Vụ kiện thao túng thị trường quảng cáo trực tuyến

Thứ Tư, 23/12/2020, 12:59
Vừa lo nộp phạt, đối phó với các vụ kiện ở châu Âu và Australia, hai đại gia trong làng công nghệ thế giới là Facebook Inc, Google thuộc sở hữu của Alphabet còn đang bị Texas và 9 bang khác của Mỹ cáo buộc sử dụng một loạt thỏa thuận để củng cố quyền lực trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Bí mật trao đặc quyền

Đơn kiện đã được 10 bang của Mỹ (gồm Arkansas, Indiana, Kentucky, Mississippi, Missouri, Nam Dakota, Bắc Dakota, Utah, Idaho và Texas) - tất cả đều có công tố viên của đảng Cộng hòa đệ trình lên tòa án quận phía Đông bang Texas ngày 16-12.

Theo đó, Google bị cáo buộc đã tìm cách tiêu diệt sự cạnh tranh quảng cáo thông qua một loạt các chiến thuật loại bỏ đối thủ, bao gồm một thỏa thuận bất hợp pháp với Facebook. Các bang cáo buộc, Google và Facebook cạnh tranh gay gắt trong việc bán quảng cáo trên internet, cùng nhau chiếm lĩnh hơn 1/2 thị trường toàn cầu.

Hồi tháng 11, CEO Facebook Mark Zuckerberg phải điều trần trước Thượng viện Mỹ về những cáo buộc của FTC và 46 tiểu bang. ảnh: Getty.

Hai đại gia công nghệ này đã đồng ý trong một thỏa thuận công khai vào năm 2018 để bắt đầu cung cấp cho khách hàng là nhà quảng cáo của Facebook tùy chọn đặt quảng cáo trong mạng lưới các đối tác xuất bản của Google. Các giám đốc điều hành ở cấp cao nhất của hai hãng đã ký vào thỏa thuận này.

Ví dụ, một blog về giày thể thao sử dụng phần mềm của Google để bán quảng cáo có thể tạo ra doanh thu từ một nhà bán lẻ giày dép đã mua quảng cáo trên Facebook. “Google đã đạt được quan hệ đối tác tương tự với các công ty quảng cáo khác trong nỗ lực duy trì thị phần có tên mã nội bộ là Project Jedi”, một nguồn tin có kiến thức trực tiếp về vấn đề này cho biết.

“Nhưng điều mà Google không thông báo công khai là họ đã ưu đãi cho Facebook. Facebook đã đồng ý từ chối hỗ trợ phần mềm cạnh tranh mà các nhà xuất bản đã phát triển để làm suy yếu sức mạnh thị trường của Google. Facebook đã quyết định đặt mối đe dọa cạnh tranh đối mặt với Google và sau đó cắt một thỏa thuận để thao túng “cuộc chơi”.

Đổi lại, Facebook nhận được nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm quyền truy cập vào dữ liệu của Google và các ngoại lệ về chính sách cho phép khách hàng của mình nhận được nhiều quảng cáo hơn một cách không công bằng so với khách hàng của các đối tác khác của Google”, đơn kiện có đoạn viết.

Các bang cũng khiếu nại rằng Google và Facebook đã tham gia vào việc ấn định giá quảng cáo và đã tiếp tục hợp tác, mặc dù phần này đã bị cắt giảm nhiều và không rõ ràng về cách thức và thời điểm các công ty bị cáo buộc sử dụng “thỏa thuận phân bổ thị trường”. “Với phạm vi và tính chất hợp tác sâu rộng giữa hai công ty, Google và Facebook nhận thức rõ ràng rằng thỏa thuận của họ có thể gây ra vi phạm chống độc quyền. Hai công ty đã thảo luận, thương lượng và ghi nhớ cách họ hợp tác với nhau", đại diện 10 bang làm đơn kiện cho biết thêm.

Trong khi đó, Tổng Chưởng lý bang California Xavier Becerra tuyên bố, sự thống trị thị trường của Google khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ không có nhiều lựa chọn khi sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet. Bằng cách sử dụng các thỏa thuận để thống lĩnh thị trường, Google đã kìm hãm sự cạnh tranh và thao túng thị trường quảng cáo.

Hồi tháng 12-2018, CEO Google Sundar Pichai lần đầu tiên ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. ảnh: CNN.

Tổng Chưởng lý bang Texas Ken Paxton thì khẳng định trong một video đăng trên Facebook rằng, Texas yêu cầu thẩm phán kết tội Google phạm tội vi phạm luật chống độc quyền và ra lệnh dừng các vi phạm: "Nếu thị trường tự do là một trận đấu bóng chày, Google đã tự định vị mình là người ném bóng, người đánh bóng và trọng tài chính. Google nhiều lần sử dụng quyền lực độc quyền của mình để kiểm soát giá cả và tham gia vào cấu kết thị trường, vi phạm công lý nghiêm trọng"...

