Vụ thử vệ tinh của Nga gây xôn xao

Thứ Ba, 03/11/2020, 15:02
Ngày 23 tháng 7 năm 2020, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên tạp chí Time, tướng John Raymond, Tư lệnh lực lượng vũ trụ Hoa Kỳ đã nói rằng vụ thử nghiệm mới nhất của Nga là một tên lửa chống vệ tinh và cho rằng "nó sẽ đe dọa nghiêm trọng hệ thống vệ tinh không gian của Mỹ".


Lo ngại từ phía Mỹ

Ông này cho hay một vệ tinh của Nga có tên "Cosmos 2543" đã phóng một quả đạn trong cuộc thử nghiệm vào ngày 15 tháng 7 năm 2020 có thể được sử dụng để phá hủy một vệ tinh khác trong không gian. Đồng thời, ông Harvey Smith, chỉ huy Bộ Tư lệnh không gian Anh cũng bày tỏ quan ngại về việc người Nga phóng đạn từ vệ tinh và kêu gọi Moscow dừng các vụ thử này.

Việc phá hủy các vệ tinh khác nhau của đối thủ có thể trở thành đặc điểm chính của các cuộc xung đột quy mô lớn trong tương lai, đặc biệt là trong chiến tranh. Các hoạt động của quân đội Mỹ chủ yếu dựa vào các vệ tinh khác nhau để cảnh báo sớm, thu thập thông tin tình báo, liên lạc và chia sẻ dữ liệu, dẫn đường cho các loại vũ khí. Vì vấn đề này mà người Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển vũ khí chống vệ tinh của các nước khác và các vụ thử vệ tinh bí ẩn do Nga tiến hành trong 2 năm qua luôn khiến quân đội Mỹ cảm thấy bất an.

Quỹ đạo vệ tinh Cosmos 2542 của Nga và vệ tinh 245-USA của Mỹ.

Nga đã phóng vệ tinh "Cosmos 2542" vào tháng 11 năm ngoái. Một vệ tinh bí ẩn là "Cosmos 2543" đã tách khỏi vệ tinh "Cosmos 2542" vào tháng 12 ngay sau khi nó lên quỹ đạo. Do thiết kế của vệ tinh rất giống với đồ thủ công truyền thống của Nga-Matryoshka nên nó được quân đội không gian Hoa Kỳ đặt tên là vệ tinh  "Matryoshka". Hai vệ tinh của Nga bắt đầu liên tục cơ động tới gần vệ tinh do thám USA-245 của Mỹ. Vệ tinh USA-245 của Mỹ là vệ tinh do thám hình ảnh kỹ thuật số quang điện có thể truyền hình ảnh quan sát quang học thời gian thực xuống mặt đất đến nay đã phát triển lên thế hệ thứ năm, độ phân giải lý thuyết là 0,06 mét.

Vệ tinh "Cosmos 2542" và "Cosmos 2543" đã đến gần vệ tinh USA-245 vào tháng 1 năm nay, chúng được quan sát rất kỹ ở khoảng cách gần nhất với USA-245 chỉ còn 160 km. Điều này khiến ông Raymond, Tư lệnh lực lượng không gian Hoa Ky, người vừa mới nhậm chức cảm thấy bất an và nói rằng "Điều này có thể gây ra những tình huống nguy hiểm trong không gian". Bộ Ngoại giao Nga đã lập tức phản pháo: "Việc cơ động các vệ tinh của chúng tôi không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với các vệ tinh của Hoa Kỳ vì nó không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào".

Chỉ là hiểu lầm?

Việc tiếp cận và theo dõi các vệ tinh của Nga khiến người Mỹ bị động. Tháng 6 năm nay, vệ tinh USA-245 đã thực hiện một cuộc thay đổi quỹ đạo khẩn cấp để tránh va vào  "Cosmos 2543" có kích thước  nhỏ hơn.

Điện Kremlin tuyên bố rằng vệ tinh "Cosmos 2543" chỉ là vệ tinh "kiểm tra thiết bị vũ trụ" có vai trò kiểm tra các vệ tinh khác của Nga trên quỹ đạo để đánh giá mức độ hư hỏng. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố vụ thử nghiệm mới nhất của vệ tinh "Cosmos 2543" liên quan đến việc điều động vệ tinh  này đến gần vệ tinh  kiểm tra là "Cosmos 2535" để thu thập hình ảnh và thông tin".

Hình ảnh mô phỏng tiêu diệt vệ tinh trong không gian.

