Vị cứu tinh của ngân hàng máu ở Cameroon

Thứ Tư, 30/01/2019, 10:52
Cameroon không chỉ thiếu hụt nguồn máu mà còn không có cả "dữ liệu" đối với nguồn máu đang tồn tại. Theo Bộ Y tế công cộng nước này thì chỉ có 90.000 Panh máu được hiến tặng hàng năm, trong khi có tới 400.000 trường hợp bệnh nhân cần. Và rồi sự ra đời của ngân hàng máu trực tuyến Infiuss đã giúp cứu mạng nhiều người.


Người hùng của Cameroon

Thời còn là sinh viên trường điều dưỡng ở Cameroon, nữ sinh Melissa Bime nhớ lại cái cảnh bất lực khi một người mẹ đang chật vật tìm ra loại máu để khớp với đứa con gái 5 tuổi Rita. Sau 3 ngày tìm kiếm trong vô vọng, bệnh nhân nhí Rita đã chết. Một tuần sau đó, Bime phát hiện ra rằng cách đó 20 phút lái xe có một bệnh viện, nơi có loại máu phù hợp.

Ngày nay ở tuổi 22, Melissa Bime nhớ lại: "Lúc đó, tôi không nghĩ gì nhiều vì đã quá quen với cảnh nhìn bệnh nhân chết chóc". Cái chết của bé Rita có thể là một thống kê bi thảm, nhưng nhờ có Infiuss (ngân hàng máu trực tuyến do Melissa Bime sáng lập ra vào tháng 12 năm 2017) mà đã mang lại niềm hy vọng mới cho các cư dân tại hai thành phố lớn nhất ở Cameroon.

Các nhân viên y tế của Ngân hàng máu trực tuyến Infiuss ở Cameroon.

Cùng năm thành lập ra ngân hàng máu trực tuyến, đội ngũ y tế của Infiuss đã dùng xe gắn máy rong ruổi khắp đất nước Cameroon và phân phát hơn 2.300 túi máu (lấy nguồn từ các ngân hàng máu hiện có) cho bệnh nhân ở 23 bệnh viện tại 2 thành phố Yaoundé và Douala. Năm 2019, Bime hy vọng sẽ "tăng gấp đôi hay thậm chí gấp ba" số lượng máu hiến tặng, cũng như mở rộng sang các thành phố khác ở Cameroon và tận dụng dữ liệu của những người hiến tặng máu cho Infiuss nhằm thành lập nên một ngân hàng máu thuộc sở hữu của riêng Infiuss.

Melissa Bime là người hùng trong mắt nhiều bệnh nhân. Lớn lên trong vòng tay của người mẹ là luật sư và người chị cả tại thủ phủ Bamenda (gia đình của Bime là một phần của nhóm dân tộc ít người Anglophone bị thiệt thòi về chính trị của Cameroon), cuộc sống của Bime được bao quanh bởi những hình mẫu nữ giới.

Người mẹ đã làm việc cật lực nhằm giúp các con gái học ở những trường tốt nhất có thể, nhưng gia đình Bime chưa khi nào gọi là giàu có do số lượng các vụ kiện chuyên nghiệp (không phải trả tiền thù lao) mà người mẹ đảm trách.

Melissa Bime nhớ lại: "Mẹ thật sự chu toàn khi gắng làm lụng để mua từng túi đậu, và giải thích rằng trong khi những nỗ lực của mẹ cô đã không được xã hội chú ý đến tại thời điểm đó, khái niệm về doanh nghiệp gia đình phải được cấy thẳng vào đầu tôi".

Tự thân gây dựng ngân hàng máu

Melissa Bime đi theo bước chân của chị cả, người này có chứng chỉ y tá và đã di cư sang Mỹ vào năm 2007. Thế nhưng trường điều dưỡng đã định hướng tương lai cho Bime. Khi tốt nghiệp, Bime đã không làm nghề y tá. Thay vào đó, ở độ tuổi 20 và không hề có nền tảng kinh doanh, Bime đã chuyển tới Yaoundé (thủ đô của Cameroon, và là thành phố nói toàn tiếng Pháp), rồi bắt đầu thành lập công ty mang tên là Social Ventures và tự học tiếng Pháp.

