Xe điện có thật sự thân thiện với môi trường?

Thứ Ba, 23/02/2016, 10:20
Lâu nay, chúng ta đều biết một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính là khí carbon monocide (CO) và carbon dioxit (CO2) thoát ra từ hàng trăm triệu chiếc ôtô. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tin rằng những chiếc ôtô điện chạy bằng pin lithium là những chiếc xe “sạch” vì điện là nguồn cung cấp năng lượng cho nó.

Thế nhưng, có lẽ chưa ai đặt câu hỏi là lượng khí thải CO, CO2 phát sinh trong quá trình sản xuất xe điện là bao nhiêu, và nguồn điện để vận hành xe điện đến từ nơi nào?

Theo một khảo sát của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Mỹ, 99,6% các loại xe đang lưu thông hiện nay đều vận hành bằng xăng, dầu, chưa kể máy bay, tàu thủy, xe lửa cùng rất nhiều những loại máy móc khác.

Xăng, dầu khi bị đốt cháy trong các động cơ, nó sẽ thải ra khí CO2. Bên cạnh đó, nó còn thải ra khí carbon monocide (CO). Về bản chất, CO2 là khí độc nhưng lại có ích bởi nó có khả năng làm giảm nhiệt độ của ánh nắng mặt trời, giữ cho trái đất không nóng quá, giúp cây cối và động vật phát triển hài hòa. Bên cạnh đó, CO2 còn là tác nhân giúp cây cối quang hợp ánh sáng, thải ra oxygen khiến không khí trong lành hơn.

Vấn đề ở đây là con người ngày càng tạo ra quá nhiều CO2. Lượng khí này bay vào bầu khí quyển, kết hợp với một số loại khí khác gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng dần lên. Hậu quả là thời tiết diễn biến thất thường theo hướng tiêu cực, tốc độ tan chảy những dòng sông băng ở Bắc Cực tăng lên nhanh chóng khiến nước biển dâng cao.

Để chiếc ôtô điện Volvo C30 này lăn bánh, hãng Volvo đã thải ra 40 tấn CO2.

Với khí CO, nó là kết quả của quá trình đốt cháy nhiên liệu không hoàn toàn, thường xảy ra trong những vụ kẹt xe. CO làm giảm khả năng lưu thông oxyen trong máu khiến cơ thể rất mau mệt vì tim phải đập nhanh hơn để đưa oxy đến cung cấp cho các cơ quan. Bên cạnh đó, CO còn kết hợp với một số chất khác để tạo ra khí ozone.

Bình thường, nếu khí ozone nằm trên tầng khí quyển cách mặt đất hơn 30km thì nó bảo vệ con người khỏi tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, làm giảm nguy cơ gây bệnh ung thư da và bệnh đục thủy tinh thể. Nhưng nếu loại khí này tồn tại bên cạnh chúng ta thì nó sẽ rất độc hại bởi khi hít phải khí ozone, chức năng hoạt động của phổi sẽ giảm và đây là điều kiện lý tưởng để các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển.

Nhằm hạn chế tình trạng này, những năm gần đây, các hãng sản xuất ôtô đã trang bị bộ lọc khí xả nhằm chuyển hóa phần lớn khí CO thành CO2 và hơi nước trước khi chúng được thải ra ngoài không khí. Tuy nhiên, vẫn theo khảo sát của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Mỹ, hiện tại chiếc xe có hàm lượng khí thải CO2 thấp nhất là chiếc Smart Fortwo 0.8 CDI. Cứ chạy 1km, nó thải ra 87g CO2, còn chiếc có hàm lượng khí thải CO2 cao nhất là chiếc Bentley Azure 6.75 V8T. Cứ 1km, nó thải ra 465g CO2. Với khí CO, chiếc xe thải ra ít nhất là chiếc Peugeot 308 2.0L HDI. Cứ 1km, nó thải ra 0.006g CO, còn cao nhất là chiếc Seat Ibiza 1.4 TSI Cupra. Cứ 1km, nó thải ra 0.846g CO.

Với một số ôtô chạy dầu diesel, lượng CO và CO2 còn cao gấp từ 4 đến 8 lần so với những chiếc xe thải ra CO, CO2 nhiều nhất như vừa nói. Nếu kể thêm thì trong khí thải ôtô, có các chất cực độc như nitrogen oxide (NOx), hydrocarbons (HC), benzene và issoctane, các tạp chất dạng hạt như các phân tử carbon, hỗn hợp lưu huỳnh…

Vì thế, người ta quay sang nghiên cứu và sản xuất xe điện. Tuy nhiên, dù là xe điện nhưng vẫn cần phải có nguồn năng lượng để chế tạo ra nó, đặc biệt là pin và điều này lại tạo ra một lượng khí thải độc hại chẳng khác gì khi sản xuất ra những chiếc xe chạy bằng xăng hoặc dầu.