Phía đơn vị không gian Hoa Kỳ đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng vệ tinh  "Cosmos 2535" lại tách một vật thể nhỏ hơn và họ đánh số nó là "Vật thể 2519".

Hai vật thể được tách ra từ vệ tinh "Cosmos 2543" làm dấy lên sự cảnh giác của Hoa Kỳ. Với kích thước nhỏ và tính cơ động cao của "Cosmos 2543", cái gọi là vệ tinh "kiểm tra thiết bị vũ trụ" này rất có thể đóng vai trò là một "vệ tinh sát thủ" hoàn hảo và có thể được tiếp cận và sử dụng các phương tiện đặc biệt để phá hủy các vệ tinh khác, chẳng hạn như gây nhiễu điện tử cho phía bên kia, phóng tia vi ba hoặc tia laser công suất cao hoặc thậm chí phun các chất hóa học có thể làm tê liệt vệ tinh đối phương. Tất nhiên, "Cosmos 2543" có thể đã chọn một cách tiêu diệt động năng phức tạp hơn, đó là phóng đạn vào mục tiêu.

Người Nga thực sự đã bắt đầu thử nghiệm loại vệ tinh này từ năm 2017. Tháng 6/2017, vệ tinh "Cosmos 2519" được phóng lên quỹ đạo và một vệ tinh khác có tên "Cosmos 2521" được tách ra khỏi "Cosmos 2519" sau đó hai tháng. Ngay trong tháng 11 năm đó, vệ tinh "Cosmos 2521" lại tách ra vệ tinh thứ ba là  "Cosmos 2523", vệ tinh này đã thực hiện hàng loạt các cuộc thử nghiệm như bay tự hành, thay đổi quỹ đạo và kiểm tra các vệ tinh khác. Các cuộc cuộc thử nghiệm này đã khiến người Mỹ choáng váng vì kết thúc cuộc thử nghiệm, vệ tinh "Cosmos 2523" lại tự động trở về nhập vào "Cosmos 2521".

Loại vệ tinh Cosmos của Nga.

Ngày 30/11/2018, truyền thông Nga đưa tin Nga đã phóng một tên lửa đưa ba vệ tinh liên lạc quân sự lên quỹ đạo là "Cosmos 2530",  "Cosmos 2531" và "Cosmos 2532". Tin tức về vụ phóng này chỉ vẻn vẹn có vài dòng nhưng chưa đầy 24 giờ sau bản tin của quân đội Mỹ đã khơi dậy sự quan tâm của thế giới là có một vật thể lạ đã "quá giang" vào vũ trụ.

Trang mạng "Space-Track.org" là một trang web được xác nhận bởi chính phủ Hoa Kỳ thường xuyên cung cấp tin hoạt động của các tàu vũ trụ được cung cấp bởi các tổ chức có thẩm quyền như Bộ chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ. Theo thông tin được phía Nga tiết lộ lần này không chỉ có 3 mà có đến 5 vật thể được đưa lên quỹ đạo, trong đó 3 vật thể được đánh số A, B, C có đặc điểm giống nhau, còn vật thể D và E bay theo quỹ đạo khác nhau.

Một số người đam mê hàng không vũ trụ cho rằng hai vật thể sau có thể là một phần mảnh vỡ của phương tiện phóng. Một số nhà phân tích quân sự cho rằng sự việc không đơn giản như vậy vì tình huống tương tự cũng đã xảy ra vào năm 2014 khi đó phía Nga tuyên bố đã phóng 3 vệ tinh lên quỹ đạo nhưng phía quân đội Mỹ lại phát hiện ra  những 5 vật thể. Sau khi quan sát liên tục "Vật thể E" được xác nhận là một vệ tinh nhân tạo không rõ mục đích và được đặt tên là "Cosmos - 2499". Theo truyền thông Mỹ, từ năm 2014 đến 2018, phía Nga đã gửi ít nhất 4 tàu vũ trụ tương tự vào quỹ đạo trái đất.

Phục hồi sự vượt trội

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tiến hành nhiều vụ thử nghiệm đánh chặn vệ tinh. Theo trang web "Mối đe dọa của tên lửa đạn đạo" thì ngay từ ngày 1/11/1963, Liên Xô đã phóng mẫu thử nghiệm một "vệ tinh sát thủ" dùng để đánh chặn vệ tinh. Vệ tinh này có tính cơ động cao được thiết kế để xác minh liệu Liên Xô có thể tiếp cận và phá hủy vệ tinh của đối phương hay không. Theo các tin tức, đây là tên lửa đánh chặn quỹ đạo phi hạt nhân chống vệ tinh. 

