Ebola chưa qua, dịch hạch đã lấp ló

Thứ Ba, 16/12/2014, 15:55
Mặc dù bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola đến nay vẫn chưa vào Việt Nam, và các biện pháp đề phòng vẫn đang được các cơ quan chức năng triển khai tích cực thì ngày 24/11 vừa qua, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các Sở Y tế trong cả nước, yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng bệnh dịch hạch…

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 3 tháng qua tại Madagascar, đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, 40 người tử vong. Tại Mỹ, 4 người ở bang Colorado mắc bệnh, còn tại Trung Quốc cũng phát hiện một số trường hợp mắc dịch hạch tại tỉnh Cam Túc, trong đó 1 người đã tử vong.

Mặc dù suốt 12 năm qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào bị bệnh dịch hạch nhưng nguy cơ lây lan dịch hạch từ nước ngoài vào nước ta qua con đường du lịch và nhất là qua một số loại động vật nhập lậu là rất lớn.

Trước tình hình ấy, ngày 24/11 vừa qua, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế - đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Dịch hạch là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Yersinia Pestis có hình que, thuộc họ Enterobacteriaceae gây ra, truyền từ động vật sang người qua trung gian là con bọ chét. Nó được phát hiện đồng thời bởi hai bác sĩ Alexandre Yersin, người Pháp và Shibasaburo Kitasato, người Nhật vào tháng 6/1894. Trong lịch sử, nó từng được mệnh danh là "cái chết đen" vì đã gây ra những trận dịch kinh hoàng. Ở Anh, năm 1665 có 60.000 người chết, ở lục địa châu Âu là 25 triệu người, còn riêng nước Pháp là 100.000 người.
Một con bọ chét sau khi đã hút no máu.

Tại Việt Nam, bệnh dịch hạch được biết đến lần đầu tiên vào năm 1898 tại Nha Trang. Sau đó nó xuất hiện ở Sài Gòn, Sóc Trăng, Phan Thiết, Huế, Đà Nẵng và Tây Ninh. Đến năm 1908, dịch hạch lan ra Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hòn Gai... Nguồn gây bệnh là những loài gặm nhấm hoang dã - chủ yếu là chuột (chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt...). Một số ít được ghi nhận ở loài sóc, chồn, cầy hương...

Y học chia bệnh dịch hạch thành nhiều dạng tùy theo cơ quan bị tổn thương, gồm dịch hạch thể hạch, dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết, dịch hạch thể phổi, dịch hạch thể tiêu hóa, dịch hạch thể màng não, dịch hạch thể da. Trong đó nguy hiểm nhất là thể hạch (tỉ lệ tử vong 70%) thể nhiễm khuẩn huyết (tử vong 90%) và thể phổi (tỉ lệ tử vong gần như 100%).

Bệnh dịch hạch có 4 đường lây truyền chính. Đó là đường máu qua vết đốt của côn trùng, chủ yếu là bọ chét sống ký sinh trên cơ thể chuột hoặc chấy (chí), rận, rệp.

Hai là đường tiêu hóa: Thực phẩm, nước bị ô nhiễm do chuột trực tiếp gieo rắc mầm bệnh vào. Thực tế thì đường lây này rất ít khi xảy ra bởi lẽ trực khuẩn dịch hạch dễ bị chết khi đun sôi, nấu chín.

Ba là đường hô hấp: Bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi có thể lây trực tiếp cho người xung quanh qua đờm dãi, nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện.

Bốn là đường da, niêm mạc do tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương nhưng hiếm gặp.

Để phòng chống bệnh dịch hạch, Cục Y tế Dự phòng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát dịch hạch trên các loại động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh là chuột, bọ chét tại các vùng trọng điểm, các ổ dịch cũ và những vùng có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu, tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người và động vật nhập cảnh, đặc biệt với các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch. Với cộng đồng, cần tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí, sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho hợp lý, quản lý thực phẩm kỹ lưỡng nhằm tránh trở thành nguồn thức ăn cho chuột, đồng thời nuôi mèo, đặt bẫy, phá hủy, khống chế nơi ở và nơi sinh sản của chuột, bọ chét.
Hạch có thể nổi ở nách.

Khi phát hiện có chuột chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu thấy người nhà hoặc hàng xóm xuất hiện những triệu chứng của bệnh dịch hạch - chẳng hạn như sốt cao kèm rét run, tức ngực, khó thở, thở nông, ho ra đờm - về sau có máu hoặc nổi hạch ở vùng bẹn, nách, cổ, dưới hàm thì nên đưa đến các cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị.

Vũ Cao
.
.