"SỐNG NHƯ ANH" - sống mãi một tình yêu:

19 ngày hạnh phúc và 43 năm thương nhớ

Thứ Bảy, 16/02/2008, 14:00
Anh Trỗi đã hy sinh 43 năm, nhưng khi chị ra đường, kể cả khi đi với chồng, con, nhiều người vẫn nói: "Chị Quyên - vợ anh Trỗi đấy".

Chị bảo, mấy chục năm qua chị sống gần như hai cuộc đời, một cuộc đời dành cho quá khứ đã thành "danh từ chung", một cuộc đời dành cho hiện tại, tổ ấm riêng thầm lặng của mình. Làm thế nào để chu toàn được, không để cái nọ làm ảnh hưởng hay tổn thương cái kia và ngược lại, là một điều không đơn giản...

Chị giờ đã nghỉ hưu, trong một căn hộ khá khang trang trên đường Trần Ngọc Diện, quận 2, TP HCM. Sau tiếng chuông, người phụ nữ tóc hai màu ra mở cửa. Tôi vẫn nhận ra nét cười của chị Quyên năm nào trong bức ảnh đăng trên báo và trong cuốn “Sống như Anh” của Trần Đình Vân.

Nét cười ấy vẫn còn giữ lại vẻ tươi tắn, dù khóe mắt đã hiện hữu nhiều dấu ấn của thời gian. Chị bảo rằng, khi còn sống, anh Trỗi rất thích mỗi lần ngắm chị cười. Rồi chị đếm từng đốt ngón tay: “Thế mà cũng đã 43 năm, chẳng biết là thời gian trôi nhanh hay là trôi chậm”.

Tôi hiểu phần nào những gì chị nói. 43 năm, hơn nửa cuộc đời một con người, nhanh đấy nhưng cũng chậm đấy. Nói rồi chị dẫn tôi lên lầu thắp hương cho anh Trỗi. Bước chân chị như nặng hơn, chầm chậm trên những bậc cầu thang.

“Góc của anh Trỗi” (theo cách gọi của chị), được hương khói thường xuyên. Tấm ảnh anh thời trẻ với nét nhìn nghiêm nghị. Chị thắp hương và khấn anh, rồi im lặng ngắm tấm ảnh cũ, như thể anh vẫn còn hiện hữu một con người bằng xương bằng thịt trong căn phòng này.

“Góc của anh Trỗi” thực ra vẫn còn nữa, trên chiếc tủ của chị, với những bức ảnh và những kỷ vật về anh, cứ năm bữa nửa tháng chị lại lau những hạt bụi trên khung kính. Và “góc” riêng ấy, vẫn còn ở một nơi thẳm sâu hơn - trong cuộc sống của chị mấy chục năm qua. Người về với cát bụi, người ở lại vẫn còn gìn giữ những gì thiêng liêng nhất của một tình yêu thủy chung son sắt và hơi ấm của hạnh phúc dù chỉ vỏn vẹn 19 ngày.

“Mọi người biết đến anh Trỗi là một anh hùng, biết đến tôi từng là vợ của người anh hùng đó. Nhưng khi yêu anh, anh thực là anh hùng. Hạnh phúc ngắn ngủi với 19 ngày nhưng sống trong tôi. Đó là hạnh phúc với những điều bình dị nhất, những quan tâm cụ thể nhất của người chồng dành cho vợ" - chị nói.

Bởi vậy, những gì chị kể về anh Trỗi, là những chuyện “con người” nhất của một người đàn ông bình thường. Có gì khó hiểu đâu, một người trước và sau khi thành một anh hùng, họ là một người bình thường.

Chị biết và yêu anh Trỗi khi chị tròn 20 tuổi, anh hơn chị 1 tuổi. Lúc đó chị là công nhân của Hãng bông Bạch Tuyết, anh là công nhân điện. Chị bảo, đến giờ hình ảnh anh ngày đầu đón chị khi tan ca vẫn cứ như đang đâu đây chứ chưa xa đến thế, chưa xa đến những 45 năm rồi đâu... Anh mặc cái quần loe màu xanh đã bạc. Chiếc áo trắng cắm thùng. Chùm chìa khóa to tướng treo lủng lẳng bên dây lưng. Anh kiệm lời, chỉ hỏi thăm chị về những gì cụ thể nhất như ngủ khi mấy giờ, công việc ra sao, có hay làm tăng ca không...

