Ăn uống, tuổi dậy thì sớm và nguy cơ bệnh tật

Thứ Tư, 18/02/2015, 14:05
Ngày nay, các loại nước ngọt - nhất là nước ngọt có "ga" được coi là một phần của cuộc sống. Theo ước tính, mỗi ngày thế giới tiêu thụ khoảng gần 1 tỉ lon hoặc chai nước ngọt loại này, trong đó Mỹ là quốc gia có số lượng người uống nhiều nhất.

Hầu hết các loại nước ngọt hiện bán trên thị trường đều được chế tạo với thành phần gồm nước, đường ngô (bắp) hoặc đường nhân tạo, hương liệu tạo mùi, chất tạo màu, sau đó cho thêm khí carbonic để tạo ga và tùy theo chủng loại, nó có thể có thêm vitamin, chẳng hạn như vitamin C hoặc cafein giúp người uống tỉnh táo, hoặc axít citric để tạo vị chua.

Tuy nhiên, một công bố mới đây của tiến sĩ Karin Michels, thuộc Khoa Y, Đại học Harvard, Mỹ đã khiến người ta giật mình: Nếu các bé gái mỗi tuần uống 2 lon (hoặc 2 chai) nước ngọt có ga và uống thường xuyên thì kinh nguyệt sẽ xuất hiện sớm hơn các bé gái không uống hoặc uống ít.

Nghiên cứu của tiến sĩ Karin Michels được tiến hành với sự tham gia của 5.583 bé gái, độ tuổi từ 9 đến 12. Lượng thức uống có đường được các nhà khoa học đong đếm bằng lon hoặc bằng ly. Những loại đồ uống như Coca Cola, Pepsi, nước soda, nước trái cây, nước chanh (lemonade), trà lạnh hay nước giải khát Kool - Aid đều được đưa vào nghiên cứu. Độ tuổi trung bình xảy ra kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở các bé gái uống nhiều nước ngọt có đường là khoảng 9 tuổi, trong khi những bé ít uống nước ngọt là 12.

Theo tiến sĩ Karin Michels, đường nhân tạo chính là nguyên nhân khiến tình trạng kinh nguyệt sớm xảy ra ở các bé gái, chứ không phải là những loại đường tự nhiên như trong các loại nước ép trái cây.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nếu thời kỳ kinh nguyệt bắt đầu sớm hơn một năm so với bình thường thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng lên 5%, còn nếu trẻ dậy thì sớm do thức uống có đường, hoặc ăn những thức ăn có chứa tiền chất estrogen thì tỉ lệ này còn cao hơn nữa…

Ở cơ thể phái nữ, có hai nội tiết tố (hormone) sinh dục là estrogen và progesteron, trong đó estrogen đóng vai trò rất quan trọng ở tuổi dậy thì. Tùy theo dân tộc, màu da, môi trường sống, chế độ ăn uống, tuổi dậy thì có thể bắt đầu từ năm 8 tuổi hoặc 12, 13, đôi khi là 15 hay 16. Lúc này, estrogen sẽ kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên trong não để tiết ra các hormone hướng dục (gonadotropins). Các hormone ấy sẽ khiến buồng trứng sản sinh ra trứng trưởng thành đồng thời xuất hiện những hiện tượng đặc trưng của giới tính nữ như vú phát triển, có lông ở nách, trên vùng xương mu và có kinh nguyệt.

Đồ uống có đường và thức ăn fastfood được coi là nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em gái.

Nhiều bậc cha mẹ đã lo lắng khi thấy con mình mới 8 - 9 tuổi mà ngực đã to và đã có kinh nguyệt. Họ đặt câu hỏi: "Tại sao con gái tôi lại… sớm vậy?". Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng Khoa sản, Bệnh viện quận 3 TP HCM giải thích: "Có 3 nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm. Một là bé gái có u, bướu ở vùng dưới đồi hoặc ở tuyến tùng nằm trong não nhưng nó mang tính cá biệt và ít khi xảy ra. Bướu này gây tăng tiết estrogen nên mới 8-9 tuổi, bé đã dậy thì. Nguyên nhân thứ 2 là do dinh dưỡng, thứ 3 là môi trường".

