Giao lưu văn hóa thời Hùng Vương

Thứ Tư, 15/04/2009, 07:40
Có lẽ rất ít dân tộc trên thế giới có chung một ngày giỗ Tổ, trong đó có người Việt Nam chúng ta, lấy ngày 10 tháng 3, con dân nước Việt hành hương về Đền Hùng thăm lăng vua Hùng. Công lao chọn ngày giỗ chung đó thuộc về triều Nguyễn. Tấm bia trên Đền Thượng trong quần thể Đền Hùng đã ghi rõ; năm Khải Định thứ 8, tức năm 1923, Vua Nguyễn lệnh cho bộ Lễ chuẩn định ngày tế lễ có tầm quốc gia là 10 tháng 3 để cho “nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái”.

Nhưng trước khi có lệnh Vua, từ lâu dân quanh Đền Hùng đã tổ chức ngày hội lễ Đền Hùng kéo dài từ ngày mùng 7 đến hết ngày 17 tháng 3 âm lịch. Trước nữa, có thể lễ hội tưởng nhớ các Vua Hùng được tổ chức vào mùa thu, như văn bia Đền Hùng còn ghi lại, cũng là mùa lễ hội mừng cơm mới của người Việt xa xưa.

Bóc tách những lớp văn hóa trải qua nhiều thời gian, mới thấy được cái cội nguồn văn hóa thấm sâu trong tâm thức người Việt mà một trong những nét đẹp nhất là tục thờ cúng tổ tiên, tổ của một dòng họ cũng như của cả nước. Quanh ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh nơi có Đền Hùng, khảo cổ học đã tìm được chiếc trống đồng Hy Cương thuộc loại kích thước lớn ngay trong lòng đất chân núi.

Có thể trống thuộc quyền của Vua Hùng chăng, nếu không cũng của một thủ lĩnh Lạc Hầu, Lạc Tướng nào đó, mà sử cũ còn chép lại những người sở hữu nhiều trống đẹp, có thể “tiếm hiệu, xưng vương”.

Cũng ngay tại Đền Hùng, các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm thấy dấu vết của kiến trúc tôn giáo thời Lý Trần. Tức là ngay từ cách đây gần 1.000 năm, núi này đã là núi thiêng của cả một vùng. Các chứng cứ vật chất lại càng cho thấy truyền thuyết thời Hùng Vương về một vùng đất Tổ cũng có được cái cốt lõi lịch sử nhất định.

Nước Văn Lang theo sử cũ chép lại có 15 “bộ”. Lần theo địa danh các “bộ”, các nhà khảo cổ đã phân định được các trung tâm kinh tế chính trị của thời Hùng Vương, ít ra đã phân định được 11 trung tâm như vậy chủ yếu ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Các trung tâm đều ở các vị trí đắc địa như ngã ba sông, châu thổ màu mỡ thuận cho nông nghiệp cũng như giao thương, trải dài từ khu vực Lào Cai, xuôi sông Hồng đến ngã ba sông Việt Trì, đến vùng Cổ Loa. Một số trung tâm còn có ở vùng ngã ba sông Mã, sông Chu (Thanh Hóa) hay ở vùng ven sông Hiếu, sông Lam (Nghệ An). Bước đầu với những tài liệu khảo cổ có thể hoạch định được vị trí các “bộ” chủ yếu và cả địa bàn chủ yếu của Nhà nước Văn Lang.

Người thời Hùng Vương có đời sống ra sao? Phải chăng họ chỉ là những người có trình độ làm nông dựa theo lối “đao canh hỏa chủng”, đốt lửa, chọc lỗ gieo hạt như sách “Lĩnh Nam Chích Quái” nói đến? Thực ra, với những bằng chứng khảo cổ đã cho thấy cách làm nông nghiệp đã khá cao của cư dân Hùng Vương: đã biết cày bằng lưỡi cày đồng, gặt bằng liềm đồng.

