Ấn Độ: Hacker mũ trắng chạy đua săn tiền thưởng

Thứ Tư, 13/04/2016, 11:45
Đội ngũ đông đảo “hacker mũ trắng” của Ấn Độ đang kiếm bộn tiền từ Facebook và Google nhờ vào khả năng bóc trần những lỗ hổng an ninh trên trang web của 2 công ty Mỹ.

Ở Ấn Độ với dân số hơn 1 tỷ người, việc tìm được việc làm là vô cùng khó khăn cho nên phương án săn tiền thưởng trở thành lựa chọn hàng đầu hiện nay cho các chuyên gia máy tính trẻ tuổi tài năng nước này. Tại các quốc gia đang phát triển như  Ấn Độ, săn tiền thưởng từ virus được coi là môn “thể thao trí tuệ” đang phát triển mạnh.

Từ trái qua: Anand Prakash, Rahul Tyagi, Trishneet Arora.

Không ai nghĩ rằng Anand Prakash có một ngày trở thành triệu phú! Lớn lên trong thị trấn nhỏ Bhadra ở miền Tây Ấn Độ, Praksh chỉ thích tiêu phí thời gian chơi game máy tính trong những quán cà phê Internet. Trong khi cố gắng tìm kiếm việc làm thì bất ngờ anh phát hiện chương trình “săn mã độc, nhận tiền thưởng” do Facebook phát động đối với đối tượng hacker “mũ trắng” - đội ngũ những chuyên gia test trang web để tìm ra virus giúp bảo vệ dữ liệu người dùng.

Hiện nay, Prakesh kiếm được hơn 10 triệu rupee Ấn Độ (khoảng 150.720 USD) với công việc test các trang web hỗ trợ các công ty như Facebook và Google bảo vệ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng.

Tự học kỹ thuật xâm nhập máy tính từ xa thông qua đọc blog và xem video trên YouTube, Prakesh tìm thấy con virus đầu tiên một cách khá dễ dàng và anh được Facebook thưởng 33.000 rupee (499,2 USD). Kể từ đó, Prakesh phát hiện hơn 90 virus chỉ riêng trên trang Facebook, và nhiều hơn nữa cho các công ty khác – bao gồm Twitter, Google, Dropbox, Adobe, eBay, PayPal …

Con virus đầu tiên mà Prakesh tìm thấy cho phép hacker kiểm soát bất cứ thông tin nào của 1,6 tỷ người dùng Facebook - bao gồm thông điệp, thông tin thẻ tín dụng và hình ảnh cá nhân. Được biết, năm 2015, Facebook nhận được 13.233 đóng góp từ 5.543 hacker mũ trắng.

Rahul Tyagi, hacker mũ trắng ở thị trấn nhỏ Gurdaspur miền Bắc Ấn Độ, kể rằng nhiều người bạn của anh có được cuộc sống tươm tất cũng nhờ tài săn tiền thưởng như thế trên trang web Facebook và Twitter. Rahul Tyagi tiết lộ: “Họ miệt mài làm việc trong phòng ngủ và kiếm được khoảng từ 10.000 rupee (hơn 700 USD) hoặc hơn trong một tháng”.

Động cơ làm hacker mũ trắng của Tyagi hơi khác: Đó là muốn nhận được sự đánh giá cao từ những ông lớn công nghệ trên thế giới. Công việc đòi hỏi sự cần cù và óc sáng tạo. Bạn phải học hỏi mỗi ngày bởi vì công nghệ luôn thay đổi nhanh đến chóng mặt. Cũng như nhiều tên tuổi lớn khác trong giới hacker mũ trắng ở Ấn Độ, Tyagi trải nghiệm máy tính từ lúc còn nhỏ và phần lớn kỹ năng có được là do tự học.

Trishneet Arora là hacker mũ trắng 22 tuổi sống ở thành phố Ludhiana miền Bắc Ấn Độ đã tạo dựng thành công một doanh nghiệp an ninh mạng với kỹ năng của mình. Arora tin rằng cuộc chiến tranh thế giới trong tương lai sẽ diễn ra trên Internet và cộng đồng chuyên gia an ninh mạng của Ấn Độ sẽ đóng vai trò chủ chốt.

Arora giải thích rằng, phần mềm bệnh viện đặc biệt dễ bị tấn công và những hacker mũ trắng như anh đang tìm cách để giữ an toàn cho bệnh nhân. Anh cảnh báo: “Hành động xâm nhập thông tin nhạy cảm có thể hủy hoại cuộc sống của nhiều người”.

Trước đây,  Ấn Độ có tỷ lệ người thông thạo máy tính rất thấp (dưới 7%), cơ sở hạ tầng viễn thông nước này cũng yếu kém và không phát triển. Nhưng ngày nay Ấn Độ được đánh giá là quốc gia thành công trong lĩnh vực IT. Cựu Bộ trưởng IT Pramod Mahajan từng than phiền rằng “IT và những cuộc thi hoa hậu là 2 lĩnh vực mà chính quyền đứng ngoài cuộc”.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.