1.001 kiểu… kiếm tiền mùa lễ hội

Thứ Ba, 25/03/2014, 20:15

Tháng Giêng, tháng du lịch văn hóa tâm linh, tháng của lễ hội, tháng của hội chùa Hương, chùa Thầy, đền Trần, đền Mẫu, phiên chợ Viềng, Yên Tử… của những người hành hương lên non cao, núi biếc thăm cảnh đẹp tựa tranh, sơn thủy hữu tình Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai… nơi đó có thánh, có quan, có chầu, có mẫu, có cô, có cậu hiển linh ngự trong đền, trong phủ. Người người tấp nập vào ra chốn nhang khói mịt mù hư ảo. Với nhiều người, tháng ấy là tháng tiêu tiền nhưng với không ít người đấy lại là tháng hái ra bạc vàng lộc lá. Có 1.001 cách kiếm tiền trong mùa lễ hội với không ít chuyện dở khóc, dở cười.

Mới 4 giờ chiều mà mấy cô bạn đã nhốn nháo cả lên, ngày mai 14 tháng Giêng âm lịch lễ hội đền Trần, rút kinh nghiệm mọi năm đi muộn chiều 5, 6 giờ người đổ đến đông nghịt không chen chân vào lễ được, mà có vào được đến ban công đồng hay ban các quan ngài thì cũng không còn chỗ nào để đặt dâng kim ngân đẳng vật đồ lễ. Năm nay lịch đi sẽ sớm hơn mọi năm. 6 giờ sáng xuất phát từ Hà Nội.

Khởi hành sáng sớm tinh sương giữa trời đông rét buốt, mấy đứa con gái mang họ nhà lười chả ai muốn chui ra khỏi chăn để đồ xôi, luộc gà. Lễ đầu năm phải là xôi gấc màu đỏ tươi cho may mắn, gà luộc phải đẹp, không được sống, không được chín quá. Da gà phải vàng tươi, không được nứt rách. Không gì bằng chuyên nghiệp, chúng tôi gọi điện đến dịch vụ đồ xôi luộc gà chuyên cho đi lễ ở ngay chợ Nam Định. Dịch vụ này có ở khắp các nơi từ thủ đô cho đến các tỉnh, huyện, thị xã.

8 giờ sáng xe đã đến thành phố Nam Định, chúng tôi đến quán chị Quy “gà”, nổi tiếng ở đất này chuyên hành nghề thịt gà đồ xôi cho người đi lễ. Trong nhà chị có hơn chục con gà chín đang bày trên phản, bên cạnh ba bếp than luộc gà cũng hoạt động hết công suất.

Chị bán gà bảo một con gà nặng 1,9kg luộc rồi giá 500 ngàn đồng. Con gà vàng au tinh tươm mổ phay, miệng ngậm quả ớt đỏ tươi đặt trên đĩa xôi gấc đỏ thật đáng đồng tiền bát gạo. Xong lễ mặn dâng thánh, mọi người lại lục tục kéo nhau ra chợ hoa quả ở cách đấy không xa. Chợ hoa quả cũng đủ các loại quả từ khắp nơi đổ về, từ dưa hấu, cam, lê Trung Quốc, táo đỏ, táo vàng ngoại nhập. Hoa quả từ trong Nam chuyển ra như vú sữa, mãng cầu (na), măng cụt, thanh long, na trái mùa to như cái bát ăn cơm. Nho Mỹ, nho ta, nho Tàu đủ loại đủ giá, xoài Thái, xoài xanh, xoài Cát Chu thơm nức. Chợ hoa quả rộn ràng nhất trong tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch, mấy chị bán hoa quả rộn ràng, đon đả chào mời.

Chị bán trầu cau ngay gần đấy cũng vẫy vào mua cau, chị bảo: "Đi lễ đầu năm có quả cau dâng mẫu, mẫu cho duyên tình thắm đượm. Ai có gia đình rồi thì vợ chồng càng thắm thiết keo sơn. Ai chưa có tình thì mẫu ban phát lộc tình nồng nàn…". Nghe chị bán trầu cau nói thế lẽ nào lại không mua vài quả cau lá trầu.