Ngoài việc trồng lúa tẻ, họ còn biết trồng lúa nếp (tìm được mảnh chõ để đồ xôi). Lúa nếp cũng là nguyên liệu để làm bánh chưng và bánh giầy mà truyền thuyết nói đến. Chỉ từ một góc độ ẩm thực mà truyền thuyết, thư tịch đã quyện vào nhau nói về Hoàng tử Lang Liêu dâng bánh cho nhà vua mà nay lại được chứng minh bằng các vật chứng không thể phủ nhận được như những mảnh chõ đồ gạo nếp bằng gốm.

Thế mới biết, ít dân tộc nào trên thế giới lưu giữ được sự tích về thời lập nước chỉ qua những câu chuyện truyền từ đời nọ sang đời kia quanh bếp lửa bập bùng mà giàu yếu tố trữ tình và có sức sống dai dẳng vài ngàn năm, nay lại được kiểm nghiệm bằng những bằng chứng khoa học.

Những trống đồng của cư dân Hùng Vương tìm được trên đảo Ja Va của Indonesia: trống Tjiandjur, Semarang và Banjumas.

Người thời Hùng Vương cũng là người đánh cá thành thạo, nhiều chì lưới và lưỡi câu đồng tìm được. Cũng là những người làm các nghề thủ công giỏi như làm gốm, đóng thuyền, dựng nhà sàn, khoan mài đồ ngọc làm vòng tay, khuyên tai. Họ còn biết đến buôn bán với cách trao đổi hàng hóa (tìm được quả cân bằng đồng).

Nhưng giỏi giang hơn hết, người thời Hùng Vương thể hiện ở việc đúc đồng. Nhiều trống đồng Đông Sơn được đúc với trình độ cao mà ngay cả bây giờ cũng vẫn còn là bí quyết mà không thợ đúc làng nghề nào có thể sánh được.

Các nhà khoa học ngạc nhiên, khi phân tích thành phần đồ đồng và thấy rằng người thời này đã biết cách pha chế đến... 12 loại hợp kim mà chủ yếu là hợp kim có 3 thành phần: đồng, chì, thiếc, để cho ra những sản phẩm tuyệt vời như trống, thạp, âu, bình, các loại vũ khí và đồ trang sức.

Đương nhiên sự pha chế hợp kim của họ chỉ là kinh nghiệm, cũng như việc làm khuôn đúc, nấu chảy đồng... cũng dựa vào kinh nghiệm, nhưng đã đạt đến sự hoàn thiện tối đa trong công nghệ đúc. Với sản phẩm trống Đông Sơn, người Việt luôn luôn có quyền tự hào rằng họ đã là một trong những người đúc đồng giỏi nhất đương thời.--PageBreak--

Người xưa cũng không còn ở giai đoạn mặc áo vỏ cây như thư tịch chép mà đã biết mặc đẹp. Khảo cổ học tìm được dọi xe chỉ để dệt quần áo, dấu tích vải trong di tích được phân tích và cho thấy thuộc loại vải dệt từ sợi gai. Tượng người trên cán dao găm cũng cho biết họ đã mặc váy và đóng khố.

Hình ảnh một vũ công thời xưa cũng được các nhà khảo cổ dựng lại với cách đeo ở cổ chân, dọc hai cánh tay rất nhiều vòng ống có gắn hơn 100 chiếc nhạc đồng, để vừa múa nhảy vừa rung lắc các nhạc đồng vui tai.

Khi đi tìm vị trí của kinh đô Văn Lang, các nhà khảo cổ lại thêm một lần ngạc nhiên về sự tương đồng giữa truyền thuyết và di tích khảo cổ. Tương truyền kinh đô cũ của Vua Hùng ở vào khoảng phía sau sân chùa Hoa Long, nơi giao nhau giữa dòng sông Hồng và sông Lô ở thành phố Việt Trì.

Nhiều sách sử còn ghi như vậy. Thì ngay gần đấy, chỉ cách hơn 1 km, khảo cổ học lại phát hiện ra một khu mộ táng rất hoành tráng có tên gọi là Làng Cả. Với tầm cỡ của Làng Cả, ở ngay ngã ba sông, niên đại được phân tích bằng phương pháp cácbon phóng xạ cho thấy kết quả 285 năm trước Công nguyên, hoàn toàn nằm trong giai đoạn cuối của thời Hùng Vương, đã cho phép các nhà khoa học nghĩ rằng kinh đô Văn Lang ở đâu đó quanh khu mộ này.

