Từ gà nhuộm da đến cá lóc nhiễm khuẩn

Thứ Tư, 14/10/2015, 14:00
Trong cuộc họp báo được tổ chức vào chiều ngày 6/10/2015, đại diện Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã cho biết hiện nay trên thị trường xuất hiện một số trường hợp gà, cá và trứng gia cầm nhìn có màu vàng bắt mắt là do được nhuộm từ một hóa chất có tên gọi là "vàng ô". Chất này không nằm trong danh mục cho phép sử dụng để chế biến thực phẩm. Nếu ăn vào, về lâu dài "vàng ô" sẽ tích tụ trong cơ thể, gây nguy hiểm cho sức khỏe mà cụ thể là một số bệnh ung thư.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: "Vàng ô là hóa chất nhập khẩu từ nước ngoài, dùng để nhuộm màu sợi vải hoặc dùng làm màu quét tường trong ngành xây dựng, không được dùng trong thực phẩm…".

Bắt mắt nhưng… chết người!

Bây giờ, đi ra chợ, nhất là những chợ tạm, chợ cóc, chợ chồm hổm, chợ vỉa hè, chẳng khó khăn để bắt gặp những con gà béo tròn, da ửng lên một màu vàng tươi, nhìn rất bắt mắt hoặc những con cá trê, cá chép mà người bán gọi là "cá chép vàng, cá trê vàng", hay những quả trứng gà, thay vì vỏ có màu kem lẫn với màu hồng nhạt nếu là trứng gà ta, hoặc nâu nhạt nếu là trứng gà công nghiệp thì những quả trứng ấy lại có cái màu vàng rất lạ. Hỏi người bán, họ giải thích đó là "trứng gà Tam Hoàng". Và vì được nuôi bằng bột bắp (ngô) Mỹ - là loại bắp hạt lớn, màu vàng sậm - nên trứng mới có màu như thế(?!)

Nhuộm gà vào hóa chất để tạo màu vàng ươm.

Những việc bất thường ấy không qua mắt được các cơ quan chức năng. Sáng 27/9, Đội 3 - Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP HCM phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hóc Môn đã bất ngờ kiểm tra một lò giết mổ gia cầm không giấy phép tại số 170/5D ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn. Tại đây, Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này dùng một dung dịch tương tự như hóa chất tạo màu sơn trên gỗ để nhúng gà đã cắt tiết, vặt lông vào nhằm tạo cho con gà có màu vàng hấp dẫn. Tang vật thu giữ gồm 310 con gà không rõ nguồn gốc.

Theo lời khai của chủ lò là ông Võ Văn Diệp, số gà nêu trên được mua từ tỉnh Tiền Giang, tất cả đều chưa qua kiểm dịch. Sau khi làm sạch lông, ông sử dụng một loại hóa chất có dạng bột màu đen mua ở chợ Kim Biên, quận 5  rồi trộn với dầu hôi. Tiếp theo, gà được nhúng vào dung dịch này trong khoảng 5 phút.

Theo ông Nguyễn Long Thành, giáo viên dạy Hóa tại Trung tâm giáo dục Thầy Đồ huyện Hóc Môn, thì để tẩy hết mùi dầu hôi, có khả năng gà “nhuộm” được rửa bằng nước xà bông pha loãng rồi xả sạch bằng nước lạnh trước khi tung ra thị trường. Công việc còn lại của người bán là mổ bụng, lấy bộ lòng ra trước khi nó trở thành món ăn trên mâm cơm của nhiều gia đình hoặc những hàng, quán.

Nhằm đánh giá mức độ độc hại của chất nhuộm màu gà đối với cơ thể con người khi ăn vào, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi kiểm định mà khả năng có thể là chất "vàng ô" hoặc "bột sắt".

Chắc chắn có hại

Bột sắt (ôxit sắt) là một loại hóa chất công nghiệp, màu đỏ sậm hoặc màu tím đen, thành phần gồm 2.4 Diamioazobenzene Hydrochloride. Nó được dùng trong kỹ nghệ sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, mực in, chống ôxy hóa cao su trong công đoạn sản xuất cao su… Bột sắt bị cấm sử dụng tuyệt đối trong chế biến thực phẩm bởi lẽ khi vào người, nó giải phóng vòng benzen. Hậu quả tức thì là nó gây dị ứng với những biểu hiện như nổi mẩn đỏ trên da, ngứa, khó thở còn về lâu về dài, nó có thể gây ung thư dạ dày, bàng quang, gan, ruột. Ở trẻ em, việc ăn phải thức ăn có bột sắt có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc lơ đãng, tinh thần không tập trung.

