Cảm nhận về sự sống trong bộ phim "Hot boy nổi loạn":

Những cựa quậy số phận giữa ao tù nhân gian

Thứ Bảy, 26/11/2011, 11:01
Ám ảnh về số phận con người là ám ảnh muôn đời trong nghệ thuật. Tác giả  bộ phim "Hot boy nổi loạn" - Vũ Ngọc Đãng xây dựng kịch bản của mình trên nỗi ám ảnh muôn đời đó. Nhưng khi số phận con người nghiêng xuống những mảnh hiện thực trần trụi về một Sài Gòn "ổ chuột", những cá thể thấp hèn, nhơ nhuốc thì nó - cái ám ảnh  số phận kia vẫn gợi lên những cựa quậy mới mẻ trong lòng người: Một thoáng tin yêu, một thoáng ngậm ngùi, một thoáng bồn chồn hy vọng, một thoáng ê chề, xót xa…

Vẻ đẹp sâu kín trong mảnh đời mạt hạng

Lam - nhân vật chính trong phim là một tên đĩ đực chuyên nghiệp. Còn cô gái điếm (do nữ ca sĩ Phương Thanh thủ vai) thậm chí là một cô điếm hết đát, phải tìm cơ hội sống trên những vỉa hè tăm tối. Đấy rõ ràng là những con người mạt hạng, khốn cùng nhất của sự sống này. Thế nhưng trong thẳm sâu tâm hồn  những con người mạt hạng, khốn cùng ấy vẫn le lói những vẻ đẹp riêng.

Lam cùng người yêu đồng tính của mình đã lừa tiền một cậu trai tên Khôi mới ở quê lên  phố. Nhưng khi vô tình nhìn thấy Khôi nằm chỏng chơ với cái chân thương tật ở một xóm chợ tồi tàn thì Lam đã mủi lòng. Lam quyết định trả lại Khôi những đồng tiền mình lừa trước đó và mọi thứ lẽ ra chỉ dừng lại ở đó rồi thôi. Nhưng khi chợt thấy rằng Khôi cũng giống hệt mình của cái hồi mới từ quê lên phố ngày xưa: bơ vơ, lạc lõng, đói khổ, và khi chợt nhận ra kể từ ngày chia tay tên người yêu đểu cáng, mình cũng đang sống độc thân trong sự cô đơn bủa vây thì Lam quyết định rủ Khôi về ở cùng. Sự đụng chạm giữa Lam với Khôi thoạt tiên chỉ là sản phẩm của một thứ hỗn hợp cảm xúc giữa tình thương và sự cô đơn. Nó tuyệt nhiên không phải tình yêu. Ngay cả nụ hôn đầu tiên mà Lam "dành cho" Khôi cũng là một nụ hôn trấn áp, khi Khôi đang bừng bừng tức giận vì đối diện với kẻ đã lừa gạt mình, chứ không phải là nụ hôn của những xúc cảm yêu đương thuần khiết. Nhưng khi hai tâm hồn đồng tính chung sống dưới một mái nhà, cùng thấu hiểu về cái thân phận lạc loài khốn khó của nhau thì tình cảm dần dần nảy sinh. Và thế là từ chỗ xưng "mày - tao", họ đã xưng "Lam - Khôi", rồi xưng "anh - em" từ lúc nào không biết.

Nếu tình cảm của Lam - Khôi là một thứ tình yêu đúng nghĩa thì tình cảm của cô gái điếm hết đát với một tên khờ (do Hiếu Hiền thủ vai) không phải tình yêu. Cô gái điếm thoạt tiên khó chịu với cái tên điên điên khùng khùng cứ đến ngồi gần mình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc "bắt khách" của mình.  Cô đuổi đánh tên khờ một cách bản năng không thương tiếc. Nhưng khi tên khờ mang cho cô một chiếc ô giữa một đêm mưa gió rồi thông báo với cô về việc mình đang ấp một quả trứng thành con thì cô lại "bắt" được những sự đồng cảm đầu tiên. Cầm quả trứng cô nhớ lại câu chuyện về đàn vịt - quả trứng, gắn liền với một tuổi thơ dữ dội ở quê mình. Cô chỉ cho anh khờ cách ấp trứng sao cho hiệu quả.