Pin cho xe điện chẳng hạn, hiện tại người ta sử dụng loại pin có tên Li-Po (Lithium-Ion-Polymer) vì nó có tuổi thọ cao. Là một kim loại mềm màu trắng bạc thuộc nhóm kim loại hiếm, Lithium không bao giờ có mặt ở dạng nguyên tố trong tự nhiên mà chỉ có ở dạng hợp chất. Nó được tìm thấy trong khoáng sản pegmatit và đặc biệt là trong nước biển. Ở quy mô thương mại, lithium được tách ra bằng phương pháp điện phân từ hỗn hợp liti clorua và kali clorua.

Mà muốn điện phân thì cần phải có năng lượng, và năng lượng này đa số đến từ than đá, dầu mỏ vì để vận hành những nhà máy điện, sản sinh ra dòng điện thì phải cần có nó. Theo các khảo sát của Tổ chức Bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh (Green Peace), một khối pin Lithium đến lúc được lắp vào một chiếc ôtô đã thải ra khoảng 3.640 kg khí CO trong quá trình chế tạo ra nó!

Tiến sĩ Werner, Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết: “Nếu tính đúng, tính đủ thì một chiếc xe điện từ lúc khởi sự đến lúc hoàn thành sẽ thải ra 11.340 kg khí CO trong lúc lượng khí thải để chế tạo một chiếc xe chạy bằng xăng chỉ là 7.257 kg khí CO”.

Để cụ thể hơn, tiến sĩ Werner đã đưa ra một thí dụ: Chiếc xe điện phổ biến nhất hiện nay là chiếc Nissan Leaf, trong suốt cuộc đời hoạt động của nó - khoảng 145.000km, sẽ tạo ra 31 tấn CO2. Con số này là hệ quả của việc chế tạo khung xe, vỏ xe, động cơ và các phụ kiện kèm theo cũng như việc tiêu thụ điện năng dùng để chế tạo pin Lithium cộng với nguồn điện dùng để sạc pin hàng ngày - mà nguồn điện năng ấy phần lớn chính là từ than đá và dầu mỏ.

Để so sánh, một chiếc Mercedes CDI A160 trong suốt cuộc đời hoạt động sẽ tạo ra 3 tấn CO2 trong quá trình sản xuất cũng như lượng dầu diesel tiêu thụ khi vận hành. Nhưng một chiếc xe điện của Hãng Tesla khi hình thành sẽ tạo ra 44 tấn khí thải CO2, chỉ ít hơn 5 tấn so với chiếc xe cao cấp Audi A7 Quattro.

Khi sản xuất, chiếc bình ắc quy dành cho xe điện thải ra 3.600kg CO.

Đến đây, sẽ có ý kiến cho rằng nguồn điện dùng để sản xuất xe điện và sạc pin được lấy từ hệ thống thủy điện, điện gió hoặc điện hạt nhân - nghĩa là không thải ra khí CO, CO2 nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Nước Mỹ chẳng hạn, hiện tại nguồn năng lượng “sạch” chỉ chiếm 14% tổng nguồn năng lượng. Trong 25 năm tới, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính năng lượng sạch chỉ gia tăng thêm 3% trong lúc năng lượng đến từ than đá và dầu mỏ vẫn chiếm 65% tổng số lượng điện sản xuất ở Mỹ. Đến năm 2040, con số này chỉ giảm 1% - nghĩa là nó vẫn chiếm 64%.

Theo các chuyên gia bệnh lý học, nếu một thành phố có hơn 10% ôtô chạy bằng xăng, dầu thì mỗi năm sẽ có khoảng 870 người chết vì các chứng bệnh gây ra bởi ô nhiễm không khí. Nhưng nếu có hơn 10% ôtô điện hoạt động thì mỗi năm sẽ có chừng 1.600 người chết vì sự ô nhiễm gây ra từ việc chế tạo những chiếc ôtô này.

Công bằng mà nói, việc ô nhiễm môi trường, phá hủy tầng ozone và hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên không hẳn chỉ ôtô là thủ phạm mà còn do nhiều nguyên nhân khác như cháy rừng, việc sử dụng một số chất trong công nghệ lạnh và khí thải từ các nhà máy công nghiệp. Thế nhưng, thực tế cho thấy các chủ sở hữu ôtô điện luôn hãnh diện với chiếc xe của mình vì nó có giá khá đắt so với những chiếc ôtô chạy bằng xăng, cũng như nó “thân thiện với môi trường”. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chỉ đúng khi nó chạy trên đường. Còn để nó có thể chạy được trên đường thì lại là chuyện khác…

* Theo “Báo cáo về những tác hại của việc sản xuất ôtô điện”,  Đại học Prager, Copenhagen, Đan Mạch.

M.Q.
.
.