Bên cạnh chị là những buồng cau to được đính nơ đỏ. Đấy là cau dâng lên mẫu sơn trang cho thanh đồng đi múa hát hầu đồng. Tháng Giêng đầu năm và tháng 3 âm lịch cũng là tháng hát hầu đồng nhiều nhất. Hỏi chuyện, chị bảo bán trầu cau thích nhất đầu năm và cuối năm tháng của lễ hội, tháng của mùa cưới.

Nghệ nhân cắm hoa hình rồng phượng đắt khách đầu năm.

Sau khi sắm tùng tiệm 7 mâm hoa quả để bày các ban thờ, chúng tôi có mặt ở gần chùa Tháp, ngôi chùa cổ nức tiếng cách đền Trần khoảng 200m. Xe ôtô phải gửi ngoài bãi khá xa cách khoảng 200m. Nhóm chúng tôi toàn đàn bà, con gái chân yếu tay mềm lại chả phải mang vác bao giờ, lỉnh kỉnh bê vác nhiều đồ cúng lễ nên gọi ngay anh xe ôm ở ngã tư chở vào chùa.

Sau khi ngã giá vừa mới đặt chân lên xe thì bỗng dưng 3 anh xe ôm chạy đến sấn sổ chỉ vào anh xe ôm có khách phủ đầu mắng té tát: "Mày ở đâu đến đây cướp cơm anh em. Đi phá giá à? Biết chỗ này là của ai không? Té ngay". Anh xe ôm lành hiền nhìn 3 "con hổ" đang gầm ghè đe dọa, nhưng chắc vẫn tiếc khách nên mặt ngẩn ngơ. Cô bạn tôi nóng mắt: "Cùng là xe ôm cả làm gì mà chèn ép nhau kinh thế, người ta đã đi anh này rồi, các anh đón khách sau đi". Ông xe ôm cao tuổi cay cú chỉ mặt anh xe ôm bảo: "Mày có biết bọn tao là người làng đây không? Mày từ đâu tới định dính máu ăn phần anh em à".

Cứ đôi co qua lại thế này chả hay ho gì lại mất thời gian, tôi lôi bạn tôi xuống bảo đi ngay ông xe ôm to mồm vừa rồi. Bạn tôi nhất quyết không chịu. Tôi nháy bạn tôi bảo nhỏ: "Mình mà vẫn ngồi anh xe ôm cũ. Anh ấy ra đến đây sẽ bị mấy con hổ đói mồi này làm thịt đấy. Kiếm được mấy chục bạc không khéo lại bị tẩn cho no đòn". Bạn tôi mới nhanh chóng lên ông xe ôm to còi vừa rồi.

Ông ấy xem chừng đã bớt hậm hực nói: "Tôi làm nghề mộc đấy chứ có hành nghề xe ôm đâu, tranh thủ cùng vài người nữa đi kiếm tiền mùa này. Nó ở đâu đến đây kiếm chác chứ có phải người làng này đâu".

Đoạn đường ngắn đã đến cổng chùa, hàng quán la liệt, mấy chị đổi tiền lẻ mỗi lần thấy khách xớn xác chào mời. Trên tay chị nào cũng một xấp tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng. Đổi 10 ăn 8; 10 ăn 7. Nhiều người đổi tiền lẻ rộn ràng như trẩy hội. Trong chùa một hai ông đồ khăn áo, mũ mão chỉnh tề bày giấy đỏ mực tàu, chúng tôi không xin chữ vì vốn dĩ là những người khó tính không biết được lai lịch rõ ràng.

Xã hội thời nay thật giả lẫn lộn, ông đồ thật, ông đồ giả cũng không biết đâu mà lần. Không cẩn thận chữ tác đánh chữ tộ lại rước họa vào thân. Còn nhớ, năm nào, một cậu bạn của tôi kể có người bạn ra trường mãi mấy năm chả có công ăn việc làm gì bèn đi học dăm tháng, chữ viết còn loằng ngoằng như con giun con dế đến khi mùa lễ hội đóng tiền vào Ban quản lý di tích thế là cũng có chân thành ông đồ cho chữ.

