Đội quân “chuột dò mìn” ở Campuchia

Thứ Bảy, 11/07/2015, 16:00
Những chú chuột có cân nặng từ 1kg - 1,2kg đang được tạo thành một "đội quân tinh nhuệ" của Campuchia với nhiệm vụ chính là dò mìn và vũ khí bị thất lạc.

Đội quân chuột đầu tiên ở Campuchia sẽ hoàn thành khóa huấn luyện vào cuối tháng này. Ngay sau đó, đội quân 15 chú chuột này sẽ được đưa tới một vùng núi ở phía tây bắc nước này để thực hiện nhiệm vụ dò mìn và các loại vũ khí bị thất lạc từ cách đây vài chục năm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát mìn Campuchia (CMAC) Heng Ratana cho biết, những chú lính chuột này được nhập khẩu từ Tanzania hồi tháng 4 vừa qua và được đào tạo bài bản để phục vụ việc dò mìn. Lịch trình học của các chú chuột được xây dựng cùng với sự giúp đỡ của một tổ chức phi chính phủ của Bỉ, đơn vị chuyên đào tạo các đội quân chuột trên toàn thế giới.

Ông Heng Ratana cho biết: "Chúng tôi có các thang điểm để đánh giá mức độ hoàn thành khóa đào tạo của lính chuột. Nếu vượt qua các bài kiểm tra, chúng sẽ được đưa đi thực hiện nhiệm vụ ngay lập tức. Còn nếu chưa đạt, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo thêm một thời gian nữa".

Nhiều quốc gia trên thế giới đang huấn luyện chuột phục vụ mục đích dò mìn, tìm ổ dịch bệnh và chống khủng bố (ảnh: Alamy).

Theo ông Heng Ratana thì các khóa đào tạo chuột dò mìn hoặc các ổ dịch lao đã thành công ở nhiều quốc gia châu Phi như Tanzania, Mozambique và Angola. Ưu điểm của việc sử dụng chuột để làm các nhiệm vụ này là rẻ tiền và vận chuyển đơn giản.

Sau khi những chú chuột phát hiện vị trí có bom mìn, nhiệm vụ còn lại đối với các nhóm gỡ bom mìn là hết sức đơn giản, đồng thời giảm thiểu những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình rà phá bom mìn. Vì thế, ông rất hy vọng vào khả năng của đội quân chuột này. Hiện, các chú lính chuột đã được đưa tới một căn cứ quân đội ở tỉnh Siem Reap. Vào cuối tháng này, chúng sẽ có những bài kiểm tra kỹ năng đầu tiên để đánh giá năng lực.

Heng Ratana nói: "Chúng tôi sẽ cho chúng dò tìm trên các cánh đồng mìn thực sự. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản. Chúng sẽ phải biết cách để tự bảo vệ mình bằng cách đánh hơi và phát hiện đúng dấu vết của mìn".

Được biết, chiến tranh đã lùi xa ở Campuchia hơn 30 năm nhưng vẫn còn nhiều bom mìn dưới trong lòng đất. Thống kê cho thấy, từ năm 1979 đến nay, bom mìn đã giết chết 20.000 người và làm 40.000 người khác bị thương. Chính vì thế mà trước khi quyết định đầu tư kinh phí xây dựng đội quân chuột dò mìn này, quân đội Campuchia đã phải cử 2 chuyên gia quân sự sang châu Phi học hỏi kinh nghiệm.

Tại Gambia, các chuyên gia này đã được tiếp xúc với đội quân chuột túi khổng lồ Cricetomys Gambianus dò mìn dưới lòng đất. Trọng lượng của những con chuột này nhẹ nên các quả mìn sẽ không kích nổ. Để những chú lính chuột này có thể phát hiện chất nổ TNT bằng khứu giác, các chuyên gia đã dùng phương pháp thưởng đồ ăn giống như việc người ta huấn luyện chó nghiệp vụ.

Campuchia nhập chuột từ Tanzania về để huấn luyện dò bom mìn.

Một quan chức trong quân đội Campuchia còn tiết lộ rằng, nếu kế hoạch rà phá bom mìn bằng chuột thành công, tiếp tục họ sẽ thực hiện kế hoạch dùng chuột để tìm ra ổ dịch bệnh lao. Việc này vẫn đang được Mozambique thực hiện dưới sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Apopo.

Một điểm đáng chú ý là việc sử dụng chuột trong huấn luyện không chỉ phổ biến ở châu Phi và mà còn rất thông dụng tại các quốc gia phát triển. Như ở Nga chẳng hạn, từ năm 2013, quân đội nước này cũng đã thử nghiệm chuột để phát hiện thuốc nổ, vũ khí và ma túy. Các chuyên gia Nga đánh giá chuột có ưu thế hơn chó nghiệp vụ trong việc phát hiện thuốc nổ và vũ khí cũng như hoạt động tìm kiếm con tin bởi vì chúng rất nhanh nhẹn và linh hoạt tại các địa điểm dưới mặt đất.

Tại Israel và Anh, chuột cũng được sử dụng trong các sứ mệnh phát hiện những phần tử nghi khủng bố. Còn tại Mỹ, ít nhất 2.000 con chuột đã trở thành lính dù bất đắc dĩ trong "chiến dịch" diệt rắn ở đảo Guam và lính chuột cũng được sử dụng từ năm 2010 để dò mìn tại các khu vực mà Mỹ đang tham chiến.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.