Bime biết mình có một thứ gì đó có thể cung cấp cho khu vực nhiều công ty. Nữ doanh nhân trẻ nhớ lại: "Tôi đã nhìn thấy có người với những giải pháp phi thường cho các thực trạng của Cameroon nhưng lại băn khoăn không biết tìm nguồn tài trợ ở đâu". Sau khi tập hợp những doanh nhân cùng chí hướng, Bime đã giúp họ đóng gói các đề xuất.

Người thụ hưởng đầu tiên là Fien Rosette. Khi gặp Melissa Bime vào năm 2016, người phụ nữ này đã sinh đứa con thứ 3. Với sự giúp đỡ của Bime, Công ty thực phẩm dinh dưỡng Kayvey (của bà Rosette) đã trở thành thương hiệu quốc tế đầu tiên bán thức ăn trẻ em ở Cameroon, Mali và Chad. Vẻ biết ơn, bà Rosette nhớ lại: "Melissa Bime đã đưa doanh nghiệp của tôi cất cánh lên một tầm cao mới".

Ở công ty Social Ventures, doanh nhân trẻ Bime đã làm việc với các doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng ở họ cùng có một điểm chung: Cung cấp các giải pháp đơn giản cho những nhu cầu cấp bách. Lý thuyết thì dễ, nhưng làm được mới khó. Các ngân hàng máu ở Cameroon sẽ không cho máu - bất kỳ hoàn cảnh có như thế nào - cho đến khi tìm thấy có 2 hay 3 nhà tài trợ máu được thay thế, vì thế Bime buộc phải xây dựng một cơ sở dữ liệu của người hiến máu để có thể tận dụng nguồn máu này khi cần thiết.

Sau khi thuyết phục một vài bệnh viện tự nguyện cho máu, Bime đã tiến hành khâu hậu cần (thành lập cơ sở dữ liệu, chuẩn bị xe gắn máy và đào tạo tài xế) và thông báo cho các bác sĩ trong toàn thành phố biết. Tiền quyên góp đến từ gia đình. Bime giải thích: "Ở Cameroon, bạn có thể mua xe gắn máy và ký hợp đồng với tài xế - theo hợp đồng thì họ sẽ trả một số tiền vào cuối mỗi ngày. Trong trường hợp của tôi, số tiền đó là 10 USD. Chị gái tôi mua 2 xe gắn máy, thế là tôi có 20 USD/ ngày… Sau 6 tháng, tôi đã có trong tay 5.000 USD từ đội ngũ xe ôm. Cũng chính ở thủ đô Yaoundé, tôi đã gầy dựng nên Infiuss. Tôi cải tạo những chiếc xe ôm thành xe đi truyền máu". Bác sĩ Iddi Faisal cho hay: "Infiuss đã cắt giảm thời gian trung bình cho 1 bệnh nhân nhận máu từ 1 tuần xuống còn 1 giờ đồng hồ. Quả rất đáng đồng tiền bát gạo với giá dịch vụ 20 USD và 1 lần truyền máu là 40 USD/ Panh".

Nhưng không hẳn mọi chuyện đã thuận buồm xuôi gió. Nhiều thách thức đang còn hiện diện ở Cameroon, một nơi mà theo ông Ntaryike Divine Jr (một nhà báo khoa học tại Douala (Cameroon) thì tỷ lệ bệnh nhân/ bác sĩ đang ở mức suy giảm đáng báo động. Đã vậy các sáng kiến tư nhân lại nhận được sự hứa hẹn "hỗ trợ" nửa vời của chính phủ, cùng những hiểu lầm tai hại của công chúng về sự nguy hiểm của hiến máu.

Một số người dân Cameroon không hiểu được rằng cơ thể có thể tự thay thế máu, số khác lại tin rằng "lấy máu là mất luôn linh hồn", cũng có người ngại đến các phòng khám vì sợ lây nhiễm HIV. Nan giải không làm cho Melissa Bime chùn bước. Với đội ngũ nhân viên tổng cộng là 13 người, Bime tìm kiếm các đối tác tại những ngân hàng máu ở thủ đô Yaoundé và thành phố Douala trong khi cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động của công ty ra khắp Cameroon và nước ngoài.

Có vẻ như đối phó những thế khó đã chảy trong huyết quản của Bime và máu chỉ là bước khởi đầu như nữ doanh nhân trẻ đã khẳng định: "Mục tiêu của tôi là thay đổi cách thức chăm sóc sức khỏe ở đất nước tôi, Cameroon".

Thanh Hải
.
.