Dự án “Đẩy lui bóng tối” với 100.000 đèn lồng năng lượng mặt trời

Thứ Tư, 08/10/2014, 10:30

Dự án với cái tên Đẩy lui bóng tối (Cut Out The Darkness) của hãng Panasonic là ví dụ điển hình về những gì một công ty toàn cầu có thể làm để tăng cường gắn kết cộng đồng qua việc chia sẻ những câu chuyện đầy sức mạnh, những video ấn tượng và lời kêu gọi độc đáo của truyền thông xã hội.

Mang ánh sáng đến cho những người sống trong bóng tối là sứ mệnh lớn lao mà Panasonic đặt ra. Sau khi lên kế hoạch, hãng này đã ngay lập tức bắt tay vào hành động.

Năm 2013, Panasonic cho ra đời dự án 100.000 đèn lồng năng lượng mặt trời với mục tiêu: Cung cấp 100.000 đèn năng lượng mặt trời cho dân cư ở nơi xa hệ thống lưới điện đến năm 2018 - thời điểm hãng này kỷ niệm 100 năm thành lập.

Bằng việc khuấy động và cổ vũ người dân trên toàn thế giới tham gia, Panasonic không chỉ tạo nên một chiến dịch lớn mà còn mang đến một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.

Hiện tại, có khoảng 1,32 tỉ người trên thế giới phải sống thiếu điện, chủ yếu thuộc các quốc gia đang phát triển tại châu Á và châu Phi. Cụ thể; hơn 95% những người không được sử dụng điện hiện sống ở vùng cận Sahara, châu Phi.

Tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, 84% dân sống ở vùng nông thôn thiếu nguồn năng lượng này. Nhiều gia đình ở các khu vực trên dùng đèn dầu hỏa để thắp sáng. Việc này khá nguy hiểm vì đèn dầu hỏa có thể gây cháy và khói tỏa ra từ chúng gây hại cho sức khỏe con người. Tình trạng thiếu thốn đèn điện ở những nơi này cũng đồng nghĩa với việc dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kinh tế và giáo dục luôn gặp nhiều thách thức. Mặc dù không được chú ý nhiều trong những năm gần đây bằng các vấn đề có tính chất toàn cầu khác như phòng chống HIV và sốt rét, nhưng thiếu điện hiện vẫn là trở ngại chính cho nỗ lực phát triển toàn cầu.

Ông Fatih Birol, chuyên viên kinh tế cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nói: "Thiếu điện ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc và thu nhập. Đó là vấn đề thế giới cần phải chú ý".

Dự án “Đẩy lui bóng tối” thắp lên nhiều hi vọng.

Liên Hiệp Quốc từng tuyên bố, năm 2013 là “Năm quốc tế về năng lượng bền vững”. Theo phân tích của IEA, thế giới sẽ đạt mục tiêu để mọi người tiếp cận năng lượng toàn cầu vào năm 2030 với mức đầu tư 48 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngay cả khi đầu tư lên đến 14 tỉ USD mỗi năm, thì 1 tỉ người vẫn sẽ sống cảnh không có điện vào năm 2030.

Đặc biệt, giá dầu tăng cao (có nguy cơ vượt ngưỡng 100 USD/thùng) sẽ cản trở viễn cảnh phát triển điện tại nông thôn. Đối với các nước đang phát triển, việc nhập khẩu xăng dầu giá cao có thể nhanh chóng nuốt sạch ngân sách nhà nước. Ví dụ, các hóa đơn nhập khẩu dầu tại các nước cận Sahara đã tăng thêm 2,5 tỉ USD năm 2012, chiếm hơn 1/3 mức tăng viện trợ phát triển chính thức.

Đôi khi giá nhiên liệu tăng lại được các nhà môi trường khuyến khích cho giá trị phát triển bền vững. Nhưng điều này chỉ đúng với hầu hết các nước giàu, còn đối với các nước đang phát triển, thiếu năng lượng và giá nhiên liệu cao có thể làm tê liệt nền kinh tế. Ngoài việc đảm bảo tăng đầu tư nhằm thu hẹp khoảng cách năng lượng, hiện đang nổi lên một vấn đề sử dụng tiền đầu tư thế nào. Xu hướng hiện nay là đầu tư cho các dự án lớn - các nhà máy năng lượng hóa thạch và đường dây truyền tải điện.

Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng kiểu này có thể phục vụ tốt cho các thành phố, nhưng lại không tiếp cận được người dân tại các vùng nông thôn, nơi thiếu năng lượng nhất. Trong khi đó, năng lượng mặt trời có thể lắp đặt nhanh và rẻ hơn.

Với sự đầu tư thông minh và thân thiện với môi trường, IEA tin rằng sẽ đạt được tiếp cận năng lượng toàn cầu vào năm 2030, nhưng chỉ làm tăng thêm 0,7% lượng phát thải carbon. Năng lượng mặt trời sẽ đóng một vai trò cực lớn trong việc đẩy mạnh tiếp cận năng lượng. Nghèo về năng lượng tất nhiên chỉ là một phần nhỏ trong cái nghèo về kinh tế, nhưng cải thiện nó là một trong những cách tốt nhất để thoát nghèo.

Nếu cần có hình ảnh về sự khác biệt giữa vùng có điện và vùng không có điện, hãy chụp một bức ảnh vệ tinh của trái đất vào ban đêm, bạn sẽ nhìn thấy một dải lớn trên hành tinh hoàn toàn sáng và một khu vực khác bị ngập chìm trong bóng tối.

Bóng đèn của Panasonic đã tới nhiều nơi thiếu ánh sáng.

Chiến dịch “Đẩy lui bóng tối” của Panasonic sẽ góp phần đem lại ánh sáng cho những người đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ với chiến dịch này, Panasonic cũng mở ra một hướng đi mới cho các doanh nghiệp lớn nhỏ. Đó là sử dụng sức mạnh truyền thông xã hội để tạo ra sự tiến bộ. 

Chiến dịch hoạt động như sau:

Mọi người ghé thăm website của chương trình. Tại đây, họ có thể tìm hiểu về chiến dịch thông qua những video và bài bình luận xúc động.

Trên website, mọi người có thể thiết kế và tạo ra những mẫu đèn của riêng họ. Những mẫu này được công khai trên website và người truy cập có thể bình chọn cho những thiết kế họ thấy hứng thú nhất. Những mẫu chiến thắng được đưa vào sản xuất rồi trang trí cho đèn lồng.

Cuộc phát động có sự tham gia của nhiều nghệ nhân cắt giấy nổi tiếng thế giới như Hina Aoyama (Nhật Bản), Elaine Power (Mỹ), Julene Harrison (Anh)... Chiến dịch còn thu hút được rất nhiều người khác với hàng nghìn thiết kế được đăng lên website.

Khi thiết kế ra một mẫu đèn, mọi người có thể thoải mái chia sẻ chúng trên Twitter, Facebook hay các mạng xã hội khác. Qua đó, họ cũng thể hiện sự ủng hộ dành cho những nỗ lực của Panasonic.

Panasonic cho phép tất cả những video, mẫu thiết kế và hình ảnh của chương trình được chia sẻ qua mạng xã hội. Điều này tạo ra nền tảng cho sự gắn kết xã hội cao đẹp xuất phát từ việc ca ngợi tính sáng tạo, thông điệp ý nghĩa, và nhất là tinh thần trách nhiệm quốc tế trong việc mang nguồn năng lượng bền vững và tình thương đến cho những người kém may mắn.

Với những người sống ở vùng sâu vùng xa, chưa thuộc hệ thống lưới điện trên thế giới, Panasonic cung cấp những chiếc đèn LED năng lượng mặt trời và pin có thể nạp lại được. Những bộ pin này có khả năng dự trữ năng lượng mặt trời để sạc những thiết bị di động nhỏ. Chiếc đèn cũng được thiết kế có thể thắp sáng toàn bộ căn phòng

Văn Nguyễn - T.T. (tổng hợp)
.
.