Ngay cả những bức thư anh gửi chị, cũng rất ngắn, không một từ “nhớ thương” nào cả mà chỉ nhắc nhở: “Em phải uống đủ mỗi ngày hai lít nước. Uống nước nhiều sẽ chống táo bón và bài tiết những chất độc, chất thải trong người ra. Ăn cơm xong mới được húp canh. Chan canh cùng cơm, khi ăn sẽ nhai không kỹ, rất dễ đau bao tử...”.

Chị “kể tội” anh với nét vui cười trở lại: anh hay “bắt nọn” và hơi “âm lịch” nữa.

Chỗ chị làm là một hãng bông tư nhân nên thời gian nghỉ không nhiều. Những khi đóng gói hàng để chuẩn bị xuất đi, phải làm tăng ca hoặc làm luôn cả ngày chủ nhật. Bình quân mỗi tháng, chị được nghỉ hai ngày.

Một lần anh sang vào ngày nghỉ, không thấy chị, anh lẳng lặng ra về. Ngày nghỉ của tuần tới, chị đến chỗ anh. Vừa gặp anh đã phủ đầu: “Chủ nhật tuần trước em đi chợ Bến Thành với anh nào à?”. “Đâu, em ở nhà ngủ vì tối hôm thứ bảy làm tận 2 giờ sáng, rất mệt”. “Sao thằng Hứa nó bảo nó nhìn thấy một anh nào chở thím đi chợ Bến Thành?”.

Đúng lúc ấy Hứa về. Chị hỏi Hứa có nhìn nhầm không, Hứa không biết đầu cua tai nheo gì mà nhầm với không nhầm. “Sao chú Tư bảo là cháu nói cháu nhìn thấy thím đi chợ với người đàn ông nào đó?”. “Cháu đâu có nói gì. Hôm đấy cháu có ra đường đâu. Chắc chú nghe nhầm”.

Anh Trỗi cười vui, ngồi bẻ ngón tay lia lịa trong khi chị bắt đầu giận đùng đùng. “Thì anh cứ nói vậy để thử xem em có đi với ai không” - anh vừa dứt lời thì chị bỏ về. Mặc dù anh đi theo năn nỉ nhưng chị vẫn đi và giận anh những hai tuần lễ.

“Đấy. Cái nết của tôi đến giờ vẫn không sửa nổi, là hay tự ái” - chị vui vẻ nói. Hơn một năm yêu nhau để rồi đi đến làm đám cưới, chị nhớ là đã giận anh đến cả chục lần. Và việc tổ chức đám cưới nhanh như vậy, một phần, cũng sợ những sự giận dỗi kia làm ảnh hưởng đến tình cảm hai người. Cưới nhau, chị về căn phòng nhỏ của anh, trong một con hẻm ở Phú Nhuận.

Chị bảo: “Anh Trỗi dù rất quan tâm chăm sóc vợ nhưng việc gì của đàn ông anh ấy mới làm. Những việc của phụ nữ, ví dụ như mắc màn, chẳng bao giờ anh ấy làm cả”.

Có một lần anh xin mấy cái hộp gói quà cưới của chị rồi xếp những thỏi pin nhỏ vào làm bình điện. Còn bình điện để làm gì, sử dụng vào mục đích gì anh cũng không nói.

Ngày 9/5/1964, khi cưới nhau tròn 19 ngày, anh vẫn chở chị đi làm như mọi khi. Nhưng chỉ có khác là chiều hôm đó chị chờ mãi ở góc đường chẳng thấy anh đâu, cuối cùng chị đi nhờ xe về nhà. Khi về tới nhà, thấy hàng xóm đồn đại là anh đã bị bắt. Chị buồn bã nằm một chỗ chẳng thiết ăn uống gì. Sáng hôm sau, chúng giải anh về nhà để tìm xem trong nhà có giấu bom mìn gì không và chúng bắt chị vào nhà giam.

Chị bị giam ở phòng giam số 3. Trong phòng đó có 2 phụ nữ nữa. Thấy chị khóc, một người mới hỏi chị thực hư làm sao mà bị bắt. Sau khi nghe chị kể, nữ tù nhân đó giải thích cho chị nghe về việc làm của anh Trỗi. “Anh ấy làm một việc chính nghĩa, không quản mạng sống để đánh bọn cướp nước. Em hãy tự hào về anh ấy. Rồi một thời gian dài nghe giải thích và chuyện đồng bào bị bắt bớ giết hại làm sao, chị mới cảm nhận được ý nghĩa của việc chồng mình làm". Nữ tù nhân ấy về sau trở thành Phó Chủ tịch nước, đó là bà Trương Mỹ Hoa.

