Kỳ bí chuyện 'người chết sống lại' ở Tiền Giang

Thứ Ba, 17/03/2015, 07:45
Sáng ngày 22/2/2015 (mùng 4 Tết Ất Mùi), ông Nguyễn Văn Đạo, 53 tuổi, cư trú ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang khi đến chơi nhà người dì ruột ở TP Tân An, tỉnh Long An thì bất ngờ rơi vào tình trạng hôn mê. Được gia đình người dì đưa vào Bệnh viện Đa khoa Long An cấp cứu, ông Đạo đã nhiều lần ngưng tim, ngưng thở.

Đến buổi chiều cùng ngày, gia đình xin đưa ông Đạo về nên Bệnh viện Đa khoa Long An đồng ý cho về lo hậu sự.

Khi ấy, ông Đạo vẫn đang được thở oxy. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Long An, về nhà nếu rút ống thở ra thì ông Đạo sẽ mất nên gia đình ông cùng hàng xóm tiến hành dựng rạp, mua quan tài, thuê nhạc lễ để chuẩn bị mai táng vì khi coi "thầy", "thầy" phán giờ tẩm liệm tốt nhất là lúc 19h30 ngày 23/2/2015.

Tuy nhiên, trưa ngày 23/2, ông Phạm Tấn Lộc, ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nghe tin nên đến viếng đám tang. Lúc nhìn mặt ông Đạo lần cuối, thấy vẫn còn thần sắc nên ông Lộc đã thử sờ lên ngực ông Đạo.

Thấy ngực ông Đạo vẫn còn ấm, ông Lộc đề nghị gia đình đưa ông Đạo vào lại bệnh viện với hy vọng còn nước còn tát nhưng gia đình ông Đạo cùng nhiều người hàng xóm e ngại vì hoàn cảnh kinh tế gia đình ông Đạo rất khó khăn, đưa ông đi bệnh viện mà nếu ông vẫn chết thì khổ cả người chết lẫn người sống.

Trước sự việc này, ông Lộc cam kết nếu đi bệnh viện mà không sống, toàn bộ chi phí ông lo rồi gọi xe đưa ông Đạo vào Viện Quân y 120.

Tại Viện Quân y 120, qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ xác định ông Đạo vẫn… còn sống! Sau  khi tiến hành các xét nghiệm, ông Đạo được chẩn đoán hôn mê do đột quị, viêm phổi, suy kiệt nặng. Được Viện Quân y 120 điều trị tích cực, ông Đạo hồi phục và đến ngày 5/3, ông được cho xuất viện.

Ông Đạo tươi cười khi… sống lại!

Giải thích về chuyện này, bác sĩ Võ Công Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An cho biết: "Ông Đạo nhập viện ngày 22/2 trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, có lúc ngưng tim. Chúng tôi đã kiểm tra kỹ và thấy khó có khả năng cứu sống. Chiều cùng ngày, gia đình xin ông Đạo về, bệnh viện đồng ý và cho xe cấp cứu đưa về nhà. Trên đường đi, có lúc ông Đạo ngưng tim, phải đưa trở lại bệnh viện để xử trí. Việc bệnh nhân khỏe trở lại là trường hợp hy hữu".

Thông thường ở con người, có 2 hình thái chết là chết lâm sàng và chết thực thể.

Chết lâm sàng là tim ngừng đập, phổi ngưng thở nhưng não vẫn còn sống. Nhiều trường hợp bệnh nhân đã chết lâm sàng nhưng được bệnh viện hồi sức tích cực nên bệnh nhân sống lại.

Cũng có trường hợp bệnh nhân chết lâm sàng tại nhà, gia đình đã chuẩn bị ma chay nhưng vì một lý do nào đó - thường là do kích thích thần kinh khiến tim phổi tự hoạt động trở lại nên người bệnh hồi sinh.

Hình thái thứ hai, người bệnh ngừng tim, ngừng thở, não cũng chết. Tại các bệnh viện, người bệnh chỉ được kết luận là "đã chết" khi rơi vào hình thái này.

Cũng tại các bệnh viện, khi tiên lượng bệnh nhân quá nặng, khó có thể cứu sống, bác sĩ sẽ giải thích cho gia đình biết. Khi ấy, gia đình sẽ quyết định có nên xin bệnh viện cho về để chuẩn bị hậu sự hay không vì rất nhiều người vẫn mong muốn người bệnh về nhà để thân nhân được nhìn mặt lần cuối.

Tuy nhiên, sự tiên lượng này phải dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của người bệnh và nhất là thang điểm sinh tồn, đồng thời cơ thể không còn đáp ứng - hoặc đáp ứng rất thấp với những liệu pháp điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mấy ngày tết, nhiều người sa đà vào những cuộc nhậu, lắm khi nhậu từ sáng tới chiều, ngày nhậu 2, 3 lần với lý do cả năm chỉ có một lần, bạn bè, anh em huynh đệ mời gọi sao nỡ từ chối: "Có người chỉ nhậu mà không ăn, dẫn đến hôn mê gan, cộng thêm cơ thể suy kiệt vì thiếu chất nên nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao…".

Theo Trung tá - bác sĩ Hồ Văn Bảy, Viện Quân y 120: "Nếu ông Đạo được điều trị tích cực ngay từ đầu thì sẽ xuất viện sớm hơn. Thực tế khi ông nhập viện, cơ thể đã suy kiệt trầm trọng. Nếu gia đình chờ tới giờ tẩm liệm, không ai đưa đi cấp cứu thì chắc chắn ông sẽ chết vì kiệt sức".

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, vợ ông Đạo mừng rỡ: "Nhà tôi nghèo, may mắn là bà con lối xóm đến dự đám ma, thấy ổng không chết nên lấy tiền phúng điếu góp cho ổng đóng viện phí. Ông Phạm Tấn Lộc tạm ứng cho bệnh viện 1,3 triệu đồng, ổng cũng tặng luôn".

Cao Trí
.
.