Đừng hốt hoảng nếu gặp phản ứng phụ khi tiêm vắc xin

Thứ Sáu, 07/11/2014, 10:30

Thời gian vừa qua, một số tai biến, phản ứng phụ xảy ra - thậm chí có cả tai biến chết người sau khi tiêm vắc xin đã khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang, hốt hoảng. Có lẽ vì vậy nên khi ngành Y tế tiến hành tiêm chủng mở rộng trong cả nước, một số phụ huynh vẫn chần chừ trong việc đưa con mình đi tiêm vắc xin.

Hiểu rõ cơ chế hoạt động của vắc xin và những lợi ích do nó mang lại đối với sức khỏe, cũng như những phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm là cách tốt nhất để xóa tan tâm lý nghi ngại, e dè, nhất là khi Bộ Y tế đang phát động Chương trình tiêm chủng mở rộng…

Vẫn còn những thử thách

Y học đã phát minh ra nhiều loại vắc xin, chẳng hạn như vắc xin ngừa bệnh đậu mùa, bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, thủy đậu, quai bị, thương hàn, uốn ván, cúm, tả, viêm gan siêu vi... Bên cạnh đó, y học còn hướng tới những loại vắc xin có thể ngừa được ung thư, HIV/AIDS với nguyên tắc không có gì thay đổi: Đó là tạo cho cơ thể người xuất hiện tính miễn dịch bằng cách đưa vào một vi khuẩn hoặc virus đã được giảm độc lực, hoặc một protein đặc hiệu có tính kháng nguyên để cho ra một đáp ứng miễn dịch (gọi chung là vắc xin).

Hệ miễn dịch trong cơ thể nhận diện vắc xin là vật lạ nên hủy diệt chúng và "ghi nhớ" chúng. Về sau, nếu tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, do đã được "nhớ" nên hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để tấn công, tiêu diệt chúng nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.

Hiện tại, y học sử dụng vắc xin bằng cách tiêm chích, cấy (chủng), uống… nhưng hiệu quả của nó còn tùy thuộc vào thời gian. Trí nhớ miễn dịch có thể tồn tại suốt đời nhưng sự sản xuất kháng thể thì không - nếu không được tái kích thích. Chính vì lẽ đó, có những loại vắc xin mà ngành y tế khuyến cáo người dân cần đưa con em mình đi tiêm mũi thứ 2, thứ 3 theo đúng phác đồ.

Một thống kê cho thấy đến nay ở nước ta, tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 23 lần, bệnh bạch hầu giảm 167 lần, bệnh ho gà giảm 428 lần. Ngoài ra, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ, bệnh sởi dự kiến sẽ thanh toán dứt điểm vào năm 2015. Ðã có hơn 10 loại vắc-xin được sản xuất trong nước, đáp ứng hơn 70% nhu cầu sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn.

Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm một số vắc xin thế hệ mới như quai bị, Hib, rubella, dại tế bào, Cúm A (H5N1), cúm mùa A (H1N1). Và mặc dù TCMR mang lại lợi ích rất lớn cho trẻ em nhưng những năm gần đây, vấn đề tai biến do vắc xin vẫn là thử thách lớn đối với ngành y tế.

Theo báo cáo của Ban chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia thì trong số 11 loại vắc xin đang tiêm chủng cho trẻ em những năm gần đây, đã ghi nhận 2 loại vắc xin có liên quan nhiều đến tai biến tử vong là vắc xin Quinvaxem và vắc xin viêm gan B mà cụ thể là ngày 1/9/2014, người nhà đưa bé T, 2 tháng tuổi, ngụ tại quận 4 đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP HCM chích ngừa vắc xin Quinvaxem. Khoảng 30 phút, BV tiếp tục cho uống vắc xin ngừa bại liệt và vắc xin ngừa tiêu chảy rồi sau nửa tiếng theo dõi, bé được cho về nhà.

Tiêm vắc xin đúng lịch là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm.

