Kinh hoàng những pha chữa bệnh bằng... Internet

Thứ Sáu, 11/09/2015, 11:20
Từ khi mạng Internet trở nên phổ biến và điện thoại thông minh ngày càng rẻ hơn thì việc "online" ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào là việc nằm trong tầm tay của rất nhiều người.

Tuy nhiên, mạng Internet lại là con dao hai lưỡi. Bên cạnh những thông tin bổ ích thì lắm khi nó lại "giúp" người ta… chết nhanh hơn, nhất là trong lĩnh vực y học bằng những hướng dẫn chữa bệnh rất tào lao và vô cùng nguy hiểm. Giới bác sĩ gọi đó là "Y học truyền khẩu" hay "Y học không bằng chứng"…

Chết vì tin vào "internet"

"… Bệnh nhân tên K., 53 tuổi, quê ở Vĩnh Long, lên Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy để khám với lý do kém ăn, mệt mỏi, sụt cân…", bác sĩ (BS) Tiến, Khoa Viêm gan, BV Chợ Rẫy mở đầu câu chuyện nói về mạng Internet và những cách chữa bệnh tào lao: "Do được một người quen gửi gắm nên lúc gặp tôi rồi sau khi cho làm các xét nghiệm cần thiết, tôi giải thích cho ổng biết là ông bị viêm gan siêu vi C. Việc điều trị có thể tiến hành bằng cách kết hợp thuốc tiêm, thuốc uống, đúng liều lượng, đủ thời gian thì khả năng lành bệnh là rất lớn…".

Sau khi nghe BS Tiến giải thích, ông K. xin về để sắp xếp việc gia đình rồi vài bữa sẽ lên. BS Tiến nói: "Nhưng rồi 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng trôi qua, vẫn chẳng thấy mặt ổng đâu hết. Mãi tới… 6 tháng sau, ổng mới xuất hiện nhưng lần này thì ổng nằm trên băng ca, đẩy vô Khoa Cấp cứu. Lúc tôi xuống hội chẩn thì ổng đã suy kiệt trầm trọng, bụng trướng nước và nguy hiểm hơn cả là trong gan đã xuất hiện một khối u".

Lở loét vì hội chứng Stevens Johnson do uống thuốc truyền khẩu.

Theo lời vợ ông K. thì lúc từ BV Chợ Rẫy về, ổng lên mạng Internet tìm hiểu về bệnh viêm gan siêu vi C: "Vài bữa sau, ổng kêu tui đưa ổng 12.500.000 đồng để ổng gửi mua nửa ký nấm Linh Chi. Ổng nói thứ này trị viêm gan hay lắm, ung thư gan nó cũng chữa lành. Nhiều người bịnh còn nặng hơn ổng rồi sau khi khỏi, họ lên mạng giới thiệu vị thuốc quý, chỉ chỗ mua. Có bệnh thì vái tứ phương, tui chạy vạy kiếm đủ tiền đưa ổng…".

Mua được nửa ký nấm Linh Chi, ông K. nấu lấy nước uống theo như chỉ dẫn trên mạng. Tháng đầu tiên, sức khỏe ông cải thiện thấy rõ (nhưng theo các chuyên gia tâm lý bệnh học, thì do niềm tin mãnh liệt vào "thần dược" nên cơ thể tự tăng sức đề kháng). Vậy là ông kêu vợ bán bớt mảnh vườn lấy tiền để mua về uống tiếp nhưng đâu có rẻ, mỗi ký Linh Chi được quảng cáo là "nấm thiên nhiên" giá 25 triệu đồng và phải gửi tiền ra ngoài một tỉnh miền Trung mới có.

Vậy mà đến tháng thứ 4 kể từ lúc uống "thần dược Linh Chi", cơ thể ông K. càng lúc càng suy kiệt, bụng bắt đầu trướng. Lên mạng (lại lên mạng!), ông thấy người ta quảng cáo "cây nở ngày đất" với những tính năng trị bệnh vô song, trong đó "ông A ở huyện Bình Chánh, TP HCM viêm gan giai đoạn cuối, bác sĩ chê, kêu người nhà đem về chuẩn bị hậu sự nhưng sau khi uống "cây nở ngày đất" được 2 tuần, ông A bỗng ngồi dậy, đi lại bình thường, bụng xẹp, cơm ăn bữa nào cũng 4, 5 chén…" thì ông giục vợ mau mau tìm mua cho ông.

Một lần nữa, bà vợ lại tất tả lên TP HCM, đến địa chỉ mà ông nói, mua cho ông một bó "cây nở ngày đất", trông như bó củi. BS Tiến nói: "Gần cuối tháng thứ 6, thấy ổng càng ngày càng nặng, hôn mê kéo dài nên gia đình vội đưa ổng lên BV Chợ Rẫy. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, chúng tôi biết là không còn hy vọng gì nhưng vẫn tích cực điều trị cho ổng. Nằm được gần một tuần, nhắm không xong nên gia đình xin về và nghe rằng mấy bữa sau ổng mất".

