Vương quốc linh chi bên dòng Sêrêpốk

Chủ Nhật, 04/01/2015, 08:30
Núi rừng Tây Nguyên có nhiều vùng sơn lâm được dân "nghiện" nấm linh chi xem là thiên đường của các loại nấm quý. Một trong những vùng sơn lâm như thế nằm bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, con sông gắn với nhiều huyền tích ly kỳ về "ông hoàng" săn voi cuối cùng của Việt Nam. Theo tiếng đồn, chúng tôi tìm đến miền sơn lâm có muôn vàn những tai nấm dược chất ngời ngời, có khả năng hóa giải được nhiều chứng bệnh nan y và sớm... vỡ mộng!

Nơi chúng tôi tìm đến là buôn Trí A thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Miền đất này chúng tôi từng nhiều lần ăn dầm nằm dề tìm hiểu về đời sống, tập quán của người M'nông, đặc biệt là nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người bản xứ. Cũng cần nói rõ rằng, nhắc đến buôn Trí A là nhắc đến quê hương của dũng sĩ Amakông - ông vua săn voi cuối cùng của người M'nông với chiến tích săn bắt và thuần dưỡng đến 298 con voi rừng. Rạng sáng ngày 3/11/2012 Amakông qua đời, cụ thọ đến 102 tuổi. Hôm diễn ra tang lễ cụ, tôi có đến tiễn đưa cụ về với rừng. Bận ấy buôn Trí A có đại tang nên mọi hoạt động mua bán đều ngưng hẳn. Nên chúng tôi không có dịp tiếp cận với rừng nấm linh chi được bày bán ở đây. Còn bây giờ, những gì trông thấy có thế nói là... tràng giang đại hải!

1. Cùng với tổ yến sào, đông trùng hạ thảo và sâm Hàn Quốc..., ngay tại thời điểm này, nấm linh chi là cụm từ nhạy cảm vì đang nóng lên từng giờ. Nấm linh chi "hot" không phải bởi loại thảo dược này được y văn ghi nhận chữa trị nhiều chứng bệnh nan y liên quan đến gan - thận mà vì hiện tại đang vào mùa người ta săn hàng độc làm quà biếu. Ở cái thời mà ai cũng ám ảnh chuyện bệnh tật, nhất là các chứng bệnh ung thư này nọ thì nấm linh chi có thể nói là đương kim của nhiều sự dòm ngó.

Công dụng của nấm linh chi thực sự ra sao, có đúng như nhiều lời rao là "đại biệt dược" không chỉ chữa bệnh nan y mà còn giúp "cải lão hoàn đồng"? Nấm linh chi có bao nhiêu loại, loại nào dùng tốt nhất, sử dụng linh chi như thế nào cho hiệu quả? Linh chi ai dùng cũng được hay có cấm kị gì...? Những điều trên tôi sẽ đề cập chi tiết ở bài viết khác. Vấn đề đặt ra ở đây là nhiều con bệnh lẫn dân buôn nấm từ nhỏ lẻ đến buôn sỉ râm ran với nhau rằng núi rừng Yok Đôn nơi có dòng Sêrêpốk chảy qua, là thiên đường của các loại nấm linh chi. Người ta kháo với nhau vì Yok Đôn là vùng rừng thiên linh, có núi cao án ngữ, có sơn tuyền (dòng Sêrêpốk) vắt giữa rừng già nên hội tụ nhiều linh khí, mỹ khí của đất trời. Thế nên cây nấm sinh trưởng ở vùng này là... chuẩn nhất!

Con cháu cụ Amakông khẳng định bài thuốc của gia tộc mình không hề nhắc gì đến nấm linh chi.