Với chất "vàng ô", khoa học định danh là "vat yellow", thành phần gồm 7,14 Dibenzpyrenequinone, được sử dụng chủ yếu trong ngành nhuộm vải, giấy, tạo màu cho pháo hoa, khói màu. Ở một số quốc gia, nó còn được trộn với vôi để quét tường nhà. Cũng như với bột sắt, "vàng ô" được Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3 vì nó có khả năng làm biến dị tế bào gan, dạ dày, thận, ruột…
Gà đã nhuộm hóa chất và gà chưa nhuộm (trong vòng tròn).

Việc nhuộm màu cho gà, cá, trứng không phải bây giờ mới có, mà nó đã xuất hiện cả chục năm nay. Trước kia, để làm cho con gà có màu vàng hấp dẫn, người ta dùng một loại hoa gọi là "hoa hiên", lấy từ cây hiên (hay còn gọi là huyên thảo, kim trâm, lê lô, lộc thông). Đây là loại cây cùng họ với hành tỏi, tên khoa học là Hemerocallis fulva. Cây ra hoa từ mùa hè đến mùa thu, có mùi thơm, ăn được bằng cách xào hoặc nấu canh, hoặc dùng làm thuốc nhuộm, làm màu cho thực phẩm.

Cách truyền thống ấy xưa nay vẫn được chấp nhận. Còn bây giờ, cứ ra chợ hóa chất mua "vàng ô", "bột sắt" về là xong, vừa nhanh vừa rẻ tiền. 100gr "vàng ô" có thể "nhuộm" được cả trăm con gà, kể cả biến gà thải, gà loại thành gà "xịn". Bên cạnh đó, tập quán tiêu dùng của phần lớn người Việt lại thích ăn những loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì vậy, nó đã là một trong những yếu tố thúc đẩy người chăn nuôi, giết mổ sử dụng chất cấm để làm tăng trọng lượng và tạo màu sắc cho thịt?

Để tránh mua phải những loại gia cầm, thủy cầm có nhuộm "vàng ô, bột sắt", bà Minh, chủ một quầy thực phẩm ở chợ Xã Tây, quận 5 TP HCM nói: "Gà bình thường thì ở mặt trên (cổ, lưng, đuôi, hai bên đùi) có màu vàng nhạt. Dước ức cũng vàng nhưng ở cánh - nhất là chỗ nếp gấp của cánh, nếp gấp của đùi có màu nhạt hơn rất nhiều, thậm chí là màu trắng. Còn gà nhuộm, nó vàng khè đều khắp, chỗ nào cũng vàng. Lấy chút rượu trắng khoảng 45 độ nhúng vào miếng bông gòn rồi xoa lên da gà, sẽ thấy màu vàng dính vào bông".

Cá chép vàng cũng vậy, cá tự nhiên vàng nhiều trên lưng rồi nhạt dần khi xuống dưới bụng. Cá nhuộm thì tất cả đều vàng. Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM nêu ý kiến: "Việc dùng hóa chất độc hại để nhuộm màu thực phẩm là hành vi đầu độc người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị các cơ quan sau khi có kết quả xét nghiệm thì cần công bố công khai tên hóa chất ấy là chất gì. Trên mỗi con gà, con cá đã được nhuộm, có bao nhiêu hóa chất, và hàm lượng gây độc cho con người là bao nhiêu. Nếu qua xét nghiệm và đúng là chất độc thì cần phải có những biện pháp chế tài thật nặng, không để người tiêu dùng hoang mang, người buôn bán ngay thẳng bị thiệt thòi…".

Chết người vì ăn cá quả?

Cũng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chiều ngày 25/9, gia đình ông Lê Văn Tro ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm món cá lóc nướng để ăn tối. Bữa ăn gồm có ông Tro, bà Đẹp cùng 4 đứa cháu nội, ngoại là Nguyễn Phúc Đạt, Nguyễn Ngọc Mai Trâm - cả hai đều 6 tuổi, Lê Thành Nghĩa, 4 tuổi và Bùi Lê Khánh Băng, 25 tháng tuổi. Theo bà Đẹp, 4 đứa cháu bà chỉ ăn phần thịt, còn đầu cá thì chồng bà ăn.

Đến khuya, những đứa cháu của bà Đẹp có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, trong đó cháu Trâm và Băng chỉ bị tiêu chảy nhẹ; còn Đạt và Nghĩa một giờ mỗi cháu đi ngoài khoảng 4 lần.
Ruột cá lóc nướng, nguồn chứa vi trùng E. Coli gây bệnh viêm màng não.