Gã khờ ôm ấp, nâng niu quả trứng như một báu vật, rồi khao khát chờ ngày trứng nở thành con. Cuối cùng thì ngày ấy cũng đến - ngày mà gã nằm trên chiếc ghe bẩn thỉu giữa một đoạn sông đen ngòm nhơ nhuốc, ngày mà từ quả trứng, một con vịt bé bỏng với bộ lông vàng tơ mượt mà chính thức xuất hiện. Nhìn quá trình con vịt từ từ thoát thai khỏi vỏ trứng, gã khờ cười hạnh phúc rồi lại khóc nấc lên vì sung sướng.  Một mầm sống mới xuất hiện trên bàn tay của một gã khờ, ở một con thuyền bẩn thỉu, giữa một dòng sông hôi tanh - đấy chính là một dụng ý nghệ thuật mang tính triết lý sâu sắc của tác giả bộ phim. Nó như muốn nói rằng: Những mầm sống đầu tiên cùng vẻ đẹp tươi trong của nó vẫn có thể hiện sinh  ngay ở những nơi khốn cùng bi đát nhất. Nó cũng tựa như một tình yêu trong ngần thánh thiện đã bất ngờ hiện hữu trong trái tim một tên đĩ đực, hay những xúc cảm về sự sẻ chia, về tình yêu thương con người đã bất ngờ hiện hữu trong tâm hồn một cô điếm rẻ tiền.

Cuộc chiến giữa cái đẹp và cái bẩn thỉu

Lam yêu Khôi thật lòng, và sẵn sàng cầm dao đâm thẳng vào cơ thể người tình cũ khi kẻ đểu cáng này đe dọa tình yêu của mình. Cô gái điếm đồng cảm với hạnh phúc của tên khờ khi hắn ấp được quả trứng thành con, nên đã sẵn sàng cầm dao đe dọa mụ tú bà khi mụ đánh đập rồi lấy con vịt từ tay gã. Tuy nhiên, sau cái khoảnh khắc cầm dao "chiến đấu" với mụ tú bà để bảo vệ thằng khờ và con vịt bé bỏng - một báu vật trong tay thằng khờ thì cô điếm rốt cuộc vẫn giơ hai tay lên đầu, chấp nhận để mụ đánh một trận đòn nhừ tử. Lam cũng thế thôi, sau cái khoảnh khắc chiến đấu tất cả để bảo vệ tình yêu của mình Lam lại phải đối diện với cái thực tế phũ phàng của một thằng đĩ - một kẻ chỉ biết bán thân xác kiếm cơm. Cuộc đấu tranh dữ dội và đầy giằng xé giữa cái đẹp với cái bẩn thỉu, giữa một tình yêu trác tuyệt mới  nhen nhóm với mảnh hiện thực bần hàn, bệnh hoạn bắt đầu từ đây.

Trong cuộc chiến ấy Khôi - người yêu của Lam - đã làm mọi cách để kéo Lam thoát khỏi cái hiện thực nhớp nhúa mà bấy lâu nay Lam đã dấn thân vào. Khôi thuyết phục Lam: "Con người sinh ra, không ai có quyền chọn lựa giới tính của mình, nhưng người ta phải chọn lựa cách sống với cái giới tính mà mình có". Khôi thậm chí còn cất công xin việc cho Lam. Nhưng tất cả những gì Khôi làm đã bị Lam "bẻ" lại bằng một lời ngụy biện sắc sảo: "Hãy đơn giản coi làm đĩ là một nghề, như bao nghề khác. Người ta có thể bỏ tiền ra mua thể xác anh, chứ không thể chạm vào trái tim anh - nơi đã dành trọn cho em rồi". Dĩ nhiên một chàng trai mạnh mẽ, giàu năng lượng như Khôi không chấp nhận một sự ngụy biện như thế. Và vì thế Khôi đã cố tình "đứng đường", cố tình làm đĩ ngay trước mặt Lam nhằm giúp Lam thấy được cái cảm giác ê chề xót xa của một kẻ đêm đêm nằm đợi người yêu của mình đi "làm đĩ" trở về. Đêm ấy là đêm Lam khóc - những giọt nước mắt của ghen tuông, của uất hận, của cay đắng, ngậm ngùi. Nhưng những giọt nước mắt thức tỉnh trong khoảnh khắc ấy không giúp Lam thức tỉnh cả một cuộc đời.

