UAE sẽ xây siêu đô thị trên sao Hỏa trong 100 năm tới?

Thứ Ba, 07/03/2017, 06:45
Đến nay vẫn có nhiều nguyên nhân khiến con người chưa đặt chân được lên sao Hỏa. Tiến bộ khoa học hiện tại chưa giải quyết được vấn đề cung cấp đủ nhiên liệu cho chuyến bay đường dài, bên cạnh đó phương tiện có thể hạ cánh trên bề mặt sao Hỏa vẫn chưa ra đời.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi còn tại nhiệm từng khẳng định mục tiêu của nước này là đưa con người lên sao Hỏa trong những năm 2030.

Trong khi Mỹ đang cố gắng tìm cách đưa con người đặt chân lên sao Hỏa trong vòng hai thập niên tới, thì UAE đã vạch ra cho riêng mình một kế hoạch dài hạn hơn với dự án "Mars 2117", kế hoạch thiết kế, xây dựng một thành phố như một phần lãnh thổ của UAE và có thể đưa con người lên đó sinh sống trong 100 năm tới.

Mô hình một thành phố trên sao Hỏa.

Theo Thủ tướng kiêm phó Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nước này sẽ đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực toàn cầu nhằm biến giấc mơ đưa con người sinh sống trên sao Hỏa thành hiện thực thông qua kế hoạch xây dựng một thành phố quy mô trên "hành tinh Đỏ".

UAE đã công bố kế hoạch kéo dài 100 năm này tại Hội nghị thượng đỉnh chính phủ toàn cầu 2017 lần thứ năm mới đây. Theo đó, đến năm 2117 con người sẽ đổ bộ và sinh sống tại các thành phố được xây dựng trên sao Hỏa. Thủ tướng kiêm phó Tổng thống UAE Shaikh Mohammad Bin Rashid Al Maktoum đã công bố dự án này. Gulf News cho biết người dân có thể lên sao Hỏa đồng thời tạo thực phẩm và năng lượng ngay trên hành tinh Đỏ.

Ông Shaikh Mohammad Bin Rashid khẳng định mục đích của UAE là đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực toàn cầu nhằm biến giấc mơ đưa con người sinh sống trên sao Hỏa thành hiện thực.

Ông nói: "Dự án "Mars 2117" như hạt giống chúng ta gieo trồng hôm nay, và tôi hy vọng thế hệ tương lai có thể gặt hái lợi ích từ dự án này… Việc con người có thể đặt chân lên một hành tinh khác để sinh sống luôn là một giấc mơ lâu nay của nhân loại. Mục đích của chúng tôi là đưa UAE trở thành mũi nhọn của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực biến giấc mơ này thành hiện thực".

Các tòa nhà chọc trời ở UAE sẽ có mặt trên sao Hỏa.

Để hiện thực ước mơ của mình, UAE đã khởi động kế hoạch đưa tàu thám hiểm không gian mang tên "Hy vọng" lên vũ trụ và bay vòng quanh sao Hỏa vào năm 2020, để nghiên cứu hành tinh Đỏ ít nhất cho đến năm 2023.

Trọng tâm là đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng khoa học giáo dục ở UAE. Những người đứng đầu kế hoạch cũng cho biết tầm nhìn của họ về thành phố tương lai trên sao Hỏa. Quản lý Ủy ban khoa học và nghiên cứu tại Hội nghị cấp cao Chính phủ Thế giới, Saeed Al Gergawi, nói với CNBC: "Thành phố này sẽ có kích thước như Chicago, Hoa Kỳ với dân số khoảng 600 nghìn người".

Việc đặt chân lên sao Hỏa là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất ngay cả đối với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm. Nhiều nước đã thám hiểm thành công không gian, nhưng thất bại khi tiếp cận sao Hỏa.  Tỉ lệ thành công trong các nhiệm vụ liên quan tới sao Hỏa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cao nhất là ở mức 70%. Từ năm 1960, NASA đã có 21 chuyến đặt chân lên hành tinh Đỏ.

UAE từng có kỷ nguyên Vàng về khoa học, kỹ thuật từ giữa thế kỷ thứ 13. Nhiều phi hành gia quốc gia Hồi giáo từng bay vào không gian.  Hoàng tử khai sinh đất nước Sultan bin Salman Al-Saud  là người Hồi giáo và Arab đầu tiên bay vào không gian năm 1985. Trong khi đó, Ai Cập, quốc gia Hồi giáo đầu tiên đưa thành công vệ tinh viễn thông chụp hình khu vực lên vũ trụ.

Nhiều quốc gia Hồi giáo khác Algeria, Tunisia, Egypt, Turkey Indonesia, Pakistan và Iran cũng có các cơ quan không gian, chương trình nghiên cứu vũ trụ. Rõ ràng, "Mars 2117" là một dự án đầy tham vọng nếu không muốn nói là có phần mơ hồ của UAE.

Tuy nhiên, các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất vẫn còn hơn một thế kỷ trong nỗ lực vượt qua những rào cản về công nghệ, tài chính để đạt được giấc mơ của mình. Nếu như điều này trở thành sự thật đây sẽ là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử phát triển khoa học công nghệ và là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại.

Văn Nguyễn-L.D. (tổng hợp)
.
.