Nguy hiểm từ dung dịch rửa tay không cần nước

Thứ Ba, 13/01/2015, 11:30
Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại “dung dịch rửa tay khô” (không cần dùng nước) với nhiều nhãn hiệu khác nhau, được trình bày dưới hình thức đóng chai dạng gel, dạng phun xịt hoặc từng gói nhỏ với lời quảng cáo “tiêu diệt 99% vi khuẩn gây bệnh, rất tiện dụng cho những chuyến đi xa hoặc khi cần phải rửa tay gấp nhưng lại không có sẵn nước”.

Tuy nhiên, một số loại dung dịch này chứa những chất gây hại cho cơ thể nếu sử dụng liên tục trong một thời gian dài…

Các chất độc có trong dung dịch rửa tay khô

Vẫn theo quảng cáo của các hãng sản xuất, chỉ cần đổ hoặc xịt dung dịch rửa tay khô (DDRTK) vào lòng bàn tay rồi xoa đều trong vòng 30 giây là xong. Sau đó không cần phải rửa lại bằng nước. Dung dịch ấy được khuyên nên dùng trong các trường hợp như trước và sau khi ăn, các hoạt động ngoài trời, mang vác hành lý di chuyển bằng tàu, xe, máy bay hoặc sau khi cầm, đếm tiền... Bên cạnh đó, một số hãng sản xuất còn cho thêm vào chất chống dị ứng để nếu chẳng may bị côn trùng cắn, nó sẽ làm giảm sưng, giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Bên cạnh các loại dành cho người lớn, thì cũng có loại dành riêng cho trẻ em.

Một trường hợp dị ứng do dùng DDRTK.

Theo tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), DDRTK gồm những hóa chất Ethanol, Deionized, Sodium Lactate, Fragrance, Benzalkonium Chloride… mà trong đó, Ethanol - là thành phần cơ bản của rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn - có khả năng giết chết vi sinh vật bằng cách làm biến đổi tính chất của lớp vỏ bọc protein bảo vệ  virus khiến chúng tê liệt và không phát triển nữa. Ethanol tiêu diệt được hầu hết các loại vi khuẩn, nấm và nhiều loại virus nhưng không tác dụng đối với bào tử nấm, bào tử vi khuẩn.

Với Benzalkonium Chloride, nó là chất diệt khuẩn mạnh, dùng trong tẩy uế, khử trùng - kể cả trong chăn nuôi thủy sản, Fragrance là chất tạo mùi thơm còn Deionized là nước đã khử ion. Và để có thể kháng khuẩn hữu hiệu, mỗi sản phẩm DDRTK cần ít nhất là 30% chất Ethanol.

Nhưng đó là… tiêu chuẩn! Còn thực tế thì để quảng cáo tính chất diệt khuẩn mạnh nhằm thu hút người tiêu dùng, một số hãng sản xuất thay vì sử dụng Ethanol thì họ thay bằng Sopropanol, hoặc N-propanol, thậm chí có nơi còn cho thêm chất sát khuẩn Triclosan, chất làm đặc Axít Polyacrylic, chất bảo quản Parapen, chất giữ ẩm Glycerin hoặc Propylene glycol…

N-propanol chẳng hạn, nó là một chất lỏng trong suốt, không màu, độ bay hơi cao, có mùi thơm nhẹ, không tan trong cồn, ether, acetone và hầu hết các dung môi hữu cơ khác. Với nước, nó tan rất ít nên vì thế, nếu DDRTK có chất này thì khi "rửa" xong, nó sẽ bám chặt vào bề mặt da - nhất là các kẽ trên da - và nếu có rửa lại bằng nước thì phải rửa nhiều lần mới hết.

N-propanol được xếp hạng là chất độc hại cho cơ thể người. Độc tính của N-propanol cao gấp 4 lần so với Ethanol. Sử dụng thường xuyên, nó sẽ khiến cho da khô, thậm chí nứt nẻ khiến vi khuẩn lại có thêm điều kiện để xâm nhập, hoặc viêm da tiếp xúc, dị ứng, nổi mề đay. Nếu bị dính vào mắt, nó gây bỏng niêm mạc và có thể để lại sẹo vĩnh viễn, chưa kể nó còn có khả năng gây cháy, nổ

Với chất Triclosan, đặc tính của nó là kháng khuẩn, thường thấy có trong xà phòng, các sản phẩm vệ sinh cá nhân như khăn ướt lau mặt loại dùng một lần, tã giấy, thậm chí cả trong trong quần áo, đồ vật nội thất như bàn ghế, đồ nhựa, đồ chơi trẻ em để làm giảm mức độ vi khuẩn xâm nhập sản phẩm. Trong khi đó, y học đã chứng minh rằng Triclosan gây rối loạn hệ nội tiết, làm gián đoạn chức năng hoạt động của hệ thống miễn dịch. Điều nguy hiểm hơn cả là việc sử dụng thường xuyên những sản phẩm có chứa Triclosan khiến nhiều loại vi khuẩn phải biến đổi để thích nghi, dẫn đến một số bệnh tật trở nên khó điều trị hơn vì vi khuẩn kháng thuốc.