Trong cái buổi sáng định mệnh ngồi bên nhau, khi Khôi hỏi "Anh yêu em thật không?", Lam trả lời là "thật". Nhưng khi Khôi hỏi rằng tình yêu đó có lâu dài, vĩnh cửu không, thì câu trả lời của Lam là "không". Lam bảo, tình yêu trong giới gay không bao giờ vĩnh cửu cả, vì thế Lam yêu nhưng đồng thời cũng lường trước được sự kết thúc của tình yêu. Cũng như vậy, bây giờ nếu Lam có vì Khôi mà không làm đĩ nữa thì sau khi chia tay Khôi, Lam sẽ trở lại làm đĩ mà thôi. Đến đây thì giằng xé được đẩy tới cao trào, không còn cách nào khác, Khôi nuốt nước mắt ra đi, để lại trong Lam cả một khoảng trời tan vỡ.

Chẳng dễ gì có được tình yêu nên khi đánh mất tình yêu Lam cũng chẳng dễ gì chấp nhận. Lam muốn kiếm thật nhiều tiền để có thể quay trở lại với Khôi, nhưng thói quen gần như là bản năng đã khiến Lam kiếm tiền bất chính. Lam vừa làm đĩ, vừa đồng thời trấn lột của cải, tiền bạc, mà không ngờ rằng đã có ngày mình bị trả thù, rồi bị đánh đập cho tới chết. Rõ ràng là Lam đã có được một tình yêu, đã có được một cứu tinh của cuộc đời - là Khôi, nhưng Lam lại không dám chiến đấu tới cùng để bảo vệ tình yêu và thoát thân khỏi cái thế giới nhơ nhuốc mình đã dấn thân vào.

Ở phương diện này xem ra nhân vật "cô gái điếm" bất hạnh hơn Lam. Cô không tìm được một tình yêu như Lam đã tìm được với Khôi, mà chỉ tìm được những rung cảm chân thành với một gã khờ. Và đương nhiên so với Khôi - người đã thức tỉnh Lam và làm mọi cách cứu rỗi Lam nhưng bất thành thì gã khờ không thể nào có giá trị thức tỉnh và cứu rỗi cô gái điếm. Ngược lại,  cô gái điếm luôn phải che chở, bảo vệ gã cùng con vịt vốn là một báu vật tinh thần của gã. Để rồi trong đỉnh cao của sự bảo vệ, trước sự đàn áp của mụ tú bà ngoa ngoắt và tên bảo kê du côn, cô gái điếm không còn cách nào khác là phải đánh chết chúng, rồi chấp nhận ngồi tù.

Cuộc đời của cô gái điếm với cuộc đời của một tên đĩ đực như Lam có nhiều nét đồng điệu: đều thấp hèn, nhơ nhuốc giống nhau, đều bất ngờ tìm được những rung cảm chân thành như nhau. Nhưng cấp độ của sự rung cảm khác nhau và cơ hội thoát khỏi một hiện thực tù đày cũng khác nhau. Sự khác biệt mà ở đó, mọi thứ với Lam hạnh phúc hơn và sáng láng hơn rất nhiều so với cô gái điếm. Thế nên khi cả hai cùng phải dối diện với một đoạn kết không lối thoát, khi một người phải chết, một người phải rũ tù thì người ta chỉ có thể sẻ chia, thương cảm với cô gái điếm, chứ không thể sẻ chia, thương cảm với một kẻ yếu đuối như Lam.

Một thông điệp về sự sống

Thời gian trong phim chủ yếu là thời gian đêm tối. Không gian của phim chủ yếu là một không gian nhỏ hẹp bần hàn. Tất cả tạo nên cảm giác tù túng đặc quánh của một cái ao đời nhân gian - nơi mà một anh đĩ đực với một cô gái điếm là những nhân vật điển hình. Không ai tin là trong cái ao đời tăm tối ấy, những con người cô độc, mạt hạng ấy lại bất ngờ tìm được những tia sáng cuộc đời. Nhưng họ hoặc là không có cơ hội, hoặc là có cơ hội nhưng lại quá yếu đuối để chiến đấu và bảo vệ những tia sáng ấy đến cùng. Bộ phim vì thế vừa gợi lên sự thương cảm với những con người bị số phận đẩy đưa vào một hoàn cảnh éo le, vừa khiến người ta bất bình với những kẻ hèn yếu, cứ mặc định và chấp nhận cái gọi là "số phận" của mình.

Hãy biết thương yêu con người, hãy học cách xoáy sâu vào một hiện thực đen bạc để nhìn ra những vẻ đẹp lấp lánh trong tâm hồn con người, và hãy phẫn nộ, hãy bất bình khi những con người đó với sự yếu đuối bản năng đã không dám chiến đấu với hoàn cảnh để bảo vệ cái đẹp đến cùng - đó chính là thông điệp đầy tính nhân văn mà bộ phim đem lại

Phan Đăng
.
.