chung đã được điều trị bệnh sốt rét một cách khẩn cấp và đặc biệt nên thời gian hồi phục nhanh.

Khu vực cách ly ở khoa nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Trao đổi với chúng tôi, bệnh nhân Chu Văn Chung cho rằng: Anh rất tin tưởng rằng mình khó có thể bị nhiễm virút Ebola, bởi lẽ trong thời gian sinh sống và làm việc ở Guinea, anh chưa từng tiếp xúc với người bị nhiễm Ebola, đặc biệt là từ sau thời điểm dịch Ebola bùng phát ở một vài vùng quê của quốc gia này, anh đã rất thận trọng trong việc tiếp xúc với người bản xứ. Hơn nữa, anh không có những triệu chứng ban đầu khi bị nhiễm virút Ebola như: Nổi mẩn trên cơ thể, nôn mửa, vàng da, tiêu chảy...

Chung cũng cho rằng, việc anh mắc phải bệnh sốt rét cũng là điều dễ hiểu, vì ở Guinea, nơi anh sống có rất nhiều muỗi độc, con người có thể bị muỗi đốt. Hầu như bất cứ người Việt nào sang Guinea để lao động cũng đều bị sốt rét...

Chung cho biết, hiện tại anh đã được thông báo là không bị nhiễm virút Ebola, tuy nhiên, theo phác đồ theo dõi của Bộ Y tế quy định thì anh  phải tiếp tục nằm điều trị và theo dõi tại đây 21 ngày.

Trở lại Bệnh viện Hoàn Mỹ nơi đầu tiên bệnh nhân Chung đến khám, tôi đã có cuộc tiếp xúc với bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch - Giám đốc bệnh viện. Theo bác sĩ Thạch thì vào ngày 3/11, Phòng cấp cứu của bệnh viện đã được phép hoạt động trở lại sau khi bị niêm phong, chiếu tia cực tím và phun thuốc khử trùng 5 lần. Sự lo lắng của 17 y, bác sĩ có mặt trong phòng cấp cứu hôm bệnh nhân Chung nhập viện đã phải bị cách ly cũng đã qua đi. Những bệnh nhân được di tản hôm Chung đến cấp cứu đều trong trạng thái sức khỏe hồi phục tốt theo phác đồ điều trị...

Ngày 3/11, phát biểu trước giới truyền thông ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói rằng: Đây là một "cuộc diễn tập" với một tình huống thật. Qua đó, đã khẳng định rằng ngành Y tế Đà Nẵng đã tổ chức ứng phó một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, đúng với chủ trương kiên quyết bằng mọi giá không để dịch bùng phát và lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, qua "cuộc diễn tập" này, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng như ngành Y tế nhận thấy việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, nhất là đối với những người nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola chưa được nghiêm và có nguy cơ bỏ sót...

Sau sự cố này, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã ban hành thông báo khẩn cấp về việc giám sát dịch bệnh Ebola. Theo đó, hoạt động giám sát dịch Ebola được tăng cường từ ngày 1/11, nhằm phát hiện những trường hợp bất thường, đặc biệt là những chuyến bay trở về từ vùng có dịch bệnh. Việc giám sát không chỉ được thực hiện chặt chẽ ngay tại sân bay, mà còn kiểm tra lịch trình của hành khách quốc tế trước khi đến sân bay Đà Nẵng. Hiện tại, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn nhanh, lập đường dây nóng thông tin và tiến hành tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ đang làm việc tại Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tại cửa khẩu.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đã đồng ý trang bị thêm cho ngành Y tế Đà Nẵng máy siêu lọc máu và máy ECMO (máy tuần hoàn ngoài cơ thể) có trị giá 5,2 tỉ đồng để kịp thời phòng chống dịch Ebola. Trong thời gian tới, ngành Y tế Đà Nẵng sẽ ưu tiên hàng đầu việc giám sát dịch bệnh ở cửa khẩu hàng không và cửa khẩu cảng biển.

Ngoài việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hành khách đi vào hai cửa khẩu này, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế sẽ tăng cường ráo riết việc kiểm tra thân nhiệt và tờ khai y tế tại các cửa khẩu, phối hợp với các tỉnh có cửa khẩu đường bộ, đường cảng biển cũng như sân bay quốc tế để nhận được thông tin đối với những người thuộc diện áp dụng tờ khai y tế sớm, nhằm có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giám sát ngay từ đầu

Bảo Thy
.
.