Có thể nói, kể từ khi mạng Internet trở nên phổ biến và điện thoại thông minh ngày càng rẻ hơn thì việc "online" ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào là việc nằm trong tầm tay của rất nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, mạng Internet còn là con dao hai lưỡi, nhất là trong lĩnh vực Y học. Chả thế mà trong những trang web chính thống của các bệnh viện, các trường Y hay các bác sĩ, không trang nào hướng dẫn người đọc cách chữa bệnh bằng những loại thuốc này, thuốc kia mà họ chỉ cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh tật, các triệu chứng và những biến chứng có thể xảy ra.

Ngược lại, trên một số trang web khác, có thể đọc thấy 1.001 cách chữa bệnh với những lời quảng cáo rất thần sầu: "Điều mà các bác sĩ thời nay vô cùng thán phục là thảo dược chữa khỏi cả các bệnh ung thư ở giai đoạn trễ một cách bách phát, bách trúng, rất hay, mà chỉ với một phương pháp uống và đắp thảo dược để khối u tự hủy chứ không tác động vào khối u, không châm chích, mổ xẻ, không gây hại và không làm người bệnh đau đớn..," (trích nguyên văn từ trang web V.P). Tuy nhiên, số người chết vì những lời quảng cáo ấy hoặc chết vì mắc bệnh nan y nhưng không điều trị bằng những phương pháp chính thống, mà chết vì "y học truyền khẩu", "y học Internet"  thì lại chẳng thấy trang web nào nói đến!

Cũng bởi tin vào những lời quảng cáo "có cánh" theo kiểu này mà bà D., 49 tuổi, một tiểu thương ở chợ Cây Da Xà, quận Bình Tân, TP HCM đã thành người thiên cổ chỉ sau 4 tháng.

Theo BS Đương, BV Phạm Ngọc Thạch thì bà nhập viện vì nghi ngờ ung thư phổi. Trong thời gian chờ theo dõi, làm các xét nghiệm cần thiết, bà hỏi thăm mấy bệnh nhân nằm chung phòng rồi được biết là nếu ung thư thì sẽ phải mổ, phải vô hóa chất. Nhìn những người đồng cảnh ngộ đầu tóc trọc lốc, thân thể gầy còm, nước da xanh tái vì tác dụng phụ của thuốc diệt tế bào ung thư, bà ăn không ngon, ngủ không yên khi nghĩ đến một ngày gần đây, bà cũng sẽ y như vậy.

Một bữa, mấy người bạn cùng buôn bán với bà vào thăm bà. Trong lúc trò chuyện, có người nói đã là ung thư thì không nên đụng vào "dao kéo" vì nó sẽ làm cho "cái cục ung thư lan đi nhanh hơn". Tiếp theo, người này mở iPad, vào mạng Internet cho bà xem phương pháp trị ung thư bằng cách ăn gạo lứt muối mè với những dẫn chứng rất cụ thể nhưng cũng rất tù mù, rằng ông B. ở Hà Nội bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, ăn gạo lứt muối mè trong 3 tháng khối u bay mất luôn. Bà B ở Sóc Trăng, ung thư phổi, bác sĩ chê, ăn gạo lứt muối mè 4 tháng, bây giờ hát karaoke khỏe còn hơn ca sĩ (?!)

Chẳng hiểu những thông tin ấy tác động đến bà D. tới mức nào nhưng sáng hôm sau, bác sĩ vừa đến khám xong thì bà xin xuất viện. BS Đương nói: "Chúng tôi cố gắng giải thích, động viên, rằng bệnh lý của bà mới chỉ ở giai đoạn đầu, phát hiện sớm nên cơ may chữa lành rất cao nhưng bà vẫn cứ nhất định đòi về, còn không cho về thì bà tự về".

Cuối cùng, BV đành phải cho bà về. BS Đương nói tiếp: "Đâu chừng 4 tháng, một bữa đi làm ngang qua đường Bình Long, Lê Văn Quới, tôi thấy một đám ma, chắc là đưa ra lò thiêu Bình Hưng Hòa. Nép vào lề để nhường đường, tôi nhìn lên chiếc xe tang thì bất ngờ thấy hình bả đặt ngay trước quan tài. Phải chi hồi đó bả nghe lời anh em tụi tôi, ở lại BV thì chắc đâu đến nỗi “ra đi ngoài dự kiến…”.”

Phẫu thuật khối u là một phẫu thuật khó khăn, phức tạp và đòi hỏi rất nhiều thời gian lẫn công sức của bác sĩ.

Tai hại "y học" truyền khẩu

Như chúng tôi vừa nói ở trên, nhiều trang web hướng dẫn cho người ta tự chữa bệnh bằng loại "thần dược" này, "tiên dược" kia một cách vô tội vạ nên lúc trao đổi với một số bác sĩ ở BV Chợ Rẫy, Bình Dân, BV Ung bướu…, các bác sĩ này cho biết đã có khá nhiều người oan mạng, chẳng hạn như ung thư vú mà đắp lá đu đủ, gãy xương hở bó bằng gà, ung thư dạ dày chữa bằng cách… nhịn đói 60 ngày, hoặc được người quen, bè bạn "kê toa" cho mua thuốc Tây với lập luận "bệnh anh giống bệnh tôi, tôi uống lành thì anh uống cũng lành (?!)".

