Ukraine:

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh bại liệt ở trẻ em

Thứ Ba, 29/09/2015, 21:15
Giới chức y tế Ukraine đang lo ngại dịch bệnh bại liệt nơi trẻ em bùng phát ở khu vực có chung biên giới với 4 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU): Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan.

Trước nguy cơ này, chính quyền Ukraine đã phát động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đối với mọi trẻ em đến 10 tuổi.  Mối đe dọa ở Ukraine cũng lôi kéo các tổ chức quốc tế vào cuộc phòng chống bệnh bại liệt. Tuy nhiên, vẫn có không ít bậc cha mẹ nghi ngờ chất lượng vaccine ngừa bại liệt.

Virus bại liệt.

Hai vợ chồng Olga và Anatoly Makarenko bị liệt vào diện "chướng ngại tiềm tàng" mà chính quyền Ukraine có thể sẽ phải đối mặt khi triển khai chiến dịch tiêm chủng bại liệt trên toàn quốc. Họ quyết định không tiêm chủng cho 3 đứa con của họ - Dima, 7 tuổi; Ksenia, 5 tuổi; và Varvara, 1 tuổi. Mặc dù, hai vợ chồng có hiểu biết về sự nguy hiểm của chứng bệnh bại liệt cũng như đã đọc các bài báo thông tin virus có thể đã xuất hiện ở thủ đô Kiev, song họ vẫn không muốn thay đổi ý định.

Olga lập luận: "Tiêm chủng xem ra còn nguy hiểm hơn căn bệnh. Không ai biết chính xác vaccine được dự trữ như thế nào. Không ai biết hạn sử dụng của thuốc có bị sửa đổi hay không. Vaccine vốn được bảo vệ rất nghiêm ngặt với các điều kiện phải tuân thủ khi sản xuất, vận chuyển và dự trữ". Không chỉ riêng vợ chồng Olga có quan điểm như thế.

Hai con của vợ chồng Olga và Anatoly Makarenko.

Ở Ukraine, có rất nhiều những câu chuyện trẻ em bị ngã bệnh hay thậm chí mất mạng sau khi được tiêm chủng lan truyền trong dân chúng. Tuy nhiên, một số căn bệnh đã biến mất khỏi trí nhớ của mọi người cho nên điều đó có nghĩa là phần đông người dân trở nên lơ là với hậu quả ghê gớm của bệnh bại liệt.

Do đó, Ukraine là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở châu Âu và Liên Xô cũ cũng như nằm trong số những quốc gia thuộc hàng thấp nhất thế giới. Chưa đến 14% số trẻ 1 tuổi được tiêm chủng bại liệt ở Ukraine. Không chỉ có vợ chồng Olga mà còn có cả những nhà hoạt động chống tiêm chủng hết sức sai trái. Bà Tatyana Petrovskaya, bác sĩ lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tư nhân Our Doctor, nhận định: "Nói chung, họ nghe theo những câu chuyện hoang đường về tiêm chủng. Họ thuộc số những người cho rằng trẻ em tự xây dựng hệ miễn dịch trong môi trường tự nhiên và đủ mạnh để diệt trừ bệnh tật. Họ không hiểu bệnh tật nguy hiểm như thế nào".

Một trẻ Ukraine được uống vaccine ngừa bại liệt.

Giới chức y tế Ukraine và quốc tế đang lo ngại khả năng bùng phát dịch bệnh bại liệt ở Ukraine là rất cao, đặc biệt đối với những trẻ không được vaccine bảo vệ. Bác sĩ Dorit Nitzan, lãnh đạo văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Ukraine, phát biểu: "Tình huống thật sự đáng báo động. Chúng ta nhìn thấy có khả năng bùng phát dịch bại liệt ở Ukraine. Mỗi ngày trôi qua không tiêm chủng cho trẻ em dẫn đến nguy cơ càng cao hơn và sẽ càng có thêm nhiều trẻ mắc bệnh".

Theo kế hoạch chiến dịch của chính quyền Ukraine, khoảng 5 triệu trẻ em sẽ được tiêm chủng bại liệt, và với trẻ dưới 6 tuổi sẽ được nhận 3 liều vaccine qua đường miệng - đây cũng là thách thức cho những quốc gia thiếu điều kiện. Trong khi đó, hiện nay Ukraine đang diễn ra cuộc nội chiến chống lại quân nổi dậy ở các khu vực miền Đông nước này đồng thời phải vật lộn với nền kinh tế suy thoái trầm trọng.

Ngoài ra, hệ thống y tế Ukraine đang suy sụp kéo theo nạn tham nhũng lan tràn. Các trường học yêu cầu trẻ phải được tiêm chủng mới được nhận vào học song các bậc cha mẹ sẵn sàng hối lộ để có được giấy chứng nhận giả từ bác sĩ. Hiện tại, giới chức chính quyền Ukraine không biết đích xác có bao nhiêu trẻ thật sự đã được tiêm chủng bại liệt. Do đó, chiến dịch tiêm chủng toàn quốc - bắt đầu vào cuối tháng 9 - có thể đối mặt với nhiều khó khăn và thậm chí có nguy cơ thất bại. Lúc đó, các chuyên gia y tế lo ngại virus sẽ vượt biên khỏi Ukraine mà tràn vào các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp ở châu Âu.

Bác sĩ Nitzan cho biết: "Nếu chúng ta hành động đúng lúc - tức từ 3 đến 6 tháng - thì trẻ em sẽ được cứu. Nhưng điều này đòi hỏi một nỗ lực tập trung và có sự lãnh đạo nghiêm túc. Nếu không, trẻ em Ukraina cũng như ở châu Âu sẽ gặp nguy cơ cao".

WHO và các tổ chức quốc tế khác đang kêu gọi Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố bệnh bại liệt là tình trạng khẩn cấp để phát động cuộc chiến chống virus. Ngay lúc này, Ukraine chỉ có sẵn khoảng 1/3 số vaccine bại liệt và đòi hỏi phải gấp rút mua thêm thuốc.

Bác sĩ Nitzan bày tỏ lo ngại: "Trẻ em Ukraine không được tiêm chủng ngừa bại liệt cũng như các bệnh khác. Chúng ta không có thời gian cho nên phải nói lên sự thật". Hai trường hợp trẻ bị bại liệt ở Ukraine - một bé 10 tháng tuổi và một trẻ 4 tuổi - đang báo động dịch bệnh có nguy cơ quay lại châu Âu sau khi bại liệt được kiểm soát vào năm 2010.

An An (tổng hợp)
.
.