"Tôi vừa mua xong 8 ký nấm linh chi ở xứ săn voi. Đúng là danh bất hư truyền, nấm ở đó to đẹp, thơm phức, đã lắm. Ở đó linh chi có rất nhiều loại, từ loại bé bằng đầu đũa được gọi là linh chi cổ cò đến loại to bằng cái chén, cái tô... Dân ở đó nói nấm to nhất và bé nhất là loại bổ dưỡng, nhiều dược chất nhất. Còn các loại khác thì cũng có bổ nhưng hàm lượng chất thuốc chẳng có là bao. Ví như linh chi cổ cò được 10 điểm thì mấy thứ đó chỉ 4-5 điểm".

Người chia sẻ thông tin này với tôi là bà Lê Thị Huệ, 54 tuổi, một độc giả vốn rất kết các bài viết về cây thuốc, bài thuốc, vị thuốc được đăng tải trên Chuyên đề ANTG. Bà Huệ ngụ đường Tôn Đản (quận 4) - nơi nổi tiếng giới giang hồ trong quá khứ, hiện tại tập trung, nhiều dân anh chị đã gác kiếm hoặc đang tung hoành bá đạo: "Ông nhà tôi bị xơ gan. Nghe nhiều người mách nước, ổng giờ không chịu uống thuốc gì hết mà chỉ chuộng nấm linh chi thôi. Ngặt nỗi thị trường linh chi giờ loạn xì ngầu với hàng chục loại nào là hắc chi, hồng chi, xích chi, vân chi, tử chi... với đủ kích cỡ lớn nhỏ. Đó là chưa kể hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật. Rồi linh chi được bào chế thành nhiều dạng viên nén, cao, nước uống. Ai bán buôn cũng nói sản phẩm của mình là chuẩn nhất, tốt nhất nên tui không biết lựa chọn ra sao nữa. May nhờ có người quen mách nước đến Buôn Đôn mua là chắc ăn nhất nên tôi tìm đến".  

Mới mua về, mới uống được vài ngày nên những tai nấm kia có hiệu quả hay không, vợ chồng bà Huệ không dám chắc. Nhưng bà chắc chắn một điều là giá nấm linh chi được bán ở buôn Trí A rất hữu nghị, chỉ từ vài trăm ngàn đến 1 triệu một ký lô. "Tôi thấy có nhiều khách du lịch hỏi mua linh chi lắm. Tôi mua loại năm trăm (500.000 đồng/kg). Phải 4 ký này mới bằng một ký bán trong siêu thị nên sẵn dịp tôi mua gần chục ký để dành dùng dần, ai cần thì mình chia lại" - bà Huệ chân tình, bộc bạch. 

2. Mục đích của việc chia sẻ thông tin "mua được nấm quý với giá rẻ bất ngờ" của bà Huệ không phải để quảng bá cho các đầu nậu linh chi ở vùng này, mà chỉ đơn thuần là thiện chí để nhiều người có nhu cầu biết nơi mà mua, chứ không bị "loạn não" như bà trước mê hồn trận nấm linh chi được bày bán tràn lan. Và nhất là không bị dân buôn nấm... làm giá!

Nấm linh chi được bày bán tại buôn Trí A, xã Krông Ana.

Ghi nhận thiện chí của bà Huệ, để rõ hơn về nơi mà bà gọi là: "vương quốc linh chi", tôi đã tìm tới tận nơi. Đúng như mô tả của bà Huệ cùng một số người khác, vào trung tâm buôn Trí A, đi đâu cũng thấy người ta phơi, bày bán la liệt các loại nấm linh chi mà theo quảng cáo của họ, thứ nào cũng được khai thác tại núi rừng địa phương, nên... vô cùng bổ?!

"Hồi Amakông còn sống, ông dùng nhiều cây thuốc ở vùng, trong đó có linh chi. Nhờ vậy mà ông khỏe, ông sống đến hơn trăm tuổi đó" - một người bán tiết lộ. Sau qua trò chuyện, tôi mới biết chị này là dân ở vùng khác đến thuê mặt bằng bán hàng lưu niệm các kiểu, bán cả  thuốc bổ thận tráng dương Amakông được đồn thổi nhờ bài thuốc này mà vua săn voi lấy được vợ đẹp nhỏ hơn 40 tuổi, sinh con gái xinh xắn khi ở tuổi ngoài 80. Và hẳn nhiên, chị này có bán cả nấm linh chi.

