Tranh cãi xung quanh việc bán đấu giá 2 tượng đồng cổ của Trung Quốc

Thứ Tư, 25/03/2009, 21:55
Việc Nhà bán đấu giá Christie's tại Pháp cho bán 2 tượng đồng từ thời nhà Thanh đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, 2 bức tượng này là đồ "ăn cướp" cần hoàn trả cố quốc.

Luật pháp cũng đã vào cuộc song cuối cùng 2 bức tượng này cũng đã được bán với giá 31,4 triệu euro ngày 26/2 vừa qua. Chuyện rắc rối nảy sinh sau khi một người Trung Quốc đứng ra khai nhận đã mua 2 bức tượng trên nhưng ông này cũng tuyên bố sẽ... không trả tiền cho nhà cái!

Cổ vật hoàng cung Trung Quốc

Bất chấp và thách thức cuộc khủng hoảng tài chính, ngày 23/2 vừa qua, chương trình bán đấu giá bộ sưu tập nghệ thuật của nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent, Pháp, đã phá kỷ lục quốc tế khi thu về hơn 206 triệu euro trong ngày khai mạc. Điều khiến dư luận quốc tế quan tâm hơn cả là vì trong các món đồ mang đấu giá có cả 2 cổ vật hoàng cung của Trung Quốc, đó là một bức tượng đầu chuột và một bức tượng đầu thỏ.

Vào giữa năm 2008, khi Nhà đấu giá Christie's đưa 2 bức tượng này ra định giá, phía Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Trước việc mỗi món đồ được gắn mức giá khởi điểm lên tới 14 triệu USD, một viên chức Trung Quốc đã không thể kiềm chế và lớn tiếng gọi đó là hành động "ăn cướp".

Hai bức tượng này có xuất xứ từ Viên Minh Viên hay còn gọi là khu Cung điện Mùa hè nổi tiếng, từng được mệnh danh là "Versaille của phương Đông". Viên Minh Viên, ban đầu được gọi là Ngự Viên, là một tổ hợp các cung điện và vườn (nên ở Trung Quốc còn được gọi là vườn của muôn vườn) nằm cách Bắc Kinh 8km về phía tây bắc, được xây vào thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.

Hai bức tượng đầu thỏ và chuột.

Viên Ngự Viên đã bị các đội quân từ Anh và Pháp phá hủy hoàn toàn năm 1860 trong cuộc chiến tranh nha phiến. Trong cuộc cướp phá đó, riêng quân Pháp mang về nước dâng cho hoàng đế Pháp đã lên tới gần chục nghìn cổ vật. Hoàng đế  Pháp lúc đó là Napoléon đệ tam, đã xây dựng cả một Cung Trung Quốc để trưng bày hàng nghìn cổ vật mà quân Pháp cướp từ Viên Minh Viên.

Trong đó có các đồ đồng xanh thời Thương Chu, đồ sứ, ngọc ngà điêu khắc thời Minh - Thanh, ngọc tỉ Vua Càn Long cũng như bức bình phong ngọc có khắc bài văn nhân chúc thọ Vua Càn Long 66 tuổi. Trong Thư viện Quốc gia Paris, Pháp, có 80 bức tranh quý hiếm cũng lấy từ Viên Minh Viên.

Ngày nay, muốn chiêm ngưỡng cổ vật của Viên Minh Viên chỉ có thể tới Pháp và Anh mới thấy. Trong Viện Bảo tàng London, Anh, có trưng bày hàng chục nghìn cổ vật từ thời Tần Hán, thư pháp thời Tùy Đường, vàng ngọc thời Minh Thanh đều có cả. Những cổ vật Viên Minh Viên rơi vào tay tư nhân thì lại càng không ai thống kê được.

Tượng đầu chuột và thỏ nói trên là hai trong số 12 bức tượng bằng đồng, tạc hình đầu của 12 con giáp, đặt xung quanh một đài phun nước lớn hình rẻ quạt trong Viên Minh Viên.

Mỗi giờ trong ngày, nước được phun ra từ miệng từng con giáp khác nhau, nhưng đúng chính ngọ (12 giờ trưa) thì cả 12 tượng cùng phun nước. Sau cuộc cướp phá năm 1860, cả 12 con giáp đều bị biến mất không một dấu vết.

Hành trình đòi lại những cổ vật bị đánh cướp

Khi biết rằng, nếu chỉ đấu tranh trên các phương tiện truyền thông sẽ không thể đòi lại được 2 bức tượng trên, sau khi Công ty Christie's Pháp tuyên bố sẽ bán đấu giá hai cổ vật này, đoàn luật sư gồm hàng trăm luật sư nổi tiếng của Trung Quốc đã ủy thác cho Hội Liên hiệp bảo vệ nghệ thuật Trung Quốc - châu Âu đệ đơn lên Tòa án Paris,  yêu cầu đình chỉ hành vi bán đấu giá.

Thế nhưng, tòa án này cho biết, Hội Liên hiệp bảo vệ nghệ thuật Trung Quốc - châu Âu chỉ có thể đại diện cho hiệp hội này chứ không thể đại diện cho Trung Quốc, nên hiển nhiên khiếu kiện của Trung Quốc bị bác.

