Trầm cảm sau sinh, nhiều sản phụ tự sát

Thứ Ba, 13/09/2016, 17:10
Sau sinh có đến 85% sản phụ có biểu hiện rối loạn cảm xúc ở mức độ nhẹ; những người mắc chứng trầm cảm thực sự theo điều tra thế giới là 13% và tái phát ở lần sinh sau khoảng 50%.

Bệnh nhân P.T.H., SN 1989, ở Hải Hậu, Nam Định, vào điều trị ở khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện (BV) Tâm thần TW I, Hà Nội ngày 11-8. Nhìn một người gầy gần như da bọc xương, xanh xao, hai mắt trũng sâu, trán rất dô và gương mặt xương xẩu, không ai nghĩ chị mới 27 tuổi, đang thời kỳ cho con bú và càng không thể tin được suốt 5 tháng nay chị hầu như không ăn, không ngủ nên từ 57kg nay chỉ còn 24kg...

Chị P.T.H. ở Bệnh viện tâm thần TW I.

Lần sinh thứ nhất chị H. đã có những biểu hiện khó hiểu mà trước đó không có như sợ sệt, rón rén, rửa tay liên tục… Người nhà theo kinh nghiệm cho rằng mới sinh thường hay bị như vậy nên cũng không để ý. Sau dần các biểu hiện này mất đi, chị trở lại bình thường...

Từ khi chị mang bầu bé thứ hai, những biểu hiện lạ như lần sinh đầu lại xuất hiện nhưng trầm trọng hơn nhiều. Mẹ chồng chị cho biết chị bị "lẩn thẩn", thường lẩm bẩm một mình, không cần ăn, không ngủ, cho uống thuốc không uống…, cứ như vậy suốt 5 tháng trời. Gia đình lo sợ đưa đi khám mới biết bị bệnh trầm cảm rất nặng.

TS. Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc BV Tâm thần TW I, Hà Nội, kiêm Trưởng khoa Cấp tính nữ nói đây là ca bệnh trầm cảm sau sinh (TCSS) nặng nhất mà ông gặp sau nhiều năm làm việc, đặc biệt triệu chứng sút cân trầm trọng và có ý định tự sát, chống đối điều trị quyết liệt thể hiện bằng không nói, không ăn, uống…!

BV phải trộn thuốc vào sữa và cho ăn qua đường xông, sau 2 ngày bệnh nhân đã đáp ứng với thuốc, có tiến triển tốt. Từ đó, BV dùng phương pháp kích từ sọ não - phương pháp điều trị không dùng thuốc mới nhất đang được áp dụng. Hiện tại, chị H đã lên cân nặng 30kg, bệnh tình tiến triển tốt...

Trầm cảm nói chung, trong đó có TCSS cho đến hiện thời y học chưa biết nguyên nhân mà đều xếp vào loại bệnh nội sinh, nghĩa là "từ bên trong cơ thể" phát ra - một nguyên nhân mơ hồ cho thấy y học thừa nhận bất lực.

Người ta cho rằng TCSS có thể do giảm đột ngột nội tiết sinh dục nữ và tuyến giáp; cha hay mẹ hoặc bản thân đã bị trầm cảm và TCSS; bỏ thuốc chống trầm cảm lúc mang thai; thay đổi khối lượng máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa; khó khăn việc chăm sóc con dẫn đến lo âu; bệnh tật khi mang thai; hiếm muộn; kinh tế khó khăn; mâu thuẫn gia đình; thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm của người thân; thai kỳ không mong muốn; thai chết lưu, sảy thai, sản giật... Các yếu tố này gây ra tình trạng mệt mỏi và thay đổi cảm xúc. Tuy nhiên, mọi yếu tố trên hoàn toàn chưa cắt nghĩa chính xác nguyên nhân TCSS.

Có khoảng 30 - 85% số sản phụ sau sinh có cảm giác mệt mỏi, chỉ chực khóc, cáu kỉnh, lo lắng, dễ vui dễ buồn, luôn cảm thấy chán nản, buồn phiền, lo âu, thiếu tập trung và có nhiều cảm xúc nhất thời - gọi là hội chứng baby blues. Xuất hiện khoảng 3 - 5 ngày sau sinh, mất dần trong 2 tuần một cách tự nhiên hoặc có sự an ủi, cảm thông, nâng đỡ của người thân, không phải điều trị. Khoảng 10 - 15% các bà mẹ bị TCSS thực sự, xuất hiện sau sinh 2 - 3 tháng (nhưng có thể rất sớm) và kéo dài.