Đầu năm 2014, bệnh nhân N., 14 tuổi, ở quận 3, TP HCM được đưa vào BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốt cao, nổi ban ở da, kết mạc mắt viêm đỏ. Hỏi về tiền sử, N. cho biết trước đó 2 ngày, em bị sốt, ho, sổ mũi nên nghe theo lời chỉ dẫn của bạn bè, em tự ra tiệm mua thuốc Tây về uống.

Sau khi uống xong khoảng 6 tiếng, trên mặt và trên người N. xuất hiện những vệt màu hồng nên gia đình đưa N. vào bệnh viện. Tại đây, N. vẫn bị sốt cao, tổn thương hồng ban trên da lan rộng khắp toàn thân, niêm mạc môi miệng lở loét, đau họng, khó nuốt, tiết dịch ở niêm mạc mũi, kết mạc mắt, tiết dịch đường tiết niệu, hậu môn…

Qua chẩn đoán, các bác sĩ xác định N. đã gặp phải hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc (Stevens-Johnson là tên của hai bác sĩ đầu tiên mô tả bệnh lý này).

BS Huy, BV Nhi Đồng 1 kể lại: "Sau hơn 3 tuần điều trị tích cực tại phòng cách ly ở Khoa Phỏng để tránh bị nhiễm trùng thêm, bệnh nhân dần dần tỉnh táo, ăn uống được, da, niêm mạc bớt tổn thương, đang trong quá trình hồi phục".

Cũng bị hội chứng Stevens Johnson nhưng bà T. lại không may mắn như em N. Bị viêm họng, bà nghe theo lời một bà hàng xóm, rằng "bữa trước tui cũng bị y như chị. Ra tiệm thuốc Tây, mấy cô bán thuốc bán cho tui 4 thứ này, về uống là hết liền".

4 thứ thuốc mà bà hàng xóm chỉ cho bà N. gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc hạ sốt và thuốc ho. Mua về xong, bà uống ngay một liều nhưng chỉ vài tiếng, hết viêm họng đâu chưa thấy, chỉ thấy bà lên cơn sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, đau mắt…

Tưởng là thuốc chưa "ép phê", đến tối, trước khi ngủ bà "chơi" thêm một liều nữa. Ngày hôm sau, trên da bà xuất hiện những mụn nước, bọng nước. Lúc những bọng nước ấy vỡ ra, da bà lột từng mảng, nhìn như con tôm luộc. Khi gia đình đưa bà vào BV Chợ Rẫy thì bà đã hôn mê. Các kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị loạn nhịp tim, viêm màng cơ tim, nhiễm khuẩn huyết… Bà "đi" sau đó một ngày.

Mặc dù các chuyên gia Y học đã khẳng định lá đu đủ không chữa được ung thư, nhưng nhiều người bệnh vẫn dùng vì tin vào… internet.

Theo Tiến sĩ Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, thì "Không thể nói dùng thuốc theo kiểu truyền khẩu thì không có tác dụng điều trị. Nhưng điều quan trọng là cho đến nay, vẫn chưa hề có bằng chứng y học nào chứng minh rằng chúng có hiệu quả hay không. Vì vậy, chữa bệnh theo kiểu "thuốc truyền khẩu" sẽ dẫn đến những ngộ nhận và hậu quả đáng tiếc mà như nấm Linh Chi chẳng hạn, nó chỉ có tác dụng bồi bổ, nâng cao thể trạng, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, góp phần hỗ trợ cho việc điều trị một số bệnh chứ bản thân nó hoàn toàn không chữa được bệnh ung thư như những lời quảng cáo trên mạng".

Thực tế cho thấy những trường hợp thập tử nhất sinh vì bệnh nan y nhưng sau một thời gian chữa bằng cây này rễ nọ, người bệnh đột nhiên khỏe lại nhưng đó là những trường hợp cực kỳ hiếm, và hầu như không hề có một hồ sơ bệnh án nào khả dĩ chứng minh được rằng họ lành bệnh là nhờ "thần dược".

BS Tiến nói: "Có bệnh nhân sau một thời gian điều trị viêm gan siêu vi thì tự ý bỏ cuộc, một phần vì hoàn cảnh kinh tế, phần nữa là nghe theo lời truyền khẩu của người quen, rằng trị bằng củ này, rễ kia hay hơn. Thế rồi họ lành nên họ tin rằng họ lành nhờ rễ, nhờ củ chứ không nghĩ là virus gây viêm gan đã bị ức chế bởi những loại thuốc Tây mà họ đã dùng trước đó".

Vì thế, khi mà "y học truyền khẩu" đã được nâng cấp lên thành "y học Internet" thì người bệnh cần biết tự bảo vệ mình bằng cách đến ngay những cơ sở y tế khi thấy xuất hiện những triệu chứng, những dấu hiệu bất thường chứ đừng đặt toàn bộ niềm tin vào "cây nọ, củ kia…" ngoại trừ những loại cây củ đã được kiểm nghiệm và áp dụng thực tế lâm sàng...

Vũ Cao
.
.