Về mặt dinh dưỡng, bên cạnh chuyện ăn uống, nhiều bậc cha mẹ còn cho con mình dùng thêm các loại thuốc bổ dạng viên hoặc nước, hoặc những vị thuốc Đông y nấu chung với thịt gà, chim bồ câu…, mà một vài vị thuốc Đông y như nhân sâm, kỳ tử, táo tàu có tác dụng thúc đẩy hormone sinh dục hoạt động. Bên cạnh đó, trên thị trường, phần lớn gia cầm được nuôi bằng thức ăn có trộn chất tăng trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Lấy thí dụ như sữa bò hoặc các thực phẩm chế biến từ sữa bò như bơ, phomát… chẳng hạn, từ lâu cũng như hiện nay, ngành chăn nuôi công nghiệp ở nhiều quốc gia vẫn lạm dụng các chất gọi là "hormone tăng trưởng" để cho ra lò những con vật to lớn, sản lượng sữa cao, nhiều thịt ít mỡ.

Tuy nhiên, trong các hormone tăng trưởng đó, có estrogen hoặc những tiền chất có thể chuyển hóa thành estrogen khi vào cơ thể người - gọi là xenoestrogen. Bé gái chưa đến tuổi dậy thì nhưng lại tiếp xúc với xenoestrogen do ăn uống thịt, sữa, phomát từ chăn nuôi công nghiệp sẽ có nguy cơ dậy thì sớm.

Với những loại "thức ăn nhanh" (fastfood), một khảo sát của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng châu Âu cho thấy các trẻ em gái ăn fastfood trên 2 lần/tuần và thường ăn các loại thực phẩm như gà rán, khoai tây chiên  thì nguy cơ dậy thì sớm cao gấp 2,5 lần so với những trẻ ăn uống bình thường bởi lẽ dầu chiên - đa phần là dầu cọ khi sôi rồi chiên đi chiên lại nhiều lần, sẽ sinh ra một chất tương tự như xenoestrogen.

Thế nhưng, ăn fastfood bây giờ lại là "mốt" của nhiều trẻ em Việt Nam.  Khá nhiều bậc cha mẹ hài lòng khi thấy con mình thích ăn fastfood bởi theo họ, nó có đầy đủ chất bổ, lại hợp vệ sinh. Cũng có người coi việc ăn fastfood là sự tiếp cận với văn minh phương Tây nhưng lại không nghĩ rằng gà rán, khoai tây chiên, nước ngọt là một trong những con đường dẫn đến dậy thì sớm nếu thường xuyên ăn nó.

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến dậy thì sớm là môi trường. Cho đến nay, đã có những chứng cứ xác đáng cho thấy bé gái dậy thì sớm do nhiễm các dẫn chất phtalat. Nó bao gồm nhiều chất hữu cơ như monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), diethylhexyl phtalat (DEHP), monomethyl phtalat (MMP)... và thường được dùng làm chất hóa dẻo cho các sản phẩm bằng nhựa như chai, túi, bao bì, đầu núm vú, bình sữa cũng như nhiều loại đồ chơi trẻ em.

Trong quá trình sử dụng những loại sản phẩm này, các dẫn chất phtalat tách ra, hòa tan vào thứ đựng trong nó như sữa, nước ngọt, hoặc trẻ em cầm, nắm, mút đồ chơi. Lúc ấy, phtalat sẽ  đi vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa. Khi đã tích lũy trong cơ thể đến một liều lượng nào đó, dẫn chất phtalat làm xáo trộn hệ nội tiết, dẫn đến hiện tượng  bé gái sẽ dậy thì trước tuổi.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Gần đây nhất là nghiên cứu của giáo sư Chou và cộng sự,  thực hiện tại Khoa Y, Đại học Quốc gia Chen Kung, Đài Loan. Các khảo sát trên 30 bé gái dậy thì sớm so với 33 bé gái bình thường đã cho thấy trong nước tiểu của bé gái dậy thì sớm chứa lượng monomethyl phtalat (MMP) cao hơn nhiều so với bé gái bình thường. Và cũng vì tác hại của dẫn chất phtalat nên hiện nay, Nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP và DEHP có trong đồ chơi trẻ em và cả trong mỹ phẩm.

Vũ Cao
.
.