Giải pháp cung cấp nước sạch cho người nghèo ở Ấn Độ và châu Phi

Thứ Sáu, 27/05/2016, 14:00
Nước sạch là nguồn quý hiếm tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Trước tình trạng sử dụng nước bẩn để uống và tắm rửa gây nguy hiểm chết người, có những người quyết định đã đến lúc thực hiện những biện pháp đơn giản để thay đổi tình huống.

Một trong số đó là Ayyappa Masagi - người được mọi người yêu mến gọi là “Water Doctor” (bác sĩ nước) của Ấn Độ - đất nước đang đối đầu với cuộc khủng hoảng nước sạch kéo dài. Khoảng 330 triệu người dân Ấn Độ đang chịu đựng cảnh thiếu nước sinh hoạt do biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết khắc nghiệt. Những hồ nước tự nhiên dần khô cạn. Nông dân cầu mưa trong tuyệt vọng và một số người đã tự sát vì quẫn trí.

“Bác sĩ Nước” Ayyappa Masagi của Ấn Độ.

Ayyappa Masagi  - “Bác sĩ Nước” của Ấn Độ - gửi đi thông điệp đơn giản: “Các bạn cần nước? Hãy gọi cho tôi!”. Thật vậy, hàng ngàn người đã gọi đến ông. Ông có khả năng cung cấp nguồn nước vô tận cho “bệnh nhân” của mình?

Masagi kể: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã phải đối mặt với nhiều vấn đề về nước sạch. Tôi phải thức dậy từ 3 giờ sáng để lấy nước từ một con suối. Chính vì thế, tôi có ý nguyện khi lớn lên sẽ tìm ra một giải pháp. Năm 2002, tôi bỏ công việc kỹ sư cơ khí để giải quyết vấn đề nước sạch ở Ấn Độ”. Theo tính toán của Masagi, nếu như chỉ 30% lượng nước mưa ở Ấn Độ được thu thập và tích trữ thì người dân nước này có thể duy trì sự sống được chừng 3 năm.

Để chứng minh, năm 2014 Masagi mua mảnh đất cằn cỗi 40 hecta gần Chilamathur – vùng khô cằn nổi tiếng thuộc bang Andhra Pradesh miền nam Ấn Độ, nằm cách thành phố Bangalore 110km về phía đông. Masagi hy vọng: “Gió ở đây nóng như lửa. Nhưng tôi nói với các đối tác rằng chỉ trong vòng 1 năm tôi sẽ biến nơi đây thành trũng nước”.

Lời cam kết của “Bác sĩ Nước” đã thành hiện thực. Hiện nay, mạng lưới gồm 25.000 hố cát và 4 hồ mới thu thập và tích trữ nước mưa rơi xuống vùng đất một thời cằn cỗi của Masagi. Không một giọt nước mưa nào được phép thoát ra sông hay biển. Nước mưa được tích trữ và  khi cần sẽ được hút lên từ 5 giếng khoan.

Cây gỗ và cây ăn trái cũng lớn lên từ mảnh đất của Masagi. 60% cây gỗ tạo thành cánh rừng rậm, trong khi 40% cây ăn trái đem lại thu nhập cho người dân. Các loại cỏ và rau xanh cũng được trồng; và đến năm 2017 mảnh đất của Masagi sẽ có trại nuôi bò sữa. Thông qua tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ Water Literacy Foundation (WLF, tạm dịch: Tổ chức Kỹ năng về nước) của mình, Ayyappa Masagi đang nỗ lực huấn luyện “những chiến binh nước” để phổ biến thông điệp của ông.

Masagi đã viết vài cuốn sách và huấn luyện hơn 100 “chiến binh” ở Ấn Độ cũng như ở nước ngoài – bao gồm Đức, Nhật Bản và Mỹ. Masagi lập luận: “Nếu anh chỉ nói suông thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra cả. Anh phải làm điều gì đó để chứng minh. Chính quyền đang ứng dụng sáng kiến của tôi. Khi thái độ cộng đồng thay đổi, quan điểm chính trị của chúng ta thay đổi, chúng ta có thể nhân rộng mô hình ra toàn thế giới”.

Galen Welsch tại một đại lý nước sạch Jibu ở Kampala

Galen Welsch 28 tuổi, CEO của doanh nghiệp Jibu Uganda được thành lập từ năm 2012, hướng đến mục tiêu cung cấp nước sạch cho 4 triệu người trong 5 năm tới. “Jibu” theo tiếng Swahili có nghĩa là “giải pháp”. Vấn đề nước không an toàn không có gì mới. Khoảng 1 trong 9 người trên thế giới buộc phải uống nước nhiễm khuẩn mỗi ngày và từ đó dẫn đến 3-4 triệu người tử vong mỗi năm.

Năm 2014, chỉ riêng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã chi 36 triệu USD cho những chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh – 86% trong số đó dành cho châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa giải quyết rốt ráo được. Do đó, Galen Welsch cảm thấy một giải pháp mới dựa trên cơ sở kinh doanh là cần thiết. Jibu, đặt trụ sở tại thủ đô Kampala của Uganda, cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước thiết bị lọc và đóng chai nước sạch.

Sau đó, mạng lưới nhà bán lẻ sẽ bán nước cho người dân. Jibu hiện đang hoạt động trên 3 thị trường – Uganda, Rwanda và Cộng hòa Congo. Khác với những công ty kinh doanh nước thông thường, Jibu hướng đến người tiêu dùng nghèo khổ.

Sử dụng công nghệ xử lý nước do tổ chức từ thiện Healing Waters cung cấp, Jibu sản xuất bình nước 20 lít bán với giá rẻ: 0,90 USD. Trong khi đó, bình nước thương mại trên thị trường có giá cao gấp 4 lần. Mục tiêu của Jibu Uganda là bán ra hơn 5.000 lít nước sạch/ngày, mang về khoản thu nhập 120.000 – 140.000 USD mỗi năm cho công ty.

An An (tổng hợp)
.
.