Tuy nhiên, có điều lạ là các bang lại không cáo buộc Facebook về hành vi sai trái trong đơn kiện của mình. Họ chỉ đưa ra yêu cầu Google, công ty thuộc sở hữu của Alphabet, kiểm soát 1/3 ngành quảng cáo trực tuyến toàn cầu, bồi thường thiệt hại và tìm cách "giải tỏa cơ cấu", thường được hiểu là phải thoái vốn một số tài sản của mình.

Đáp trả những tuyên bố này, người phát ngôn của Google, Peter Schottenfels mô tả cáo buộc của các bang về mối quan hệ đối tác đang diễn ra là không chính xác và nói rằng Facebook không nhận được dữ liệu đặc biệt. Peter Schottenfels khẳng định Google sẽ tự bảo vệ mình khỏi "những tuyên bố vô căn cứ trước tòa".

“Giá quảng cáo kỹ thuật số đã giảm trong thập niên qua. Phí công nghệ quảng cáo cũng đang giảm. Phí công nghệ quảng cáo của Google thấp hơn mức trung bình trong ngành. Đây là những dấu ấn của một ngành công nghiệp cạnh tranh cao”, Peter Schottenfels nói.

Còn Facebook ban đầu thì từ chối trả lời yêu cầu bình luận nhưng sau đó lại ra tuyên bố nói các cáo buộc là vô căn cứ và rằng giá quảng cáo kỹ thuật số và phí công nghệ quảng cáo của Facebook đã giảm trong những năm gần đây...

3 vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ

Được biết, vụ kiện của 11 bang nước Mỹ là vụ lớn thứ hai từ các cơ quan quản lý chống lại Google và là vụ kiện thứ tư liên quan đến liên bang, tiểu bang nhằm mục đích kiềm chế các hành vi xấu bị cáo buộc của các nền tảng công nghệ trong 2 thập niên qua. Trước đó, vào hồi tháng 10, Chính phủ Mỹ mà đại diện là Bộ Tư pháp đã chính thức khởi kiện Google trong một vụ kiện chống độc quyền được xem là lớn nhất trong nhiều thập niên trở lại đây.

Tổng Chưởng lý bang Texas Ken Paxton, cùng với 10 tổng chưởng lý tiểu bang khác gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina cũng tham gia một vụ kiện.

Là đơn vị chính của Tập đoàn Alphabet, Google vận hành công cụ tìm kiếm thống lĩnh khắp thế giới cùng một loạt dịch vụ liên quan như: bản đồ, email, quảng cáo và mua sắm. Google cũng vận hành hệ điều hành di động Android được sử dụng cho phần lớn điện thoại thông minh khắp thế giới.

Doanh số bán quảng cáo của Google chiếm hơn 80% doanh thu của Alphabet. Nhưng, phần lớn doanh thu và phần lớn lợi nhuận của Alphabet đến từ hoạt động có lợi nhuận cao của Google là đặt quảng cáo văn bản phía trên kết quả tìm kiếm. Alphabet đã báo cáo doanh thu quảng cáo kỹ thuật số hàng quý là 37,1 tỷ USD trong báo cáo tài chính mới nhất của mình.

Các báo The Wall Street Journal và The New York Times cho biết Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google - công ty trị giá 1 nghìn tỷ USD có trụ sở tại California có hành vi bất hợp pháp nhằm duy trì vị trí độc tôn trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm trên Internet. Cụ thể, Google bị cáo buộc vi phạm pháp luật khi sử dụng quyền lực thị trường để làm chệch hướng các đối thủ, cụ thể: vi phạm pháp luật trong cách đối xử với các đối thủ trong hoạt động kinh doanh quảng cáo cũng như công cụ tìm kiếm trên mạng Internet, tìm cách gây bất lợi cho đối thủ để công cụ tìm kiếm của mình ở thế "thượng phong" và sử dụng quyền lực thị trường để bán thêm nhiều quảng cáo.

Hãng tin Reuters nhận định, thời gian gần đây, danh sách các vụ kiện chống độc quyền của Mỹ đối với các “đại gia công nghệ” ngày càng dài. Các vụ kiện này có liên quan chặt chẽ đến những lo ngại mà News Corp thuộc sở hữu của Rupert Murdoch và các công ty truyền thông khác đã công khai lên các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu trong 2 năm qua.

Google và Facebook đối mặt các cuộc điều tra chống độc quyền trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Khi đó, News Corp cho biết Google đã hạ mức phí của mình xuống gần bằng 0 để giành quyền thống trị giữa các nhà xuất bản, sử dụng các thủ thuật lừa đảo để môi giới các giao dịch giữa nhà xuất bản và nhà quảng cáo, đồng thời trích các khoản phí cao từ cả hai bên để chơi trọng tài.

