25 năm một đế chế thương mại điện tử

Thứ Ba, 23/07/2019, 14:23
25 năm trước, Jeff Bezos đã dự đoán một tương lai chỉ với một cú nhấp chuột sẽ đem đến cho chúng ta bất cứ thứ gì, từ thức ăn cho mèo đến món trứng cá muối; và các trung tâm thương mại sẽ mờ nhạt dần, các cửa hàng sẽ phải cung cấp dịch vụ giải trí hoặc sản phẩm tiện lợi để tồn tại. Thế là Jeff Bezos xây dựng một đế chế dựa trên dự đoán đó.

Amazon, doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến thành lập năm 1994, trở thành công ty nghìn tỷ USD thế giới vào tháng 9-2018, chuyển đổi từ một nhà sách cũ trực tuyến thành thị trường giao dịch toàn cầu.

Jeff Bezos năm 1997, năm Amazon chính thức lên sàn cổ phiếu.

Jeff Bezos là ai

Với Amazon, Bezos còn tuyên bố có mục tiêu cao hơn là định hình lại thị trường bán lẻ thế giới. Bezos còn sở hữu tờ báo Washington Post. Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của Bezos đặt mục tiêu đưa thiết bị và con người lên mặt trăng vào năm 2024. Tháng 9-2018, Bezos cam kết tài trợ 2 tỷ USD cho một mạng lưới trường mầm non và giải quyết tình trạng vô gia cư ở Mỹ.

Cách đây nhiều năm, bạn gái thời trung học của Bezos đã sớm nhận định rằng Bezos sẽ kiếm được rất nhiều tiền và theo đuổi giấc mơ khám phá ngoài vũ trụ. Tham vọng của Jeff Bezos đã xuất hiện từ nhiều thập niên trước. Là con của một cặp cha mẹ tuổi thiếu niên đã ly dị, Bezos được mẹ Jackie nuôi dưỡng phần lớn ở Texas và Florida, cùng với cha dượng Mike Bezos - Giám đốc điều hành Hãng Exxon. Bezos sớm có thiên hướng về kỹ thuật và khoa học, tự tháo dỡ chiếc cũi của mình bằng tuốc nơ vít khi mới 3 tuổi - theo một cuốn sách tiểu sử năm 2013 của tác giả Brad Stone.

Jeff Bezos mở công ty hàng không vũ trụ Blue Origin vào năm 2000.

Trong bài phát biểu tốt nghiệp trung học, Bezos đã vạch ra một tầm nhìn cho việc thiết lập các thuộc địa ngoài vũ trụ. Bezos học ngành kỹ thuật và khoa học máy tính tại Đại học Princeton, sau đó sử dụng các kỹ năng của mình tại các công ty tài chính ở New York. Chính tại đó, Bezos đã gặp vợ cũ của mình, khi đang làm việc tại quỹ phòng hộ DE Shaw. Ở tuổi 30, Bezos bỏ việc sau khi đọc qua một thống kê về sự phát triển nhanh chóng của Internet.

Trong bài phát biểu năm 2010 tại Princeton, Bezos nhắc lại quyết định của mình về việc trở về miền Tây Mỹ và thời gian bắt đầu Amazon là “con đường mạo hiểm”. Bezos phát biểu: “Tôi quyết định tôi phải thử. Tôi không nghĩ mình sẽ hối hận vì đã cố gắng và thất bại. Và tôi nghĩ rằng mình sẽ luôn bị ám ảnh bởi quyết định không thử làm điều đó”.

Vua thương mại điện tử

Canh bạc của Bezos, được góp vốn với số tiền hơn 100.000 USD từ cá nhân và gia đình, đã nhanh chóng được đền đáp. Trong vòng một tháng kể từ khi Amazon ra mắt năm 1995, công ty đã chuyển đơn đặt hàng đến tất cả 50 bang nước Mỹ và 45 quốc gia khác nhau. Trong 5 năm đầu tiên của Amazon, số lượng khách hàng tăng vọt từ 180.000 đến 17 triệu. Doanh số tăng vọt từ 511.000 USD lên hơn 1,6 tỷ USD.