Mặc dù vậy, ông Lưu Tường, Trưởng luật sư Đoàn luật sư Trung Quốc cho biết, tuy yêu cầu của họ không được tòa án chấp thuận, nhưng đã góp phần để cho dư luận Pháp biết rõ sự thật về sự thất thoát của các cổ vật Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn khẳng định Trung Quốc có quyền sở hữu không thể tranh cãi đối với hai cổ vật này, cần phải trả lại cho Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại không thể đưa ra bằng chứng chứng minh rằng các cổ vật này được đưa ra nước ngoài một cách bất hợp pháp, trong khi đó, phía Christie's lại khăng khăng khẳng định, họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp lệ của các bức tượng chuột và thỏ, cũng như các cổ vật khác.

Đến ngày 26/2 vừa qua, 2 bức tượng này cũng đã được bán với giá 31,4 triệu euro. Ngay sau đó, Cục Văn vật Nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng, việc Christie's cố tình tiến hành bán đấu giá cổ vật Viên Minh Viên bị cướp đoạt đã vi phạm tinh thần Công ước quốc tế về trả lại cổ vật cho nước sở hữu, và làm phương hại tới quyền lợi văn hóa và tình cảm của người Trung Quốc.

Thông tin về người mua 2 cổ vật trên được giữ kín đến ngày 2/3, trong buổi họp báo tại Bắc Kinh, Phó tổng giám đốc Quỹ Cứu vãn cổ vật bị thất thoát ở hải ngoại của Trung Quốc Ngưu Hiến Phong cho biết, cố vấn sưu tầm của quỹ này là Thái Minh Siêu đã thắng cuộc trong phiên bán đấu giá vừa qua.

Ông Thái Minh Siêu nói tại buổi họp báo rằng, ông sẽ không trả tiền: "Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, số tiền hứa mua sẽ không trả cho người bán. Ngay lúc biết chuyện này, tôi nghĩ rằng bất kỳ người Trung Quốc nào có phương tiện cũng phải mua để trả lại cho Trung Quốc. Rồi tôi nghĩ rằng mình có bổn phận phải làm như vậy mà không phải trả tiền cho ai cả".

Ngay sau cuộc họp báo trên, các phương tiện truyền thông Trung Quốc nổi lên hai luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận ca tụng hành động ái quốc của ông Siêu, một số khác cho rằng đó là hành động bồng bột, gây tổn hại cho uy tín của Trung Quốc trên thương trường.

Tờ Le Monde, Pháp, (5/3/2009) cho biết Nhà đấu giá Christie's gia hạn cho ông Thái Minh Siêu một tháng để thanh toán số tiền đã mua 2 cổ vật trên thay vì 7 ngày như thông lệ của công ty này. Theo luật bán đấu giá, hết thời hạn kể trên, nếu người mua không trả tiền, cuộc bán đấu giá coi như là hủy bỏ. Món hàng đó có thể sẽ được đấu giá lại, và nếu giá đấu lần sau thấp hơn lần trước thì người mua trước phải trả số chênh lệch cho nhà cái.

Nên biết rằng, hiện Trung Quốc và Pháp đã ký kết tham gia một số Công ước quốc tế về trao trả những cổ vật bị cướp đoạt trong chiến tranh. Nhưng Công ước quốc tế này chỉ có hiệu lực đối với các hành vi khai quật, xuất khẩu và cướp đoạt trái phép cổ vật sau khi công ước có hiệu lực, không thể làm cơ sở áp dụng cho những hành vi xảy ra cách đây hơn 100 năm.

Theo thống kê của UNESCO, cổ vật Trung Quốc thất thoát ở nước ngoài vào khoảng 1,64 triệu cổ vật, được phân bố ở 47 viện bảo tàng trên toàn thế giới, còn số cổ vật được lưu giữ trong dân gian ở nước ngoài cao gấp 10 lần con số này.

Những năm qua, cũng có một số tổ chức và cá nhân bỏ tiền mua lại những cổ vật bị thất thoát rồi tặng lại cho quốc gia. Thế nhưng, giới chuyên gia lo lắng rằng, thu hồi cổ vật bị thất thoát thông qua hình thức bán đấu giá sẽ làm cho giá bán ngày càng cao, khả năng thu hồi cổ vật càng trở nên khó khăn.

Ngay từ năm 2003 và 2004, Quỹ Khôi phục Cổ vật Văn hóa thất lạc Trung Quốc đã tiến hành thương lượng với ông Yves Saint Laurent nhằm mua lại 2 tác phẩm trên, nhưng nhà thiết kế lúc ấy đã "thét giá" lên tới 20 triệu USD.

Sau vụ việc trên, giới luật sư Trung Quốc kiến nghị rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể thông qua kênh ngoại giao tiến hành đàm phán và trao đổi với chính phủ các nước liên quan, thông qua hình thức ký kết hiệp định để đạt được thỏa thuận về trả lại cổ vật.

Cho đến nay, mới chỉ có 5 bức tượng trong số 12 bức Viên Minh Viên trở về Trung Quốc. Các chuyên gia văn hóa cho rằng, 5 bức khác đã bị phá hủy hoàn toàn

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.