Vài tháng trước, các cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành điều tra chống độc quyền ở cấp bang và liên bang nhằm đánh giá sức mạnh của "đại gia" công nghệ này. Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng đồng thời tiến hành các cuộc điều tra tương tự với hoạt động của các tập đoàn lớn khác như Amazon, Facebook và Apple.

Cụ thể, hôm 9-12, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã cáo buộc Facebook Inc. mua và đóng băng các công ty khởi nghiệp nhỏ để ngăn chặn cạnh tranh. Đơn kiện yêu cầu Facebook phải rút lại các thương vụ mua lại WhatsApp và Instagram.

Cũng vào ngày 9-12, Facebook đã bị một liên minh gồm 46 bang, cùng với quận Columbia và Guam, kiện vì những lo ngại về chống độc quyền tương tự như những vấn đề mà FTC nêu ra. Đơn kiện của FTC và 46 tiểu bang có trích dẫn một email nội bộ của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg từ năm 2008 gửi các nhân viên của mình rằng: “Tốt hơn hết là mua các đối thủ cạnh tranh còn hơn là phải cạnh tranh với họ”.

Theo "chiến lược" đó của Mark Zuckerberg, thay vì phát triển các nền tảng riêng, Facebook lần lượt mua các nền tảng chia sẻ là Instagram năm 2012 và WhatsApp năm 2014 cùng rất nhiều nền tảng nhỏ khác nhưng có tiềm năng phát triển, để ngăn chặn cạnh tranh từ trứng nước.

Ngay sau khi thông tin về vụ kiện mới nhất của 10 bang được đăng tải, cổ phiếu của Alphabet kết thúc thấp hơn 0,2% ở mức 1.757,19 USD vào ngày 16-12 khi vụ kiện thứ hai được công khai. Cổ phiếu Facebook, vốn nhanh chóng chuyển sang tiêu cực sau khi chi tiết về vụ kiện ở Texas được công bố, đã đảo ngược các khoản lỗ và kết thúc ít thay đổi.

Và các án phạt ở châu Âu

Như vậy, đây không phải lần đầu tiên Google phải đối mặt với các cáo buộc độc quyền trong kinh doanh. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa 3 vụ kiện chống lại Google, tập trung vào dịch vụ tìm kiếm, hoạt động kinh doanh quảng cáo và hệ điều hành di động Android.

Cụ thể, vào ngày 10-12, Cơ quan Giám sát quyền riêng tư dữ liệu (CNIL) của Pháp cho biết họ đã phạt 2 đơn vị của Google tổng cộng 121 triệu USD và một công ty con của Amazon 42 triệu USD vì vấn đề cookie quảng cáo. Cookie là một phần dữ liệu nhỏ được lưu trữ trên trình duyệt máy tính của người dùng, cho phép các trang web xác định và ghi nhớ hoạt động trước đó của họ.

Thông báo của CNIL, các công ty nói trên đã đặt cookie quảng cáo trên máy tính của người dùng mà không có sự đồng ý trước và không cung cấp thông tin đầy đủ cho khách hàng.

Tháng 3-2019, Ủy ban Chống độc quyền châu Âu cũng quyết định phạt Google 1,7 tỷ USD vì lạm dụng thống trị trong ngành kinh doanh quảng cáo trực tuyến, bằng cách áp đặt các hợp đồng nhằm hạn chế và chống cạnh tranh với các đối thủ của mình. Khi đó, bà Margrethe Vestager, đại diện cho Ủy ban Chống độc quyền của EU nhấn mạnh.

“Đây là hành vi bất hợp pháp theo quy định chống độc quyền của EU và hành vi bị lên án này đã kéo dài hơn 10 năm, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các công ty tiềm năng, đổi mới và lợi ích của người tiêu dùng”.

Còn Facebook thì mới hôm 16-12 bị Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đệ trình các thủ tục lên toà án liên bang với cáo buộc có hành vi sai trái, lừa đảo người tiêu dùng trong việc quảng cáo ứng dụng Onavo Protect. “Các quảng cáo cho ứng dụng, cung cấp một mạng riêng ảo miễn phí cho người dùng, tuyên bố rằng Onavo Protect sẽ bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, khi mà trên thực tế, Facebook sử dụng thông tin thu thập được trong ứng dụng để tăng cường nghiên cứu thị trường của họ”, ACCC cáo buộc.

Hành động pháp lý do Chủ tịch ACCC Rod Sims đứng đầu sau các cuộc điều tra liên tục về các nền tảng kỹ thuật số và chuỗi cung ứng công nghệ quảng cáo. Mối quan tâm xung quanh Onavo Protect lần đầu tiên xuất hiện trong “Báo cáo nền tảng kỹ thuật số” của cuộc điều tra đầu tiên của ACCC và là nguyên nhân góp phần thúc đẩy việc xây dựng Bộ luật thương lượng trên News Media, được trình lên Quốc hội vào tuần trước.

Châu Anh
.
.