Các nhà đầu tư tên tuổi đổ xô hợp tác với công ty. Năm 1997, Amazon huy động được 54 triệu USD và biến Bezos - người từng tự tay đóng gói các đơn hàng sách - trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới trước tuổi 35.

Năm 1999, Tạp chí Time mô tả Bezos là một trong những người trẻ nhất từ trước đến nay được mệnh danh là “Người của năm” và gọi ông là “Vua thương mại điện tử”. Được biết đến là một ông chủ kỹ tính, Bezos đã đưa Amazon đi đến một chiến lược dài hạn và “tập trung” vào khách hàng. Trong thực tế, điều đó có nghĩa là công ty sẵn sàng chi tiền để kiếm tiền, đôi khi từ bỏ lợi nhuận hàng năm khi giảm giá, giao hàng miễn phí và dành nhiều năm để phát triển các thiết bị mới như máy đọc sách điện tử Kindle.

Nhưng Amazon cũng không ngần ngại tiết kiệm ở những nơi có thể - buộc nhân viên trụ sở phải trả tiền đỗ xe, chiến đấu với các nhà cung cấp, phản đối nỗ lực tổ chức các công đoàn lao động tại kho của mình và tránh thuế càng nhiều càng tốt. Công ty đã trải qua một số thất bại, như đầu tư sớm vào các trang web như Pets.com mà sau đó bị mất tiền. Nhưng ngày nay, ngay cả những thứ đó trông giống như một dấu hiệu của tinh thần cạnh tranh không ngừng và sẵn sàng thử nghiệm.

Tổng thống Donald Trump và ông Bezos (bìa phải) trong một cuộc gặp mặt.

Amazon có doanh thu hơn 230 tỷ USD năm 2018 và tuyển dụng gần 650.000 người trên toàn thế giới. Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần, lưu trữ, cho vay và nền tảng bán hàng cho hàng trăm nghìn thương nhân bên thứ 3. Bộ phận điện toán đám mây của Amazon lưu giữ những khối lượng thông tin khổng lồ của thế giới doanh nghiệp trên các máy chủ dữ liệu. Amazon cung cấp nền tảng cho các công ty lớn như AirBnB và Netflix cũng như hơn một triệu khách hàng khác cùng nhau trao cho Amazon “quyền kiểm soát”.

Chỉ riêng trong đầu năm 2019, Amazon đã mua cổ phần hoặc mua lại các công ty chuyên về robot, quảng cáo và lái xe tự động, cũng như điện toán đám mây. Và ban điều hành công ty cho biết họ luôn tìm kiếm các giao dịch khác, tham vọng và to lớn hơn.

Thử nghiệm robot giao hàng

Thời gian gần đây, robot với hình dáng của một chiếc xe tải nhỏ được Amazon thử nghiệm để giao hàng trên vỉa hè Washington. Sáu con robot động cơ điện, được đặt tên là Scout, có nhiệm vụ giao các bưu phẩm trong khu vực quanh hạt Snohomish. Chúng chỉ hoạt động vào ban ngày và hiện luôn phải có một nhân viên của Amazon được cử đi kèm. Đây là thử nghiệm giao hàng bằng robot mới nhất trong một loạt các thử nghiệm tương tự, với hi vọng có thể thay thế các dịch vụ giao hàng hiện nay.

Scout được thử nghiệm giao hàng trong khu vực.

“Chúng tôi đã tạo ra Amazon Scout tại phòng nghiên cứu và phát triển ở Seattle, đảm bảo robot có thể điều hướng an toàn và hiệu quả khi cần tránh thú cưng, người đi bộ và các chướng ngại vật”, Phó chủ tịch Amazon Sean Scott viết trên blog của công ty. Robot xe tải Scout được giới thiệu trong một video quảng cáo, được trang bị nắp đậy tự động, có thể tự mở ra và để lộ gói bưu phẩm khi khách tới nhận hàng hóa. Chi tiết về cách giao hàng này vẫn chưa được đề cập. Hiện chưa có lời giải thích nào cho trường hợp khách hàng không có mặt ở nhà.