Đương nhiên, kinh đô của một nhà nước sơ khai thời đó không thể có dạng thành quách lớn như các thời kỳ sau này, nhưng tất phải là một trung tâm kinh tế xã hội lớn nhất vùng mà với các tài liệu cập nhật, không thể còn nơi nào khác hơn là khu vực Làng Cả.

Nước Văn Lang thời Hùng Vương bấy giờ thuộc dạng một nhà nước sơ khai, nhưng đã khá nổi bật trong bối cảnh khu vực thời đó. Đó là một dạng nhà nước sớm nhất ở vùng Đông Nam Á và nam Trung Quốc. Cũng lại là một nhà nước đông dân nhất bấy giờ, dân số đông gấp chục lần dân số của Nhà nước Điền Việt ở Vân Nam và gấp rưỡi Nhà nước Nam Việt ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Dựa vào chứng tích sự có mặt của trống đồng Đông Sơn ở nhiều vùng đất xa xôi (Về phía bắc, trống đồng Đông Sơn có mặt xa nhất tại khu mộ Thượng Mã Sơn ở tỉnh Chiết Giang, lưu vực sông Trường Giang, Trung Quốc. Về phía nam, trống có mặt xa nhất ở vùng quần đảo Indonesia.

Về phía tây, có mặt xa nhất ở vùng bán đảo Malaysia), các nhà khảo cổ đã chứng minh được Nhà nước Văn Lang và ngay cả Nhà nước Âu Lạc kế tục sau đó đã có những mối quan hệ rộng mở đáng nể trong khu vực thời bấy giờ: có những quan hệ với các dạng nhà nước sơ khai cùng thời như Điền Việt, Nam Việt, Mân Việt... trong khối Bách Việt phía nam sông Trường Giang.

Bên cạnh đó, với những dấu tích khảo cổ đã cho thấy Nhà nước Văn Lang còn có những mối liên hệ với nhiều nhóm cư dân khắp vùng Đông Nam Á như ở Lào, Campuchia, Thái Lan...

Trống đồng Đông Sơn như những sứ giả của Nhà nước Văn Lang đến khắp vùng lân bang như vậy đã cho thấy người Việt khi đó đã là một dân tộc biết cách “mở cửa” với thế giới bên ngoài, nhất là bằng con đường biển, giỏi giao lưu chứ không đóng kín.

Cũng cần lưu ý đến luận điểm của học giả H. Loof khi nghiên cứu về trống đồng đã cho rằng: trống Đông Sơn là một biểu tượng quyền lực, biểu trưng cho sự công nhận chính thức các thủ lĩnh gần giống như một loại vương miện hay vương trượng mà ở một nơi nào đó phía bắc Việt Nam đã phải có một trung tâm nghi lễ, nơi đóng đô của một tổ chức quyền lực ban phát đi những biểu tượng đó giống như các giáo hoàng xưa kia chăng?

Những đoàn sứ giả từ xa đến đây để nhận lấy một chiếc trống mà có được chiếc trống đó, lãnh tụ bộ lạc địa phương sẽ trở thành một dạng vua chính thống. Luận điểm này cũng được một số học giả nước ngoài ủng hộ.

Dẫu còn phải có nhiều tư liệu khảo cổ chứng minh, nhưng ít ra, cũng cho thấy sự đánh giá cao tầm cỡ văn minh của người Việt cổ của các học giả nước ngoài khi so sánh với các khu vực lân bang đương thời.

Có thể nói thời Hùng Vương là một mốc son trong lịch sử dân tộc. Một nhà nước sơ khai được thành hình, những cộng đồng người lần đầu được quần tụ thành dân tộc.

Người Việt có quyền tự hào rằng qua nhiều khúc quanh chìm nổi của lịch sử đã là dân tộc duy nhất không bị đồng hóa, đủ bản lĩnh để tồn tại trong lúc mà nhiều cộng đồng người khác cùng trong một khối Bách Việt đã bị đồng hóa triệt để

PGS.TS Trịnh Sinh
.
.