Ở nơi bác sĩ mổ như… chơi game

Thứ Hai, 23/02/2015, 11:15
Thay vì phải đứng “chôn chân” nhiều giờ bên bàn mổ, giờ đây, với kỹ thuật mổ nội soi bằng rôbốt, bác sĩ phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi Trung ương có thể mổ như đang chơi game vì chỉ cần ngồi trước màn hình, hai bàn tay mân mê hai cái cần điều khiển để mổ cho bệnh nhân đang nằm cạnh đó. Nhưng với các bác sĩ ở đây, để duy trì được thì còn rất nhiều nỗi lo…

1- Sáng thứ Bảy hôm ấy vì không có ca phẫu thuật nào nên Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Duy Hiền, Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương mới có thời gian dẫn tôi vào viện để “tham quan” phòng mổ và cỗ rôbốt triệu “đô”.

Bước vào phòng mổ được bật điều hòa 24/7, chỉ 3 cỗ máy đặt ngay gần cửa ra vào, bác sĩ Hiền bảo “đây chính là hệ thống rôbốt phẫu thuật, ba cái modul này nặng 1,5 tấn nên mỗi lần đưa rôbốt vào trong khu vực mổ, mấy anh kỹ thuật phải lái vào”. Nhìn tận mắt thì thấy hệ thống rôbốt này cũng… đơn giản với 3 bộ phận: hộp điều khiển của phẫu thuật viên; bàn cánh tay rôbốt và hệ thống xử lý hình ảnh và các dụng cụ tiêu hao đi kèm gắn với bàn cánh tay rôbốt.

Bật hộp điều khiển của kỹ thuật viên, bác sĩ Hiền cho tôi xem hình ảnh 3D hiện lên trên màn hình, giải thích đây là hình ảnh mô phỏng ca mổ mà máy lưu trữ lại. Cầm vào hai cái cần điều khiển đặt ở phía dưới, bác sĩ Hiền biểu diễn cho tôi xem kỹ thuật mổ.

Quả thực nhìn anh ngồi ung dung trên ghế, mắt chăm chú nhìn vào màn hình, còn hai tay “múa” trên hai cái cần điều khiển, hai bàn chân liên tục nhấn vào hai cái bàn đạp ở phía dưới, tôi cứ có cảm giác ông bác sĩ này đang say mê chơi điện tử chứ không phải điều khiển thiết bị mổ nội soi.

Rôbốt phẫu thuật này là thế hệ thứ 4 nên có 4 cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 580độ. Với góc phẫu thuật này, không cánh tay người nào có thể thực hiện được, nhờ đó có khả năng phẫu thuật ở những vị trí khó. Không như phẫu thuật nội soi quy ước, rôbốt có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ và vận động tinh vi như hoặc hơn cổ tay của bác sĩ phẫu thuật.

Nhờ có hình ảnh không gian ba chiều mà phẫu thuật viên có thể quan sát sâu hơn và chính xác tới từng chi tiết. Tay của phẫu thuật viên sẽ cử động theo chiều thật của dụng cụ chứ không phải ngược lại như nội soi quy ước. Rôbốt giảm được tác dụng run của tay. Các dụng cụ của rôbốt có các khớp di động linh hoạt giúp cho việc thực hiện các động tác khâu nối dễ dàng.

Rôbốt giúp thực hiện các động tác đòi hỏi phải quay ngược cổ tay 180o như trong tạo hình bể thận niệu quản, đây là động tác không thực hiện được bằng phẫu thuật nội soi quy ước. Dụng cụ phẫu thuật do rôbốt điều khiển có khả năng luồn lách vào các khoang nhỏ nhất một cách linh hoạt chính xác vì vậy đặc biệt hữu ích trong mổ nạo vét hạch trong khi mổ các khối ung thư ổ bụng hay lồng ngực.

Chỉ vào 4 cánh tay rôbốt, bác sĩ Hiền giải thích: “Chỉ có bộ phận bàn cánh tay rôbốt cùng các dụng cụ là hoạt động trực tiếp trên cơ thể người bệnh và phải vô trùng trong cuộc mổ. Nguyên lý hoạt động là sau khi kết nối giữa bàn cánh tay rôbốt với các troca, phẫu thuật viên sẽ điều khiển (phẫu tích, cắt hoặc khâu nối) tại hộp điều khiển. Thông tin sẽ được xử lý tại hệ thống xử lý hình ảnh và truyền đến hệ thống cánh tay rôbốt.