Với các biểu hiện: buồn rầu; mất quan tâm thích thú (kể cả con); mệt mỏi triền miên, mất ngủ, suy nhược, giảm sút sinh lực; chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân quá mức; khó khăn trong chăm sóc trẻ; lo lắng quá mức về sức khỏe của con; buồn bã hoặc khóc lóc nhiều; thu mình, không giao tiếp; khó chịu với người khác; rất khó tập trung suy nghĩ; thói quen ăn, uống, ngủ nghỉ thay đổi; mất hứng thú tình dục.

Nặng hơn thì ám ảnh và hoảng sợ điều mơ hồ nào đó; có cảm giác tội lỗi vì cho rằng mình không đủ năng lực chăm sóc hoặc thiếu quan tâm đến con; cảm giác vô dụng, tội lỗi, tuyệt vọng... vì thế xuất hiện ý tưởng và hành vi tự sát hoặc giết con rồi tự sát.

Chị Polly, người Anh, bị trầm cảm sau sinh, đã tự sát trên đường ray sau lần sinh thứ 2.

Khoảng 0,1 - 0,2% các bà mẹ gặp phải bệnh cảnh trầm trọng hơn là loạn thần sau sinh, biểu hiện bằng kích động, gây hấn; khí sắc trầm hoặc ngược lại (hưng phấn); hoang tưởng; ảo giác; giải thể nhân cách (cảm thấy không có tay, chân, gan, óc...); rối loạn hành vi, tác phong (nhai chăn, ăn bốc, tiểu giữa nhà...).

Trầm cảm và loạn thần sau sinh rất đa dạng các triệu chứng  loạn thần nặng như lo âu, ám ảnh sợ; hoang tưởng, ảo giác và nguy hiểm nhất là ý tưởng và hành vi tự sát hoặc giết con rồi tự sát.

Bệnh nhân N.T.V., 26 tuổi, ở Ninh Bình, sinh con lần đầu, vô cớ lo lắng quá mức về sức khỏe của con, khi bé khẽ cựa mình, tè, khóc… là lập tức lo lắng cuống cuồng, nên đêm chỉ ngủ khoảng 2 tiếng, ngày không ngủ... Khi con 1 tuổi, cơ thể chị gầy sút, hay cáu gắt, có lúc cãi tay đôi với mẹ chồng, khi lại khóc lóc một mình, cho là chồng đi ngoại tình, luôn ám ảnh sợ con ốm, đặc biệt rất sợ có người bắt cóc con nên kê giường nằm chặn cửa vì sợ ngủ say sẽ bị mất con...

Bệnh nhân N.T.T., 22 tuổi ở Bảo Thắng, Lào Cai, có thai với người yêu, phải sinh con một mình ở nhà bố mẹ đẻ, khi người yêu bặt vô âm tín, chịu sự mắng nhiếc, hắt hủi của bố mẹ. Một tuần sau sinh cô mất ngủ, buồn chán, thờ ơ với xung quanh và không thiết cho con bú dù bé khóc đến tím tái... 

Gia đình hoảng sợ khi phát hiện T. định đem con vứt xuống ao và may mà ngăn chặn được. Sau điều trị khoảng 3 tuần tình trạng tâm thần tiến triển rất khá, được xuất viện, nhưng chị T. bỏ thuốc (chống trầm cảm), không khám lại nên tình trạng xấu đi nhanh chóng và hiện bỏ nhà đi lang thang...

Chị P.T.Tr., 28 tuổi, trú tại đường Lê Lợi, Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng bị TCSS, đã nhiều lần nói với người nhà rằng chị chỉ muốn chết và có hai lần tự sát không thành bằng cách treo cổ và nhảy xuống giếng...

Một lần chị ra cầu Bính, những người bảo vệ ở bốt giữa cầu sinh nghi vì thấy người phụ nữ đi lên cầu có vẻ mặt thất thần, âu sầu, buồn bã, đã giữ lại. Khi bố chồng tìm đến, họ giao chị cho ông. Lúc ông cụ ra lấy xe đạp điện thì chị nhảy qua lan can cầu xuống sông. Ông cụ nhảy xuống cứu bị tử vong, còn chị Tr. được cứu thoát...

