Ứng dụng mới theo dõi con cái trên smartphone

Chủ Nhật, 12/07/2015, 20:10
Phụ huynh nên kiểm soát hành vi duyệt web trên smartphone của tuổi thiếu niên đến mức độ nào - đó là vấn đề đang gây tranh cãi về quyền riêng tư ở Hàn Quốc hiện nay. Phụ huynh có thể nhìn thấy con của họ xem những gì trên Internet và từ đó có thể chặn các trang “không được phép” bởi vì theo quy định mới của chính quyền, trẻ dưới 19 tuổi khi mua smartphone phải cài đặt một ứng dụng di động giám sát các hoạt động cá nhân. Nếu không tuân thủ, điện thoại sẽ không hoạt động.

Mặc dù trên thị trường có hơn chục ứng dụng thay thế song chính quyền Hàn Quốc vẫn cho phát triển ứng dụng giám sát riêng là Smart Sheriff (hay SmartCOP - Cảnh sát thông minh) khi Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) đánh giá rằng, trên đất nước của thương hiệu Samsung, người sử dụng thích hệ điều hành Android hơn Apple.

Ứng dụng Smart Sheriff là sản phẩm của Moiba được chính quyền tài trợ và phân phối miễn phí. Sau khi được cài đặt trên điện thoại của người dùng nhỏ tuổi, Smart Sheriff bắt đầu chặn một số ứng dụng và trang web đồng thời giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng hay lướt web.

Còn khi được cài đặt trên điện thoại của các phụ huynh, Smart Sheriff cho phép họ nhìn thấy hoạt động của con trẻ trên điện thoại, kiểm tra vị trí thiết bị di động bằng GPS, nhận cảnh báo khi một số từ khóa đặc biệt xuất hiện (như là: "tự sát", "mang thai", "quấy rối"…) để có biện pháp chặn các ứng dụng độc hại hay tắt điện thoại từ xa. Hiện nay, các cửa hàng bán điện thoại ở Hàn Quốc đều có bảng khuyến cáo: "Những người dùng smartphone trẻ tuổi chú ý phải cài đặt các ứng dụng chặn nội dung độc hại". Điều đó có nghĩa là người dùng dưới 19 tuổi sẽ không có sự lựa chọn độc lập.

Tuy nhiên, theo những người chỉ trích quy định, luật pháp vẫn có lỗ hổng bởi vì những người sử dụng iPhone (không dùng hệ điều hành Android) có thể dễ dàng "lách luật". Hơn nữa, việc này động chạm đến quyền tự do cá nhân! Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em cũng phải được phép lang thang trên không gian ảo - cũng giống như không gian thật - để học hỏi cách thích nghi với những khó khăn trong cuộc sống và tìm kiếm thú vui. Cho dù có nhiều khu vực trên Internet cần được cách ly với cuộc sống trẻ em nhưng chính cha mẹ mới có quyền quyết định dựng rào chắn kiểm soát chứ không phải chính quyền.

Kim Kha Yeun - luật sư thuộc tổ chức Open Net Korea, nơi đang làm đơn kiện quy định của chính quyền đến Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc - cho rằng: Các ứng dụng như thế cũng giống như lắp đặt camera theo dõi trên điện thoại của con trẻ. Open Net Korea cũng lo ngại danh sách các trang cấm do chính quyền áp đặt có thể được mở rộng theo yêu cầu từ giới chính khách vì lý do chính trị. Đây là truyền thống "gia trưởng" ở Hàn Quốc, trong khi có gần 80% trẻ từ 18 tuổi trở xuống sở hữu smartphone, và khoảng 72% học sinh tiểu học sử dụng smartphone năm 2013 - tăng 20% so với năm 2011!

Thiếu niên Hàn Quốc sử dụng smartphone tại nhà chờ xe buýt ở Seoul.

Ngoài Smart Sheriff còn có ít nhất 14 ứng dụng khác cho phép phụ huynh giám sát hoạt động online của con cái - thời gian sử dụng ứng dụng và những trang web nào được truy cập. Ở Hàn Quốc, các ứng dụng di động được tải xuống ít nhất 480.000 lượt/ngày và con số đang không ngừng tăng lên. Nhiều quốc gia khác trên thế giới có những công cụ lọc an toàn dành cho Internet song hiếm có nơi nào áp đặt bằng luật như ở Hàn Quốc.

Các chuyên gia an ninh mạng và các nhóm bảo vệ quyền riêng tư trên Internet cho rằng Samrt Sheriff của chính quyền Hàn Quốc đã vi phạm quá nhiều vào quyền riêng tư và tự do thể hiện cảm xúc. Thậm chí, một số còn cảnh báo điều đó sẽ làm sinh ra một thế hệ quen với sự giám sát mang tính xâm lấn.

Trước nỗi ám ảnh quốc gia về sự tác động mạnh mẽ của công nghệ đối với giới trẻ, chính quyền và phụ huynh nước này đưa ra nhiều sáng kiến nhằm hạn chế việc sử dụng thiết bị di động và Internet cũng như ngăn ngừa hoạt động chơi game vô độ của trẻ em.

Lee Chang-june - người làm việc trong ngành game trực tuyến trong gần một thập niên - cho biết ông tích cực kiểm soát smartphone của con trai và gia tăng đối thoại trong gia đình. Con trai ông chỉ chơi game trên thiết bị di động khoảng 2 giờ vào những buổi cuối tuần. Nếu muốn chơi thêm giờ thì cậu phải được sự đồng ý của cha mình. Lee trình bày: "Điều quan trọng là cha mẹ và con cái nên trò chuyện với nhau và cố gắng xây dựng sự nhất trí. Chính điều đó giúp cho con trẻ có thói quen tự kiểm soát".

Tuy nhiên, Kang Jeong-Soo - Giám đốc Viện Xã hội Kỹ thuật số - lo ngại sự can thiệp vào quyền riêng tư của giới trẻ có thể gây tác dụng ngược. Giới chuyên gia an ninh mạng như Ryu Jong-myeong - Giám đốc điều hành Công ty an ninh mạng SoTIS - cũng cảnh báo các ứng dụng di động có thể bị sử dụng sai mục đích và cài đặt vào điện thoại mà người dùng không biết để trở thành một "ứng dụng gián điệp chính thức".

Để tránh né những quy định của chính quyền, một số học sinh sẽ chờ đến khi 19 tuổi để mua điện thoại mới. Paik Hyunsuk, 17 tuổi, nói thẳng: "Em không mua điện thoại nữa. Vì quyền riêng tư bị vi phạm và tự do bị đè bẹp". Cho Jaehyun, một học sinh từng bị theo dõi qua Smartphone cho biết, em có được may mắn là cha mẹ đồng ý sẽ gỡ bỏ ứng dụng kiểm soát khi em vào cấp 3. Không phải bậc cha mẹ nào cũng đồng quan điểm với nhau.

Park Choel-hee, cha của đứa con gái 10 tuổi, phát biểu: "Một số quan chức chính quyền tùy tiện ấn định những trang web độc hại và đơn phương ngăn chặn mang tính cưỡng bức. Họ đã tước đoạt quyền của người dùng Internet”. Oark mua cho cô con gái chiếc smartphone thứ 2 để không để lộ thông tin cá nhân cho nhà mạng di động và ông cảm thấy khó chịu khi con mình lớn lên trong một xã hội đầy rẫy những con mắt gián điệp.

An An (tổng hợp)
.
.