Chùa Tháp nhang khói đã xong, chúng tôi sang đền Trần cách đấy 200m. Ngày lễ hội đoạn đường cấm ôtô, xe máy. Mang vác nặng chúng tôi chả mấy tươi tỉnh, anh xe ôm đỗ ở gần chùa chạy ra bảo để anh vác cho chỉ xin ba chục ăn bát phở. Cả hội thở phào nhẹ nhõm đồng ý liền.--PageBreak--

Đền Trần khách thập phương từ khắp cả nước đổ về dồn dập, khói hương nghi ngút khắp các ban thờ. Ban Công đồng thờ 14 vị vua triều Trần đã bày hoa lan uốn lượn hình rồng. Chỉ cần ngắm cũng biết đó là sản phẩm của các nghệ nhân có bàn tay tiên. Tháng này hoa tươi cung cấp để dâng mẫu, dâng chúa, dâng thánh tiêu thụ nhiều nhất trong năm, nghệ nhân cắm hoa cũng được dịp đắt khách. Công đồng nghiêm trang, hoành phi câu đối, ngai vàng tôn nghiêm quyền quý, lư đồng hương khói nghi ngút, khách thập phương sụt sùi rì rầm khấn vái, tiếng đàn nguyệt ròn tan lay động, tiếng hát văn trầm bổng, thiết tha, tiếng sáo dặt dìu văng vẳng gần xa, người đi qua, khách đi lại thả tiền xuống đĩa.

Chị Lá, một người hát văn đền Trần bảo, làm cố tháng Giêng xông xênh tiền hơn hẳn các tháng khác, đám hát văn ai cũng phải cố, cứ như con buôn nhảy tàu điện nay hát đền này, mai lại phủ kia, hôm sau lại sang chùa nọ. Cứ chỗ nào mời là đến để đàn để hát. Tháng này ông Thánh thương, ông Thánh được người ta rầm rập khấn vái, ông thánh cũng cho lộc người hát hầu dâng Thánh… Các bà đồng, ông đồng, đồng già, đồng trẻ, đồng sang, đồng hèn tùy vào hình dáng của từng người lầm rầm khấp vái, một tốp người xì xụp quỳ lạy ở đằng sau. Dịch vụ thuê khấn vái giải hạn dâng cúng kêu cầu đầu năm rầm rộ ra quân tấp nập khắp cung trong, cung ngoài, cung bên phải, bên trái.

Dạy chữ nho, viết sớ giải hạn ở chùa Tháp.

Lễ xong bên khu đền Trần đã là giữa trưa. Cả hội ra quán bán hương hoa trà thuốc ở cách cổng đền chục mét mua chỗ ngồi thụ lộc. Mua một chai nước suối và một lon bia cộng với tiền chỗ ngồi một tiếng thụ lộc giá 100 nghìn đồng. Giá không phải rẻ nhưng chấp nhận được. Chị bán quán bảo đi sớm thế này chưa lấy được ấn vua ban, để điện thoại lại đây đêm nay chị mua hộ cho, lệ phí lấy cho vui thôi. Xung quanh đây nhiều người làm dịch vụ mua hộ ấn. Từ nãy ngồi quán trà trong khu chùa Tháp, chị chủ quán bên ấy cũng bảo y như chị chủ quán nước bên này.

Sau hồi thụ lộc, cả hội lại gọi anh xe ôm bê vác ra cho đến ngoài vòng cấm xe rồi chở xe máy ra ngoài bãi để xe. Thấy chúng tôi tán về chuyện xin ấn, anh xe ôm bảo mấy năm trước bắt được người làm ấn giả đấy, đừng có tin người. Chúng tôi bán tín bán nghi. Nhưng những gì mình không biết trước thì chẳng thể khẳng định điều gì. Xong cuộc hành trình đi Nam Định cũng thấy trăm kiểu kiếm tiền của mùa lễ hội.

Cách đấy ít ngày chúng tôi đi chùa Thầy, ngôi chùa cổ nổi tiếng cách Hà Nội 30 km, mấy chị váy áo xênh xang, giày cao gót đến đây có dịch vụ cho thuê dép lê và đèn pin để xuống động. Có cô chèo kéo dúi vào tay chúng tôi những bọc vải đỏ bằng gấm thêu bảo đây là bùa yêu, mua tấm bùa này sẽ có tác dụng may mắn yêu nhau không rời bỏ nhau. Có cả bùa sức khỏe, bùa công danh. Các bạn trẻ nô nức hăng hái sắm bùa lắm, mà đa phần là bùa yêu. Bùa yêu bán đắt như tôm tươi.

