Da người chết được dùng trong chữa trị vết thương

Thứ Sáu, 27/03/2015, 19:45
Nhóm nhà nghiên cứu Đại học Manchester (Anh) tuyên bố: Da người chết sau khi được loại bỏ các tế bào có thể được dùng để chữa trị vết thương ngoài da hiệu quả hơn da nhân tạo. Cách chữa trị mới này rất có ích đối với những vết thương ngoài da như bỏng hay vết loét nặng.

Hiện nay tỷ lệ những bệnh nhân bị lở loét do những bệnh (như bệnh tiểu đường, béo phì và tim) gây ra và tình trạng lão hóa dân số đang tăng. Còn các vết thương mạn tính là vết thương phải chữa trị kéo dài từ 6 đến 8 tuần, thậm chí đến vài năm.

Trong 30 năm qua, các nhà khoa học đã nỗ lực phát triển đủ loại da nhân tạo để chữa trị hiệu quả hơn những vết thương ngoài da.

Các loại da nhân tạo này thường được chế tạo mô phỏng ma trận ngoại bào của da thật - tức là lớp màng ngoài do protein và các hóa chất giúp liên kết các tế bào lại với nhau. Tuy nhiên, những thí nghiệm này có giá thành rất cao và khó ứng dụng trên thực tế.

Giáo sư Adeshir Bayat.

Hiện nay, mục tiêu mà các nhà khoa học hướng đến là sử dụng da người chết. Nhóm các nhà khoa học do giáo sư Bayat lãnh đạo sẽ sử dụng kháng sinh để khử trùng cho da và hỗn hợp các chất tẩy cùng với enzyme cũng như một số hóa chất khác để loại bỏ tế bào khỏi da người chết.

Theo Bayat, quá trình "khử tế bào" này nhằm mục đích tạo ra lớp "da mới" không còn chứa tế bào có thể kích thích phản ứng chuỗi miễn dịch của cơ thể để loại bỏ một cơ quan ghép. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu từng khử tế bào khí quản từ người chết hiến tặng và sau đó ghép thành công phần cơ thể đã xử lý này cho bệnh nhân.

Giáo sư Ardeshir Bayat và nhóm của ông thí nghiệm khử tế bào hạ bì - lớp dưới cùng của da - nơi chứa nang lông, mạch máu, đầu mút dây thần kinh và tuyến mồ hôi cũng như các cấu trúc chủ chốt khác - nhưng để lại ma trận ngoại bào.

Giáo sư Ardeshir Bayat giải thích: "Tiến trình khử tế bào giúp tạo ra một kiểu giàn giáo cho phép cơ thể tạo ra chính các tế bào của nó. Điều ấn tượng là lớp hạ bì đã xử lý khử tế bào hoàn toàn thích ứng với cơ thể bệnh nhân".

Trong tương lai, vết loét trên da có thể được chữa lành từ da người chết.

Trong các thí nghiệm trước đó, nhóm các nhà khoa học trên đã phát hiện lớp hạ bì đã khử tế bào có thể giúp chữa trị những vết thương ngoài da mạn tính khá hiệu quả.

Giáo sư Bayat kể: "Chúng tôi chữa trị cho một nữ bệnh nhân 92 tuổi bị vết loét ngoài da hành hạ suốt 20 năm không chữa trị dứt điểm được cho dù sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau. Sau khi được chúng tôi chữa trị bằng lớp hạ bì đã khử tế bào, vết loét của bà cụ lành hẳn chỉ sau 4 tuần".

Hiện nay, giáo sư Ardeshir Bayat và các đồng nghiệp tuyên bố lớp hạ bì đã khử tế bào không chỉ điều trị những vết thương mạn tính mà còn hiệu quả đối với loại vết thương cấp tính do thương tổn hay bỏng.

Trong nghiên cứu khoa học mới, họ sử dụng 4 tấm da rộng khoảng 5mm lấy từ những người tình nguyện khỏe mạnh. Với mỗi người tình nguyện, họ áp dụng cách chữa trị vết thương khác nhau. Một vết thương để tự lành, vết thương thứ 2 được ghép trở lại tấm da đã lấy đi trước đó, vết thứ 3 được chữa bằng da nhân tạo và vết thứ 4 sử dụng hạ bì người chết đã xử lý khử tế bào.

Kết quả cho thấy, các mạch máu mới hình thành một cách nhanh chóng nơi lớp hạ bì đã được khử tế bào. Ngoài ra, mô da mới cũng có những đặc tính giống như da bình thường.

Hiện nay, nhóm của giáo sư đang chuẩn bị kế hoạch thí nghiệm hạ bì khử tế bào trên số đông bệnh nhân, đồng thời sử dụng phương pháp kích thích điện bổ sung mà họ cho là có thể tăng tốc tiến trình tái tạo lớp da mới thích ứng với cơ thể bệnh nhân.

An An (tổng hợp)
.
.