Ấn Độ: Viễn cảnh từ sân bay đầu tiên hoạt động bằng năng lượng mặt trời

Thứ Năm, 19/11/2015, 08:30
Khi chiếc máy bay lượn lờ bên trên sân bay quốc tế Cochin ở miền Nam Ấn Độ, hành khách bất chợt lóa mắt trước dãy panel phản chiếu ánh nắng gần đường băng bên dưới. Hình ảnh gây ấn tượng mạnh của bãi đất rộng xanh tươi bên dưới là hơn 46.000 tấm pin mặt trời cung cấp năng lượng sạch cho khu vực sân bay. Nằm ở bang Kerala, Cochin hiện là sân bay đầu tiên trên thế giới hoạt động phần lớn bằng năng lượng mặt trời.

Năm 2013, sân bay quốc tế Cochin bắt đầu thử nghiệm dự án thành lập một nhà máy điện mặt trời ban đầu chỉ với 400 tấm pin lắp đặt trên phần mái. Tiếp sau đó, dự án mở rộng thêm nhiều tấm pin mặt trời đến khi đạt con số hàng chục ngàn như hiện nay. Tháng 8 vừa qua, sân bay Cochin hoàn toàn tự chủ về năng lượng sau khi một nhà máy điện mặt trời công suất 12 megawatt gần đó đi vào hoạt động.

Giám đốc điều hành sân bay Cochin -  ông VJ Kurian.

Giám đốc điều hành sân bay VJ Kurian cho biết, giải pháp sử dụng năng lượng xanh và sạch được chọn nhằm giải quyết phí tổn dành cho điện năng quá lớn. Cochin là sân bay nhộn nhịp hàng thứ 7 ở Ấn Độ với hơn 1.000 chuyến bay trong một tuần và tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ - gần 48.000 kilowatt với giá 336.000 rupee (tương đương 5.160USD) mỗi ngày. Hiện nay, sân bay Cochin chỉ sử dụng mạng lưới điện quốc gia vào ban đêm hay những hôm trời mưa, còn lại thì do nhà máy điện mặt trời cung cấp.

Hơn 46.000 tấm pin mặt trời cung cấp năng lượng cho sân bay Cochin.

Kurian hãnh diện khoe, lãnh đạo các sân bay trên khắp cả nước Ấn Độ liên tục gặp gỡ ông để học hỏi về "hình mẫu Cochin". Một nhóm chuyên gia đến từ Liberia cũng đặc biệt quan tâm về dự án điện mặt trời thành công của Cochin. Công việc lắp đặt nhà máy điện mặt trời trị giá đến 9,5 triệu USD và phải mất khoảng 6 tháng mới hoàn thành. Nhà máy hy vọng sẽ thu hồi vốn chỉ trong 6 năm. Các tấm pin mặt trời sẽ được trang bị thêm ở Cochin nếu chính quyền muốn có được một "sân bay đầu tiên hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời".

Sân bay quốc tế Cochin.

Các chuyên gia nhận định, tại nhiều khu vực của Ấn Độ được thiên nhiên ban tặng trên 300 ngày rực nắng trong năm và đó là lợi thế kinh tế cho đất nước này. Nhận thức được tiềm năng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có kế hoạch gia tăng công suất điện mặt trời đến 100.000 megawatt vào năm 2022. Đây là giấc mơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, sau các tấm pin quang điện được lắp trên mái nhà của mỗi căn hộ ở Ấn Độ, cung cấp đủ điện cho cuộc sống để tiến tới giảm bớt gánh nặng thiếu hụt năng lượng và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của nước này. Ngoài ra, điện mặt trời cũng sạch hơn các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện và điện hạt nhân. Tuy nhiên, kế hoạch của Thủ tướng Narendra Modi không phải dễ triển khai.

Ashish Khanna, lãnh đạo Công ty Tata Power Solar, đánh giá: "Chúng ta không có mạng lưới điện ổn định và chất lượng điện là quan trọng. Khi nói đến điện mặt trời trên mái nhà, người ta phải nghĩ đến công việc lắp đặt thiết bị đắt đỏ". Tuy nhiên, nhà máy điện mặt trời ở khu vực sân bay Cochin sản xuất được 18 triệu đơn vị năng lượng từ mặt trời mỗi năm đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khoảng 10.000 căn hộ trong một năm. Một lợi ích cần được nhắc đến là môi trường được bảo vệ khi giảm lượng khí thải carbon dioxide hơn 300.000 tấn - tương đương việc trồng 3 triệu cây xanh. Tại một quốc gia như Ấn Độ với hơn 300 triệu người chưa có cơ hội sử dụng điện thì điện mặt trời chính là giải pháp phải hướng đến.

Công ty SoftBank của Nhật đang có kế hoạch hợp tác với Foxconn của Đài Loan và Bharti Enterprises của Ấn Độ để đầu tư cho dự án điện mặt trời trị giá 20 tỉ USD ở Ấn Độ. Dự án của Masayoshi Son, người sáng lập SoftBank, nhận được sự ủng hộ của Sunil Bharti Mittal - Chủ tịch Bharti Enterprises, nhà cung cấp dịch vụ mạng di động không dây lớn nhất Ấn Độ. Masayoshi Son phát biểu trong một cuộc họp báo: "Cùng với đối tác này, mục tiêu của chúng tôi là giúp Ấn Độ phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo. Lượng nắng trời ở Ấn Độ nhiều gấp đôi Nhật Bản. Giá đất và nhân công cũng như bảo trì ở Ấn Độ bằng một nửa so với Nhật. Do đó, hiệu quả của điện mặt trời sẽ cao hơn Nhật 4 lần".

Masayoshi Son cũng cho biết, SoftBank sẽ giúp Ấn Độ chế tạo thiết bị thu năng lượng mặt trời tại nước này, đồng thời cho biết thời gian qua công ty của ông đã đầu tư 1 tỉ USD cho nước này.  Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo của Ấn Độ sẽ là câu trả lời trước sức ép cắt giảm khí thải nhà kính từ quốc tế. Ấn Độ hy vọng xây dựng được nền công nghiệp điện mặt trời sánh ngang các nước đi đầu trong lĩnh vực như Trung Quốc, Đức và Nhật. Các nhà máy điện mặt trời đòi hỏi nhiều không gian, cho nên thách thức của chính quyền Ấn Độ là làm sao xây dựng chúng mà không buộc nhiều người dân phải rời khỏi mảnh đất họ đã gắn bó bao đời nay.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.