Còn nhớ cậu em tôi, một học sinh cuối cấp của bậc phổ thông trung học, năm nay đi lễ phủ Tây Hồ sau khi ra đến bãi gửi xe, nó hỉ hả xòe tay ra khoe 3 hộp giấy vuông với ba màu khác nhau. Trông ba hộp xinh xinh như hộp quà tặng bạn gái. Cậu em bảo: "Năm nay sẽ tha hồ may mắn, ba hộp này đựng muối và gạo. Hộp có hình màu hồng tượng trưng cho tình yêu. Hộp màu vàng tượng trưng cho tài lộc, sức khỏe. Hộp màu xanh tượng trưng cho học hành thi cử".

Thằng bé chưa kịp hí hửng đã bị cô tôi nói nửa đùa nửa thật: "Úi giời! Cái đồ rồ này cứ ở đấy mà mừng đi, ở đâu cái kiểu màu sắc tượng trưng này. Chắc là thấy cô bé bán muối bán gạo xinh xinh nên ra mua mấy hộp đây mà". Thằng bé mỉm cười bẽn lẽn… Đúng là mấy cô bé bán muối, bán gạo trông xinh xắn đáng yêu thật, mấy cô bán hàng không chuyên này đang là học sinh tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền đầu năm. Từ ngoài bãi gửi xe vào đến phủ Tây Hồ những ngày đầu năm có dễ đến cả trăm ông đồ. Kiếm tiền viết sớ cầu bình an, có ông lại kiêm thêm nghề tử vi tướng số.

Con người ta ai lại chả có chút háo hức, tò mò về tương lai, hậu vận, nhưng để tin vào tài tướng số của mấy ông đồ thì không phải ai cũng dễ dàng tin. Bạn tôi khúc khích cười bảo: "Xem cho vui, xem các ông ba hoa thế nào". Hai cô bạn tuổi rồng lướt qua hàng tướng số. Cô bạn thứ nhất đặt 20 nghìn đồng, ông đồ cầm tờ tiền cất vào ngăn kéo rồi nói huyên thuyên dăm ba câu. Cô bạn thứ hai của tôi đặt 50 nghìn, ông thấy tiền, đôi mắt sáng rực lại nhanh tay cất tờ tiền đi rồi xun xoe rối rít.

Ông ấy nói dăm ba câu nhưng tôi ấn tượng nhất là câu nói này: "Cô là rồng nhả ngọc phun châu, rồng sang rồng chảnh, rồng được chăn ấm nệm êm, rồng được trong ngoài trọng vọng… Cô đích thị là rồng lửa". Sau một hồi tán tụng cô bạn thứ hai, cô thứ nhất lúc trước đưa 20 nghìn bảo: "Cô này là rồng lửa, thế con là rồng gì?". Ông đồ không ngần ngừ đáp luôn: "Cô ấy là rồng lửa, còn cô là rồng đất". Cô bạn thứ nhất của tôi mặt ngắn tũn. Tôi cười như nắc nẻ.

Ôi thì ra đồng tiền có mãnh lực ghê gớm quá chừng. Bỏ tiền ra mua hề xem hài là đây chứ đâu cần phải vào nhà hát nào. Trò đời biến thành trò hề.  Chả hiểu nếu tôi đặt tờ 100 nghìn mình sẽ được tán dương, ca tụng đến cỡ nào. Nghe cũng sướng, nhưng thôi chả dại gì. Bỏ 10 nghìn thì chỉ là con rồng thôn, rồng xóm. 20 nghìn thì là rồng xã, rồng huyện. 30, 40 nghìn là rồng tỉnh, rồng thành phố. Khéo đưa ông thầy tướng 100 nghìn mình sẽ là rồng của thế giới, rồng trái đất, rồng toàn cầu quá đi. Buồn cười đến chảy cả nước mắt. Sau chuyến đi lễ phủ, các bạn tôi có luôn biệt hiệu, một đứa là rồng lửa, một đứa là rồng đất.

Ôi! Thật là 1.001 kiểu kiếm tiến mùa lễ hội

Mỹ Trân
.
.