Amazon không đơn độc trong nỗ lực phát triển cách thức giao hàng bằng robot. Công ty công nghệ Robotics Starship cũng mới cho ra mắt một đội quân gồm hai chục robot tự hành để giao cà phê và pizza cho sinh viên ở Virginia. Robot có thể nhận yêu cầu thông qua ứng dụng, sau đó vận chuyển hàng hóa khắp khuôn viên Đại học George Mason. San Francisco cũng đã có robot giao hàng trên đường phố từ cách đây vài năm, với các công ty khởi nghiệp như Marble và Starship dẫn đầu thị trường.

Các robot giao hàng ở San Francisco cũng đã nhận vài phản ứng tiêu cực, khi người dân mô tả chúng như một mối đe dọa và đặt câu hỏi về sự an toàn khi cùng đi chung trên vỉa hè. Năm 2017, giám sát viên thành phố Norman Yee đưa ra quy định để hạn chế việc sử dụng robot, bao gồm giới hạn số lượng 3 robot cho mỗi công ty. Quy định này cũng yêu cầu robot giao hàng chỉ hoạt động trong một số khu phố nhất định và phải luôn có người đi kèm ở mọi thời điểm.

Amazon đầu tư nhiều vào robot và sáng chế.

Những phản ứng tiêu cực

Sự trỗi dậy của Amazon, dẫn đến sự lụi tàn của các nhà bán lẻ Sears, Toy 'R' Us và Barnes & Noble, đã khiến các nhà phê bình lo ngại về sức mạnh độc quyền, vấn đề thuế và hoạt động lao động - thậm chí là trách nhiệm của họ trong việc tăng giá bất động sản ở Seattle. Amazon có kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng một trụ sở lớn thứ 2 ở New York, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch này vì sự phản đối quyết liệt từ các chính trị gia bang và địa phương. Vấn đề về ưu đãi thuế mà Amazon, một trong những công ty thành công nhất thế giới đang được hưởng lợi, cũng là một chủ đề chung của giới phê bình.

Trước những chỉ trích đó, Bezos đã bắt đầu hiện diện công khai nhiều hơn trên mạng xã hội Twitter, chia sẻ những bức ảnh của cha mẹ và video về những con chó bị trượt chân ở Na Uy. Amazon cũng chiến đấu bằng tiền mặt, tăng gấp đôi cho việc vận động hành lang kể từ năm 2014 lên khoảng 14,4 triệu USD vào năm 2018, theo OpenSecrets.org.

Jeff Bezos đã gặp vợ cũ của mình khi đang làm việc tại Quỹ Phòng hộ DE Shaw. Họ có 4 đứa con.
Thành viên của công đoàn thương mại và các nhà hoạt động biểu tình phản đối Amazon ở Đức.

Bất chấp những nỗ lực đó, Amazon có một nhà chỉ trích không dễ thu phục: Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đã lên Twitter cáo buộc Amazon sử dụng mức giá vận chuyển quá thấp từ Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS). Tổng thống Trump cũng thường xuyên gắn liền các hoạt động của Amazon với Washington Post, mặc dù tờ báo là một khoản đầu tư tư nhân, độc lập của Bezos, người đã mua nó vào năm 2013.

Với khối tài sản trị giá gần 160 tỷ USD, Bezos cũng phải đối mặt với các câu hỏi về hoạt động từ thiện tương đối hạn chế của mình. Tháng 9-2018, người đàn ông giàu nhất thế giới tuyên bố sẽ trao 2 tỷ USD tài trợ cho một mạng lưới trường mầm non và giải quyết tình trạng vô gia cư ở Mỹ. Nhưng thay vì được hoan nghênh, cam kết của người sáng lập Amazon đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội.

Bezos đã nói rằng cách ông tham gia hoạt động từ thiện khác với hoạt động kinh doanh của mình, ông tập trung vào tác động tức thời thay vì những cái mang tính lâu dài. Thế giới sẽ chờ xem liệu chiến lược mới có còn thành công hay không.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.