3 trận bóng đá làm chết nhiều người nhất trên thế giới

Thứ Hai, 21/05/2018, 13:58
Trong số 35 thảm họa thể thao đã từng xảy ra trong lịch sử, bóng đá đứng hàng đầu, chiếm tỉ lệ 63%. Dưới đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại 3 trận cầu làm chết người nhiều nhất…

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa - ngày 14-6 tới đây - giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) sẽ khai mạc tại thủ đô Moscow, Cộng hòa Liên bang Nga. Với khoảng 3,5 tỷ người hâm mộ, chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu, bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất.

Tuy nhiên một số sân vận động - chẳng hạn như sân Camp Nou của đội FC Barcelona - thường xuyên có hơn 100.000 khán giả đến theo dõi các trận đấu thì đó là môi trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nguy hiểm nếu xảy ra bạo loạn vì kích động.

Trong số 35 thảm họa thể thao đã từng xảy ra trong lịch sử, bóng đá đứng hàng đầu, chiếm tỉ lệ 63%. Dưới đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại 3 trận cầu làm chết người nhiều nhất…

1. Thảm họa Estadio Nacional

Ngày 24-5-1964, 2 đội tuyển bóng đá Peru và Argentina gặp nhau trong trận vòng loại cuối cùng để tranh vé đi dự Thế vận hội Olympic Tokyo, Nhật Bản. Trận đấu được tổ chức ở sân vận động quốc gia Estadio Nacional, Lima, Peru, thu hút 53.000 khán giả (5% dân số thủ đô Lima ở thời điểm đó) .

Cuộc tranh tài diễn ra rất sôi nổi với nhiều kịch tính. Khi chỉ còn 2 phút nữa là kết thúc - lúc này Argentina đã dẫn trước 1-0 thì bất ngờ Peru ghi được một bàn thắng, gỡ hòa. Tuy nhiên, trọng tài người Urugoay là ông Angel Eduardo Pazos đã không công nhận bàn thắng ấy nên chỉ khoảng 10 giây, ước chừng 30.000 khán giả Peru  đi từ niềm vui sướng bất ngờ đến sự giận dữ cùng cực vì họ cho rằng Angel Eduardo Pazos thiên vị.

Người hâm mộ giẫm đạp lên nhau tìm đường thoát thân trong khói hơi cay ở sân Estadio Nacional, Peru.

Thảm họa bắt đầu khi một người hâm mộ tên là Bomba lao ra sân, đấm thẳng vào mặt trọng tài, rồi một người hâm mộ khác cũng… ăn theo! Ngay lập tức, cả hai kẻ quá khích bị cảnh sát đánh tới tấp bằng dùi cui. Vụ việc được đẩy lên đến cực điểm khi cảnh sát xua chó nghiệp vụ vào, cắn xé cả hai. Jose Salas, một khán giả có mặt tại trận đấu nói với Đài Phát thanh Quốc gia Peru rằng: “Đó chính là chất xúc tác của thảm họa. Cảnh sát đánh anh ta như thể anh ta là kẻ thù và điều này đã khiến mọi người nổi cơn giận dữ. Cả tôi cũng vậy”.

Lập tức, đám đông trên các khán đài tràn xuống sân. Họ dùng nhiều loại đồ vật như chai nước, cán dù, mũ cứng…, tấn công cảnh sát cùng các quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Argentina. Phản ứng lại, cảnh sát bắn hơi cay vào những chỗ tập trung người quá khích, kể cả bắn lên khán đài nhằm ngăn chặn họ tràn xuống khiến hàng chục nghìn khán giả chen lấn, giẫm đạp lên nhau, chạy khỏi sân vận động qua 4 đường hầm dẫn đến cổng ra vào. Nhưng khi tới nơi, mới hay nó đã bị khóa chặt.

Đám đông quay trở lui, và lại lĩnh thêm hàng chục quả hơi cay nữa. Jose Salas kể tiếp: “Tôi bị kẹt trong đường hầm suốt 2 giờ. Người ta chen nhau chặt đến nỗi tôi bị ép giữa một khối người, hai chân không chạm đất”. Cuối cùng, chịu không nổi áp lực của sự xô đẩy, cánh cổng đổ sập, Jose Salas thoát chết nhưng rất nhiều người khác thì không may mắn như ông.