Như vậy hành động của phẫu thuật viên là ảo và bộ phận trực tiếp làm việc bên trong cơ thể người bệnh chính là các dụng cụ phẫu thuật (panh, kéo, móc…) được gắn lên hệ thống cánh tay rôbốt”.

2- Nhìn thì đơn giản vậy, thế nhưng hệ thống rôbốt này đang là niềm ao ước của hàng ngàn bệnh viện không chỉ ở Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á. Ngay ở Bệnh viện Nhi Trung ương, từ lúc có ý tưởng tới khi đưa rôbốt vào phẫu thuật như bây giờ cũng phải mất tới hơn 10 năm.

Đó là năm 2001, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, ngày ấy là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, lần đầu tiên có cơ hội tiếp xúc và thực tập các thao tác phẫu thuật với rôbốt tại phòng thí nghiệm Trường đại học Los Angeles (Mỹ).

10 năm sau đó là quãng thời gian lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương luôn tìm kiếm cơ hội đưa rôbốt về Việt Nam để chữa bệnh. Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên là: tiền đâu để đầu tư khi mà chỉ riêng mua thiết bị thôi đã lên tới vài triệu USD. Mãi tới năm 2010, mơ ước ấy mới thành hiện thực khi dự án đầu tư trung tâm phẫu thuật bằng rôbốt được Thủ tướng chấp thuận với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng.

Vậy là cùng với triển khai đầu tư thiết bị, bệnh viện cũng chọn người đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Một trong những bác sĩ đầu tiên được chọn đưa đi đào tạo là Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Duy Hiền.

18 năm làm nghề, trước khi về Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Hiền đã có nhiều năm làm bác sĩ nội trú ngoại và sau đó là phẫu thuật viên ở Bệnh viện Việt - Đức, đã từng nhiều lần đi học kỹ thuật phẫu thuật mới ở Mỹ, Pháp, nghĩa là đã có “thâm niên” trong việc đi cập nhật kỹ thuật mới và việc mổ xẻ đã thành công việc hằng ngày.

Hơn hai năm, anh và kíp kỹ thuật viên của Bệnh viện Nhi Trung ương đến trực tiếp hãng sản xuất và các bệnh viện ở Singapore và Hàn Quốc để học; rồi bệnh viện còn mời các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy và đào tạo.

Ngày 10/2/2014, hệ thống rôbốt được lắp đặt hoàn chỉnh trong phòng mổ. Mọi công việc cho ca mổ đầu tiên được gấp rút chuẩn bị, ngoài việc lựa chọn bệnh nhân, suốt 5 ngày sau đó, các bác sĩ đã tiến hành tập dượt bằng cách phẫu thuật trên 6 con lợn cái cân nặng từ 15-20kg.

Bác sĩ Hiền đang điều khiển rôbốt từ hộp điều khiển của kỹ thuật viên.

Một loạt các kỹ thuật được đưa ra thực hành, là phẫu tích cắt bỏ tử cung phần phụ, phẫu tích đại trực tràng, phẫu tích niệu quản, thận, phẫu thuật tạo van Nissen chống luồng trào ngược dạ dày - thực quản và kỹ thuật cắt thùy phổi đã được thực hành. Kết quả đều tốt, các quy trình kỹ thuật được thực hiện một cách thành thục bởi 4 phẫu thuật viên.

Ngày 20/2/2014, ca mổ đầu tiên bằng rôbốt được thực hiện. Bệnh nhân là cháu Dương Phương Huyền (14 tuổi, ở Vĩnh Phúc) bị phình đại tràng bẩm sinh (Megacolon).

Bác sĩ Hiền kể rằng dù đã hơn 10 năm làm bác sĩ phẫu thuật, đã mổ cả nghìn ca nhưng anh vẫn hồi hộp và có phần căng thẳng khi thực hiện ca mổ đầu tiên bằng rôbốt này. Lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật này nên lãnh đạo Bộ Y tế cũng rất quan tâm; cho dù công tác chuẩn bị đã rất chu đáo, nhưng với bác sĩ phẫu thuật thì mỗi ca mổ là một lần thử thách bởi rủi ro vẫn có thể xảy ra.