Từ năm 1968 đến tháng 12/1971, Liên Xô đã tiến hành tổng cộng 7 cuộc thử nghiệm đánh chặn trong đó có 5 lần đã thành công. Các vệ tinh đánh chặn được thử nghiệm lúc đó có khối lượng 3 tấn được phóng bằng tên lửa liên lục địa SS-9. Độ cao đánh chặn là 200-1500 km, sử dụng đầu đạn phân mảnh năng lượng cao thông thường và tên lửa không điều khiển. Hệ thống chống vệ tinh này được gọi là dự án  "Bối cảnh 1".

Trong những năm 1980, được kích thích bởi chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" của Mỹ, Liên Xô cũng đã khởi động chương trình chống vệ tinh "Bối cảnh 2".  Vệ tinh sát thủ mới có tốc độ đánh chặn nhanh hơn và quỹ đạo tiếp cận mục tiêu chỉ trong một vòng tròn, độ cao đánh chặn được tăng lên hơn 2000 km và rút ngắn thời gian chuẩn bị phóng, chỉ sau khi phóng một giờ vệ tinh đánh chặn đã có mặt trên quỹ đạo đã định. Việc nghiên cứu và phát triển vũ khí chống vệ tinh tiếp tục cho đến khi Liên Xô tan rã, hệ thống chống vệ tinh cuối cùng có tên mã là IS-MU được đưa vào sử dụng vào năm 1991. 

Vệ tinh Iridium của Mỹ.

Tờ "Bưu điện Washington" của Mỹ đưa tin, vật thể bí ẩn trong vũ trụ của Nga có thể là sự trở lại của "vệ tinh sát thủ" và đây có khả năng trở thành chương trình mới nhất trong quá trình quân sự hóa không gian. Hiện nay tất cả các công nghệ hiện đại: Điện thoại di động, dịch vụ bản đồ, chương trình truyền hình và dịch vụ truyền thông đều cần đến vệ tinh. Các cuộc tấn công vào vệ tinh có khả năng làm suy yếu khả năng quân sự của một quốc gia hoặc làm đóng cửa các dịch vụ liên lạc toàn cầu quan trọng. 

Bài báo viết: "Một số người nghĩ rằng với sự sụp đổ của Liên Xô thì chương trình chống vệ tinh cũng đã biến mất nhưng đến bây giờ thì một số người khẳng định rằng nó đã trở lại trong không gian khác".

Trên thực tế, sau khi bước sang thế kỷ mới, chương trình chống vệ tinh của Nga đã có dấu hiệu phục hồi. Trang web của Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/1/2014 tiết lộ rằng vào cuối năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt việc khởi động lại dự án chống vệ tinh "Tán cây" và các cuộc thử nghiệm cấp quốc gia đã bắt đầu. Người ta nói rằng kế hoạch "Tán cây" bao gồm hai bộ phận, đó là hệ thống trinh sát và hệ thống tấn công. Hệ thống tấn công chủ lực được sửa đổi từ 3 máy bay chiến đấu MIG-31 trang bị tên lửa 76M6 để tiêu diệt vệ tinh của đối phương.

Những ngày gần đây, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây liên tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực. NATO cáo buộc máy bay quân sự Nga liên tục tiếp cận không phận các nước châu Âu buộc NATO phải điều động chiến đấu cơ F-16 lên để đánh chặn. NATO tuyên bố rằng số lượng máy bay chiến đấu của NATO đánh chặn máy bay quân sự của Nga trong năm nay (2020) gấp 100 lần năm ngoái, năm ngoái chỉ có 30 vụ. Tổng thư ký NATO Stoltenberg thì cho rằng các chuyến bay của máy bay quân sự Nga đã gây ra mối đe dọa cho hàng không dân dụng châu Âu.

Một loạt các cuộc thử nghiệm vệ tinh bí ẩn đã chứng tỏ rằng Nga đã tích lũy được kỹ thuật mạnh mẽ trong việc phát triển "vệ tinh sát thủ". Đây là điều mà các lực lượng không gian Mỹ lo ngại nhất. Những vệ tinh như vậy có thể phá vỡ quyền bá chủ không gian của Mỹ một cách hiệu quả và hiện nay nước này vẫn chưa có biện pháp phòng thủ hiệu quả.  

Nguyễn Đình Thiêm (Theo "Xinhuanet.com")
.
.