Giam giữ chị một thời gian không khai thác được gì, chúng đành phải thả. Chị được cấp phiếu thăm nuôi anh vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Khi anh vào khám tử hình, chị chỉ gặp anh 3 lần. Mỗi lần gặp, anh vẫn tỏ ra bình thường. Anh nói ngắn gọn với chị, tổ của anh có 4 người nhưng 2 người thoát được. Anh và Tư Lời bị bắt. Thương Tư Lời còn trẻ, anh nhận hết tội về phía mình và khai rằng, Tư Lời là do anh thuê kéo dây nổ chứ không dính líu gì cả. Cuối cùng địch  tuyên phạt anh mức án tử hình và Tư Lời 20 năm tù giam.

Lần gặp thứ hai, anh bảo chị yên tâm, địch chỉ kêu án như vậy chứ chúng có thể sẽ không xử. Anh bảo chị nên mua canxi uống cho bổ xương, ăn uống điều độ và phải uống nhiều nước. Anh còn dặn chị mua len vào trong khám cho anh thêu, vì trong này anh em hay thêu khăn lắm. Và những lần gặp đó, anh không hề biết chị đã mang trong mình giọt máu của anh.

Còn lần gặp gỡ thứ ba, đó là một nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời chị. “Em có hình dung ra được một người phụ nữ mới lấy chồng được 19 ngày, chồng bị tù tội, rồi bị giết và chị phải đi tìm thi thể rồi tìm mộ anh hết nơi này đến nơi nọ?”. Câu hỏi của chị khiến tôi cảm thấy quá nặng nề và không sao có thể tưởng tượng ra được.

Một anh Trỗi hào hùng giữa pháp trường và trong sử sách. Một người con gái lang thang hết nghĩa trang này đến nghĩa trang nọ tìm người đã khuất. Quá khứ bi hùng như thế đúng là không bao giờ quên được. Bởi trong quá khứ có cả máu và nước mắt.

 Tạm gọi là lần gặp gỡ cuối cùng, nhưng thực tế, lần đó chị không gặp được anh. Bình thường, khi vào thăm nuôi, chị chỉ xuất trình giấy ở cổng ngoài rồi vào trong chờ chúng giải anh ra. Nhưng lần này, chị vào trong, chúng bảo chị ra cổng ngoài nộp lại giấy thăm nuôi rồi vào phòng đợi.

Một lúc sau, chúng gọi chị vào và bảo chị, hôm nay trung tâm cải huấn này đón khách đặc biệt nên buổi sáng không thăm nuôi được mà phải hẹn đến chiều. Chị lặng lẽ ra về.

Khi bước ra, chị thấy một tiểu đội quân cảnh đang mang súng đứng nghiêm. Chị bước thêm vài bước thấy có một chiếc xe chở cái quan tài đang đi gần lại, chị thấy rờn rợn. Đi vài bước nữa, thấy cánh phóng viên đang đứng chờ ở ngoài rất đông. Chị chỉ nghĩ chắc họ đến đưa tin về việc thăm trại cải huấn của quốc trưởng bù nhìn Phan Khắc Sửu vì phía bên trong, biểu ngữ “chào đón” đã giăng lòe loẹt.

Khi chị bước ra khỏi cổng ngoài thì là lúc cổng đóng sầm lại. Tên gác cổng nhìn chị rất khác thường, hỏi lần này vào có gặp chồng không? Chị bảo hôm nay trại cải huấn có khách nên chiều vô gặp. Tên gác cổng nhìn theo từng bước chân chị, rồi lắc đầu.

Ra đến bãi gửi xe, chị giữ xe đạp cũng hỏi vào có gặp chồng không? Chị cũng trả lời y như trả lời với tên gác cổng. Chị giữ xe bảo: “Tụi nó gạt em đó. Lát nữa chúng sẽ đưa chồng em ra xử bắn!”. Chị bàng hoàng, không tin vào tai mình. Đúng lúc đó, những người bán dạo phía ngoài trại giam xui chị vào đập cửa. Chị chạy lại, hết đập rồi gào thét nhưng cánh cửa vẫn đóng im lìm.