Một chất khác cũng được một số nhà sản xuất DDRTK cho thêm vào là chất Paraben - dưới các hình thức như Ethylparaben, Butylparaben, Methylparaben và Propylparaben. Nó có mặt trong hầu hết những sản phẩm vệ sinh cá nhân như dầu gội đầu, dầu xả, sữa tắm, xà phòng, kem đánh răng… Paraben có đặc tính tiêu diệt nấm mốc, vi khuẩn. Với những người mà cơ địa mẫn cảm với chất này, nó gây dị ứng da và niêm mạc. Nó có liên quan đến sự rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hệ sinh sản của nam và nữ giới, làm suy giảm miễn dịch và là nguyên nhân gây ung thư vú. Chính vì thế, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết đã khuyến cáo người tiêu dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không mua các sản phẩm có chứa chất Parapen.

Dung dịch rửa tay khô có thật sự tiêu diệt hết vi khuẩn?

Theo Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM thì: "DDRTK có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn nhưng nó chỉ khử trùng mà không loại bỏ được các chất bẩn ra khỏi tay nên nếu đánh giá về mặt hiệu quả, nó không thể nào so sánh được với việc rửa tay bằng xà phòng và nước". Vẫn theo Tiến sĩ Cường, khi rửa tay bằng DDRTK, chỉ những vi khuẩn nào trực tiếp tiếp xúc với dung dịch thì mới bị tiêu diệt, còn những vi khuẩn nằm dưới các chất bẩn - chẳng hạn như vết dầu mỡ công nghiệp, tinh bột, keo dán… thì DDRTK khó làm gì được chúng nếu chỉ xoa trong 30 giây.

Nhưng tại sao nhiều người vẫn cứ ưa chuộng DDRTK? Ngoài giới bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế dùng nó trước và sau khi mổ xẻ hoặc khám bệnh, lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm, thay băng, rửa ráy, chăm sóc bệnh nhân, các đội phòng dịch khi đi vào và ra khỏi vùng có dịch thì câu trả lời chính là sự tiện dụng của nó. Người ta có thể làm vệ sinh đôi bàn tay ngay lập tức chỉ với một lượng nhỏ dung dịch này ở bất cứ đâu - kể cả những nơi không có nước hoặc xà phòng nhưng hầu như không ai nghĩ đến các tác hại mà nó mang đến, trong đó có "mùi thơm".

Đại đa số các loại DDRTK đều có mùi thơm, mà mùi thơm trong mỹ phẩm được coi là "bí mật" nên hầu hết những cơ sở sản xuất đều giữ kín "bí mật" này. Điều đó có nghĩa là "mùi thơm" ấy có thể được tạo ra từ bất cứ hợp chất hóa học nào - kể cả những hợp chất hóa học nguy hiểm. Các khảo sát của ngành miễn dịch học cho thấy hơn 80% nguyên nhân gây ra dị ứng, viêm da, suy hô hấp, rối loạn nội tiết, rối loạn sinh sản là do… "mùi thơm!".

Vì vậy, theo Tiến sĩ Cường thì "không nên sử dụng DDRTK thường xuyên - nhất là đối với trẻ em dưới 4 tuổi nếu xung quanh có đủ điều kiện để rửa tay bằng nước với xà phòng". Khi chọn mua DDRTK, nên mua các loại sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và thành phần rõ ràng, đã qua kiểm nghiệm. Trước khi sử dụng, nên đọc kỹ các hướng dẫn và các khuyến cáo. Để DDRTK xa tầm với của trẻ em. Nếu chẳng may bị DDRTK dính vào mắt, hãy rửa nhiều lần bằng nước rồi chuyển đến bệnh viện: "Khi rửa, không nên dùng tay chà vào vùng bị dính DDRTK vì sẽ làm cho các hóa chất thấm sâu vào các bộ phận trong mắt mà chỉ nên xối nước liên tục cho đến lúc cảm giác nóng, rát giảm hẳn đi…".

Khi bị dị ứng vì DDRTK, nên ngừng ngay, không dùng nữa vì nó sẽ làm cho tình trạng dị ứng nặng nề thêm. Nếu dị ứng kèm theo ngứa, tuyệt dối không gãi vì sẽ gây nhiễm trùng. Nếu dị ứng thể nặng - có kèm theo suy hô hấp, phù thanh quản thì phải đưa vào bệnh viện ngay…

Cao Trí
.
.