Khi trật tự lập lại, có 328 người chết vì ngạt thở và vì xuất huyết nội tạng do bị giẫm đạp. Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng, con số tử vong còn cao hơn nữa bởi lẽ cảnh sát đã cố tình che giấu cái chết của những người bị giết bằng súng. Thẩm phán Benjamin Castaneda, phụ trách cuộc điều tra yêu cầu bộ trưởng Bộ Nội vụ Peru phải nhận trách nhiệm trước sự tàn bạo của cảnh sát bởi lẽ chỉ với 2 kẻ quá khích ban đầu, nhưng cảnh sát đã sử dụng cả dùi cui lẫn chó nghiệp vụ, châm ngòi cho bạo loạn

2. Thảm họa Accra

37 năm sau, ngày 9-5-2001, một biến cố gần giống như ở Peru lại xảy ra. Hai đội bóng hàng đầu của Ghana, châu Phi, là Accra Hearts và Asante Kotoko thi đấu tại sân vận động Accra Sports. Trận đấu nhanh chóng biến thành thảm họa thể thao kinh hoàng nhất trong lịch sử bóng đá châu Phi.

3 trong số 127 người chết ở sân Accra Sports, Ghana.

Do biết trước tính chất cuồng nhiệt của các cổ động viên hai đội, an ninh đã được thắt chặt và mọi sự cố cũng đã được dự đoán. Thế nhưng lúc trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-1 nghiêng về đội Accra Hearts, những người hâm mộ đội Kotoko giận dữ bẻ gãy những chiếc ghế nhựa ra khỏi khung sắt rồi ném vào sân. Một số khác ủng hộ bằng cách đồng thanh la ó, đốt pháo sáng khiến không khí hết sức hỗn loạn. Giống như ở Peru, phản ứng của cảnh sát là bắn đạn hơi cay và đạn cao su vào đám đông - nhưng không chỉ bắn những kẻ quá khích mà bắn vào tất cả mọi người trên khán đài.

Ngay lập tức, 40.000 khán giả ào ào chạy ra khỏi sân vận động. Họ chen lấn, giẫm đạp lên nhau trong các hành lang dẫn đến cửa ra vào. Abdul Mohammed, một thợ cơ khí 35 tuổi nhớ lại: “Tôi ngã sấp xuống. Rất nhiều kẻ đạp lên đầu, lên vai, lên lưng và chân tay tôi. Trước khi ngất đi, tôi nghĩ mình sẽ chết”. Bilboard, một sinh viên và cũng là cổ động viên kể thêm: “Người chết nhiều lắm. Có người bị đè bẹp như cái bánh tráng. Một cậu bạn tôi gãy lìa xương bả vai, đứt luôn cả dây chằng khớp, cánh tay anh ấy lủng lẳng như tay con rối. Nếu như lúc ấy cảnh sát ngừng bắn hơi cay và mọi người chỉ cần đứng yên tại chỗ thì có lẽ tình hình chẳng đến nỗi nào…”.

Đến khi trật tự được lập lại, đội thu dọn hiện trường đếm được 127 tử thi, trong đó có Abdul Mohammed! Và cũng như ở Peru, họ chết vì ngạt thở, vì chảy máu nội tạng. Abdul Mohammed nói: “Tôi tỉnh dậy trong nhà xác. Đó là một phép lạ vì nếu không, chỉ khoảng nửa tiếng nữa người ta sẽ đem tôi đi chôn”.

Cũng cần nói thêm rằng thảm họa Accra là 1 trong 4 vụ việc liên quan đến bóng đá ở châu Phi với khoảng thời gian chỉ 1 tháng. Bốn tuần trước đó, ngày 11-4-2001, 43 người đã chết tại sân vận động Ellis Park của Nam Phi khi cảnh sát bắn hơi cay để giải tán đám đông quá khích, dẫn đến sự xô đẩy, giẫm đạp. Ngày 29-4, 18 người hâm mộ thiệt mạng trong một trận đấu ở Cộng hòa Dân chủ Congo và ngày 6-5, 21 người đã qua đời sau một cuộc bạo loạn bóng đá ở Bờ Biển Ngà.

3. Thảm họa Hillsborough

Ngày 15-4-1989 sẽ mãi mãi được những người hâm mộ môn thể thao sân cỏ Anh Quốc nhớ đến vì đó là ngày chết người nhiều nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu, đồng thời cũng là ngày mà cảnh sát bị đổ lỗi nhiều nhất vì thiếu kinh nghiệm xử lý thảm họa.

Những bông hoa tưởng niệm 96 nạn nhân xấu số ở sân Hillsborough, Anh Quốc.

Hôm ấy, trận bán kết tranh cúp Liên đoàn bóng đá Anh diễn ra giữa đội Liverpool và đội Nottingham Forest, thu hút gần 60.000 khán giả. Do nhận thức được tính “holigan” của một số người hâm mộ nên một sân vận động trung lập là sân Hillsborough được chọn làm nơi thi đấu. Tại sân này, cổ động viên của hai đội bị tách riêng ra, trong đó số cổ động viên của đội Liverpool nhiều hơn cổ động viên  đội Nottingham Forest nên đã dẫn đến tình trạng quá tải ở lối vào vì chỉ có 7 cửa quay (là loại cửa đi vào thì được nhưng không ra được vì nó mở một chiều).