Chị gục đầu vào cánh cửa. Chị giữ xe lại khuyên chị, thôi thì đằng nào cũng đã thế rồi, hãy về báo cho gia đình biết chứ đứng ở đây chúng cũng không cho vào.

Chị về nhà báo cho ba anh Trỗi. Mấy ngày trước, đọc tin con sẽ bị xử trên báo, ông vội vàng vào Sài Gòn xem thực hư thế nào. Trước đó, chị có mời một luật sư bào chữa để anh được giảm án. Chị và ba chồng vội vàng đến gặp vị luật sư kia, vị luật sư này lấy làm bất ngờ: “Sao lại thế này nhỉ? Họ bảo vụ này tạm hoãn, đâu có xử hôm nay?”.

Luật sư điện vào khám Chí Hòa, câu trả lời là vừa xử xong. Đến giờ, khi thuật lại câu trả lời của nhà tù năm ấy, chị đưa hai tay ôm lấy mặt. Cái cảnh tượng đó như vừa mới xảy ra. Chị run run lau nước mắt.

Khi chị nhờ ông luật sư nhắn qua điện thoại, là muốn xin thi thể anh về mai táng, đầu dây bên kia trả lời, việc của họ là chỉ biết thi hành, còn chuyện cho thi thể phải qua Tòa án quân sự. Hai cha con vội vàng qua tòa án, lại nhận được câu trả lời, Tòa án quân sự không xử vụ này. Nơi xử, là tòa án mặt trận Vùng 3 chiến thuật.

Hai cha con lại đi xích lô đến nơi cũng là lúc hết giờ làm việc. Chúng hẹn hai cha con, hoặc là về chiều quay lại, hoặc là chờ cho đến chiều. Đến giờ, tên quan ba trả lời lạnh lùng, rằng ở đây chỉ biết việc kết án. Còn việc xin thi thể, thì qua bên quân vụ thị trấn.

Hai cha con tới đó. Câu trả lời lại là: “Cô và bác thông cảm. Anh em lỡ đưa đi chôn rồi mà không hề cho biết chôn ở đâu".

Chị đứng phắt dậy quát: “Các ông giết chồng tôi. Giờ cái xác các ông cũng không cho nữa. Các ông ra lệnh chôn ở đâu thì binh lính của các ông đem đi chôn ở đó, sao lại nói vô trách nhiệm là không biết?”.

Chúng bảo hai cha con đi về, vài ngày nữa chúng sẽ cho biết. Hai cha con nghĩ, giờ có hỏi cũng chỉ gặp những câu vòng vo, mà chờ thì không biết đến khi nào, thôi thì đi tìm khắp các nghĩa trang của thành phố. Hết nghĩa trang Đô Thành đến Bách Việt và một nghĩa trang nữa, hỏi người quản trang cũng chỉ nhận được câu trả lời là không thấy, không biết. Chị gục đầu xuống đất gọi tên anh, nhưng cũng chỉ là sự im lặng.

Qua ngày hôm sau, có tờ báo đăng tỉ mỉ việc anh Trỗi ra pháp trường, anh gọi tên Bác Hồ như thế nào. Tờ báo đó chụp tất cả hình ảnh của anh Trỗi, và cũng thông tin rằng, sau khi xử bắn, địch chôn anh ở nghĩa trang quân đội tại Gò Vấp. Sau đó, gặp rất nhiều ý kiến phản đối, sao Việt Cộng lại nằm chung một nghĩa trang với lính Cộng hòa? Thế là chiều hôm ấy, chúng đưa anh đem chôn tại nghĩa trang Đô Thành.

Hai cha con lại “lùng sục” khắp nghĩa trang này, thấy có 3 ngôi mộ nằm cạnh nhau, đều đất mới như nhau. Chị cầu khấn: “Anh ở đâu trong 3 nấm mộ này, chỉ cho em và ba đi anh ơi!”. Rồi chị như tỉnh ra, bảo với ba chồng: “Người Việt mình có tục mở cửa mồ. Chờ qua 3 ngày nữa ba con mình tới đây, nếu hai ngôi mộ kia đã có người mở cửa, thì ngôi còn lại chắc chắn là của anh ấy”.

Đúng ba ngày sau, chị cùng hai người cháu đến. Có hai ngôi mộ đã được gắn bia. Chị quỳ xuống và gần như kiệt sức...(còn tiếp)

Hoàng Nguyên Vũ
.
.