Sáng hôm sau, bà Đẹp đưa Đạt và Nghĩa đến một phòng mạch tư để khám. Vẫn theo bà Đẹp thì bác sĩ tiêm thuốc rồi bán thuốc cho về nhà uống nhưng đến chiều, cả Đạt và Nghĩa vẫn tiếp tục tiêu chảy. Thấy cháu sốt cao, mê man, co giật, 1 giờ sáng ngày 27/9, gia đình vội vã đưa hai cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lai Vung. Mặc dù được các bác sĩ ở đây điều trị tích cực nhưng bệnh tình vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm nên rạng sáng cùng ngày, Bệnh viện Lai Vung chuyển Đạt và Nghĩa lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp rồi sau đó, gia đình bà Đẹp xin chuyển hai cháu lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.

Trong khi làm thủ tục chuyển viện, cháu Nghĩa đột ngột qua đời, còn cháu Đạt tiếp tục được chuyển đi, nhưng đến chiều 28/9, cháu Đạt cũng không qua khỏi. Riêng hai cháu Trâm và Băng, sau khi được khám và uống thuốc, sức khỏe của cả hai đã trở lại bình thường. Chẩn đoán ban đầu cho thấy cháu Nguyễn Phúc Đạt sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp, còn Lê Thành Nghĩa được chẩn đoán và theo dõi viêm màng não.

Sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Đồng Tháp đã gửi báo cáo nhanh đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đề nghị làm rõ. Do không lấy được mẫu vật phẩm là cá lóc vì gia đình ông Tro đã ăn hết, đồng thời trong vùng không xuất hiện hiện tượng ngộ độc thực phẩm nên Chi cục An toàn thực phẩm cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận món cá lóc nướng là nguyên nhân gây ra tình trạng sốt, tiêu chảy cho cả 4 bệnh nhi?

Về phía Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, nơi đây cũng nhận định việc hai cháu bé tử vong không phải do ngộ độc thực phẩm, mà là một vụ nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn điển hình dẫn đến sốc nhiễm trùng gây tử vong. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng cho rằng, do cháu Nghĩa được theo dõi viêm não, màng não trước khi tử vong nên cũng không loại trừ trường hợp hai cháu bị viêm màng não.

Vì sao ăn cá quả nước lại bị viêm màng não?

Viêm màng não là bệnh do lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống bị viêm mà nguyên nhân là vi trùng hay virus từ nơi khác trong cơ thể theo máu đi vào dịch não tủy. Một số ít do nấm hoặc ký sinh trùng, hoặc phản ứng với hóa chất hay bệnh tự miễn nhiễm.

Triệu chứng điển hình của viêm màng não là đau đầu, sốt, cứng cổ, buồn ói, sợ ánh sáng. Viêm màng não do virus thường khỏi trong vòng vài ngày nhưng nếu do vi trùng bệnh thì bệnh rất trầm trọng và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ruột cá lóc là món ăn khoái khẩu - trong đó ruột cá lóc nướng là "đặc sản", được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều khả năng dẫn đến trường hợp tử vong của cháu Nghĩa là do vi trùng E. Coli. Đây là loại trực khuẩn gram âm điển hình, cư trú ở phần thấp của hệ tiêu hóa các động vật như chim, trâu, bò, lợn, cá… E. Coli thường gây viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó là một bệnh lý nặng vì thường nằm trong bối cảnh nhiễm trùng huyết.

Khi ăn cá lóc nướng, vì nhiệt độ nướng cá chỉ có thể làm chín phần thịt bên ngoài chứ không đủ nóng để tiêu diệt vi khuẩn sống ở ruột cá - trong đó có E. Coli, nên rất có thể vi trùng này, khi cá bị nhiễm, đã vào máu qua các mao trạng ruột, rồi theo máu đi vào dịch não tủy, lên não, dẫn đến viêm màng não.

Từ khi vụ việc xảy ra đến nay, ở huyện Lai Vung không thấy xuất hiện thêm trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn nào mới. Tuy nhiên, để biết chắc chắn cháu Nghĩa có phải tử vong do viêm màng não hay không, thì theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, Sở đã lấy mẫu máu của các bệnh nhân gửi Viện Pasteur TP HCM để làm xét nghiệm. Dự kiến đến giữa tháng 10 mới có kết quả.

Vẫn theo tiến sĩ Đào Đại Cường, cách tốt nhất để đề phòng nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn là nấu kỹ, nấu chín những loại thực phẩm như lòng bò, lòng heo, gà. Hạn chế ăn ruột cá, nhất là ruột cá nướng. Sau khi ăn, nếu thấy có những dấu hiệu như sốt, tiêu chảy kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo… thì nên đưa đến những cơ sở y tế ngay. Tuyệt đối không sử dụng những bài thuốc truyền khẩu như nhai lá ổi sống để cầm tiêu chảy hoặc lăn trứng gà, cạo gió cho hạ sốt…

Vũ Cao
.
.