3 “đầu tàu” kinh tế châu Âu gặp khó

Thứ Hai, 13/01/2020, 18:25
Theo tờ Sputniknews của Nga, nền kinh tế Đức vốn từ lâu đứng đầu châu Âu hiện đã bị đình trệ và đang trên bờ vực suy thoái mang tính kỹ thuật. Và, khi Đức không thể đóng vai trò “đầu tàu” của châu Âu, biểu hiện “cỗ xe tam mã” của Pháp và Anh cũng sẽ không được như mong đợi.

Trong lịch sử, khi nền kinh tế châu Âu suy thoái, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia trung tâm như Đức hay Pháp thường cao hơn các quốc gia ngoại vi như Italy hay Hy Lạp. Tuy nhiên, sự suy thoái của nền kinh tế châu Âu trong những năm gần đây đã xuất hiện một hiện tượng đặc biệt, đó là nền kinh tế Đức - quốc gia trung tâm - đang giảm tốc.

Từ quý III-2018 đến quý II-2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Đức lần lượt là 1,1%, 0,9%, 0,8% và 0%. Trong đó quý II-2019 không chỉ thấp hơn đáng kể so với Pháp và Anh (lần lượt là 1,4% và 1,3%), mà còn thấp hơn Hy Lạp (1,9%).

Từ những đóng góp của “Cỗ xe tam mã” (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) cho tăng trưởng kinh tế có thể thấy lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Đức giảm xuống bao gồm một là đóng góp xuất khẩu ròng tiếp tục âm, hai là đóng góp đầu tư tài sản cố định giảm xuống. Đóng góp xuất khẩu không được như mong đợi và các doanh nghiệp trong nước thiếu mong muốn đầu tư là những lý do quan trọng nhất khiến nền kinh tế Đức giảm tốc.

Nền kinh tế Đức, vốn đóng vai trò “đầu tàu” của châu Âu, đang trong giai đoạn khó khăn.

Thị trường và giới học thuật chỉ trích một số nước châu Âu đã thắt chặt quá sớm chính sách tài chính, điều này làm tăng áp lực tăng trưởng kinh tế cho chính sách tiền tệ. Nước nổi bật trong vấn đề này là Đức. Từ quý IV-2013 đến quý II-2019, thặng dư ngân sách của Đức trong GDP là thấp nhất trong số các nước lớn của châu Âu và tính đến quý II-2019 chỉ đạt 61,2%.

Nếu nói Hy Lạp và Italy vay nợ nhiều (tính đến quý II-2019 tỷ lệ nợ công trên GDP lần lượt là 182,1% và 138,6%) duy trì thặng dư tài chính hoặc thâm hụt tài chính tương đối nhỏ là điều cần thiết, thì biện pháp tiếp tục duy trì thặng dư tài chính của Đức quả thực đáng để bàn luận.

Điều đáng nói là sở dĩ nền kinh tế Đức trở nên “mong manh” khi đối phó với những thay đổi bên ngoài là do có liên quan nhất định đến tình hình xuất khẩu được dự báo lạc quan, hạn chế quá mức đối với đầu tư nước ngoài và tự do thương mại trong những năm gần đây. Trước đây, dựa vào ưu thế “đầu tàu về kinh tế”, Đức trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Âu.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào nước này. Năm 2016, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Đức, thậm chí vượt mức đầu tư của Đức vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm 2018, Đức bắt đầu tăng cường quản lý đầu tư nước ngoài, giảm ngưỡng xét duyệt thu mua công ty Đức của các nhà đầu tư nước ngoài từ 25% cổ phần xuống 10%. Niềm tin vào thương mại tự do của nước này vì thế cũng bị giảm xuống theo.

Ngoài ra, Đức cũng thể hiện thái độ do dự khi cho phép tập đoàn Huawei tham gia xây dựng mạng di động 5G. Đức đã đặt ra một điều kiện cho Huawei, yêu cầu tăng thêm mục kiểm tra độ ổn định trong mạng 5G của Huawei. Điều này được cho là ảnh hưởng không ít tới tư tưởng của các nhà đầu tư vào nước này.

Kế hoạch tăng thuế nhiên liệu là một trong những nguyên nhân gây ra phong trào “Áo gile vàng” tại Pháp.

Và một khi Đức không giữ được vai trò đầu tàu thì Pháp và Anh cũng khó mà xoay xở. Ngày 12-11-2019, Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết do kinh tế toàn cầu giảm tốc đã tạo ra áp lực cho ngành công nghiệp, nền tăng trưởng kinh tế của Pháp vào cuối năm 2019 sẽ giảm. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cấp cao của Pháp cho rằng sản xuất công nghiệp trong tháng 11 cũng sẽ chậm lại.

Năm 2018, chính quyền ông Emmanuel Macron có kế hoạch tăng thuế nhiên liệu đã gây ra phong trào “Áo gile vàng”. Tình trạng bất ổn trong nước cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp của Pháp tăng lên. Mặc dù Chính phủ Pháp đã nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của các hộ gia đình nhưng người dân vẫn thận trọng trong việc lựa chọn cách tiết kiệm đáng tin cậy hơn khi phải đối diện với nhiều yếu tố khó đoán định ở trong và ngoài nước cũng như tác động lan tỏa do chính phủ liên tục thực hiện kế hoạch cải cách kết cấu có thể gây ra trong tương lai. Điều này cũng làm cho hiệu quả của chính sách kích thích của chính phủ chưa thể chuyển hóa thành lợi ích tiêu dùng.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Pháp, từ tháng 3 đến tháng 10-2019, sức mua của người Pháp tăng khoảng 8,5 tỷ euro, quy mô tiêu dùng chỉ có 3.1 tỷ euro. Điều này có nghĩa là gần 2/3 tăng trưởng thu nhập chuyển sang tiết kiệm.

Với nước Anh, tiến trình Brexit nhiều lần gặp trở ngại khiến nền kinh tế Anh đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Theo dự đoán của Ngân hàng Trung ương Anh, GDP của Anh trong quý IV-2019 chỉ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 0,2%. Số liệu PMI ngành sản xuất chế tạo mới nhất cho thấy mặc dù chỉ số thịnh vượng của ngành sản xuất chế tạo và dịch vụ của Anh đã tăng trở lại nhưng mong muốn đầu tư của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Học viện Khoa học và xã hội Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Anh dự tính nếu Brexit có thỏa thuận thì thu nhập bình quân đầu người hằng năm sẽ giảm 750 đến 850 bảng; nếu Brexit không thỏa thuận thì thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 1.700 đến 2.010 bảng, GDP giảm 8%, tỷ lệ thất nghiệp tăng 7,5%, giá nhà giảm 30% và bảng Anh mất giá 25%.

Lan Ngọc (tổng hợp)
.
.