Tượng tròn nam nữ thời Đông Sơn mới phát hiện ở Tuyên Quang

Thứ Sáu, 08/07/2016, 14:35
Trong lịch sử phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học, có rất nhiều di tích, di vật khảo cổ học quan trọng được phát hiện một cách ngẫu nhiên. Bức tượng tròn nam nữ mà chúng tôi giới thiệu ở đây là một trong những trường hợp như vậy.

Cách đây mấy năm, trên khu gò cao của thôn Khổng Xuyên cách bờ trái sông Lô khoảng hơn 50m, thuộc xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, trong khi san gạt mặt bằng nhằm tu sửa và xây dựng lại ngôi chùa làng, người dân địa phương phát hiện rải rác một số đồ đồng gồm rìu xòe cân, dao găm, dao phạng, mũi lao v.v...

Bức tượng nam nữ ở Hồng Lạc từ các góc độ khác nhau (ảnh: Trình Năng Chung).

Đáng chú ý là cùng với những di vật trên là bức tượng tròn đôi nam nữ. Nhận được thông tin trên, các nhà khảo cổ đã đến khảo sát khu vực này, nhưng chưa tìm thấy dấu tích tầng văn hóa khảo cổ, vì toàn bộ khu đồi này đang trong quá trình tu bổ, hoàn thiện ngôi chùa với bề mặt sân chùa được lát lớp xi măng mới.

Căn cứ vào những mảnh gốm cổ tìm thấy ở dưới chân gò, những ghi nhận ban đầu cho thấy, khu vực này thời xa xưa có thể là một khu di chỉ cư trú của cư dân thời đại kim khí.

Hầu hết những di vật đồng trên được lưu giữ rải rác trong dân đều thể hiện những đặc trưng nổi bật của đồ đồng thời Đông Sơn. Các nhà khảo cổ vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi  được tiếp cận bức tượng tròn nam nữ bằng đồng thau.

Khối tượng tròn nam nữ được tạo dáng trong tư thế mặt đối mặt, đang ôm nhau, giao hoan trong tư thế đứng. Khối tượng cao 17,2cm, có thể đặt đứng vững chãi trên bề mặt bằng, người nam và người nữ cao xấp xỉ nhau. Toàn thân tượng bị gỉ đồng xanh loang lổ, một đôi chỗ bị gỉ sâu lồi lõm, tuy vậy vẫn nhận diện rõ được các chi tiết trên cơ thể tượng. Điều dễ nhận thấy là đôi nam nữ với cơ thể tự nhiên, hoàn toàn không có trang phục trên người. Chi tiết này ít thấy trên những pho tượng tròn thời bấy giờ. Phải chăng, nghệ nhân tạo tượng xưa đã có chủ ý như vậy cho phù hợp với nội dung miêu tả?

Tượng người phụ nữ có khuôn mặt bầu bĩnh, khả ái, tóc tết đuôi sam quấn thành một vòng tròn trên đầu trước khi buông thả xuống vai, gáy. Hai tay người nữ ôm choàng qua vai phải và cánh tay trái của người nam, ghì chặt tấm thân săn chắc của bạn tình. Với đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt rạng ngời của người nữ, nghệ nhân xưa đã diễn tả tài tình cái khảnh khắc thăng hoa, hạnh phúc tột đỉnh mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp.

Tượng người nam có khuôn mặt lanh lợi, rạng rỡ, tóc búi tó, cằm tỳ nhẹ xuống vai phải bạn tình, trong tư thế kề vai, áp má của những cặp uyên ương. Người đàn ông với hai cánh tay ôm vòng qua lưng, ghì kéo bờ mông người nữ. Người nghệ sĩ tạo tượng xưa đã thành công khi lột tả được tính chủ động, chế ngự trong tình yêu của phái mạnh.

Cặp đôi nam nữ trong tư thế giao tình trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, Yên Bái (ảnh: Bảo Tàng Lịch sử quốc gia).

Toàn khối tượng toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ, vừa có tính hiện thực vừa ẩn chứa sâu lắng tinh thần phồn thực. Đây là tác phẩm nghệ thuật đẹp, là sản phẩm của trình độ kỹ thuật đúc đồng và mỹ thuật đỉnh cao thời văn hóa Đông Sơn.

Bức tượng được tạo tác theo phong cách tả thực, bằng những đường nét phóng khoáng, sinh động. Giới nghiên cứu đánh giá cao giá trị lịch sử và văn hóa của tác phẩm nghệ thuật này. Khi so sánh với các tượng tròn Đông Sơn khác và căn cứ vào tình trạng xuất xứ của bức tượng này, các nhà khảo cổ cho rằng, khối tượng tròn nam nữ ở Hồng Lạc mang phong cách Đông Sơn núi, đậm tính chất giao lưu văn hóa.

Trong nghệ thuật tạo hình Ðông Sơn, hình tượng của con người luôn chiếm vị trí chủ đạo trong thế giới muôn loài. Con người luôn hài hòa với thiên nhiên, với mọi vật. Ðó là những con người bình dị, thuần hậu, chất phác, hiền hòa chứa đựng tính nhân bản sâu sắc.

Ngắm nhìn bức tượng nam nữ Hồng Lạc gợi cho ta nhớ hình ảnh tượng 4 cặp đôi nam nữ trong tư thế giao tình trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, Yên Bái, hoặc những cặp bò đực bò cái, hươu đực hươu cái xen kẽ, những đôi chim trống chim mái, những đôi cá sấu đang giao cấu thể hiện trên những trống đồng Đông Sơn.

Tất cả đều thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân Đông Sơn - cư dân nông nghiệp lúa nước. Đó chính là Triết lý về sự phát triển của cư dân Việt cổ, ước mong cuộc sống sinh sôi, nảy nở, hòa bình hạnh phúc mà tượng tròn nam nữ Hồng Lạc là một trong những biểu tượng tiêu biểu.

PGS.TS. Trình Năng Chung
.
.