Nhưng, sau 7 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công; dù mổ trong phòng có điều hòa nhưng kết thúc ca phẫu thuật, lưng áo bác sĩ Hiền ướt đẫm mồ hôi…

Sau gần một năm triển khai, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật thành công cho 54 bệnh nhân bị các bệnh u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật. Trong đó có cháu mới 4 tháng tuổi và chỉ nặng 4kg nhưng vẫn được phẫu thuật an toàn tuyệt đối; hiện thời gian thực hiện một ca mổ rút xuống khoảng 3 - 4 tiếng tùy mức độ phức tạp của bệnh.

Với ưu điểm vùng phẫu thuật thu hẹp, phẫu thuật nội soi gây tổn thương mô tối thiểu nên ít gây chảy máu, sau mổ bệnh nhân ít đau đớn hơn nên thông thường chỉ sau 3 - 5 ngày là bệnh nhân được xuất viện.

3- Gọi anh nhân viên kỹ thuật bê ra hơn chục cái gậy nhỏ bằng ngón tay út, dài chừng nửa mét, một đầu dính với một cái nắp nhựa màu xanh đều thấy dán giấy ghi dòng chữ “hết hạn sử dụng”, một đầu gắn cái kẹp nhỏ xíu có thể xoay tròn được, bác sĩ Hiền bảo, rằng đây chính là “bàn tay” và dao mổ của rôbốt.

Giá một cái “gậy” này được hãng sản xuất bán với giá 7.000USD và chỉ sử dụng được tối đa 10 lần mổ. Mỗi lần mổ cần phải gắn vào hai cánh tay rôbốt 2 cái “gậy”, nghĩa là dù bác sĩ có mổ khéo lắm thì mỗi lần cũng mất 1.400USD chi phí tiêu hao cho hai cái “gậy”.

Chưa hết, khi mổ, rôbốt cũng phải mặc “áo choàng” để đảm bảo vô trùng. Một chiếc áo bằng nylon giá bán là 500USD; nếu dùng khéo lắm thì cũng chỉ được 3 lần là phải thay “áo” mới, chưa kể một loạt các chi phí tiêu hao khác.

Một ca phẫu thuật nội soi bằng rôbốt ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thời điểm này chưa phải chi cho tiền thay thế thiết bị nên mới đây, một cánh tay rôbốt bị hỏng, hãng sản xuất đã đưa cánh tay mới từ Mỹ sang thay; nhưng khi hết thời hạn bảo hành, nếu các thiết bị hỏng sẽ mua từ chính hãng sản xuất. Hiện nay với mức chi phí 50 - 80 triệu đồng, phần lớn trong số ấy để chi cho vật tư tiêu hao, thuốc men, còn thù lao cho bác sĩ mổ chính cũng chỉ có 70.000 đồng/ca.

54 ca đầu tiên, do vận động được tài trợ nên Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn chỉ thu viện phí như mổ nội soi bình thường. Tuy nhiên, điều khiến bệnh viện lo lắng là tới đây, khi không còn khoản tài trợ này thì sẽ ít bệnh nhân chịu nổi khoản chi phí này nếu không được bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần.

Cũng vì thiếu kinh phí nên PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đang đặt kế hoạch đến ngày 27/2/2015, sau một năm triển khai, sẽ mổ cho bệnh nhân thứ 100, “nhưng không biết có đạt được không vì thiếu tiền”. Theo ông Hải, nếu có đủ kinh phí, bệnh viện sẽ phẫu thuật bằng rôbốt với tần suất 3 ca/tuần.

Hiện bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm Y tế chấp thuận chi trả bảo hiểm cho phẫu thuật bằng rôbốt đễ hỗ trợ bệnh nhân. Còn bác sĩ Hiền thì hy vọng “nếu Nhà nước hỗ trợ cho 80%, bệnh nhân chịu 20% chi phí thì tốt quá”.

Thôi thì cứ hy vọng vậy.

Nguyễn Thiêm
.
.