"Một người bán nấm linh chi tiết lộ trong bài thuốc tráng dương bổ thận của dũng sĩ săn voi rừng Amakông, có nấm linh chi. Nhưng vì đó là bài thuốc bí truyền nên gia đình vị vua quá cố này không tiết lộ vì sợ kẻ xấu nhân đó trục lợi.

- Vậy sao chị biết?- tôi hỏi

- "Ồ, vì mình ở gần nhà ông. Hồi ông còn sống, sang chơi thấy ông chặt thuốc, mình quan sát, mình ngửi mùi thì biết thôi".

Trên đây là câu trả lời của một phụ nữ tên Lan. Tôi biết được đoạn trò chuyện này từ một đồng nghiệp nằm vùng tại Buôn Mê Thuột. Biết tôi đến quê hương của các dũng sĩ săn voi rừng tìm hiểu về nấm linh chi, qua điện thoại, bạn đồng nghiệp kể lại câu chuyện ấy với lưu ý, chỉ dẫn rằng khi đến nơi cần đến, tôi nhất thiết phải gặp chị Lan nọ để tìm hiểu thêm. Nếu đúng trong bài thuốc của dũng sĩ Amakông có nấm linh chi thì đó là thông tin thú vị mà bạn tôi vì ít kinh nghiệm chuyên môn nên không dấn sâu tìm hiểu.

Tiếc rằng khi đến buôn Trí A, chúng tôi không gặp chị Lan nữa. Nhưng ki-ốt bán quà lưu niệm và nấm linh chi các loại thì vẫn còn. Có điều người đứng ra kinh doanh là một người khác.

"Chị ấy nghỉ rồi. Giờ chị chuyển nhà ra Buôn Mê, chuyên thu gom linh chi bỏ cho các mối lái ở Sài Gòn thôi" - người sang lại ki-ốt của chị Lan, đề nghị không nêu tên, cho biết.

- Chị có biết vì sao vùng này có nhiều nấm linh chi không?

- Đơn giản thôi, đây là Vườn Quốc gia Yok Đôn, rừng rậm mênh mông, cây thuốc, cây nấm thiếu gì. Muốn cây gì ở đây cũng có.

- Chị có rõ trong bài thuốc của cụ Amakông có vị linh chi không?

- Chuyện đó thì mình có nghe nói, chỉ nghe nói thôi, mà chắc là vậy. Bởi có linh chi thì bài thuốc mới hay, mới nổi tiếng như vậy chớ?!

3. Các chủng loại nấm linh chi và giá bán nấm qua khảo sát tôi thấy không khác gì lời bộc bạch của bà Lan. Để rõ hơn về biệt dược linh chi trong thang thuốc của cụ Amakông, chúng tôi tìm gặp các con cháu của cụ hỏi cho tường tận. Thật may, lúc ghé viếng mộ dũng sĩ săn voi huyền thoại, tôi may mắn gặp ông Kông, ngoài 70 tuổi, người con trai đầu của Amakông. Ông Kông vào chuyện bằng tâm tình Vườn Quốc gia Yok Đôn với tổng diện tích hơn 115.000ha giáp địa giới Campuchia. Rừng giáp rừng, rừng tiếp nối rừng, rừng thăm thẳm, bất tận nên cây rừng, muông thú nhiều vô kể!

- Trong bài thuốc của cụ Amakông có nấm linh chi không, thưa bác? Nếu có thì là loại linh chi nào, lớn hay nhỏ, hồng hay đen?

- Không có linh chi đâu, người ta nói bậy đó. Bài thuốc của ông có nhiều vị, nhưng vị chính là cây tơm-trơng thôi!