Để giảm bớt lượng người mỗi lúc một đông, David Duckenfield, giám đốc sân Hillsborough cùng các cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho trận đấu quyết định mở thêm một cổng thoát hiểm, dẫn vào một đường hầm nằm dưới khán đài rồi trổ lên sân. Tại đó, có một hàng rào bằng sắt ngăn giữa sân và đường hầm, chỉ mở khi có tình huống khẩn cấp.

Ngay lập tức, gần 3.000 người hâm mộ đổ vào cổng thoát hiểm - gấp đôi khả năng an toàn. Họ chen lấn nhau, ai cũng cố giành để lên được sân vì trận đấu đã bắt đầu từ ít phút trước. Đến trước hàng rào, thay vì chờ cảnh sát mở ra, nhiều người trèo lên khiến nó đổ sụp. Và do đường dẫn đến cửa hầm khá dốc so với mặt sân nên khi hàng rào sắt bị đổ, dòng người đang leo lên ngã về phía sau, kéo theo hiệu ứng dây chuyền. Hàng chục người bị đè chết trước mặt cảnh sát, các khán giả và các quan chức Liên đoàn bóng đá Anh Quốc ngồi trên khán đài.

Đến phút thứ sáu tính từ lúc thảm họa xảy ra, sự hỗn loạn lên đến đỉnh điểm khiến trọng tài phải cho trận đấu dừng lại, đồng thời 7 cửa quay được lệnh tháo các chốt hãm để những người trong đường hầm có thể thoát ra. Khi trật tự đã vãn hồi, 96 người chết vì ngạt thở, 766 người khác bị thương trong đó hơn 1/3 bị thương rất nặng. Thiếu cáng, cảnh sát và các cổ động viên phải tháo những tấm biển quảng cáo để khiêng nạn nhân ra ngoài.

Tiến hành thẩm vấn David Duckenfield, giám đốc sân Hillsborough, ông  cho biết cổng thoát hiểm bị chính các cổ động viên mở ra chứ không phải là ông hay cảnh sát ra lệnh. Chưa hết, David Duckenfield còn nói rằng các đội cấp cứu đã nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện trong lúc thực tế chỉ có 14 người được đội cấp cứu đưa đi. Số còn lại là do các cổ động viên và những khách qua đường tình cờ chứng kiến thảm họa. Các cuộc điều tra sau đó đã cho thấy nếu được trợ giúp y tế kịp thời, ít nhất 41 người sẽ không phải chết oan uổng.

Nguyên nhân của thảm họa

Có hàng loạt các nguyên nhân gây ra những thảm họa bóng đá, và số tiền chi cho việc giữ gìn an ninh tại các trận bóng đá dường như không làm giảm bớt bi kịch này. Nam Phi chẳng hạn, ban tổ chức đã chi 133 triệu USD cho các nhân viên bảo vệ World Cup 2010 nhưng vẫn xảy ra đình công vì tiền lương chậm trễ, dẫn đến những náo loạn trên sân cỏ nhưng may mắn là không ai thiệt mạng.

Tương tự như vậy, Brazil đầu tư gần 900 triệu USD cho những thiết bị công nghệ cao giám sát World Cup 2014 đồng thời sử dụng 25.000 nhân viên an ninh để kiểm soát 75.000 người hâm mộ tham dự trận chung kết. Nếu tính bình quân thì cứ 3 người hâm mộ lại có 1 nhân viên an ninh. Vậy mà vẫn có 1 người bị cảnh sát bắn chết vì cố tình mang một chai Pepsi bằng thủy tinh lên khán đài.

“Bóng đá luôn đi cùng với bạo lực”, Maradona, một trong những ông vua phá lưới của mọi thời đại nói: “Khi quả bóng đã lăn trên sân cỏ, rất nhiều người không kiềm chế được cảm xúc của mình. Lúc ấy chỉ cần trọng tài có một động tác bị coi là thiên vị, hoặc sự phấn khích cuồng nhiệt của cổ động viên phía bên này hay bên kia nếu đội họ ủng hộ ghi bàn thắng, sẽ rất dễ châm ngòi bạo động. Hãy nhớ đến thảm họa ở sân vận động Post Said Stadium Riot, Ai Cập, năm 2012, khi những cổ động viên của đội Al-Masry trang bị dao, kiếm, lao vào đâm chém cổ động viên đội Al-Ahly, làm chết 97 người mà nguyên nhân chỉ vì những lời chê bai một cầu thủ …”.

Vũ Cao (theo Football Magazine)
.
.