Đến 12 giờ trưa, bé bỗng khóc thét. Người nhà phát hiện bé bị ọc sữa ra mũi và miệng (uống lúc 10 giờ), da tím tái, gồng người. Ngay lập tức bé được đưa vào BV Từ Dũ cấp cứu với chẩn đoán sặc sữa hoặc do tiêm chủng.

Lập tức, bé T được chuyển đến BV Nhi Đồng 1. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Nhi Đồng 1 cho biết, bé T nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng thiếu oxy não, thời gian phục hồi màu da kéo dài, chứng tỏ bé bị sốc. Bé được điều trị theo hướng hồi sức sốc bằng cách đặt nội khí quản, trợ giúp thở oxy, truyền dịch, tiêm thuốc kháng dị ứng, thuốc vận mạch, đồng thời theo dõi tình trạng sốc phản vệ sau tiêm chủng, sốc do nhiễm trùng huyết và sốc do viêm phổi.

Đến ngày 6/9, bác sĩ Tiến cho biết sức khỏe bé T đã ổn định. Tuy nhiên, bé phải ở lại bệnh viện theo dõi điều trị nhiễm trùng huyết thêm vài ngày nữa. Sau khi xuất viện, hằng tháng bé phải tái khám định kỳ bởi tình trạng sốc phản vệ của bé đã ảnh hưởng đến thần kinh.

Trước đó, 14/1/2014, bé N, 2,5 tháng tuổi ở Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được gia đình đưa đến Trạm Y tế phường 7 để tiêm vắc xin  Quinvaxem và uống vắc xin Sabin phòng bệnh bại liệt. Đến chiều, do bé quấy khóc nên gia đình đưa trở lại Trạm Y tế phường 7 theo dõi, sau đó thấy sức khỏe bé tạm ổn nên Trạm Y tế cho về nhà.

Khoảng 7 giờ ngày 15/1, cháu N. bỏ bú, người tím tái. Gia đình lại đưa cháu đến Trạm Y tế phường 7 sơ cứu, rồi chuyển lên BV Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Tuy nhiên, đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, BV tiên lượng bé  N. khó qua khỏi, gia đình xin đưa bé  về nhà và bé tử vong sau đó.

Những phản ứng phụ

Cũng như rất nhiều loại thuốc chữa bệnh khác, vắc xin cũng có những phản ứng phụ sau khi tiêm. Những phản ứng tại chỗ thường hay gặp là đau ở chỗ tiêm, cảm giác đau thường kéo dài từ một vài giờ đến hơn 1 ngày khiến trẻ quấy, khóc, dẫn đến sự lo lắng của nhiều bậc cha mẹ.

Bác sĩ Y học dự phòng Nguyễn Văn Tuấn nói: "Sau khi tiêm, chỗ tiêm thường nổi cục, nhỏ bằng hạt đậu, đôi khi tấy đỏ, kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Bên cạnh đó, theo khảo sát, khoảng 10% số trẻ tiêm ngừa bị ngứa xung quanh vết tiêm và có thể ngứa từ 3 ngày đến cả tuần nhưng đây là hiện tượng phản ứng bình thường của cơ thể".

Phản ứng toàn thân thứ hai xảy ra sau khi tiêm là sốt, xuất hiện ở 80% số trẻ được tiêm chủng. Trẻ thường sốt sau khi tiêm từ 1 giờ đến 1 ngày (tiêm phòng bệnh thương hàn, ho gà) hoặc 10 đến 15 ngày (tiêm phòng bệnh sởi hoặc quai bị). Đa số trường hợp sốt nhẹ (có khi sốt cao hơn 39oC) kèm theo vật vã, quấy khóc, bỏ ăn.