Vì ông A Kông có việc bận phải đi gấp nên tôi không có nhiều thời gian trò chuyện với ông. Theo lời dặn của ông Kông, tôi ghé ngôi nhà sàn hơn 150 tuổi của vua săn voi nay được người con gái của ông là Me Lĩnh, cùng các con cư ngụ. Trong ngôi nhà sàn cổ có mái lợp bằng gỗ quý này, đưa mắt tìm khắp nhà tôi thông thấy có tai nấm linh chi nào. Khi thấy tôi đưa một số tai nấm được người ta bày bán, một người con gái của bà Me Lĩnh bảo không biết. Rồi dặn tôi nếu không biết gì, nếu không chán sống thì đừng có uống.

Trưa nắng gắt, tôi rời ngôi nhà sàn cổ, quay trở lại khu trung tâm cách đó khoảng hơn 200m, thấy người ta phơi nấm, mua bán nấm linh chi rôm rả. Công bằng mà nói, không phải ai bán nấm linh chi cũng có cái kiểu quảng cáo "vua săn voi" Amakông từng dùng và làm thuốc. Nhiều người bán nấm người bản xứ rất chân tình cho biết thấy người khác bán thì tìm về bán kiếm lời. Rồi nhiều người mua, nhiều người tìm đến hỏi mua, người thân kiếm không đủ, vậy là mua của người khác về bán lại.

- Chị có uống nấm linh chi này không? Uống vào thấy khỏe không, có hết bệnh không?

- Mình chỉ bán thôi, không có uống. Có bệnh đâu mà uống!

- Hồi nào giờ người M'nông mình có dùng nấm linh chi làm trà làm thuốc, ủ rượu không?

- Không có đâu. Cái này mới nổi mấy năm nay thôi. Thấy có người đến hỏi mua, đặt mua thì bà con kiếm bán thôi mà...

Mỗi ngày bán cho khách thập phương khoảng chục ký nấm được gọi là linh chi các loại, chị H're, hơn 40 tuổi đã không ngần ngại nói thẳng nói thật như thế. Các bà các cụ người M'nông  khi được tôi hỏi thăm kinh nghiệm dùng nấm linh chi chữa bệnh như chị H're ai nấy cũng đều lắc đầu.

Đem chuyện này trao đổi với lương y Trần Minh ở quận 5, TP HCM, ông bảo không riêng gì người M'nông, mà nhiều tộc người vùng cao khác ở Tây Nguyên cũng không biết dùng nấm linh chi vào việc chữa bệnh. Họ chỉ biết vào rừng tìm nấm bán lại cho các con buôn, đầu nậu mà thôi!

- Chú đã từng đến Buôn Đôn, theo kinh nghiệm của chú, nấm linh chi ở vùng rừng ấy tốt không?

- Chẳng có cơ sở gì để khẳng định nấm linh chi được bày bán kia có nguồn gốc từ rừng Yok Đôn cả. Cũng chẳng có cơ sở nào để khẳng định nấm vùng này nhiều và tốt hơn vùng kia. Chỉ biết một điều là hiện nay, không riêng gì buôn Trí A, mà tại nhiều vùng khác, kể cả nơi thị thành, nấm linh chi được khai thác, rao bán ầm ĩ đến loạn. Nấm bẩn, nấm kém chất lượng rất nhiều.

Chia sẻ với bạn đọc câu chuyện linh chi ở Buôn Đôn, chúng tôi chỉ có một thông điệp duy nhất, phản ánh đúng thực trạng để từ đó mỗi người có cách nhìn rõ hơn, sâu hơn về những tai nấm được hái từ rừng sâu, được gọi là linh chi để đi đến quyết định đúng đắn..., nên hay không nên gửi gắm sức khỏe, sinh mạng của chính mình và người thân vào những tai nấm được đồn đãi là biệt dược chưa được kiểm chứng ấy!

Bích Kiều
.
.