Chị B.T.N., SN 1984, ở Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang, từ Hàn Quốc về để sinh con thứ 2. Sau sinh trở nên ít nói, hay ngồi thẫn thờ, thở dài... Một hôm mẹ chồng gọi cửa mãi không thưa...

Nghi ngờ, mọi người mở khóa buồng thì hoảng hốt vì cháu gái đầu 6 tuổi đã tử vong, cháu thứ hai trong tình trạng nguy kịch và chị N có nhiều vết cắt ở cổ tay trái, máu chảy lênh láng sàn nhà. Rất may đã cứu được hai mẹ con ở BV Việt Đức, Hà Nội.

Bệnh nhân TCSS thường bị hoang tưởng và ảo giác và đó là nguyên nhân dẫn đến những hành vi hủy hoại bản thân và người thân. Bệnh nhân H, chống đối không nói, không ăn uống, không uống thuốc có thể do ảo thanh ra lệnh; rửa tay liên tục có thể do ám ảnh sợ nhiễm trùng hoặc do hoang tưởng nghi bệnh (nhiễm trùng) điều khiển (hiện trạng bệnh nhân chưa cho phép khai thác rõ được). Bệnh nhân V cho rằng chồng ngoại tình là hoang tưởng ghen tuông...

Nguy hiểm nhất là hoang tưởng tự buộc tội, vì bệnh nhân cho rằng mình phạm nhiều tội lỗi khủng khiếp không thể sửa chữa, chỉ có cái chết mới gột rửa được; hoang tưởng nghi bệnh (thường là bệnh nan y) cũng làm xuất hiện ý tưởng và hành vi tự sát; ảo thanh (tiếng nói trong đầu) xúi giục hoặc ra lệnh là nguyên do bệnh nhân không ăn, không uống thuốc, bỏ nhà đi lang thang, giết người thân, tự sát (bằng mọi cách). 80% bệnh nhân trầm cảm nặng có ảo thanh "sui khiến" hay "ra lệnh tự sát" và 15% số này đã tự sát.

Ý tưởng và hành vi tự sát là cấp cứu số 1 của chuyên khoa tâm thần, và bằng mọi cách (sốc điện, kích từ, thuốc, cố định chỉ một bệnh nhân trong buồng nhỏ, không có bất kỳ thứ gì có thể tự sát, kể cả bát sành, đũa tre...) phải làm mất triệu chứng này. Điều rất khó khăn là hiếm khi bệnh nhân bộc lộ hoang tưởng, ảo giác cho người nhà biết, chỉ có BS chuyên khoa tâm thần hoặc thuốc mới làm bệnh nhân tự nói ra.

Cần biết là, cũng như nhiều bệnh tâm thần nội sinh khác, trầm cảm nói chung chưa biết nguyên nhân nên các thuốc hiện thời chỉ làm các triệu chứng mất đi mà không chữa khỏi triệt để được bệnh. Vì thế nếu không dùng thuốc đúng theo y lệnh (kéo dài) các triệu chứng lại tái phát, và ngoài 6 tháng thì hoang tưởng, ảo giác trở thành mãn tính, lúc đó thuốc không làm mất được. Một đợt cấp tính phải chữa trị bằng thuốc chống trầm cảm một vài tháng, sau đó duy trì (liều thấp) nhiều tháng, có khi hàng năm...

Sự nâng đỡ bằng tình cảm của người thân (đặc biệt là người chồng) bằng những việc làm cụ thể có tác dụng rất lớn, làm sản phụ mất cảm xúc rối loạn, thăng bằng trở lại và giảm mức độ nặng của TCSS.

Đặc biệt, khi có biểu hiện trầm cảm (hoặc có biểu hiện bất thường), nên đưa sản phụ đến BS chuyên khoa tâm thần để ngăn chặn những hậu quả đau xót, vì người nhà không dễ khai thác các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác trong "đầu" bệnh nhân. Có khi bên ngoài chỉ là "trở nên ít nói, hay ngồi thẫn thờ, thở dài..." như chị N ở Bắc Giang, nhưng "bên trong" hoang tưởng hay ảo giác đã chế ngự hoàn toàn tâm trí người bệnh.

Bs. Văn Bằng (Chuyên khoa tâm thần)
.
.