Những trẻ đã biết nói có thể kêu nhức đầu. Tuy nhiên, sau 1 hoặc 2 ngày, hầu hết trẻ tự khỏi. Chỉ những trường hợp sốt cao mới cần dùng đến thuốc hạ nhiệt nhưng phải theo đơn của bác sĩ. Một số trẻ sau khi tiêm có các phản ứng ngoài da, biểu hiện bằng các nốt ban, mề đay, mẩn ngứa toàn thân, nhất là ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm và tiền sử dị ứng. Các phản ứng này có thể kéo dài 3 đến 6 ngày.

Hiện tượng phát ban cũng xảy ra trong khoảng từ  2 đến 10% số trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc rubêôn (rubella), kèm theo sốt nhẹ, đôi khi ho nhưng phản ứng ngoài da cũng thường tự khỏi. Chỉ những trường hợp nổi mề đay quá nhiều, gây ngứa ngáy khó chịu thì bác sĩ có thể cho dùng một vài loại thuốc kháng dị ứng.

Bên cạnh những phản ứng phụ vừa nêu, còn có một số phản ứng khác mà nếu các bậc cha mẹ không hiểu rõ, sẽ rất dễ dẫn đến hoảng hốt. Đó là co giật. Sau khi tiêm phòng vắc xin ho gà, các cơn co giật thường xuất hiện khoảng từ 30 phút đến 3 ngày kèm theo sốt cao. Tuy nhiên, hầu như nó chỉ xảy ra ở những trẻ có tiền sử động kinh. Và mặc dù nó không nguy hiểm nhưng trước khi tiêm, cha mẹ cần nên báo cho nhân viên y tế biết nếu con mình mắc bệnh động kinh để tránh những biến chứng có thể xảy ra với thần kinh não bộ.

Một phản ứng phụ khác là sau khi tiêm, trẻ rên la hoặc la khóc dữ dội - nhất là ở trẻ 3 đến 6 tháng tuổi, Đây chỉ là ảnh hưởng nhất thời của vắc xin với hệ thần kinh nhưng không gây biến chứng gì, phần lớn sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu trẻ gào khóc, rên la kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến trạm y tế để xử trí. Với trường hợp tiêm phòng bệnh lao, trẻ có thể nổi hạch ở nách sau từ 3 đến 5 tuần. Hạch có 2 loại là viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ. Nếu thấy hạch sưng tấy, có mủ, trẻ sốt, quấy khóc thì nên đưa đến các cơ sở y tế để làm tiểu phẫu nạo mủ.

Ngoài những phản ứng phụ ấy, còn có một số những biến chứng khác, chẳng hạn như phản ứng quá mẫn cấp tính. Nó thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi tiêm với 1 hoặc nhiều triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân. Trong trường hợp này, nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để tránh bội nhiễm cũng như đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng của trẻ. Trường hợp phản ứng nặng, trẻ sẽ được cho thở ôxy và xử trí như sốc phản vệ.

Sau khi tiêm vắc xin, nên cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Trong khoảng 2 hoặc 3 ngày đầu, người mẹ nên quan sát con mình thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm. Nếu thấy trẻ có những triệu chứng như khó thở, ngạt thở, sốt cao, co giật, giãy giụa, khóc kéo dài, tím tái, vật vã, nổi mẩn ngứa, ban đỏ, tiêu tiểu không tự chủ hoặc hôn mê thì đưa ngay đến bệnh viện.

Khi tiến hành tiêm phòng vắc xin, về phía cán bộ y tế, cần giải thích cho các bậc cha mẹ hiểu rõ tất cả những phản ứng có thể sẽ xảy ra cho trẻ sau khi tiêm, đồng thời khuyến cáo họ trong những trường hợp nào thì phải đưa trẻ vào bệnh viện. Với các bậc cha mẹ, nếu con em mình xảy ra phản ứng sau khi tiêm thì nên bình tĩnh, tham vấn ý kiến của y, bác sĩ. Tránh hoảng hốt hoặc thông tin không chính xác, gây tâm lý sợ hãi dây chuyền trong cộng đồng

Vũ Cao
.
.